Ngành than đương đầu với “giặc nước”

07:05 | 05/08/2015

721 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thống kê chưa đầy đủ, đợt mưa lũ lịch sử đang hoành hành tại Quảng Ninh đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hàng nghìn tỉ đồng. Đã gần 1 tuần nay, hầu hết các đơn vị tại vùng Hòn Gai, Cẩm Phả đều phải ngừng sản xuất để tập trung cho công tác cứu hộ. Theo nhận định,  nhiều đơn vị  phải mất khá nhiều thời gian để phục hồi sản xuất.  

Dừng sản xuất, tiền trôi theo mưa

Tình hình mưa lũ tại Quảng Ninh đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có tín hiệu khả quan, ngành Than đang chịu thiệt hại hết sức nghiêm trọng khiến cho 8 vạn thợ mỏ phải nghỉ việc. Theo thống kê của ngành than tính đến ngày 2/8 thiệt hại ít nhất 1.000 tỉ đồng. Mưa tiếp tục thách thức sức người, đẩy mức ngập trong lò tại mỏ Ngã Hai và Mông Dương (Cẩm Phả) hàng trăm mét nước, còn trên mặt bằng mỏ, lũ đi cùng với đất đá như cuốn phăng mọi thứ đang cản trở nó gây hư hỏng khá nặng. Các mỏ hầm lò khác, lượng nước trong lò đều gia tăng với lưu lượng lớn (khu vực Bắc Bàng Danh, Công ty Than Hòn Gai bị ngập nước, một số công trường của Công ty Than Dương Huy, Hạ Long cũng bị ảnh hưởng nặng...). Bùn đất đã tràn lấp mặt bằng các mỏ Giáp Khẩu (Công ty Than Hòn Gai) và một số khu vực khác...

Theo thông tin chúng tôi tiếp tục nhận được, mỏ Mông Dương (một trong những đơn vị hầm lò chủ lực của TKV) vẫn đang gồng mình, gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của mưa lũ, lượng nước ngập sâu toàn bộ diện sản xuất từ mặt bằng xuống -250m làm cho 2 lò chợ bị đổ. Tình trạng ở Mông Dương vẫn hết sức nguy cấp, toàn bộ nhân lực, trang thiết bị hiện đại nhất tập trung về đây tham gia công tác cứu mỏ. Theo một cán bộ TKV, dự kiến sẽ phải mất 3 - 5 tháng để có thể đưa mỏ Mông Dương quay trở lại sản xuất.

Ngành than đương đầu với “giặc nước”
Lãnh đạo TKV đi kiểm tra một điểm sạt lở tại Cẩm Phả

Tại các mỏ lộ thiên, mưa lớn gây sạt lở nhiều hệ thống tầng, bờ moong mỏ, vỡ mương thoát nước, ở các Công ty Hà Tu, Núi Béo, Đèo Nai đang bị vùi lấp 3 máy xúc, 2 máy khoan xoay cầu. Hệ thống đường giao thông nội bộ mỏ bị chia cắt, bùn đất chảy vào moong khai thác khoảng 1,0 triệu m3; bùn đất vùi lấp khu vực máng ga Lộ Phong và kho than 9 của Công ty Than Hà Tu. Bùn đất chân bãi thải Đông Cao Sơn trôi lấp đầy đập khu vực suối H10 và suối 9.8 làm bồi lấp mặt bằng +48 Công ty 790 - Tổng Công ty Đông Bắc, mặt bằng +7.5 Công ty CP Than Mông Dương, khu dân cư số 4 phường Mông Dương...

Mưa lớn cũng gây những thiệt hại nặng nề tại các đơn vị sàng tuyển, kho vận, một số kho than của các đơn vị do mưa lớn làm tràn tường chắn, vỡ đê bao chân, ngập úng; lượng than bị cuốn trôi mất chưa xác định được cụ thể, nhưng theo ước tính ban đầu đến hàng nghìn tấn. Tại một số đơn vị khác, nước và bùn đất đã vùi lấp 4 máy khoan địa chất, 5 xe ôtô, 3 trạm xử lý nước thải và một số công trình nhỏ khác...

Mưa cũng gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống vận chuyển than làm chia cắt, ngừng trệ, ách tắc hàng chục km tuyến đường vận chuyển than chuyên dụng với khối lượng đất đá khổng lồ phải xử lý khoảng 200.000m3, tuyến đường sắt vận chuyển than vùng Hạ Long, Cẩm Phả hiện bị hư hỏng nặng. Đặc biệt, tuyến đường sắt của Công ty Tuyển than Cửa Ông, nhất là tuyến Miền Đông bị hư hỏng nặng. Toàn bộ hệ thống giao thông, vận tải than từ đường ô tô cho đến đường sắt bị ngưng trệ hoàn toàn. Bên cạnh đó, hệ thống suối thoát nước của hầu hết các đơn vị bị bồi lấp, kè chắn bị hư hỏng; một số đập chắn rọ đá bị hư hỏng nặng. Toàn Tập đoàn đến thời điểm hiện nay không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, thiệt hại về tài sản, vật chất và chi phí do ngừng sản xuất, để khôi phục sản xuất là rất lớn.

Theo đánh giá của Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn, ngành than đang chịu tổn thất rất nặng nề từ trận mưa lũ lịch sử, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của khoảng 80.000 thợ mỏ, gián đoạn cung cấp than cho các hộ tiêu thụ. Mặc dù chưa xác định hết, nhưng con số thiệt hại đến nay đã trên 1.000 tỉ đồng. Trước mắt, TKV tập trung khôi phục hệ thống giao thông tại Hòn Gai - Cẩm Phả, ưu tiên lượng than cấp, đảm bảo cho 2 nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2, tối thiểu 5.000 tấn/ngày.

Chủ động vượt qua khó khăn

Bằng quyết tâm cao và sự đoàn kết trong toàn Tập đoàn, ban lãnh đạo TKV cùng với lãnh đạo và nhân dân Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo tại nhiều đơn vị nhằm khắc phục những sự cố, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, động viên đồng bào chịu mất mát vượt qua khó khăn., chỉ thị dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị không cần thiết để tập trung ứng phó với mưa lũ, đồng thời báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương và chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương triển khai ngay các phương án khắc phục sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Tính đến thời điểm hiện tại, hàng vạn lao động trong hầm mỏ, lộ thiên được đảm bảo an toàn

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tập đoàn, Công ty Than Quang Hanh đã tập trung nhân lực, phối hợp với Trung tâm Cấp cứu mỏ huy động các thiết bị bơm nước công suất lớn từ Trung tâm Cấp cứu mỏ, Công ty Than Vàng Danh, Mạo Khê, Hà Lầm, Hạ Long để lắp đặt bơm thoát nước mỏ với tốc độ khẩn trương nhằm tháo khô tại mức -175 nhanh nhất. Công ty CP than Mông Dương triển khai đóng phai chắn và cửa kín ngăn nước xuống giếng phụ chống nguy cơ ngập mỏ khu trung tâm, tập kết và triển khai lắp đặt bơm để tháo khô mức -250 khu Đông Bắc Mông Dương. Công ty CP than Cọc Sáu huy động tối đa thiết bị phối hợp với Công ty 790 Tổng Công ty Đông Bắc, Công ty CP than Mông Dương khơi thông mương nước, ngăn chặn bùn đất chân bãi thải để hạn chế ảnh hưởng đến Công ty 790…

TKV đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện khẩn trương triển khai các biện pháp sửa chữa và gia cố thân đập chính, đảm bảo giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ vỡ đập 790, bảo vệ an toàn cho nhân dân. Đến thời điểm hiện tại, việc gia cố đập chắn đất ở mức +9,8, bãi thải Đông Cao Sơn được Tập đoàn và các lực lượng chức năng khẩn trương thực hiện và đã cơ bản kiểm soát được tình hình tại khu vực này. Đến nay, Công ty Than Dương Huy đã ngăn chặn xử lý các nguồn nước về moong chính; Than Cọc Sáu đã củng cố được toàn bộ tuyến đê ngăn nước; Than Quang Hanh đã cơ bản khống chế nước mặt bằng xuống mức -175; Than Mông Dương đã kiểm soát được mức 97,5 và đang tiến hành bơm tháo khô mỏ ở mức -250...

Không để người lao động mất việc làm

Đó là khẳng định của ban lãnh đạo TKV trong diễn biến khó khăn hiện nay. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn, trước mắt, TKV tiếp tục đưa ra các giải pháp cho công tác ứng phó, khắc phục trong trường hợp mưa lũ có thể kéo dài như: tăng cường sự gắn kết với chính quyền địa phương trong công tác khắc phục sự cố, sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm; rà soát lại các vị trí xung yếu, hệ thống hầm bơm, trạm điện; tăng cường công tác an ninh, bảo vệ than, tài sản; chống hiện tượng trôi than tại các kho than; các Công ty kho vận, cảng, bộ phận tiêu thụ nhanh chóng khôi phục cấp than trở lại cho các hộ khách hàng v.v.

Ngoài ra, hiện nay, đa số các đơn vị vẫn trong tình trạng dừng sản xuất, vì vậy, Tập đoàn và các đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai khắc phục sự cố ở các đơn vị, ưu tiên giải quyết các nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng như Công ty Than Mông Dương, Quang Hanh, Dương Huy, đập ngăn bãi thải Đông Cao Sơn…, Với tinh thần cao nhất để sớm ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống và thu nhập của người lao động. Tập đoàn sẽ điều tiết lao động hợp lý giữa các đơn vị trong Tập đoàn, kiên quyết không để người lao động không bị mất việc làm. Đồng thời TKV sẽ trích quỹ dự phòng để hỗ trợ cho công nhân, người lao động thuộc các đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra nhằm đảm bảo không làm xáo trộn đời sống người lao động…

Nguyễn Kiên

Năng lượng Mới 445

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps