Phòng, chống tiêu cực trong chính cơ quan chống tiêu cực
![]() |
Cần bám sát quan điểm tinh gọn bộ máy Nhà nước
Về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) thể hiện theo hướng mở rộng thành lập các tổ chức thanh tra ở cấp Trung ương, bên cạnh việc giữ thanh tra cấp huyện. Với cách quy định này, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) lưu ý, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Khóa XII yêu cầu giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian. Nghị quyết này cũng quy định thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền với trách nhiệm. Thể chế hóa quan điểm này, đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Với các quan điểm và nguyên tắc như trên, ĐB Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, cần phải tinh gọn bộ máy làm công tác thanh tra, đẩy mạnh phân cấp và tăng cường thanh tra cấp cơ sở. Theo đó, thanh tra cấp Trung ương nên tập trung vào việc xây dựng thể chế, hướng dẫn tổ chức hoạt động và kiểm tra hoạt động của các cơ quan thanh tra cấp dưới. “Hiện nay nước ta có tới 51 cơ quan Trung ương đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trong đó, có 5 cơ quan được giao bởi các đạo luật chuyên ngành còn lại 46 cơ quan được giao theo quy định của Chính phủ”. Từ thực tế này, ĐB Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cần làm rõ việc thể chế hóa quan điểm về bộ máy nhà nước tinh gọn hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần của Nghị quyết số 18 của Trung ương trong dự thảo Luật.
Ngoài ra, tại dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng quy định cụ thể hơn về việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan nhà nước khác để thực hiện thanh tra theo quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý. Việc thành lập và chức năng của cơ quan thanh tra này theo hướng giao Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội lưu ý, việc giao chức năng thanh tra cho cơ quan thuộc Chính phủ chưa được đánh giá tác động kỹ, nên cần làm rõ việc giao này có chồng chéo không, có tăng biện chế hay có tăng bộ máy không.
Để bảo đảm chặt chẽ, đúng chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả, ĐBQH Vũ Huy Khánh (Bình Dương) đề nghị, tại dự thảo Luật phải có quy định về các nguyên tắc, tiêu chí cơ bản để làm căn cứ thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Đối với các cơ quan khác thuộc Chính phủ thì cần hết sức hạn chế việc thành lập cơ quan thanh tra hay cơ quan thanh tra chuyên ngành.
Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đào Hồng Phong khẳng định, trong thời gian tới, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu bổ sung quy định tiêu chí, nguyên tắc thành lập cơ quan thanh tra để tránh lạm dụng, bảo đảm tính thống nhất, khả thi, tránh chồng chéo về chức năng. “Không phải Tổng cục, Cục thuộc Bộ nào cũng được thành lập cơ quan thanh tra. Về cơ bản, chỉ được thành lập cơ quan thanh tra, Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Thanh tra Sở thuộc Sở khi pháp luật chuyên ngành quy định thành lập theo nhu cầu thực tiễn cần thiết và theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Vì sao có những sai phạm trong thời gian dài nhưng rất chậm phát hiện?
Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng quy định và trao quyền cho cơ quan thanh tra và các đoàn thanh tra, cũng như quy định trình tự, nghiệp vụ thanh tra rất chặt chẽ từ việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thu thập, xác minh thông tin tài liệu, giám sát hoạt động thanh tra, thẩm định kết luận thanh tra.
Tán thành với dự thảo Luật, song ĐBQH Tao Văn Giót (Lai Châu) nêu thực tế: cử tri và nhân dân đặt câu hỏi, trong thời gian qua rất nhiều cá nhân, địa phương, cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có sai phạm về kinh tế bị khởi tố hình sự với những sai phạm trong thời gian dài không bị phát hiện. Trong khi đó, hầu hết các tổ chức, cá nhân này đều được các cơ quan thanh tra tổ chức thanh tra, kết luận nhưng kiến nghị khởi tố hàng năm còn ít. Tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã điều chỉnh về nội dung này, song, đại biểu tỉnh Lai Châu nhận thấy, quy định còn rất chung chung, chủ yếu quy định nguyên tắc, trên thực tế sẽ khó áp dụng. Do vậy, đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu, rà soát để quy định cụ thể hành vi vi phạm và chế tài xử lý vi phạm; bổ sung quy định về điều kiện, mức độ vi phạm qua thanh tra chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Để khắc phục hiện tượng này, ĐB Tao Văn Giót cho biết, nhiều cử tri và doanh nghiệp đã kiến nghị trong quá trình các Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ thì HĐND cần tăng cường tổ chức giám sát hoạt động này, bảo đảm minh bạch, tránh việc nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tượng được thanh tra. “Trong lần sửa đổi này, để có cơ sở pháp luật chặt chẽ cho hoạt động giám sát của cơ quan Quốc hội và HĐND, thì cần bổ sung quy định trách nhiệm giám sát của Quốc hội và HĐND đối với hoạt động thanh tra. Trong đó, xác định rõ phạm vi, nội dung được giám sát như đã quy định trong Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015”, ĐB Tao Văn Giót đề nghị.
Về nội dung này, ĐB Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cần bổ sung quy định bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động giám sát, cũng như có các quy định về việc xử lý trách nhiệm của các thành viên giám sát khi không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, can thiệp trái quy định vào hoạt động thanh tra. ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) cũng lưu ý, các quy định tại dự thảo Luật chủ yếu điều chỉnh về hình thức, nội dung giám sát mà không có quy định về thành phần giám sát và phương thức giám sát.
Trên thực tế, quản lý, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là nội dung quan trọng nhằm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra, kiểm soát hoạt động các thành viên Đoàn, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Do vậy, trước ý kiến của các ĐBQH, Tổng Thanh tra Chính phủ Đào Hồng Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ đang sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan thanh tra và hoạt động của Đoàn thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Nguyễn Phú Trọng “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Theo Lê Bình/ Báo điện tử Đại biểu Nhân dân
- [PetroTimesMedia] 10 điểm mới trong Luật Dầu khí sửa đổi năm 2022
- Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
- Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020
- Thực sự phát huy rộng rãi quyền làm chủ của Nhân dân
- Các biện pháp bảo vệ trẻ em cần ở mức độ cao hơn và sớm hơn
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025