Quy hoạch điện VIII: Không nên cơ cấu giảm nguồn năng lượng tái tạo

08:00 | 15/09/2021

312 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) vừa kiến nghị, góp ý cho dự thảo Quy hoạch điện VIII - lần IV. Trong đó, nhấn mạnh về việc tăng thêm cơ cấu nguồn năng lượng từ điện than và giảm điện tái tạo vào năm 2030...

Trong bản kiến nghị, VSEA cho biết, dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này có những điểm mới so với bản trình tháng 3/2021 như: Cắt giảm tổng công suất nguồn điện trong cả 2 giai đoạn của thời kỳ quy hoạch; Tăng cường kiểm soát và giám sát thực hiện Quy hoạch; Thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo phân tán; Tập trung cân bằng phụ tải nội vùng để hạn chế truyền tải từ xa...

Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại lớn mà các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được VSEA tập hợp, góp ý trong 3 lần kiến nghị trước đây vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, bản thảo lần này thể hiện “những bước lùi” khi tăng thêm khoảng 3.000MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030.

Việc tập trung các nguồn điện truyền thống này cho lưới điện hiện tại chỉ nhằm đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện mà làm mất đi cơ hội bắt nhịp và hòa nhập, tạo xung lực cho nền kinh tế năng lượng tiên tiến và phát triển xanh của quốc gia.

VSEA kiến nghị, Dự thảo Quy hoạch điện VIII nên kiên định với con đường phát triển NLTT, tránh bị những trở ngại của NLTT vừa qua cản trở định hướng này.

Quy hoạch điện VIII: Không nên cơ cấu giảm nguồn năng lượng tái tạo
Nhà máy nhiệt điện than

Thay vì cắt giảm mạnh nguồn điện sạch từ NLTT, tăng nguồn điện than nguy cơ gây ô nhiễm với nhiều hệ lụy, cần ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển NLTT bền vững, với chi phí giá thành ngày càng cạnh tranh.

Chỉ khi có “lộ trình điện cạnh tranh rõ ràng” với cơ chế, chính sách đồng bộ, ngành công nghiệp non trẻ này của Việt Nam mới phát triển, công nghệ hiện đại được áp dụng, doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp các dịch vụ nhiều hơn từ thiết kế, xây lắp, vận chuyển, vận hành, bảo trì…, có những đóng góp quan trọng vào chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ hai, những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400 MW) cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế.

Các phương án thay thế được đề xuất bao gồm: Điện mặt trời nổi kết hợp với các nhà máy thủy điện hiện có, đẩy mạnh khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời phân tán, phát triển mô hình kết hợp “lợi ích kép - dual use” điện mặt trời, điện gió với nông nghiệp, thủy sản kết hợp thực hiện các chương trình sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng.

Quy hoạch điện VIII: Không nên cơ cấu giảm nguồn năng lượng tái tạo
Một dự án điện gió

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện khai thác hiệu quả nguồn NLTT, Quy hoạch điện VIII nên đưa giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường.

Công nghệ lưu trữ ngày càng rẻ, cần có chính sách tạo điều kiện kết hợp với nắm bắt công nghệ tiên tiến của thế giới để bộ đôi năng lượng tái tạo và lưu trữ ở quy mô lớn, trung bình, nhỏ tham gia vận hành ngành điện trong tương lai.

Ngoài ra, VSEA cũng nhận định, dự thảo Quy hoạch điện VIII cần tiếp tục làm rõ 2 vấn đề then chốt, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện, đó là: Bố trí nguồn vốn và định hướng cơ bản phân kỳ vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch và lộ trình tiến tới “thị trường điện cạnh tranh” theo Nghị quyết 55-NQ/TW và lộ trình, tiến độ hoàn thiện lưới truyền tải điện quốc gia, vùng miền thực hiện Quy hoạch.

Điện gió ngoài khơi Việt Nam: Cần có chính sách rõ ràng cho giai đoạn chuyển đổiĐiện gió ngoài khơi Việt Nam: Cần có chính sách rõ ràng cho giai đoạn chuyển đổi
Bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệpBảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp
AHLĐ Thái Phụng Nê: 'Đã đến lúc phải thực hiện thị trường điện hoàn hảo'AHLĐ Thái Phụng Nê: 'Đã đến lúc phải thực hiện thị trường điện hoàn hảo'
EY: Thị trường đang chờ chính sách hỗ trợ từ Việt NamEY: Thị trường đang chờ chính sách hỗ trợ từ Việt Nam
CREA: Phát triển nhiệt điện than Việt Nam có thể gây thiệt hại 13 tỉ USDCREA: Phát triển nhiệt điện than Việt Nam có thể gây thiệt hại 13 tỉ USD
Nghiên cứu phản ánh về cơ cấu nguồn nhiệt điện than trong Dự thảo Quy hoạch điện VIIINghiên cứu phản ánh về cơ cấu nguồn nhiệt điện than trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII
Quy hoạch điện VIII chưa… “sáng tỏ”Quy hoạch điện VIII chưa… “sáng tỏ”

Xuân Hinh