Phi công Mỹ rượt đuổi tiêm kích Đức dưới chân tháp Eiffel năm 1944

08:28 | 26/10/2018

379 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù bị phòng không đối phương ngắm bắn, đại úy Overstreet vẫn kiên trì bám đuôi tiêm kích Đức xuyên qua chân tháp Eiffel trước khi bắn hạ mục tiêu.
phi cong my ruot duoi tiem kich duc duoi chan thap eiffel nam 1944
Overstreet trước khi tới châu Âu tham chiến. Ảnh: War History.

William "Bill" Overstreet Jr. được đánh giá là phi công có trình độ cao khi thường bay nhiều vòng qua cầu Cổng Vàng trong quá trình huấn luyện tại Mỹ. Vào một ngày đầu năm 1944, đại úy Overstreet đã thể hiện kỹ năng điêu luyện và bản lĩnh khi điều khiển chiếc P-51B Mustang truy đuổi tiêm kích Bf-109 Đức dưới chân tháp Eiffel của Pháp, theo War History.

Overstreet sinh ngày 10/4/1921 tại Clifton Forge, Virginia. Sau khi phát xít Nhật tấn công Trân Châu Cảng, Overstreet gia nhập quân đội Mỹ và tham gia các khóa huấn luyện phi công ở bang California và Arizona.

Tốt nghiệp sau khi tích lũy đủ giờ bay trên các máy bay huấn luyện BT-13, T-6 và P-40, Overstreet được điều động về Phi đội 363 thuộc Phi đoàn tiêm kích số 357. Anh được bay cùng những phi công dày dạn kinh nghiệm của Mỹ, trong đó có cả Chuck Yeager, người đầu tiên trên thế giới điều khiển máy bay vượt tốc độ âm thanh vào năm 1947.

Sau khi được điều động tham gia chiến đấu, Overstreet cùng các đồng đội thường xuyên bay hộ tống oanh tạc cơ tấn công lãnh thổ phát xít Đức. Bởi vậy, anh đặt tên cho chiếc tiêm kích P-51 của mình biệt danh "Tàu tốc hành tới Berlin".

Những phi công thuộc Phi đoàn 357 nhiều lần được biểu dương vì thành tích chiến đấu. Ngày 6/3/1944, khi hộ tống oanh tạc cơ B-17 đến Berlin, họ bắn hạ 20 tiêm kích đối phương, phá hủy một sân bay lớn và khiến nhiều máy bay Đức bị hư hại.

"Một số chiếc P-51 rời đội hình để giao chiến với tiêm kích địch, ngăn chúng lập đội hình phản công. Dù chiến đấu trong điều kiện khó khăn, liên tục bị phòng không và máy bay đối phương tấn công, Phi đoàn 357 không hứng chịu tổn thất nào", Overstreet hồi tưởng về trận đánh ngày 6/3/1944.

Không lâu sau đó, khi Overstreet và đồng đội đang hộ tống oanh tạc cơ Mỹ gần Paris, Pháp, họ bị nhiều tiêm kích Bf-109 Đức tấn công. Overstreet điều khiển chiếc P-51 của mình nghênh chiến với một chiếc Bf-109 và nhanh chóng chiếm ưu thế.

Bị Overstreet truy đuổi gắt gao, chiếc Bf-109 tìm cách bay qua các trận địa pháo phòng không Đức nhằm cắt đuôi đối phương. Tuy nhiên, Overstreet vẫn đuổi theo và bắn trúng động cơ máy bay Đức, khiến nó bốc cháy.

phi cong my ruot duoi tiem kich duc duoi chan thap eiffel nam 1944
Tranh mô tả cuộc truy đuổi tiêm kích Bf 109 của Overstreet. Ảnh: Warbirds News.

Trong nỗ lực thoát thân, phi công Đức điều khiển tiêm kích của mình hạ độ cao, bay xuyên qua chân tháp Eiffel. Quyết không để đối phương chạy thoát, Overstreet lao theo, băng qua chân tháp và nã nhiều loạt đạn làm chiếc Bf-109 đâm xuống đất. Sau đó, Overstreet tăng tốc tối đa để tránh hỏa lực phòng không địch.

"Tôi bám theo chiếc Bf-109 khi hầu hết tiêm kích Đức đã rút lui. Chúng tôi đã không chiến ác liệt, máy bay của tôi bắn trúng đối phương khi ở độ cao khoảng 450 m. Phi công Đức dụ tôi bay về Paris, cho rằng sẽ chạy thoát khi tôi bị pháo phòng không cầm chân. Nhưng anh ta đã lầm. Tôi đuổi theo ngay đằng sau và cùng bay dưới chân tháp Eiffel. Sau khi hạ đối phương, tôi hạ độ cao và bay lướt trên mặt sông đến khi thoát ly khỏi Paris", Overstreet nhớ lại.

Ngày 23/5/1944, khi hộ tống oanh tạc cơ làm nhiệm vụ ở miền nam nước Pháp, chiếc P-51 của Overstreet bị trúng đạn pháo phòng không, khiến hệ thống dưỡng khí bị hỏng khi ở độ cao 7.600 m. Dù rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê suốt 90 phút, Overstreet vẫn có thể đưa chiến đấu cơ của mình hạ cánh an toàn ở thị trấn Leiston, Anh.

"Tôi bị ngất một lúc sau khi máy bay trúng đạn. Khi tỉnh lại, tôi nhận thấy chiếc P-51 đang xoay vòng mất kiểm soát và động cơ chết máy. Tôi nhanh chóng lấy lại cân bằng, khởi động động cơ và điều khiển máy bay tránh khu rừng trước mặt, sau đó bay dọc bờ biển Pháp trở về Anh", Overtreet cho biết.

Overstreet tiếp tục nhiệm vụ hộ tống vận tải cơ và oanh tạc cơ trong phần còn lại của Thế chiến II, góp mặt trong chiến dịch đổ bộ Normandy tháng 6/1944.

Sau chiến tranh, Overstreet trở về Mỹ, dạy trong trường quân sự ở Florida và trở thành kiểm toán viên. Ngày 6/6/2009, Overstreet được Đại sứ Pháp tại Mỹ trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, phần thưởng danh giá nhất quân đội Pháp vì lòng dũng cảm khi tham chiến ở Paris.

Theo VnExpress.net

phi cong my ruot duoi tiem kich duc duoi chan thap eiffel nam 1944 Những mẫu máy bay chiến đấu lập kỷ lục thế giới của Liên Xô
phi cong my ruot duoi tiem kich duc duoi chan thap eiffel nam 1944 Nga thử nghiệm máy bay siêu tiêm kích Su-35S
phi cong my ruot duoi tiem kich duc duoi chan thap eiffel nam 1944 Sự cố pháo cướp cò khiến tiêm kích F-16 Bỉ cháy rụi

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc