"Phi tưởng phi phi tưởng" là gì?

07:15 | 15/01/2014

|
Bạn đọc: Xin ông An Chi cho biết “Phi tưởng phi phi tưởng” là gì? Lê Thủy (HN)

Học giả An Chi: Vì không có điều kiện tìm hiểu kỹ về vấn đề này nên chúng tôi chỉ xin trích dẫn mấy đoạn sau đây để bạn tham khảo.

Từ điển Phật học Hán - Việt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Kim Cương Tử chủ biên (NXB Khoa học xã hội, 2002) giảng: “Cách gọi cũ là Phi hữu tưởng phi vô tưởng. Cõi vô sắc thứ 4, là tầng cao hơn hết trong tam giới, do đó mà cũng gọi là Hữu đỉnh thiên. Phi tưởng phi phi tưởng là do đi vào thiền định của tầng trời này, cục kỳ tĩnh diệu, không như thô tưởng ở tầng dưới, nên gọi là phi phi tưởng”.

Mục “Chín cõi” của trang phathoc.net viết:

“Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa: Trên cùng của Vô-sắc giới là cõi trời Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ; nơi đó, chúng sinh an trú trong cảnh giới thiền định cao tột của ba cõi, không còn niệm phân biệt có tư tưởng hay không có tư tưởng, không thiên có, không thiên không, hoàn toàn bình đẳng, an tịnh, cho nên gọi là “Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ địa”.

Chương 11 (Đạt được tri kiến) của trang Đạo Phật ngày nay viết về “Phi tưởng phi phi tưởng”:

“Tầng thiền thứ bảy dẫn đến tầng thứ tám là tầng tương ứng với tứ thiền. Trong tứ thiền tâm được thư giãn, trong khi người quán sát vẫn còn hoạt động ở phía sau, nhưng ở tầng thứ tám, tâm không còn tỉnh thức và nhận biết như thế, thay vào đó nó trụ nơi bản thân. Cảm giác này thật khó giải thích. Nó bỏ lại đằng sau bốn uẩn thuộc về tâm (trong ngũ uẩn - khandhas). Tầng thứ tám cũng được gọi là phi tưởng phi phi tưởng. Tưởng là chi thứ ba sau sắc, thọ và là người quán sát của chúng ta. Trong tầng thứ tám này, người quán sát trở nên lu mờ đến nỗi nó không thể nói gì về chứng nghiệm này. Tuy nhiên, tâm trú ngụ trong sự an bình tuyệt đối và tiếp nhận một nguồn năng lượng khổng lồ. Nó cho chúng ta thấy đã có biết bao đau khổ trong tư tưởng và sự quán sát, ngay chính như khi ta nghĩ đến những điều tốt đẹp nhất. Kết quả của tầng thiền thứ tám là chúng ta nhận thức được rằng tâm hoạt động không ngừng đem lại đau khổ. Nếu thân phải làm việc cực nhọc như là chúng ta luôn đòi hỏi nơi tâm thì nó không thể chịu đựng nổi. Chỉ có người thực hành thiền quán mới có thể tạo được một ít thanh tịnh cho tâm trong thiền định”.

Chương 40.8 của SuttaCentral (do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch) viết:

 “Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ”, như vậy được nói đến. Thế nào là Phi tưởng phi phi tưởng xứ?

Rồi này chư Hiền, tôi suy nghĩ như sau: “Ở đây, Tỷ-kheo vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Ðây gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Rồi này chư Hiền, tôi vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này chư Hiền, do tôi trú với an trú này, các tưởng câu hữu với Vô sở hữu xứ được tác ý và hiện hành.

Rồi này chư Hiền, Thế Tôn với thần thông đi đến tôi và nói như sau: “Này Moggallâna, này Moggallâna, chớ có phóng dật Phi tưởng phi phi tưởng xứ! Này Moggallâna, hãy đặt tâm vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ! Hãy nhứt tâm vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ! Hãy định tâm vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ!”.

Rồi này chư Hiền, sau một thời gian, tôi vượt qua Vô sở hữu một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ”.

Mục “Phi tưởng phi phi tưởng xứ” của trang http://chonnhu.drupalgardens.com viết:

“Khi đức Phật rời khỏi đạo tràng của Alara Kalama rồi vượt sông Hằng tìm đến đạo tràng của Uddaka Ramaputta học đạo. Ở đây đức Phật cũng được vị thầy này sẵn sàng chỉ dạy. Đức Phật tu tập chẳng bao lâu liền nhập được định PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ. Định PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ là một loại định cao nhất của ngoại đạo lúc bấy giờ, nên các vị thầy ngoại đạo khó có ai tu đạt được thiền định này, nhưng chỉ có đức Phật nỗ lực tu tập trong một thời gian ngắn mà Ngài đã nhập được một cách dễ dàng. Khi nhập xong định PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ thì đức Phật được Ngài Uddaka Ramaputta chia cho nửa tòa để cùng lãnh chúng. Tuy đức Phật nhập được PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ nhưng cảm nhận tâm mình vẫn còn tham, sân, si, mạn, nghi, vì thế đức Phật xin từ giã vị thầy đã tận tình hướng dẫn tu tập để đi tìm một vị Thầy dạy tu tập làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Từ vị thầy này đến vị thầy khác, nhưng đến đâu các vị thầy đều tu tập rèn luyện thần thông hơn là chú ý đến giải quyết mọi sự khổ đau của kiếp người. Vì thế đức Phật đi tìm mãi và gặp một số tu sĩ tu tập khổ hạnh để làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Nghe thế đức Phật liền nhập vào số những người tu sĩ này tu tập”.

Tại trang Pháp hỷ thắng các hỷ, Thọ-Ái-Thủ phát biểu quan niệm của mình về “Phi tưởng phi phi tưởng”:

“Sống GIỐNG mọi người mà không NHƯ mọi người:

Người ta muốn ăn ngon mình cũng muốn ăn ngon, nhưng không chấp vào cái được ăn ngon mới vui.

Người ta tham mình cũng tham, nhưng khi tham biết mình đang tham.

Người ta sân hận mình cũng sân hận, nhưng khi sân hận biết mình đang sân hận.

Người ta si mê mình cũng si mê, nhưng khi si mê biết mình đang si mê.

Người ta sấu (sic) tính mình cũng sấu tính, nhưng khi sấu tính biết mình đang sấu (sic) tính.

Người ta nhỏ nhặt mình cũng nhỏ nhặt, nhưng khi nhỏ nhặt biết mình đang nhỏ nhặt.

Người ta háu (sic) sắc mình cũng háu sắc, nhưng khi háu sắc biết mình đang háu (sic) sắc.

Người ta háu (sic) danh mình cũng háu danh, nhưng khi háu (sic) danh biết mình đang háu danh.

Người ta tham giàu mình cũng tham giàu, nhưng khi tham giàu luôn nhớ cái mình cần rất ít, cái mình muốn rất nhiều.

Người ta sợ chết mình cũng sợ chết, nhưng khi sợ chết luôn nhớ cuộc đời rất là vô thường”.

A.C

* Trong bài, tác giả có dùng chữ “sic” trong ngoặc đơn sau chữ “sấu” và chữ “háu”. SIC có ý nói “sao y nguyên văn” chứ không tự ý sửa thành XẤU và HÁO theo đúng chính tả hiện hành.