Quốc hội thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

10:40 | 28/11/2013

740 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với 97,59% Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Giữ vị trí điều hành phiên họp quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu thể hiện quan điểm của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992: “Trong quá trình làm việc, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992 hiểu rằng, một bộ phận trong các tầng lớp nhân dân, thậm chí ngay trong một số ĐBQH cũng còn ý kiến khác về Hiến pháp sửa đổi. Tuy nhiên chúng ta đã thể hiện được nguyện vọng của đa số với tinh thần làm chủ của nhân dân”.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, đây là một sự kiện đánh dấu thời kỳ mới trong đổi mới, đưa đất nước hội nhập và phát triển. Bản Hiến pháp lần này là kết quả của một quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy của các ĐBQH, đồng bào cử tri cả nước, các đơn vị, ngành, cấp với sự tham gia của hệ thống chính trị. Hiến pháp với tinh thần đổi mới đã thể hiện được ý Đảng lòng dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp.

Báo cáo trước cử tri và đồng bào cả nước xem truyền hình trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, mỗi ĐBQH đã làm việc hết sức mình, thảo luận nhiều phiên, 3 kỳ họp với tinh thần tiếp thu, thấu hiểu, tận tụy chắt lọc tinh hoa ý kiến của toàn dân để tạo ra bản Hiến pháp thông qua lần này.

Khi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tiếp tục nhấn mạnh, Hiến pháp lần này, nếu được thông qua sẽ thể hiện được ý chí nguyện vọng của Đảng và nhân dân, đủ điều kiện để thông qua, là bản Hiến pháp đổi mới cho một thời kỳ mới của đất nước. Hôm nay, chúng ta sẽ báo cáo với đồng bào cử tri về việc tiếp thu giải trình để có bản Hiến pháp cuối cùng thông qua này, sẽ trình bày toàn văn để cử tri theo dõi, giám sát cũng như hoạt động bỏ phiếu để người dân cả nước thấy tinh thần đoàn kết, thống nhất của hệ thống chính trị”.

Về những vấn đề còn ý kiến khác ở khoản này, điểm kia, điều khác, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quốc hội hết sức trân trọng và ghi nhận.

Với chương Chế độ chính trị, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “khối đại đoàn kết toàn dân tộc” là nền tảng của quyền lực nhà nước”. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận định, quy định nước CHXHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ đã thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Theo đó, Điều 2 như thể hiện trong dự thảo Hiến pháp với khẳng định về nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đã thể hiện bản chất của Nhà nước. Đây là vấn đề đã được thể hiện trong Cương lĩnh và thực tiễn hoạt động của Nhà nước. Còn ý “đại đoàn kết toàn dân tộc” là một trong những động lực rất quan trọng để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Do đó, quy định này được giữ nguyên trong bản dự thảo cuối cùng trình Quốc hội thông qua.

Xung quanh Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng, Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Các vấn đề liên quan đến quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, trước hết, trong chương Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, các đại biểu Quốc hội đều tán thành quy định về Chủ tịch nước tại Điều 88 của Dự thảo. Theo đó, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Các đại biểu bấm nút thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tiếp thu ý kiến, bản dự thảo sau cùng đã làm rõ thêm thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và quy định mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp. Đồng thời, Dự thảo đã làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước trong việc quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam…; cùng với đó là bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch quyết định việc lực lượng vũ trang nước ta tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban soạn thảo nêu rõ, tuyệt đại đa số kiến tán thành với quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội và đồng tình với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ quy định tại Điều 96 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhằm phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc đề xuất, xây dựng chính sách trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc tự mình quyết định theo thẩm quyền. Nội dung này đã được bổ sung vào khoản 2 Điều 96.

Về các thành phần kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, vẫn có ý kiến đề nghị bỏ quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” hoặc quy định cụ thể nội hàm của kinh tế nhà nước. Đồng chí Uông Chu Lưu cho rằng, để bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế nước ta thì việc quy định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước là cần thiết, khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quy định như vậy không ảnh hưởng đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường và vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế khác.

Mặt khác, kinh tế Nhà nước là một phạm trù rộng, bao gồm nhiều yếu tố, nguồn lực, trong đó doanh nghiệp nhà nước chỉ là một trong nhiều yếu tố đó. Do vậy, nội dung này được xác định không cần thiết phải quy định chi tiết về kinh tế Nhà nước trong Hiến pháp. Việc xác định nội hàm kinh tế Nhà nước sẽ được cụ thể trong các đạo luật liên quan.

Về thu hồi đất, cơ quan giải trình phân tích, trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Hiến pháp cần quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng. Do đó, cơ quan giải trình đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng thể hiện lại cho gắn kết với mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng.

Lê Tùng