Quá thiếu các cơ sở điều trị trẻ tự kỷ

14:08 | 02/04/2014

1,901 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo ước tính, nước ta hiện có 200.000 người mắc phải hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên, các cơ sở can thiệp điều trị trẻ tự kỷ thì quá ít so với nhu cầu thực tế.

Dù chưa có số liệu chính thức trên cả nước nhưng số liệu tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, trong năm 2009 có 1.752 bệnh nhi tự kỷ, trong khi số liệu năm 2008 chỉ là 936 trẻ. Chúng ta thấy rằng, trẻ bị bệnh tự kỷ có xu hướng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam không phải bậc phụ huynh nào cũng có kiến thức về căn bệnh này. Cũng như nhiều bậc cha mẹ có con bị bệnh tự kỷ vẫn loay hoay trong việc tìm nơi chữa trị, nhất là tại các vùng nông thôn thì điều kiện để chữa trị cho trẻ càng khó khăn hơn.

Chưa kể, nhiều người vẫn nhầm lẫn tự kỷ với những căn bệnh khác như thiểu năng trí tệ, bệnh down, thần kinh… nên khi chưa hiểu đúng về bệnh tự kỷ thì nhiều gia đình sinh tâm lý giấu giếm bệnh của con với những người xung quanh. Lâu ngày, bệnh càng nặng thì càng khó chữa trị.

TS Phạm Toàn chia sẻ kinh nghiệm can thiệp điều trị trẻ tự kỷ trong buổi ra mắt sách: "Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ"

Theo TS Phạm Toàn – nguyên trưởng khoa Tâm lý trị liệu, Trung tâm sức khỏe Tâm thần Hamilton – Madison (Mỹ), bằng kinh nghiệm từ nhiều năm làm việc với trẻ tự kỷ, cùng sự hiểu biết về toàn cảnh căn bệnh này trên thế giới, cũng như những đặc thù tại Việt Nam, cho rằng: Tự kỷ là bệnh có dải rộng từ cấp độ 1 đến cấp độ 10. Điều quan trọng trong quá trình trị liệu là cha mẹ phải có tình thương yêu bao la với con cái. Đồng thời cha mẹ phải hợp tác tốt với nhà trị liệu. Điều quan trọng nữa là nhà trường phải đào tạo giáo viên có chuyên môn tư vấn tâm lý. Xã hội, cộng đồng, truyền thông, báo chí phải làm sao để mọi người biết rằng, tự kỷ là một căn bệnh bình thường có thể điều trị, để cộng đồng không phân biệt đối xử với trẻ tự kỷ…

Còn BS Lâm Hiếu Minh – Phó trưởng khoa Tâm lý tâm thần trẻ em, Bệnh viện tâm thần TP HCM (Giảng viên khoa Tâm lý học, khoa Giáo dục học trường ĐH KHXH & NV TP HCM) thì khẳng định rằng, xã hội nên chấp nhận sự khác biệt. Và qua trải nghiệm nhiều năm làm việc ở khoa Tâm lý tâm thần trẻ em, BS Minh cho biết, trẻ bệnh tự kỷ có thể yêu, lập gia đình bình thường. Chỉ có một chút khác biệt là người bị bệnh tự kỷ có những nỗi sợ trong việc đụng chạm cơ thể và ngại mở lòng với người khác. Đối với những bạn bị bệnh ở dải độ thấp thì vẫn yêu và thể hiện tình yêu bình thường.

Với con số khoảng 200.000 ngàn mắc hội chứng tự kỷ ở nước ta hiện nay, nhưng các cơ sở điều trị thì rất khiêm tốn. Riêng tại TP HCM cơ sở điều trị trẻ tự kỷ còn quá thiếu. BS Minh cho biết toàn bộ miền Nam từ Mũi Cà Mau đến cả Đông Nam Bộ chỉ có 3 cơ sở điều trị là quá thiếu. Đó là khoa Tâm lý trị liệu trẻ tâm thần (bệnh viện Tâm thần TP HCM) và khoa Tâm lý của bệnh viện Nhi đồng I và khoa Tâm lý của bệnh viện Nhi đồng II (TP HCM). Còn một số cơ sở điều trị tư nhân thì kinh phí khá cao, sẽ gây khó khăn cho các trẻ tự kỷ mà gia đình kinh tế khó khăn.

Chưa kể, hiện nay trên thế giới có nhiều trường phái khác nhau để điều trị tự kỷ. Đối với khoa Tâm lý của Bệnh viện Tâm thần TP HCM, BS Minh cho biết, cách điều trị chủ yếu là tư vấn tâm lý cho cha mẹ để có phương pháp trị liệu phù hợp. Vì 30% trẻ tự kỷ bị chứng động kinh cộng với những rối loạn khác. Nên rất cần thiết việc kết hợp trị liệu và điều trị tâm lý.

Nuôi dạy một đứa trẻ là một công việc rất vất vả, nuôi dạy trẻ tự kỷ thì sự vất vả, khó khăn còn tăng lên gấp bội. Các bác sĩ tâm lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực này đều khuyên trong quá trình can thiệp trị liệu thì trẻ tự kỷ cần rất nhiều tình yêu thương, sự kiên nhẫn của cha mẹ.

Trong điều kiện thiếu cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ ở Việt Nam như hiện nay thì cha mẹ chính là bác sĩ của con mình trong quá trình trị liệu… Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ là một hành trình, luôn cần sự đồng hành không chỉ của gia đình mà còn của cả xã hội.

Thiên Thanh