'Spotlight': Vẻ đẹp của sự thật lên ngôi

07:00 | 02/03/2016

988 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không màu mè, không kỹ xảo, không có những cú “twist”, không cả sự phán xét, “Spotlight” – thực sự là lựa chọn xác đáng cho hạng mục “Phim hay nhất” tại Oscar 2016.

Trước thềm Oscar 2016, mặc dù được đề cử ở hạng mục “Phim truyện xuất sắc nhất” nhưng khả năng chiến thắng của Spotlight vẫn còn để ngỏ, thậm chí xác suất không cao bởi đề tài phim khá nhạy cảm. Cho nên khi Spotlight được xướng tên, không chỉ ekip của đoàn phim mà còn rất nhiều nhà phê bình và khán giả yêu điện ảnh vỡ òa sung sướng. Bởi, giải thưởng ấy không chỉ tôn vinh một đội ngũ làm nghề mà còn đại diện cho vẻ đẹp của sự thật, của những nhà báo dũng cảm.

Câu chuyện có thật gây chấn động nước Mỹ

Ngày 6/1/2002, tờ Boston Globe xuất bản bài báo tố cáo linh mục John J. Geoghan nhiều lần phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em trong 34 năm làm việc trong hệ thống nhà thờ công giáo Boston, Mỹ. Bài báo khởi đầu loạt phóng sự của nhóm phóng viên điều tra spotlight, vạch trần tội ác tương tự của năm linh mục kỳ cựu khác.

spotlight ve dep cua su that len ngoi
Phim Spotlight

Để có được bài phóng sự thuyết phục và xác thực, đội ngũ “spotlight” (Tạm dịch: tiêu điểm. Một nhóm nhà báo điều tra có lịch sử lâu đời nhất nước Mỹ tại tờ The Boston Globe và hoàn toàn giữ bí mật với các đồng nghiệp khác trong tòa soạn) đã phải làm việc cật lực, vượt qua nhiều khó khăn, cản trở bởi sự bao che một cách có hệ thống từ phía giáo hội, sự khủng hoảng về niềm tin, rào cản từ phía chính quyền và cả biến cố khách quan (sau vụ khủng bố 11.9)... Nhưng nỗ lực ấy đã được đền đáp.

Series phóng sự gây rúng động, kéo theo hàng trăm nạn nhân từng bị xâm hại may mắn còn sống (nếu không rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần và tự sát) khắp nước Mỹ gọi điện đến tờ báo, ra tòa án tố cáo của những linh mục. Người ta phát hiện riêng ở Boston có 249 linh mục nhiều lần phạm tội ấu dâm và được bao che. Sự kiện rúng động lan ra ngoài biên giới Mỹ, kéo theo hàng loạt vụ án tương tự của linh mục ở Canada, Australia và Ireland bị phơi bày ra ánh sáng. Giáo hội công giáo La Mã gặp khủng hoảng và Hồng Y Boston Cardinal Law phải từ chức.

Năm 2003, spotlight đã được trao giải Pulitzer Báo chí ở hạng mục Phục vụ cộng đồng (Pulitzer Prize for Public Service). Giải Pulitzer khẳng định: “Loạt phóng sự của Boston Globe cung cấp thông tin sâu rộng và can đảm. Nhóm nhà báo có thành tích phá vỡ bí mật nhiều năm, khuấy đảo dư luận quốc gia và quốc tế, tạo ra thay đổi trong Nhà thờ công giáo La Mã.”

Sau khi vụ bê bối lắng xuống, câu hỏi được đặt ra ở đây là: “Tại sao phải mất 34 năm, với ba đời hồng y giáo chủ kế nhiệm và nhiều đời giám mục thì người ta mới đưa được nhiều đứa trẻ ra khỏi tầm tay của Geoghan?” Nicole Rocklin và Blye Faust cảm thấy bị cuốn vào câu chuyện và muốn làm một bộ phim mô tả quá trình điều tra của phóng viên thuộc tổ “spotlight”.

Năm 2009, dự án phim được khởi động. Khó khăn ở đây là dù có hàng trăm bài báo cùng nhiều cuốn sách (kể cả cuốn viết về nhóm spotlight) đề cập đến vụ bê bối của Giáo hội lại không có cuốn nào mô tả quá trình các phóng viên đã phơi bày như thế nào.

Và, để có được một kịch bản phim độc đáo, riêng biệt, John Singer và Tom McCarthy (hai nhà biên kịch của phim) đã phải tiến hành hàng chục cuộc phỏng vấn các nhà báo, biên tập viên và bất kỳ ai có liên quan đến cuộc điều tra. Mark Ruffalo, người thủ vai phóng viên Rezendes nhận xét: “Kịch bản phim hết sức đặc biệt bởi các đề tài trong đó. Câu chuyện đi vào trọng tâm của một ‘hành động tàn bạo diễn ra từ từ’.”

Giản dị và mạnh mẽ

Chạm đến đề tài khó nhằn, chạm vào đức tin và trẻ thơ – những điều thiêng liêng nhất trong tâm trí con người - nhưng Spotlight không gây phản cảm, khó chịu cho người xem mà khiến khán giả đồng cảm với những nhà báo trên hành trình tìm đến công lý. “Với tôi, những câu chuyện như thế này là một trong những lý do để làm báo.” – lời của Tổng biên tập Marty Baron nói với 5 cộng sự.

spotlight ve dep cua su that len ngoi
6 nhà báo trong Spotlight

McCarthy có thể không phải là bậc thầy về hình ảnh nhưng xứng đáng là bậc thầy kể chuyện. Không phải là những nhà báo vĩ đại khiến tổng thống Mỹ phải từ chức như All The President’s Men, Spotlight gây ám ảnh người xem bằng lối kể chuyện điềm đạm, dưới khung cảnh yên bình bao quát thành phố Boston với hàng trăm ngọn tháp của các nhà thờ, nơi những con chiên ngoan đạo ngày ngày đến cầu nguyện.

Tỉnh táo, không sướt mướt, không sa đà vào các nạn nhân, không có những vị mục sư bị chỉ trích, không có cảnh ấu dâm hay bạo lực, Spotlight với kinh phí vỏn vẹn 20 triệu USD, hấp dẫn người xem đến giây phút cuối cùng.

Chọn hướng nhìn ở cách spotlight tìm ra sự thật, phim khéo léo vén màn những hy sinh thầm lặng của người làm báo, tôn vinh những giá trị của nhà báo, của báo chí trong thời đại truyền thông phát triển mạnh mẽ, nhiều tờ báo lá cải ra đời.

Sáu nhà báo trong phim đều là những cá nhân có phẩm chất đáng giá. Họ giàu sáng kiến, có tầm nhìn, dũng cảm, có niềm tin mạnh mẽ và theo đuổi đến cùng công việc. Họ chuyên nghiệp, bình tĩnh và không hấp tấp vì sợ những tờ báo bạn đưa tin trước. Họ xuất sắc khi làm việc độc lập nhưng cũng biết cách hòa hợp, dẹp bớt cái tôi cho mục tiêu chung: không đánh riêng lẻ mà đánh vào hệ thống. Màn tương tác ăn ý và nhịp nhàng giữa các diễn viên Mark Ruffalo, Michael Keaton, Rachel McAdams, Live Schreiber, John Slattery… đã làm bật lên được tinh thần tập thể của spotlight.

Phim còn là tràng pháo tay tưởng thưởng cho những ai dũng cảm, đi theo sự thật đến cùng. Nó khiến người ta tự vấn về lòng trung thực, về trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng. “Anh nên nhớ rằng, nếu cần một ngôi làng để nuôi lớn đứa trẻ thì cũng cần cả một ngôi làng hiếp dâm đứa trẻ ấy!” Libby Nelson của tờ Variety, sau buổi công chiếu đã kêu lên: “Cách kể chuyện quá thông minh!” Không có gì đáng ngạc nhiên khi Spotlight bên cạnh giải thưởng phim hay nhất còn ẵm cả giải “Kịch bản xuất sắc nhất”.

Spotlight đã nhận được sự hưởng ứng của khán giả ngoài thành phố Boston và các nhà phê bình tại các LHP uy tín như Venice, Toronto,… và nhận được nhiều giải thưởng quan trọng từ Hiệp Hội phê bình phim Mỹ (NSFC), Independent Spirit Awards (giải thưởng dành cho phim độc lập, không do các hãng phim lớn ở Hollywood sản xuất).

Thiên Di