Sau 30 năm, FDI vẫn chưa có sự bứt phá về chất và lượng so với nguồn vốn khác

07:00 | 10/07/2018

785 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 9/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020-2030, nhằm cung cấp các phát hiện và khuyến nghị tham khảo cho chính phủ xây dựng định hướng thu hút FDI trong giai đoạn mới.  
sau 30 nam fdi van chua co su but pha ve chat va luong
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho hay, năm 2018 là năm Việt Nam kỷ niệm 30 năm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nhưng ông thừa nhận, hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI còn hạn chế khi chưa có sự bứt phá so với nguồn vốn khác về số lượng và chất lượng. Mục tiêu thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn không được như kỳ vọng. Sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các dự án trong nước, tạo giá trị gia tăng của vốn này còn hạn chế.

Trước bối cảnh mới của thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo tổng kết 30 năm thu hút nguồn vốn FDI. Hiện báo cáo đang trong quá trình dự thảo và sẽ trình Chính phủ vào tháng 10 năm 2018. Báo cáo sẽ đánh giá kết quả thành tựu của FDI đến kinh tế xã hội của Việt Nam, vấn đề quản lý nguồn vốn FDI trong 30 năm qua, xây dựng phương hướng giải pháp nhằm có giải pháp cho một số vấn đề đặt ra như: chính sách ưu đãi còn phù hợp với bối cảnh mới? lĩnh vực nào cần ưu tiên thu hút?

Đồng thời, báo cáo cũng sẽ cân nhắc các giải pháp xây dựng tiêu chí sàng lọc, ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường. Báo cáo cũng đưa ra giải pháp tăng liên kết giữa doanh nghiệp FDI và trong nước, trong bối cảnh có cân nhắc tới 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, trong thập kỷ vừa qua dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng khoảng gấp 10 lần, vượt qua hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Đồng thời, ông Thắng tin rằng, Báo cáo khuyến nghị về Chiến lược và Định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020-2030 của Việt Nam được đưa ra sẽ đặt nền tảng cho một cách tiếp cận mới ở cấp quốc gia về FDI và góp phần vào việc đạt được các mục tiêu phát triển của đất nước.

sau 30 nam fdi van chua co su but pha ve chat va luong
Toàn cảnh hội nghị

Theo báo cáo các khuyến nghị về Chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020 - 2030, FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố như chi phí lao động thấp và có cơ chế ưu đãi lớn.

Thực tế, các nhà đầu tư đã xác định rằng, việc thiếu lao động có kỹ năng là một rào cản đối với tăng trưởng; trong khi việc thiếu các chuỗi cung ứng tích hợp tại các địa phương, khan hiếm các nhà cung ứng trong nước có chất lượng và các chính sách hiệu quả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương càng làm giảm năng lực cạnh tranh của các công ty.

Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, giải quyết được các vấn đề trên sẽ giúp Chính phủ có khả năng đón đầu và tận dụng được nhiều cơ hội hơn nữa cho Việt Nam.

Ông Kyle Kelhofer cũng cho hay, phân tích chính của báo cáo còn tập trung vào việc rà soát kỹ lưỡng các lĩnh vực ưu tiên tiềm năng. Mục đích là nhằm xác định các ngành, đi kèm các điều kiện cần thiết, sẽ mang lại cơ hội cạnh tranh tốt nhất cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư, từ đó tạo ra nhiều việc làm tốt hơn và tăng tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp địa phương.

Để giải quyết các thách thức và nắm bắt cơ hội của CMCN 4.0, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phải nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ số. Thay vì “nỗ lực bắt kịp”, quá trình tái khởi động này phải đem lại môi trường đầu tư ưu việt cùng các trải nghiệm vận hành với các giải pháp số, trực tuyến cạnh tranh được với các đối thủ khác trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong khâu thẩm định hồ sơ đầu tư; đơn giản hóa thủ tục về xây dựng trong khâu cấp phép xây dựng và nâng cao vai trò hậu kiểm dự án trong quá trình hoạt động đầu tư.

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra các khuyến nghị khác như xây dựng và triển khai một kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề nhằm giúp Việt Nam đẩy nhanh được quá trình chuyển dịch lao động tay nghề thấp sang lao động tay nghề cao; hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư, chủ động từ xúc tiến thụ động sang xúc tiến chủ động ở một số ngành ưu tiên; rà soát toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành; mở cửa một số ngành dịch vụ quan trọng để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng đối với đầu tư nước ngoài; và ban hành chiến lược, chính sách thúc đẩy đầu tư ở nước ngoài.

Đặc biệt, là cần thành lập một cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới với đầy đủ thẩm quyền, chức năng, cơ cấu và ngân sách nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các khuyến nghị trên.

Nguyễn Hoan