Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam:

Rà soát và sắp xếp doanh nghiệp cơ khí

06:57 | 24/06/2014

1,021 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau lần tái cơ cấu ngành cơ khí mỏ vào năm 2001, mặc dù khối cơ khí Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã vượt qua nhiều khó khăn, ổn định việc làm đời sống cho số lượng không nhỏ công nhân, cán bộ ngành cơ khí. Tuy nhiên, xét về tổng quan, các đơn vị trong khối cơ khí hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, cần phải rà soát, sắp xếp lại một lần nữa.

Năng lượng Mới số 332

Vì người lao động

Hiện nay, riêng tại vùng Quảng Ninh đã có 8 đơn vị trong khối cơ khí bao gồm cả cơ khí chế tạo và công nghiệp ôtô, thiết bị điện, cơ khí đóng tàu… Ngoài ra còn các đơn vị cơ khí thuộc Tổng Công ty Khoáng sản, Công nghiệp mỏ Việt Bắc tại các vùng khác. Với một lực lượng hùng hậu và doanh thu của khối cơ khí hiện tại đã đạt gấp khoảng 15 lần so với năm 2001 (thời điểm Tổng Công ty Cơ khí sáp nhập vào ngành than). 

Tuy nhiên xét về doanh thu, khối cơ khí chỉ chiếm 3,63 doanh thu của Tập đoàn. Đời sống việc làm của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị vẫn còn thiếu việc làm, thu nhập của công nhân khối cơ khí thấp hơn so với các đơn vị khác trong ngành, bộc lộ những bất cập, hạn chế, sức cạnh tranh kém. 

Về vấn đề này, Phó tổng giám đốc, Phụ trách Khối Cơ khí TKV Nguyễn Chiến Thắng cho rằng, vấn đề nào cũng có hai mặt của nó và để đánh giá chính xác, điều quan trọng chúng ta cần có cách nhìn khách quan và toàn diện. Những ai tâm huyết với sự phát triển cơ khí lâu nay đều dễ dàng nhận thấy một thực tế là đa số các thiết bị công nghệ của cơ khí hiện nay đều già cỗi, lạc hậu; số lượng lao động trong khối cơ khí quá đông so với nhu cầu thực tiễn; Cơ khí trong ngành đang dần chuyển sang cơ khí chế tạo, tuy nhiên việc đầu tư chuyên sâu hoặc tập trung vào sản xuất một vài dòng sản phẩm có nhiều lợi thế là điều doanh nghiệp nào cũng muốn nhưng chưa thể đáp ứng bởi bài toán cân đối, bố trí lao động.

Đôi lúc trong những trường hợp cụ thể, Cơ khí TKV chưa cạnh tranh được với cơ khí tư nhân. Nhưng xét trong góc nhìn toàn diện, các công việc khó khăn, có độ phức tạp cao thì chỉ cơ khí Ngành mới đảm đương được. Về lâu dài, khối cơ khí cần phải sắp xếp lại, dù theo hướng nào, mục đích của việc sắp xếp lại cũng vì sự cần thiết đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Xí nghiệp Chế tạo máy và Thiết bị điện - Công ty Môi trường TKV

Để cơ khí tiếp tục tăng trưởng

10 năm trở lại đây, Cơ khí TKV đã có những bước phát triển quan trọng. Lãnh đạo Tập đoàn luôn quan tâm và chỉ đạo để các đơn vị tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thiết kế nhằm chuyển dần từ cơ khí sửa chữa sang cơ khí chế tạo. Về định hướng phát triển lĩnh vực cơ khí trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ rà soát lại tổng thể các đơn vị cơ khí, sắp xếp theo hướng tập trung vào những công ty cơ khí lớn, còn các đơn vị cơ khí có quy mô nhỏ thì xem xét hình thức hoạt động cho phù hợp, nếu cần thiết thì nhập lại một số đơn vị để hoạt động cho hiệu quả.

Thực tế đã cho thấy, nhiều sản phẩm là các thiết bị đồng bộ đã được các đơn vị Cơ khí TKV tự nghiên cứu, chế tạo hoặc phối hợp với các đơn vị bạn để hợp tác chế tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng của ngành. Các thiết bị đồng bộ đó có thể còn chưa ngang bằng với các thiết bị nhập khẩu từ các nước phát triển song nhìn chung đều đáp ứng được yêu cầu cần thiết, nhất là những yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề an toàn trong sử dụng. Với những kết quả bước đầu đó, Tập đoàn đang định hướng các đơn vị cơ khí tiếp tục nghiên cứu để chế tạo các thiết bị đồng bộ thay thế hàng nhập khẩu theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hiện nay, Tập đoàn đang quyết liệt chỉ đạo Viện Cơ khí năng lượng và mỏ phối hợp với các đơn vị cơ khí từng bước chuẩn hóa thiết kế các sản phẩm trọn bộ. Nhằm mục đích xây dựng hệ thống tiêu chuẩn ngành để vừa đảm bảo tính công nghiệp trong sản phẩm do cơ khí của ta chế tạo, vừa tạo hàng rào kỹ thuật để các sản phẩm nhập khẩu có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp không thâm nhập vào trong các đơn vị sử dụng thông qua lợi thế giá rẻ. Bên cạnh đó, hằng năm, Tập đoàn sẽ chỉ đạo các đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ, đăng ký danh mục các sản phẩm đã chế tạo thay thế hàng nhập khẩu, đăng ký với Bộ Công Thương để các bộ, ngành liên quan có cơ chế, chính sách về thuế cho phù hợp.

“Quy hoạch phát triển ngành cơ khí than - khoáng sản giai đoạn đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030” đã nêu rõ định hướng phát triển cơ khí là cần tăng cường năng lực tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đồng thời đẩy mạnh việc tiếp thu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đủ khả năng cung cấp thông tin, tư vấn chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong ngành.... Hiện nay, TKV đang tiếp tục tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh và đạt tiêu chuẩn chất lượng, duy trì tốc độ tăng trưởng của các đơn vị cơ khí. Ưu tiên chế tạo các sản phẩm, thiết bị cơ khí tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, phù hợp với nhu cầu sử dụng trong ngành. 

Mục tiêu này đã khá rõ, việc tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới lại mô hình tổ chức không chỉ nằm trong chiến lược dài hơi của Tập đoàn. Hơn nữa, còn tạo ra sức mạnh tổng thể của cơ khí ngành với những sản phẩm chiến lược mang thương hiệu của Tập đoàn. Đặc biệt để khuyến khích các đơn vị trong ngành tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo các vật tư, thiết bị, các sản phẩm mới để dần chủ động nguồn trong nước, giảm phụ thuộc vào nước ngoài trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Kiên