“Phục hưng” văn hóa và tinh thần dầu khí

09:00 | 13/02/2021

5,566 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhân dịp Tết Tân Sửu 2021, chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa - Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) - có cuộc trò chuyện rất cởi mở, thẳng thắn với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới về việc xây dựng văn hóa dầu khí trong thời kỳ chuyển đổi số.

PV: Thưa ông, 2 năm qua, tham gia nhiều khóa đào tạo tại các đơn vị, ông thấy văn hóa dầu khí có những điểm nổi bật nào cần phát huy?

“Phục hưng” văn hóa và tinh thần dầu khí
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa:

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa: Trên cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học VPI, tôi còn nhận nhiệm vụ tham gia xây dựng Bộ công cụ quản trị năng suất chất lượng và nâng cao hệ thống quản trị doanh nghiệp tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam (gọi là Petroleum Best-in-Class, viết tắt là P-BiC). Sau 2 năm triển khai, tôi thấy nhiều đơn vị đã thực thi và áp dụng tương đối tốt P-BiC như BIENDONG POC, PV GAS, Đạm Cà Mau, Vietsovpetro...

VPI còn phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nâng cao ATC của Đại học Dầu khí (PVU) thực hiện nhiều khóa đào tạo chuyển đổi số cho các lãnh đạo cấp trung và kế cận của nhiều đơn vị thành viên Petrovietnam. Có thể nói, P-BiC và chuyển đổi số đã tạo một luồng gió mới song song với các dự án đào tạo nhằm nâng cao quản trị doanh nghiệp và tinh thần dầu khí sau những khủng hoảng, biến động rất lớn trong 3 năm qua.

Là một chuyên gia độc lập, tôi có thể điểm qua 3 vấn đề lớn, vừa là thách thức, vừa là cơ hội, của ngành Dầu khí trong năm qua:

Thứ nhất, khủng hoảng giá dầu toàn cầu là nguyên nhân khách quan nhưng gây rất nhiều khó khăn cho kinh tế Việt Nam, trong đó ngành Dầu khí chịu ảnh hưởng nặng nề trực tiếp.

Thứ hai, cuộc “khủng hoảng kép” do dịch Covid-19 khi giá dầu giảm sâu làm trầm trọng thêm tình hình tài chính toàn cầu.

Thứ ba, ngành Dầu khí Việt Nam đã trải qua những biến động rất lớn qua các “đại án” kéo dài, gây khủng hoảng văn hóa và tinh thần người lao động mấy năm liền.

Bộ công cụ quản trị năng suất chất lượng và nâng cao hệ thống quản trị doanh nghiệp (P-BiC) chuyển đổi số đã tạo một luồng gió mới song song với các dự án đào tạo nhằm nâng cao quản trị doanh nghiệp và tinh thần dầu khí sau những khủng hoảng, biến động rất lớn trong 3 năm qua.

PV: Theo ông, ngành Dầu khí cần làm gì để vượt qua thách thức?

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa: Người dầu khí có nền tảng trình độ văn hóa cao hơn so với mặt bằng xã hội, vì đây là ngành rất đặc thù và độ chuyên nghiệp rất cao, tiếp cận với trình độ quốc tế, nên hầu hết cán bộ, viên chức đều có trình độ trên đại học. Đặc biệt, các giàn khoan, giàn khai thác, các POC... đang sử dụng lực lượng lao động chuyên gia cao cấp trình độ quốc tế theo tiêu chuẩn chung của ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu. Các đơn vị thành viên Petrovietnam đang quản trị đội ngũ nhân sự đẳng cấp như vậy là một lợi thế rất lớn để phát triển văn hóa doanh nghiệp.

Vấn đề lớn nhất của ngành Dầu khí là phải tạo động lực và khôi phục niềm tin vào “bộ gene” văn hóa doanh nghiệp để người lao động an tâm làm việc và hãnh diện cống hiến. Ngành Dầu khí cần chấn chỉnh lại hệ thống quản trị nhân sự (HRM), không phải chỉ là kỹ năng (skill) mà là “bộ gene” văn hóa, công tác tuyên giáo, truyền thông nội bộ.

“Phục hưng” văn hóa và tinh thần dầu khí

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa tại buổi nói chuyện chuyên đề “Tư duy hành động trong kỷ nguyên số tại PVCFC”

PV: Ông có thể phân tích cụ thể hơn những giải pháp mà VPI và các chuyên gia sẽ đưa vào các khóa đào tạo để “phục hưng” văn hóa dầu khí?

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa: Chương trình đào tạo P-BiC có các module theo phương pháp luận toàn cầu, các công cụ “giải phẫu” văn hóa doanh nghiệp và xây dựng tư duy hành động. Dù hiện nay cấp Petrovietnam chưa triển khai P-BiC, nhưng các doanh nghiệp lớn trong ngành Dầu khí đang làm rất tốt. Chúng tôi sẽ lấy kết quả của các doanh nghiệp đã làm thành công và đóng gói thành các case-studiy, các sản phẩm hoàn chỉnh để đề xuất với Petrovietnam xây dựng bộ P-BiC cho cả ngành Dầu khí.

Cùng với “bộ gene” văn hóa doanh nghiệp và P-BiC, chúng tôi tích hợp vào các tư duy và công cụ chuyển đổi số (Digital Transformation) ngành năng lượng. Văn hóa doanh nghiệp toàn cầu hiện nay rất nhấn mạnh văn hóa số (Digital). Với sự tư vấn của các chuyên gia, chuyển đổi số đang áp dụng vào ngành Dầu khí ngày càng mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn. Do đó, “bộ gene” văn hóa doanh nghiệp và chuyển đổi số là hai từ khóa quan trọng của nhiều doanh nghiệp dầu khí. Điển hình là BIENDONG POC hiện đang đi đầu trong áp dụng chuyển đổi số và các module P-BiC suốt 18 tháng qua. Theo đó, BIENDONG POC cùng VPI “setup” lại toàn bộ các hoạt động quản trị thông qua calling trực tuyến với ngoài giàn. Tổng giám đốc Ngô Hữu Hải quyết tâm điều phối cả các hoạt động họp giao ban hằng tuần của BIENDONG POC lên mức trực tuyến 100%. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo BIENDONG POC chủ động thực hiện nhiều chương trình truyền thông gây hiệu ứng xã hội rất tốt như lập kỷ lục Lễ chào cờ ở nơi xa nhất của Tổ quốc ngoài giàn khoan do BIENDONG POC phối hợp với VTV thực hiện trong năm 2020. Những giá trị tích cực này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phổ quát văn hóa dầu khí đến công chúng.

PV: “Bộ gene” văn hóa doanh nghiệp cụ thể là những giá trị gì, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa: Không phải hô khẩu hiệu với các giá trị cốt lõi, mà “bộ gene” văn hóa doanh nghiệp hiện nay có lộ trình, có phương pháp luận và công cụ quốc tế để thực hiện. VPI đang cùng chuyên gia đóng gói và xây dựng lại công cụ “giải phẫu” văn hóa doanh nghiệp theo nhiều chiều kích để phù hợp với “bộ gene” văn hóa Petrovietnam.

Để chuyên nghiệp hóa, Petrovietnam cần đưa KPI vào quản trị doanh nghiệp. P-BiC là bộ công cụ năng suất, chất lượng được tích hợp rất chuyên nghiệp từ kinh nghiệm của các tập đoàn trên toàn cầu sử dụng để vươn đến đỉnh cao. VPI đã viết riêng chương trình P-BiC cho ngành Dầu khí cùng với chương trình đào tạo chuyển đổi số đang trở thành bộ công cụ rất mạnh cho Petrovietnam.

Điều cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh trong công tác nhân sự (HRM) của Petrovietnam là xây dựng thế hệ kế cận N-1 (Niveau-1). Hiện VPI và BIENDONG POC đang chú trọng xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận với chương trình “nhân sự N-1 cho các vị trí” chuyên nghiệp và hiệu quả cao.

PV: Theo ông, làm thế nào để thiết chế văn hóa triển khai hiệu quả, đặc biệt đối với ngành đặc thù như ngành Dầu khí?

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa: Ngành Dầu khí nên tham gia, học tập từ các trung tâm giải pháp năng lượng (SOLUTION-HUB) quốc tế. Thời gian qua, ông Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng VPI và ông Phan Minh Quốc Bình - Phó viện trưởng VPI, qua sự giới thiệu của chuyên gia, đã đi Mỹ để tìm hiểu về các trung tâm giải pháp toàn cầu ở Silicon Valley. Qua chuyến đi, các ông sẽ xem ngành Dầu khí nên tham gia vào những HUB nào là phù hợp và hiệu quả nhất. Đây là con đường kết nối, đi ra toàn cầu bằng các giải pháp công nghệ của ngành Dầu khí Việt Nam với Mỹ và các nước phát triển.

Ngành Dầu khí đang tiếp cận với tư duy mới trong thời kỳ chuyển đổi số bằng những lớp đào tạo. Vietsovpetro, PV GAS, BIENDONG POC đã chạy chương này với VPI và PVU suốt 2 năm qua.

Bản thân tôi luôn nghĩ rằng, ngành Dầu khí đang dịch chuyển rất chủ động từ cấp cơ sở trong các hoạt động truyền thông, chuyển đổi số, đưa ngành Dầu khí đến công chúng gần hơn bằng những câu chuyện, bài viết, cách tuyên truyền người thật việc thật, hiệu quả, để cộng đồng hiểu hơn về ngành, về truyền thống rất đáng tự hào mà ngành Dầu khí đã làm được cho kinh tế đất nước trong mấy chục năm qua. Có như thế, hình ảnh về ngành Dầu khí sẽ được “phục hưng” và người dầu khí ngẩng cao đầu đi về phía trước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Người dầu khí có nền tảng trình độ văn hóa cao hơn so với mặt bằng xã hội vì đây là ngành rất đặc thù và độ chuyên nghiệp rất cao, tiếp cận với trình độ quốc tế, hầu hết cán bộ, viên chức đều có trình độ trên đại học. Đội ngũ nhân sự đẳng cấp là một lợi thế rất lớn để phát triển văn hóa doanh nghiệp.
[E-Magazine] Mùa Xuân từ những giếng dầu: Hành trình xúc cảm của người dầu khí
[E-Magazine] Nhìn lại năm 2020 của Petrovietnam: Nỗ lực vượt bậc, hoàn thành “mục tiêu kép” trong “khủng hoảng kép”
[E-Magazine] Bảo dưỡng “chòm sao lớn”
[E-magazine] PVN - Công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ
[E-Magazine] Bí quyết vượt "khủng hoảng kép" của PVN
[E-magazine] PVN - Tâm thế vượt "khủng hoảng kép"

Thanh Thanh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc