Soạn giả Viễn Châu: Người khai sinh tân cổ giao duyên
Người khai sinh tân cổ giao duyên
Vào những năm 60 của thế kỷ trước khi sân khấu cải lương đang thời hưng thịnh, ở Sài Gòn các bài ca cổ được công chúng đón nhận như một món ăn tinh thần của người sành điệu. Nhiều nghệ sĩ lớn nhớ rằng, thời đó, soạn giả có uy tín lắm, được hàng chục hãng đĩa săn đón, trân trọng.
Chính sự cạnh tranh giữa các hãng đĩa thời bấy giờ cũng như yêu cầu của người mê cải lương, vọng cổ đã khiến người làm nghệ thuật phải suy nghĩ để tìm ra cái mới. Nếu như nghệ sĩ Năm Châu đi theo xu hướng sân khấu “thật” và “đẹp”, kết hợp giữa cải lương với kịch phương Tây thì trên đà phát triển chung đó đã có rất nhiều người muốn cách tân sáng tạo bài vọng cổ. Soạn giả Viễn Châu cũng nằm trong số những người có tâm hồn khao khát đó.
![]() |
Soạn giả Viễn Châu thời trẻ (bìa trái). Ảnh tư liệu |
Sinh thời ông từng tâm sự về cơ duyên ra đời bảng tân cổ giao duyên đầu tiên: “Năm 1958, sau nhiều đêm suy nghĩ, nhờ biết chơi đờn guitar và đờn tranh, tôi thử đem bài tân nhạc “Chàng là ai?” của anh Nguyễn Hữu Thiết hòa với bài vọng cổ. Tôi mạnh dạn bỏ hai câu 3, 4 vì dễ bị trùng lắp để đưa tân nhạc vào, tạo thành một bài tân cổ giao duyên hoàn chỉnh. Sau đó đưa cho hãng đĩa thu âm và phát hành. Hãng đĩa Hồng Hoa phát hành đĩa vàng tân cổ giao duyên với giọng ca cô Lệ Thủy, lập tức bài tân cổ giao duyên được đông đảo thính giả đón nhận”.
Dù thời bấy giờ, thể loại mới này gây nhiều tranh cãi trên báo chí nhưng sức tồn tại của nó cũng như sự hâm mộ của công chúng đối với tân cổ giao duyên là rất lớn.
Với quá trình làm việc miệt mài, sức sáng tạo không ngừng nghỉ, soạn giả Viễn Châu được xưng tụng là ông vua của của các vị vua cải lương và là người tạo danh cho nhiều nghệ sĩ lớn. Bởi rất nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện được khán giả mộ điệu yêu thích và ngày càng nên nổi tiếng.
Nhiều bài hát của soạn giả Viễn Châu gắn liền với nhiều danh ca như “Tình anh bán chiếu” (NSND Út Trà Ôn), “Hoa lan trắng” (NS Út Bạch Lan), “Áo tình đắp mộ người yêu” (NSƯT Ngọc Giàu), “Tiếng trống tàn canh” (NS Thành Được), “Quan âm Thị Kính” (NSƯT Lệ Thủy), “Tu là cội phúc” (NS Minh Cảnh), “Lắng tiếng chuông ngân” (NSƯT Thanh Nga), “Nửa đêm sầu hận” (NSƯT Mỹ Châu), “Hạng Võ biệt Ngu Cơ” (NSTấn Tài), “Mồ chồng ngọn cỏ còn xanh” (NSƯT Minh Phụng),... Và sau này là các nghệ sĩ trẻ như Vũ Linh, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Vũ Luân...
Không chỉ sáng tác tân cổ giao duyên mà ông còn sáng tác nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa...
NSND Ngọc Giàu và cũng là học trò của soạn giả Viễn Châu từng khẳng định: “Không có thầy Viễn Châu là không có Ngọc Giàu cũng như hầu hết các tên tuổi cải lương nổi tiếng của cải lương thời hoàng kim”.
Nhiều người cho rằng những bài vọng cổ của soạn giả Viễn Châu sống lâu được trong lòng người mộ điệu có lẽ bởi ca từ dễ ca, dễ nhớ nhưng các bài vọng cổ của ông lại hàm chứa một lượng kiến thức rất sâu rộng, từ dân ca, tục ngữ đến các điển tích xa xưa. Cái hay là ông đưa những kiến thức đó vào trong bài ca một cách rất ngọt.
Mê đờn ca từ nhỏ
Soạn giả Viễn Châu sinh năm 1924, là con thứ sáu trong một gia đình Nho giáo ở xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Tên khai sinh của ông là Huỳnh Trí Bá, theo cách gọi của người miền Nam là Bảy Bá. Thuở còn học ở trường, ông đã mê đờn ca và thường có mặt trong các buổi đờn ca tài tử.
Sự hiểu biết bài bản cải lương là do ông học lóm từ chương trình ca cổ nhạc ở đĩa nhựa và đài phát thanh. Ngoài ra, ông còn được dịp làm quen, học hỏi về đờn ca với nhiều ban nhạc và nghệ sĩ như Văn Võ hí ban, bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng mỗi khi đến địa phương lưu diễn. Bảy Bá ngày ấy có khiếu viết văn, làm thơ và ham mê âm nhạc. Năm 15 tuổi ông tỏ ra xuất chúng về ngón đàn tranh.
![]() |
Soạn giả Viễn Châu bên cây đờn tranh |
Năm 1943, theo lời rủ rê của người bạn, ông tìm đến Đài phát thanh Sài Gòn xin đờn thử. Nhờ ngón đờn tài hoa, ông được nhận vào ngay. Khi ấy, Bảy Bá có quen với nhạc sĩ Mười Còn, lúc đó đang đờn cho đoàn Việt kịch Năm Châu (NSND Năm Châu). Bất ngờ, trước chuyến lưu diễn ra Hà Nội, nhạc sĩ đàn tranh của đoàn bị bệnh, Bảy Bá được nghệ sĩ Mười Còn kêu vào thế chân. Từ đó, ông có cơ hội tiếp xúc với các nghệ sĩ Năm Châu, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang, Duy Lân... và bắt đầu học sáng tác. Sau này, dù trải qua nhiều bước thăng trầm trong cuộc đời, những biến thiên của thời cuộc nhưng soạn giả Viễn Châu chưa bao giờ ngừng sáng tác, trừ những khi sức khoẻ không cho phép.
Có lẽ chính niềm đam mê đờn ca từ bé và có ngón đàn tranh điêu luyện, lại có cơ hội tiếp xúc, học hỏi với nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn thời bấy giờ đã cho ông vốn kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống trong sáng tác. Đồng thời, soạn giả Viễn Châu là người luôn học hỏi, đọc nhiều, nhiều tác phẩm văn học kinh điển đã đi vào tiềm thức, được ông chắt lọc, chọn lựa để khi ông viết thì bài vọng cổ nào cũng làm cho giới mộ điệu say mê với những ca từ dễ ca dễ nhớ.
Cùng với sự học không ngừng và khả năng sáng tạo không ngơi nghỉ, đến khi rời cõi tạm soạn giả - NSND Viễn Châu đã để lại cho đời hơn 2000 bài ca vọng cổ và 70 vở cải lương. Ông thực sự xứng đáng khi được xưng tụng là “vua vọng cổ”.
Nguyệt Anh
-
Dự báo thời tiết 3 miền trên cả nước dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
-
Ấn tượng màn trình diễn của 10.500 drone tổng duyệt mừng Đại lễ 30/4
-
Tử vi tuần mới (28/4-4/5/2025): Tuổi Thìn sự nghiệp thăng tiến, tuổi Hợi thành tựu tự hào
-
[Chùm ảnh] Tiêm kích Su-30MK2 thả bẫy nhiệt giữa bầu trời TP HCM
-
[P-Magazine] Tổng duyệt diễu binh kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Tử vi tuần mới (28/4-4/5/2025): Tuổi Thìn sự nghiệp thăng tiến, tuổi Hợi thành tựu tự hào
- Tử vi tuần mới (21-27/4/2025): Tuổi Tuất năng lượng dồi dào, tuổi Tỵ quý nhân tương trợ
- [VIDEO] Ngắm tượng Phật Quan âm cao nhất Đông Nam Á tại Quảng Ngãi
- Tử vi tuần mới (14-20/4/2025): Tuổi Hợi vận may tài lộc, tuổi Sửu cơ hội thăng tiến
- Tử vi tuần mới (7-13/4/2025): Tuổi Mùi hạnh phúc vẹn tròn, tuổi Mão công danh sáng rõ
- Tử vi tháng 4/2025: Tuổi Ngọ sự nghiệp khởi sắc, tuổi Thân vượng vận đào hoa
- Tử vi tuần mới (31/3-6/4/2025): Tuổi Tý tài lộc vượng phát, tuổi Dậu quý nhân trợ vận
- Tử vi tuần mới (24-30/3/2025): Tuổi Sửu nỗ lực không ngừng, tuổi Dần tài lộc bội thu