Phối hợp nhiều cơ quan để phong tỏa, truy tìm tài sản tham nhũng

10:13 | 05/01/2021

164 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng".

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa phê duyệt Báo cáo số 01/BC-BTP về tổng kết công tác tư pháp năm 2020, nhiệm kỳ 2016-2020; định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2021.

Trong đó định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 sẽ bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, công khai, minh bạch, ổn định và dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, có hiệu lực, hiệu quả cao…

Bảo đảm thượng tôn pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử phổ biến trong đời sống xã hội và trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh nhằm khắc phục triệt để tình trạng nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phối hợp nhiều cơ quan để phong tỏa, truy tìm tài sản tham nhũng - 1
Tại phiên tòa cuối năm 2019, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nộp tiền, khắc phục hoàn toàn số tiền 3 triệu USD mà bị cáo Son nhận từ bị cáo Phạm Nhật Vũ.

Bộ Tư pháp cũng đặt mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý. Hình thành được mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp.

"Chủ động phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật và tương trợ tư pháp"- Bộ Tư pháp đặt mục tiêu.

Riêng trong năm 2021 sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn. Theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện công tác rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật và việc xử lý kết quả rà soát văn bản đã được thực hiện trong năm 2020.

Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sau khi được ban hành.

"Phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu thi hành án dân sự được Quốc hội giao năm 2021. Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng "- Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Đồng thời sẽ củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ thi hành án dân sự; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhất là trụ sở làm việc, kho vật chứng và thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thi hành án.

Ưu tiên hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc

Bộ Tư pháp khẳng định sẽ đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch; ưu tiên tập trung nguồn lực khẩn trương hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, sớm đi vào vận hành đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xây dựng đề xuất xin gia nhập Công ước 1961 về giảm tình trạng người không quốc tịch.

Cũng trong năm 2021, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục chủ động tham mưu, phối hợp tham mưu cho các cấp, các ngành về khía cạnh pháp lý trong các quyết sách, chỉ đạo phòng, chống dịch, thực hiện "mục tiêu kép".

Theo Dân trí