Sách điện tử - Cuộc “xâm lăng” của công nghệ vào văn hóa đọc
“Bùng nổ” sách điện tử
Sách điện tử (e-book) ra đời đã khiến ngành xuất bản chao đảo cũng như khi Internet xuất hiện. Các thiết bị đọc sách này có kiểu dáng gọn nhẹ, chỉ tương đương với một cuốn sách thông thường. Chúng cho phép người sử dụng “bỏ túi” hàng trăm cuốn sách để đọc mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, việc đọc trên e-book không bị nhức mắt như trên màn hình máy tính hay điện thoại di động, chúng đơn giản và thoải mái không khác gì sách in.
Trên thế giới, chỉ trong khoảng 10 năm qua, việc đọc sách qua Internet nhanh chóng phổ biến ở rất nhiều nước. Chưa kể số lượng sách được tải về miễn phí, chỉ mới điểm qua doanh số giao dịch qua mạng thì cán cân thị phần xuất bản đã có phần nghiêng về sách điện tử.
Theo thống kê của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon (“cha đẻ” của máy đọc sách Kindle), vào tháng 7/2010, cứ 100 cuốn sách in bán ra thì có 143 cuốn sách điện tử bán ra tương ứng. Cùng đó, lượng thiết bị đọc sách điện tử bán ra trên phạm vi toàn cầu trong năm 2010 đã tăng 79,8% so với năm 2009, đánh dấu một bước đột phá mới của sách điện tử so với sách giấy truyền thống.
Ở Việt Nam, trong vòng 5 - 10 năm tới, sách điện tử sẽ chiếm thị phần đáng kể trong xuất bản. Các đơn vị phát hành sách trực tuyến như Vinabook.com, Công ty Lạc Việt, Công ty Vinapo... đã bắt đầu giới thiệu hệ thống phân phối sách điện tử phục vụ rộng rãi bạn đọc.
Và nếu nhìn vào con số 6.500 lượt yêu cầu của bạn đọc về sách điện tử, so với 2.000 yêu cầu sách truyền thống mà Thư viện Quốc gia Việt Nam thống kê mới đây, có thể thấy, sách điện tử đang là một xu thế tất yếu của xuất bản điện tử.
Ông Trần Trọng Thành - Chủ tịch HĐQT Vinapo, đơn vị sáng lập hệ thống phân phối sách điện tử toàn cầu Alezaa - cũng đánh giá cao những ưu điểm của sách điện tử: “Sách điện tử được phát hành rộng rãi trên toàn thế giới, chứ không còn bị “đóng thùng” như sách in và đương nhiên người được hưởng lợi vẫn là độc giả. Với một cuốn sách điện tử, đi đến đâu độc giả cũng có thể mở ra đọc”.
Sách điện tử có thể chứa hàng ngàn cuốn sách
Có thể nói, việc đọc sách bằng công nghệ này bắt đầu manh nha từ khi văn học mạng phát triển với hàng loạt các tên tuổi “gây sốt” như Trang Hạ, Cấn Vân Khánh, Trần Thu Trang, Hà Kin... Ðối với độc giả, họ có thể tự do đọc những cuốn sách mà có thể nếu qua kiểm duyệt thì không bao giờ có cơ hội. Một điều quan trọng, việc đọc ở đây hoàn toàn miễn phí. Và khi cuốn sách có một lượng "fan" nhất định, nó sẽ dễ dàng bước từ mạng ra thị trường in ấn. Và trên thực tế, đã có những tác phẩm đạt doanh số bản in khổng lồ khi nhờ đã có một lượng bạn đọc ổn định qua mạng.
Không nói ngoa khi cho rằng sách điện tử không đơn thuần là một xu thế mà đó là triển vọng, là tương lai của ngành xuất bản. Năm 2004, Luật Xuất bản năm đã cho phép các NXB được phép công bố xuất bản phẩm trên mạng. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các NXB, công ty sách đưa toàn bộ tác phẩm của mình - bấy lâu nay là sách in truyền thống - trở thành sách điện tử và lập thành một cơ sở dữ liệu khổng lồ.
Độc giả sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất, bởi sách được mua với giá rất rẻ, vì sách điện tử không mất chi phí in ấn (ít nhất chiếm 30% giá thành), lưu kho bãi…
Chia sẻ về tương lai phát triển của sách điện tử tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà – GĐ NXB Thông tin và Truyền thông nhận định: “Chỉ lấy một ví dụ về doanh thu sách điện tử của Hãng Amazon đang cao gấp 3 lần so với sách in cũng đủ thấy sự phát triển của sách điện tử trong thời đại hiện nay. Điều này cũng dự báo một tương lai mà sách in dần đi chậm lại và song hành cùng e-book, thậm chí e-book sẽ vượt sách in”.
"Cái chết" của sách in?
Sự xuất hiện của sách điện tử dù muốn dù không cũng đã, đang và sẽ thách thức với văn hóa đọc của người yêu sách hôm nay, nhất là những người đọc giỏi sử dụng CNTT. Bởi, mặc dù con người không thể bỏ sách in để đọc sách điện tử, thế nhưng số người đọc sách in, cả báo in đang ít hẳn đi, nếu không muốn nói là rất ít ỏi.
Trên thực tế, sách điện tử hiện đang có nhiều lợi thế để khẳng định vị trí của mình, chúng hoàn toàn thích hợp với những độc giả lúc nào cũng háo hức với việc đọc và cả những độc giả không thường xuyên; rất tiện dụng cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
Tháng 4/2011, nhà sách điện tử Alezaa.com chính thức được ra mắt như một hệ thống phân phối sách điện tử đầu tiên tại Việt Nam. Điều này càng nhấn mạnh vai trò và khả năng “phủ sóng” của sách điện tử đối với văn hóa đọc nói chung.
Sách in không chết nhưng nó sẽ chững lại
TS Nguyễn Mạnh Hùng - CEO Công ty sách Thái Hà – cũng tiết lộ kết quả một cuộc phỏng vấn bỏ túi với 10.000 người, do ông thực hiện trong hội thảo “Đọc sách trong thời đại công nghệ số”. Theo đó, những người trên 40 tuổi thì thích đọc sách in, còn độc giả dưới 40 tuổi thì thích đọc sách điện tử hơn. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho sự phát triển và lan toả của sách điện tử.
Thời điểm sách điện tử ra đời, nhiều người đã lo lắng về "cái chết" của sách in và ngành xuất bản nói chung. Cũng giống như khi báo mạng điện tử ra đời, có ý kiến cho rằng đó là “ngày tàn” của các loại hình báo chí khác, bởi sự ưu việt và tích hợp khổng lồ của loại hình báo mới mẻ này. Thế nhưng, báo in, truyền hình và phát thanh vẫn sống, cũng như sách in và ngành xuất bản không thể mất đi hoàn toàn.
Đối với ảnh hưởng của sách điện tử tới ngành công nghiệp in, các ý kiến đều cùng quan điểm rằng e-book sẽ chỉ khiến ngành in đi chậm lại, sách in không thể “chết”, vì có những thứ điện tử được, có những thứ không thể... điện tử hóa được và sách in vẫn là bộ sưu tập tuyệt vời.
Trong tương lai, văn hóa đọc sách in có lẽ khó có thể khởi sắc bởi nhịp sống của con người quá gấp gáp, thời gian dành để lựa chọn, mua sách cũng như nghiền ngẫm, chiêm nghiệm với những cuốn sách có lẽ rất hiếm hoi. Tuy nhiên, việc đọc con chữ cụ thể trên sách – báo in mới giúp ích được nhiều hơn cho quá trình cảm thụ, tiếp nhận thông tin, xúc cảm, khi cần người đọc còn có thể “nhâm nhi”, xem xét kỹ lưỡng, toan tính đầy đủ… Trong khi với các văn bản trên sách điện tử, điều này là khó, nếu không nói là không thể.
Vương Tâm
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Cần chính sách rõ ràng cho năng lượng gió ngoài khơi
-
Cấp bách hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành điện
-
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
-
Cần sửa đổi, hoàn thiện Luật số 69 để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn