Shell đã thay đổi thế giới như thế nào?

07:05 | 24/06/2018

3,173 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giữa thế kỷ XIX, Marcus Samuel, một cậu bé 15 tuổi người Hà Lan gốc Do Thái, rời Hà Lan sang Anh, sống tại một trong những khu phố nghèo nhất của London. Và không ai có thể ngờ cậu bé ấy về sau trở thành cha đẻ của Hãng Shell, một trong những tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Cuộc chiến với Standard Oil

Giữa thế kỷ 19, thị trường dầu mỏ thế giới là một đấu trường khốc liệt của các “quái kiệt”: Rockefeller, anh em Nobel và gia đình Baron Rothschild. Nobel và Rothschild, những người khai thác dầu Baku, đã cố gắng đoàn kết trong cuộc chiến chống lại Standard Oil của Rockefeller, nhưng thất bại. Do đó, Rothschild quyết định tìm một người có thể tin cậy để bán dầu mỏ và dầu hỏa của Baku. Các yêu cầu chính cho ứng viên là kỹ năng tổ chức và... máu mạo hiểm (không phải ai cũng có thể dám chiến đấu với Standard Oil). Qua bạn bè giới thiệu, Rothschild đã gửi lời yêu cầu tới Marcus Samuel.

shell da thay doi the gioi nhu the nao
Một trong những tàu chở dầu đầu tiên của Shell

Marcus Samuel nhận lời đề nghị. Sau khi nghiên cứu tình hình, Samuel kết luận rằng, để thắng Rockefeller, nhất thiết phải xâm nhập các thị trường truyền thống của Standard Oil và bán dầu với giá rẻ hơn, thậm chí bán phá giá, nếu cần.

Năm 1890, một lần sang Nga, trong nhà máy đóng tàu của Nga Marcus Samuel đã thấy loại tàu chở dầu khá thô sơ và quyết định chóng vánh: để đánh bại Rockefeller, cần phải đóng loại tàu chở dầu tiên tiến để có thể đi qua kênh đào Suez. Hồi đó, Standard Oil chỉ đóng dầu hỏa vào thùng thiếc, khối lượng vận chuyển rất hạn chế, chuyên chở bằng thuyền buồm, muốn đến được châu Á phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, xa hơn so với đường qua kênh đào Suez đến 4.000 hải lý, nhưng kênh này không cho thuyền gỗ chở dầu lưu thông vì lý do an toàn cháy nổ.

Trở về từ Nga, Samuel cho đóng một loại tàu chở dầu mới, có độ an toàn cao hơn. Ông đàm phán với Rothschild về một thỏa thuận bảo đảm cung cấp dầu và ráo riết vận động hành lang để đạt được giấy phép cho tàu chở dầu có thể di chuyển qua kênh đào Suez. Marcus Samuel còn gửi hai đứa cháu của mình đến Đông Á để chế tạo các kho bồn nhằm chứa và bán dầu hỏa.

Năm 1891, Rothschild đã ký một thỏa thuận cung cấp dầu Baku cho Samuel trong 10 năm. Đầu năm 1892, Samuel nhận được giấy phép chính thức cho tàu dầu đi qua kênh đào Suez và vào mùa hè cùng năm, con tàu chở dầu đầu tiên của ông có tên Murex đã đến Batum để vận chuyển dầu hỏa của Baku sang Đông Á.

Mùa thu 1892, tàu Murex đã đến Bangkok, điểm cuối của hành trình. Trên thị trường thế giới bất ngờ xuất hiện một lượng dầu hỏa khổng lồ, rẻ hơn nhiều so với dầu của Standard Oil, khiến dòng họ Rockefeller chết điếng. Sau chiến thắng đầu tiên, Samuel thuận đà tung phá. Chỉ 1 năm sau, 10 chiếc tàu chở dầu khác đã được đóng mới và từ đầu thế kỷ XX, gần như tất cả dầu vận chuyển qua Suez đều là tài sản của một công ty mới mang tên Shell - loài sò mang lại tiền và danh tiếng cho Marcus Samuel.

Hòa hiếu với Royal Dutch

Cũng ở khoảng cuối thế kỷ XIX, tại vùng Đông Ấn thuộc địa của Hà Lan, Công ty Royal Dutch của Hà Lan đang sản xuất và kinh doanh thuốc lá bỗng nhảy ngang sang lĩnh vực dầu mỏ. Mặc dù vùng Đông Ấn (Malaysia, Indonesia, Bruney…) giàu dầu mỏ, nhưng Royal Dutch thiếu kinh nghiệm và phương tiện kỹ thuật nên ì ạch mãi vẫn không phất lên được.

shell da thay doi the gioi nhu the nao
Sản phẩm của Shell ngày nay

Thế rồi, từ năm 1892, Royal Dutch đã tạo được sản phẩm dầu hỏa hiệu Crown Oil để hy vọng cạnh tranh với Shell và Standard Oil. Nhưng rồi hy vọng này nhanh chóng tắt ngúm, Royal Dutch buộc phải “quy về dưới trướng” Shell.

Vào đầu thế kỷ XX, có 3 công ty lớn ngự trị thị trường dầu mỏ thế giới: Standard Oil, Shell và Royal Dutch. Nhưng Shell và Royal Dutch đứng trước trước nguy cơ bị Standard Oil nuốt chửng, nên tìm cách sáp nhập để tránh mối nguy này. Tuy nhiên, Samuel và Deterding (người đứng đầu Royal Dutch) lại không thể thống nhất về chiến lược phát triển trong tương lai. Samuel mong muốn một quan hệ đối tác chiến lược bình đẳng, còn Deterding thì khăng khăng về một sự thống nhất hoàn chỉnh dưới lá cờ của Hoàng gia Hà Lan.

Sau 7 năm đàm phán căng thẳng, chiến thắng đã thuộc về Deterding. Năm 1907, Tập đoàn Royal Dutch/Shell được thành lập. Samuel có được vị trí danh dự là Chủ tịch Shell Transport & Trading và được phép tham gia ý kiến trong các dự án khác nhau của tập đoàn. Thực chất đó chỉ là một chức vụ “hữu danh vô thực”.

Trong khi đó, Deterding đã một tay dẫn dắt Royal Dutch/Shell lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Công ty phát triển năng động, mở rộng địa bàn hoạt động và giành quyền phát triển các mỏ dầu tại Rumani (1906), Nga (1910), Ai Cập và Venezuela (1913).

Vào năm 1910, Deterding đã cố gắng thuyết phục Standard Oil về việc phân chia ảnh hưởng ở các khu vực, nhưng để đáp lại, Standard Oil lại đưa ra đề nghị mua Royal Dutch/Shell với giá 100 triệu USD. Điên tiết, Deterding quyết định dàn trận ngay trên sân đối phương: Năm 1912, Royal Dutch/Shell thâm nhập thị trường nội địa Hoa Kỳ. Nhưng cuộc chiến thú vị nhất về dầu mỏ diễn ra không phải ở Mỹ, mà là ở Nga.

Lợi dụng người Nga

Từ năm 1910, Royal Dutch/Shell bắt đầu mua các công ty dầu mỏ từ nhỏ tới lớn ở Nga và từ năm 1913 đã sở hữu tất cả các doanh nghiệp Nga vốn trước đó thuộc về Rothschild. Đến năm 1914, Royal Dutsh/Shell trở thành tập đoàn dầu mỏ lớn thứ hai ở Nga, chỉ đứng sau Nobel.

Ngày nay, Royal Dutsh/Shell có mặt tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới. Đến năm 2001, Royal Dutch/Shell được coi là công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới và chỉ tụt xuống hàng thứ hai sau khi hai gã khổng lồ của Mỹ là Exxon và Mobil sáp nhập.

Tuy nhiên, thành công của Royal Dutsh/Shell tại Nga đã bị dừng lại bởi cuộc cách mạng và quá trình quốc hữu hóa tiếp theo đó trong các lĩnh vực khai thác mỏ dầu, lọc dầu và kinh doanh dầu mỏ. Nhưng dù sao, lợi dụng việc phương Tây cô lập nước Nga - Xôviết non trẻ về chính trị và kinh tế, Deterding đã ranh mãnh tung ra tin đồn là Royal Dutsh/Shell sẽ được độc quyền mua dầu xuất khẩu của Nga, khiến giá cổ phiếu của công ty tăng vùn vụt, nhờ đó ông bỏ túi được rất nhiều tiền.

Trong suốt thời gian Thế chiến II, Royal Dutsh/Shell là nguồn cung cấp nhiên liệu đáng tin cậy cho quân Đồng minh đánh quân phát xít Đức.

Năm tháng trôi qua, Royal Dutsh/Shell (thường được gọi đơn giản là Shell) đã không ngừng phát triển.

Năm 1959, công ty phát hiện mỏ khí lớn nhất ở châu Âu, mỏ Groningen ở Biển Bắc. Năm 1971, công ty đã phát hiện mỏ dầu Brent khổng lồ ở lãnh hải Na Uy trên biển Bắc, tên gọi đã được đặt cho một loại dầu nhẹ phổ biến.

Ngày nay, Royal Dutsh/Shell có mặt tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới (tài sản lớn nhất được đặt tại Mỹ, Nigeria, Anh, Oman và Malaysia), khoảng 92.000 nhân sự.

Cho đến năm 2001, Royal Dutch/Shell được coi là công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới và chỉ tụt xuống hàng thứ hai sau khi hai gã khổng lồ của Mỹ là Exxon và Mobil sáp nhập. Royal Dutsh/Shell chiếm khoảng 7% sản lượng hydrocacbon toàn cầu (2,8 triệu thùng dầu quy đổi mỗi ngày), trữ lượng khoảng 12 tỉ thùng. 50 nghìn trạm xăng thương hiệu Shell trên toàn thế giới bán ra 6,6 triệu thùng xăng dầu/ngày. Royal Dutch Shell có đội tàu chở dầu lớn nhất thế giới với hơn 80 tàu dầu và các phương tiện vận tải khí với tổng trọng tải 10 triệu tấn. Doanh thu của Royal Dutch Shell năm 2017 là 305 tỉ USD, lợi nhuận ròng 13 tỉ USD.

D.H