Quảng cáo rượu trong phim ngày càng lộ liễu

19:00 | 29/08/2013

3,252 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quảng cáo đang lấn sân một cách vô tội vạ không chỉ trên sóng truyền hình, các gameshow, MV ca nhạc, phim truyền hình... và bây giờ là cả đến phim chiếu rạp.

Sự vụ Hồ Ngọc Hà quảng cáo rượu trá hình trong MV “Cám ơn cha” chưa lắng xuống thì mới đây nhất bộ phim chiếu rạp “Lửa Phật” lại giẫm phải nghi án này. Không phải ngẫu nhiên bộ phim lại phải “đeo án” bởi rõ ràng với việc xuất hiện nhiều cảnh quay rượu và sự xuất hiện một cách lộ liễu từ nhãn mác đến thương hiệu rượu trong bộ phim là điều khó chấp nhận.

Hà Hồ quảng cáo rượu trong MV "Cám ơn cha"

Với “Lửa Phật” đã có những chi tiết nhãn hiệu rượu thay vì được làm mờ đi, thì lại được lồ lộ trên khung hình. Đã thế ở chi tiết cuối phim, khán giả còn được chiêu đãi cả một trường đoạn dài với cảnh uống rượu, khen rượu ngon và cả nhãn hiệu rượu trưng trên màn hình đã không khó để khán giả nhận ra. Việc dùng bối cảnh quán rượu, nhân vật uống rượu là bình thường, nhưng việc tra tấn khán giả bằng những cảnh quảng cáo cho nhà tài trợ khi để lộ cả thương hiệu rượu đã không khỏi đem đến sự phản cảm.

Hiện chưa có luật định nào cấm quảng cáo trong phim, hơn nữa xác định đâu là quảng cáo cũng gặp phải những cái khó. Bởi theo lời của Cục trưởng cục điện ảnh, bà Ngô Phương Lan khi giải trình về nghi án quảng cáo rượu trong phim “Lửa Phật” cho rằng: Còn phải căn cứ vào hành động và diễn biến tâm trạng của nhân vật trong phim. Việc xuất hiện hình ảnh đó có phù hợp với diễn biến của câu chuyện trong phim hay không. Nếu đưa nhiều, đưa một cách vô lối và không đúng với hành động, tâm lý nhân vật cũng như diễn biến câu chuyện thì cái đó mới là quảng cáo lộ liễu, trắng trợn.

Như vậy, việc kiểm chứng và xử phạt quảng cáo vẫn còn nhiều mơ hồ. Và theo quan niệm này, thì việc xuất hiện hình ảnh rượu trong MV của Hồ Ngọc Hà cũng khó phân định, bởi hình ảnh rượu xuất hiện rõ ràng phục vụ cho ngụ ý của MV và có chuyển biến tâm trạng của nhân vật.

Vậy nên, chính ranh giới giữa phục vụ nghệ thuật và quảng cáo thật khó phân định này đã giúp các nhà làm phim dễ dàng lách luật. Kết quả là quảng cáo len lỏi vào các khung hình của phim với tần suất ngày càng nhiều và ngày càng trở nên lộ liễu.

Lửa Phật có rất nhiều phân cảnh được cho là quảng cáo rượu

Và gần nhất là bộ phim đang lên sóng “Váy hồng tầng 24”. Ngay từ khi được phát sóng ngoài ấn tượng là một bộ phim “nhảm nhí” thì cũng nhận ngay những phản hồi bức xúc của khán giả khi liên tục có những cảnh quay cận thương hiệu một nhãn mỹ phẩm mà công chúng hoài nghi rằng: Cả bộ phim được dựng lên chỉ với mục đích quảng cáo cho hãng mỹ phẩm này.

Chuyện nhà sản xuất và các nhãn hiệu hợp tác với nhau khi làm phim là điều không mới ở thế giới cũng như Việt Nam. Thật ra đó chỉ là cách đổi quảng cáo lấy tiền tài trợ mà thôi. Tuy nhiên, vấn đề là lồng ghép nhãn hàng ấy vào phim thế nào cho phù hợp và không quá lộ liễu, phản cảm.

Nhưng bằng không, việc cố tô vẽ cho hài lòng các nhà tài trợ bằng cách nhồi nhét thương hiệu, hình ảnh sản phẩm... của họ vào tác phẩm sẽ giết chết ý nghĩa của tác phẩm ấy. Nên câu hỏi đặt ra rằng: Liệu cứ chạy theo việc tôn vinh nhà tài trợ thì còn chỗ nào cho nghệ thuật và tôn vinh nhà tài trợ thì với khán giả ai sẽ tôn trọng họ?

Bộ phim “Lửa Phật” là phim đi đầu trong thể loại phim hành động giả tưởng, đó là điều đáng khen ngợi. Thực tế, phim đã dành được nhiều lời khen từ trang phục, bối cảnh phim đến những phân khúc hành động khá chuyên nghiệp… nhưng việc dính vào nghi án quảng cáo rượu lại là một điều đáng tiếc. Bởi vậy, nên chăng với những tác phẩm thuộc về nghệ thuật thì cần phải phân tách rạch rồi với yếu tố thương mại?

Huy An