Quản trị dòng tiền trong doanh nghiệp
Thuận lợi và khó khăn
Đối với các tập đoàn hay doanh nghiệp (DN) lớn có nhiều chi nhánh, đại lý và công ty con, thì việc quản trị dòng tiền luôn là yếu tố quan trọng để đảm bảo nguồn tài chính ổn định và phát triển. Thực tế cho thấy, tại các DN kinh doanh không hiệu quả, thậm chí lâm vào cảnh phá sản đều có liên quan đến việc điều phối các dòng tiền trong nội bộ công ty.
![]() |
Ông Cấn Văn Lực |
Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho rằng: “Hiện nay, các DN quy mô lớn ở Việt Nam đang có những thuận lợi nhất định, tuy nhiên họ cũng gặp phải những thách thức không hề nhỏ trong việc quản trị dòng tiền trong chính DN của mình”.
Theo ông Cấn Văn Lực, một số thuận lợi có thể kể đến như: thị trường vốn đa dạng, ngoài thị trường ngân hàng, các tập đoàn hay DN có thể huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu. Nhất là đối với những DN đã cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán thì thị trường huy động vốn càng đa dạng. Đối với những DN có sự quản trị điều hành về tài chính bài bản và minh bạch có thể huy động nguồn vốn trung hạn hoặc dài hạn dễ dàng, bởi cả nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước đều tin tưởng, sẵn sàng đầu tư hay cho vay vốn. Thời gian vừa qua, lãi suất và tỷ giá khá ổn định, cho nên việc quản trị dòng tiền trong các DN lớn bớt khó khăn hơn vì rủi ro về tỷ giá cũng như rủi ro về lãi suất giảm đi. Thêm vào đó, các DN lớn thường có nguồn nhân lực về quản lý tài chính khá tốt, góp phần không nhỏ vào việc quản trị dòng tiền cho DN có hiệu quả. Thuận lợi cuối cùng đến từ uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã tăng lên, vì thế mà các DN có nhiều cơ hội mở rộng thị trường hơn so với trước đây.
Nói về những khó khăn, ông Cấn Văn Lực cho rằng, khó khăn lớn nhất có thể kể đến là lãi suất khi đi vay ngoại tệ của các DN. Thứ hai là thị trường vốn của Việt Nam đã phát triển nhưng thị trường trái phiếu vẫn chưa xứng tầm nên các DN lớn hay tập đoàn lớn vẫn chưa huy động được nhiều từ thị trường vốn này. Thứ ba là thói quen về quản trị điều hành của DN Việt vẫn còn theo cách làm cũ, vẫn thiếu minh bạch, thiếu bài bản và thiếu dự báo cũng như phương thức quản lý rủi ro về tài chính nên dẫn đến hiện tượng thất thoát, lỗ hay lãng phí xảy ra. Chính vì thế, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn thấp.
![]() |
“Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cũng như các bộ, ngành quản lý rất chặt về vấn đề tài chính. Đơn cử như việc không cho phép các DN Nhà nước giữ lại phần cổ tức của Nhà nước mà phải trả về ngân sách, như vậy việc tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của các DN Nhà nước tương đối khó khăn. Hơn nữa, liên quan đến quản lý nợ công, bắt đầu từ 2018 trở đi, Chính phủ sẽ không bảo lãnh các DN đi vay nợ nước ngoài, đồng nghĩa với việc các DN lớn hay tập đoàn lớn phải tự đứng bằng đôi chân của mình. Muốn như vậy, các DN sẽ phải chịu lãi suất cao hơn” - ông Cấn Văn Lực nói.
Ngân hàng vào cuộc
![]() |
Ông Phạm Hồng Hải |
Ở góc độ tổ chức tín dụng, ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC cho biết: Các DN sản xuất, kinh doanh hoặc một tập đoàn lớn sẽ có những công ty con sản xuất nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, sẽ xảy ra tình trạng có dự án thiếu vốn và dự án thừa vốn. Thông thường, công ty thiếu vốn sẽ phải đi vay ngân hàng và ngược lại công ty dư vốn sẽ gửi tiền dư thừa vào ngân hàng. Dưới góc độ của DN, điều đó sẽ không tạo ra hiệu quả của việc quản trị dòng tiền. Tuy nhiên, việc làm trên sẽ thực sự có lợi cho phía ngân hàng. Tại thị trường các nước trên thế giới, họ sẽ có các sản phẩm kéo các dòng tiền vào một tài khoản chung. Khi đó, công ty thiếu vốn và công ty dư tiền sẽ được gộp chung vào một tài khoản của công ty mẹ. Như vậy sẽ giúp giảm thiểu chi phí của DN và tăng hiệu quả về tính hiệu quả quản trị dòng tiền của DN hơn.
Nếu các ngân hàng có sản phẩm gộp chung dòng tiền cho DN, sẽ giúp tăng tính hiệu quả trong quản trị dòng tiền của DN. Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định đây là một sản phẩm nên xem xét để đưa vào thị trường, nhưng hiện tại còn vướng một số khuôn khổ pháp lý vì không chỉ là quy định của Ngân hàng Nhà nước mà còn những quy định khác nữa. Để hiểu được lợi ích và tính năng của sản phẩm này, cần có thời gian và những nghiên cứu cụ thể. Nhìn một cách rộng hơn, khi DN quản trị dòng tiền theo cách trên, ngân hàng sẽ mất đi khoản tiền gửi và tiền vay. Tuy nhiên, về bản chất tất cả các dòng tiền này vẫn đi vào một tài khoản chung và gửi tại ngân hàng.
“Khi ngân hàng giúp DN quán trị tốt dòng tiền, DN phát triển mạnh mẽ sẽ là cái bánh to hơn và sẽ có nhiều đất hơn để ngân hàng có nhiều hỗ trợ khác cho DN” - Tổng giám đốc HSBC nói.
Bản chất của dòng tiền là dòng chuyển động tiền tệ vào (inflow) và ra (outflow), tạo ra khả năng thanh toán hoặc tình trạng mất khả năng thanh toán của một DN. Tiền chạy khắp tất cả các bộ phận, các nghiệp vụ của DN để giúp cho các hoạt động của DN diễn ra thường xuyên và liên tục. |
Mỹ Hạnh - Xuân Hinh
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng