Quan hệ Pháp - Brazil bốc cháy cùng rừng Amazon

10:36 | 30/08/2019

602 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đám cháy đang hủy hoại rừng Amazon, lá phổi xanh của thế giới, là chủ đề được bàn thảo hàng đầu tại thượng đỉnh G7, thậm chí còn thổi bùng căng thẳng giữa Pháp và Brazil.
quan he phap brazil boc chay cung rung amazon
Tổng thống Brazil Bolsonaro (phải) và Tổng thống Pháp Macron

Thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra tại Pháp từ ngày 24 đến 26/8. Sở dĩ Tổng thống Pháp Macron đưa ngay vấn đề cháy rừng vào bàn thảo đầu tiên tại bàn nghị sự là vì dù gì gần đây Pháp đang dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu Trái đất, muốn nhân dịp này đánh động “ý thức về nguy cơ của nạn cháy rừng với khí hậu và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế” với Tổng thống Donald Trump, người rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris trước đó. Theo AFP, từ đầu năm đến nay, số lượng vụ cháy rừng tại Amazon tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, sự tích cực của ông Macron trong vụ cháy rừng Amazon xuất phát từ các tính toán chính trị riêng, đó là thu hút sự ủng hộ của số lượng ngày càng đông đảo các cử tri ủng hộ môi trường. Các phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đang lên rất mạnh tại châu Âu và cuộc bầu cử châu Âu cuối tháng 5/2019 đã cho thấy, các đảng Xanh đang thăng tiến vũ bão. Riêng tại Pháp, đảng Xanh đã là lực lượng chính trị lớn nhất của giới trẻ. Vì thế, ông Macron muốn thông qua việc giải quyết một cuộc khủng hoảng lớn như cháy rừng Amazon để vừa nâng cao hình ảnh như một thủ lĩnh quốc tế về bảo vệ môi trường, vừa lôi kéo được lượng cử tri lớn trong nước, chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương tại Pháp trong năm 2020 và xa hơn là cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.

Việc Pháp phơi bày vấn đề cháy rừng Amazon ra cho bàn dân thiên hạ biết đã khiến Brazil, một trong những quốc gia sở hữu cánh rừng Amazon rộng lớn lên tiếng chỉ trích, cho đó là “việc nhà” của họ và “không mượn bên ngoài xía vào”. Sự phản pháo của Brazil được đặc biệt thổi lên mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Jair Bolsonaro. Cầm quyền từ gần một năm nay, ông Bolsonaro có nhiều điểm giống Tổng thống Mỹ. Chẳng hạn như phản bác việc các hoạt động của con người gây biến đổi khí hậu, dân tộc chủ nghĩa cuồng nhiệt, cổ vũ cho sự phát triển của nền công nghiệp chế biến thực phẩm bất chấp các hậu quả sinh thái, môi trường.

Giọt nước làm tràn ly trong quan hệ Pháp - Brazil liên quan tới cháy rừng Amazon có lẽ là việc Tổng thống Brazil đã tán thành bình luận chế nhạo nhan sắc của phu nhân Tổng thống Pháp. Mặc dù sau đó ông Bolsonaro đã rút lại bình luận trên nhưng Tổng thống Pháp Macron đã không ngần ngại phản pháo, đả kích đích danh đồng nhiệm Brazil Bolsonaro, thậm chí công khai bày tỏ hy vọng dân Brazil sớm chọn người thay thế nhân vật này.

quan he phap brazil boc chay cung rung amazon
Một đám cháy trong rừng Amazon

Căng thẳng giữa hai lãnh đạo đã tác động đến kế hoạch cứu viện rừng Amazon đang bốc cháy. Ngày thứ 2 của thượng đỉnh G7, Tổng thống Macron thông báo thành lập một quỹ khẩn cấp trị giá 20 triệu USD nhằm giúp khắc phục ảnh hưởng từ vụ cháy rừng Amazon. Tuy nhiên, Tổng thống Brazil đã từ chối sự giúp đỡ này và tiếp tục cáo buộc ông Macron đã “công kích vô cớ và vô lý vào khu vực Amazon”. Ông Bolsonaro khẳng định không chấp nhận mục tiêu thật sự của Tổng thống Pháp đằng sau ý tưởng thành lập một liên minh cứu Amazon của các nước G7 “cứ như thể khu vực này là thuộc địa và đất vô chủ”. Tuy nhiên, ngày 27/8, phát ngôn viên tổng thống Otavio Rego Barros cho biết Brasilia sẵn sàng nhận viện trợ từ quốc tế, với điều kiện chính quyền Brazil toàn quyền kiểm soát việc sử dụng trợ cấp.

Bên cạnh cuộc đấu khẩu giữa lãnh đạo Pháp-Brazil là cuộc chiến trên các trang mạng xã hội giữa những người ủng hộ hai vị này. Báo Le Monde của Pháp ra ngày 26/8 có bài tổng thuật “Macron và Bolsonaro: Trận chiến Amazon” nhắc lại những chống trả dữ dội trên truyền thông của giới thân cận Tổng thống Brazil nhắm vào nguyên thủ Pháp. Le Monde cũng tìm cách lý giải một số nguyên nhân khác khiến Tổng thống Pháp quyết định lên tuyến đầu, bất chấp quan hệ ngoại giao với Brazil trở nên tồi tệ nhất kể từ 30 năm qua. Trên thực tế, hai tổng thống Pháp và Brazil đối nghịch nhau về mọi phương diện. Trước can thiệp của ông Macron, quan hệ Paris - Brasilia đã xấu hết mức. Tại thượng đỉnh khối G20 tại Osaka hồi tháng 6, trong lần đầu tiên hội kiến, hai ông Macron và Bolsonaro không tìm thấy một thiện cảm nào ở đối tác. Cuối tháng 7/2019, Ngoại trưởng Pháp trong chuyến công du Brazil đã bị Tổng thống Bolsonaro bất ngờ hủy cuộc hẹn, đồng thời ông Bolsonaro còn phô trương hình ảnh đi cắt tóc, được truyền trực tiếp trên mạng. Lý do là Ngoại trưởng Pháp tiếp xúc với một số tổ chức bảo vệ môi trường.

Trong cuộc họp báo ngày 26/8, ông Macron tiết lộ rằng khi gặp nhau lần đầu tiên (nhân hội nghị G20 tại Nhật Bản), Tổng thống Bolsonaro đã cam đoan là “sẽ làm mọi thứ để trồng lại rừng và tôn trọng cam kết trong Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 để có thể ký hiệp định tự do mậu dịch Mercosur với EU”. Thế nhưng, theo tổng thống Pháp, “15 ngày sau, ông ta đã làm ngược lại khi sa thải các nhà nghiên cứu khoa học”. Chính vì vậy mà ông Macron quyết định không phê chuẩn hiệp định tự do mậu dịch Liên minh châu Âu ký với 6 nước Nam Mỹ trong đó có Brazil.

Pháp đang giành ưu thế trước cuộc đấu khẩu ngoại giao với Brazil. Trả lời báo Anh The Guardian, nhà cựu ngoại giao Brazil Rubens Ricupero cho rằng chưa bao giờ, đất nước Brazil lại bị khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh như hiện giờ. Uy tín của Brazil dựa trên quyết tâm bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh, mà 60% diện tích nằm ở Brazil. Thế nhưng ông Bolsonaro, thay vì bảo vệ thì đã để mặc cho những người làm rẫy đốt phá rừng, theo cáo buộc của các nhà sinh thái.

Với chủ trương không cho ai khác đụng đến rừng của Brazil, ông đã vô tình quốc tế hóa cuộc khủng hoảng cháy rừng Amazon. Theo một kết quả thăm dò dư luận gần đây, 96% người được hỏi, kể cả cử tri đã bầu cho Bolsonaro, đều muốn siết chặt kiểm soát trên việc khai phá bất hợp pháp. Sau 8 tháng cầm quyền, điểm được lòng dân của ông Bolsonaro đã tuột dốc. Người đánh giá xấu phương thức hành động của ông ngày càng đông, và lần đầu tiên chiếm đa số (54% vào tháng 8 so với tháng 2 chỉ có 28%).

quan he phap brazil boc chay cung rung amazonApple cam kết góp quỹ khắc phục cháy rừng Amazon
quan he phap brazil boc chay cung rung amazonTài tử Leonardo DiCaprio gây quỹ 5 triệu USD cứu rừng Amazon
quan he phap brazil boc chay cung rung amazonNăng lượng mặt trời trong rừng Amazon
quan he phap brazil boc chay cung rung amazonBrazil hủy cấp phép khai thác mỏ ở rừng Amazon
quan he phap brazil boc chay cung rung amazonBrazil mở cửa rừng Amazon cho khai thác khoáng sản

H.Phan

AFP