Phát triển dược liệu: Từ truy xuất nguồn gốc đến hình thành chuỗi giá trị

06:30 | 27/12/2023

199 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, các hoạt động nuôi trồng, khai thác, chế biến và cung ứng dược liệu có vai trò đặc biệt quan trọng. Sự phát triển của thị trường sản phẩm thảo dược toàn cầu với quy mô trên trên 200 tỷ USD mỗi năm với tốc độ tăng trưởng cao cũng khiến nhu cầu về dược liệu, thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng, đưa dược liệu trở thành ngành kinh tế quan trọng và có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, để ngành dược liệu thực sự phát triển, với đặc thù của nhóm sản phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người và trong bối cảnh mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và hình thành chuỗi giá trị dược liệu là yêu cầu hết sức cần thiết đối với các quốc gia, trong đó Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

I. DƯỢC LIỆU - VAI TRÒ QUAN TRỌNG

Phát triển dược liệu: Từ truy xuất nguồn gốc đến hình thành chuỗi giá trị
Dược liệu là yếu tố không thể thiếu của ngành y. Ảnh minh họa

Dược liệu là gì?

Theo định nghĩa tại Luật Dược, dược liệu là nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc tự nhiên từ thực vật, động vật, khoáng vật và đạt tiêu chuẩn làm thuốc.

Dược liệu có thể là tất cả các bộ phận của cây hoặc động vật, hoặc chỉ là một vài bộ phận của chúng. Những chất tiết ra hay được tách chiết từ cây hoặc động vật như nhựa, sáp, tinh dầu, dầu mỡ cũng thuộc phạm vi dược liệu.

Khai thác và sử dụng dược liệu: Một quá trình tự nhiên

Từ phương Tây đến phương Đông

Vào thời kỳ tiền sử, con người phải kiếm cây cỏ và động vật hoang dã để làm thức ăn. Qua chọn lọc và thử thách, con người dần xác định được thực vật, động vật nào ăn được, không ăn được. Tính chất chữa bệnh của một số thực vật hoặc động vật cũng được tình cờ phát hiện và kinh nghiệm sử dụng chúng được tích lũy dần.

Nhiều tài liệu cổ cho biết, khoảng 5.000 năm Trước công nguyên (TCN), người dân Babilon đã hiểu biết về tác dụng của nhiều cây thuốc. Người Ai Cập cổ đại đã biết dùng nhiều cây và động vật để làm thuốc. Tên tuổi của nhiều thầy thuốc Hy Lạp cổ và việc sử dụng dược liệu cũng được lịch sử ghi lại, như việc Aristotles mô tả 500 loại thuốc thô được sử dụng để chữa các tình trạng bệnh lý khác nhau; Hippocrat - cha đẻ của y học đối chứng - chỉ ra gần 400 mẫu dược liệu có nguồn gốc thực vật; Dioscorid - nhà nghiên cứu về dược liệu với tập sách “Dược liệu học” - mô tả hàng nghìn cây có tác dụng chữa bệnh; Gallien với nhiều cuốn sách mô tả các phương pháp bào chế thuốc chứa dược liệu có nguồn gốc động vật và thực vật...

Đối với y học phương Đông, nổi trội là nền y học Trung Quốc, vào thời kỳ Hoàng Đế (năm 2637 TCN) đã có sách nói về các phương pháp chữa bệnh theo y lý Đông phương, trong đó có việc sử dụng nhiều loại dược liệu. Đến năm 1596, Trung Quốc đã có cuốn sách được công nhận thực sự có giá trị khoa học và bổ ích, đó là “Bản thảo cương mục” do Lý Thời Trân biên soạn, bao gồm 1.894 đơn thuốc từ dược liệu...

Ngày nay, hầu hết các dược điển trên thế giới đều đề cập tới các loại dược liệu có giá trị y học. Nhiều quốc gia như Anh, Nga, Đức,... có dược điển thảo dược riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng dược liệu không chính thức được sử dụng cao hơn nhiều.

Tại Việt Nam

Vào thời kỳ Hồng Bàng (năm 2879 TCN), tổ tiên ta đã biết kết hợp một số dược liệu để nhuộm răng, có tục nhai trầu để bảo vệ bộ răng; biết uống chè vối cho dễ tiêu; dùng gừng, hành, tỏi,... để làm gia vị và để phòng bệnh.

Dưới thời Nam Việt Giao Chỉ, nhiều vị thuốc như cau, ý dĩ, long nhãn, vải, gừng gió, quế, trầm hương, hương bài, cánh kiến, mật ong, sừng tê giác,... đã được phát hiện và sử dụng.

Đến thế kỷ thứ XIV, dưới thời nhà Trần, Viện Thái Y tổ chức thu thập cây thuốc và trồng thuốc. Đây cũng là giai đoạn nước ta xuất hiện nhiều danh y như Phạm Công Bân, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh... Trong đó, danh y Tuệ Tĩnh đã nghiên cứu những cây cỏ Việt Nam, sưu tầm những bài thuốc giản dị thường dùng trong dân gian kết hợp kinh nghiệm trị bệnh của Trung y, xây dựng một sự nghiệp có tính chất dân tộc, đại chúng và sáng tạo trong thời kỳ mà thuốc Bắc rất thịnh hành. Ông cũng để lại các tác phẩm rất có giá trị, trong đó có bộ “Nam dược thần hiệu”, nói về dược tính của 499 vị thuốc Nam.

Đến thế kỷ XVIII, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã phát huy chủ trương “Dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam”, sưu tầm nhiều vị thuốc mới, phát hiện và nghiên cứu, tổng hợp thêm nhiều phương thuốc công hiệu, phổ biến cho nhân dân để mọi người tự chữa các bệnh thông thường với cây nhà, lá vườn sẵn có.

Từ khi nước nhà giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Quân dân ta đã tận dụng nguồn dược liệu ở địa phương để bào chế ra thuốc men, đáp ứng được một phần quan trọng nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh. Nhiều tài liệu về cây thuốc được biên soạn, đặc biệt là cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS, TS Đỗ Tất Lợi. Nhiều cơ sở và tổ chức y dược học cổ truyền được thành lập; việc khai thác, phát triển, nghiên cứu và sử dụng dược liệu, đặc biệt là thuốc Nam cũng được chú trọng.

Vai trò quan trọng

Đối với ngành y tế

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay khoảng 60% dân số thế giới dùng thuốc thảo dược. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, tỷ lệ người sử dụng thuốc từ thảo dược và các biện pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền khác để chăm sóc sức khỏe là khoảng 80%. Riêng tại các nước phát triển, khoảng 1/4 số thuốc kê trong đơn có chứa hoạt chất từ thảo mộc.

Xét theo khu vực, châu Phi có tới 80% dân số sử dụng thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe, trong khi ở châu Á và Mỹ Latin, tỷ lệ này cao hơn vì hoàn cảnh lịch sử và tín ngưỡng văn hóa. Số liệu năm 2017 của WHO cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ thuốc dược liệu của 2 khu vực này chiếm 72,36% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu.

Dược liệu không chỉ được đánh giá cao trong việc chữa các bệnh thông thường mà hiệu quả điều trị còn được ghi nhận đối với nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư hay một số bệnh mãn tính.

Bên cạnh đó, dược liệu và tinh chất dược liệu là đầu vào quan trọng cho sản xuất thuốc từ dược liệu; đồng thời cung cấp nguyên liệu cho việc bán tổng hợp nhiều loại hóa dược. Chỉ riêng nhu cầu bán tổng hợp các thuốc steroid hằng năm thế giới cần khoảng 100.000 tấn củ mài có chứa diosgenin. Nhiều hoạt chất quan trọng, như: quinin, morphin, emetin, strychnin,... đều phải chiết ra từ dược liệu mà chưa thể đi bằng con đường tổng hợp.

Ngành kinh tế quan trọng

Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, hiện có hơn 35.000 loài thực vật được con người sử dụng để làm thuốc; trong đó các ngành công nghiệp mỹ phẩm ngày càng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm tự nhiên để chiết xuất.

Theo Tin tức và Tài nguyên dược phẩm toàn cầu (năm 2021), tốc độ tăng trưởng hằng năm của thị trường dược liệu sẽ tăng dần vào khoảng từ 5,34% đến 18,9% mỗi năm trong giai đoạn đến năm 2030. Nhu cầu về nguyên liệu dược sẽ tăng dần từ 15% đến 25% mỗi năm, giá trị mang lại tăng từ 83 tỷ USD năm 2019 lên 550 tỷ USD vào năm 2030 và có thể đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2050.

Theo thống kê của WHO, doanh thu của thị trường thuốc từ dược liệu tại Trung Quốc đạt khoảng 26 tỷ USD; tại Mỹ đạt 17 tỷ USD. Tại Hàn Quốc, riêng doanh thu từ sâm và các sản phẩm từ sâm đạt gần 2,5 tỷ USD vào năm 2021. Hàn Quốc cũng là nước nhập khẩu dược liệu với số lượng lớn, khoảng 30.000 tấn/năm.

II. PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU VÀ NHỮNG HƯỚNG ĐI PHÙ HỢP

Phát triển dược liệu: Từ truy xuất nguồn gốc đến hình thành chuỗi giá trị
Truy xuất nguồn gốc dược liệu bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình nuôi trồng, thu hái dược liệu, kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền. Ảnh minh họa

Truy xuất nguồn gốc dược liệu

Truy xuất nguồn gốc

Truy xuất nguồn gốc là khả năng xác định, theo dõi và truy nguyên các yếu tố liên quan đến một sản phẩm hoặc chất khi nó di chuyển dọc theo chuỗi cung ứng từ hàng hóa thô đến thành phẩm, dựa trên các dấu hiệu có thể nhận dạng được ghi lại bằng tài liệu theo cách có thể kiểm chứng.

Truy xuất nguồn gốc dược liệu

Các ghi chép cổ xưa và nghiên cứu hiện đại đều cho rằng, nguồn gốc là nguyên nhân quan trọng hình thành nên giá trị của dược liệu. Dù trên thế giới có hàng chục nghìn loại dược liệu nhưng giá trị của mỗi loại dược liệu đều không đồng nhất mà phụ thuộc vào địa điểm, thời gian, cách thức nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến, thậm chí còn liên quan chặt chẽ với quy trình vận chuyển, phân phối... Chính vì thế, việc truy xuất nguồn gốc dược liệu không chỉ bảo đảm tính “chính danh” của dược liệu, là một cách để nâng cao hình ảnh thương hiệu, mà còn góp phần bảo đảm chất lượng của dược liệu, qua đó bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Đây cũng được xem là giải pháp quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái luôn đe dọa sự phát triển lành mạnh của thị trường dược liệu cũng như những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân.

Phát triển dược liệu: Từ truy xuất nguồn gốc đến hình thành chuỗi giá trị

Theo quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BYT, ngày 15/5/2018, của Bộ Y tế, cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc để bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình nuôi trồng, thu hái dược liệu, kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền.

Việc truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm xác định được thông tin về cơ sở cung cấp và cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền trong suốt quá trình kinh doanh, sử dụng của cơ sở.

Đặc biệt, trong bối cảnh việc sử dụng dược liệu và các loại thuốc từ dược liệu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại ngày càng tăng, những thông tin và khả năng truy xuất nguồn gốc dược liệu càng trở nên quan trọng đối với các nhà khoa học, các cơ sở sản xuất dược phẩm và người hành nghề y. Với những dược liệu được sử dụng phổ biến, thông qua truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng có được nhiều thông tin hơn những thông tin được mô tả trên nhãn sản phẩm và có thể chọn sản phẩm nào phù hợp nhất với nhu cầu của họ.

Xây dựng chuỗi giá trị dược liệu

Chuỗi giá trị

Chuỗi giá trị (value chain) là một khái niệm mô tả quá trình biến đổi nguyên liệu hoặc thông tin thành sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị cao hơn đối với khách hàng. Một chuỗi giá trị tồn tại khi tất cả những người tham gia trong chuỗi đều hoạt động để tạo ra tối đa giá trị trong toàn chuỗi.

Chuỗi giá trị, theo nghĩa rộng, là một phức hợp những hoạt động do nhiều người tham gia khác nhau thực hiện (người sản xuất sơ cấp, người chế biến, thương nhân, người cung cấp dịch vụ...) để biến nguyên liệu thô thành thành phẩm được bán lẻ. Chuỗi giá trị, theo nghĩa rộng, bắt đầu từ hệ thống sản xuất nguyên vật liệu và chuyển dịch theo các mối liên kết với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, lắp ráp, chế biến...

Hiện nay, chuỗi giá trị còn gắn liền với các khía cạnh xã hội và môi trường. Việc thiết lập (hoặc sự hình thành) các chuỗi giá trị có thể gây sức ép đến nguồn tài nguyên thiên nhiên (như nước, đất đai), có thể làm thoái hóa đất, mất đa dạng sinh học hoặc gây ô nhiễm. Đồng thời, sự phát triển của chuỗi giá trị có thể ảnh hưởng đến các mối ràng buộc xã hội và tiêu chuẩn truyền thống.

Chuỗi giá trị dược liệu

Từ khái niệm trên, chúng ta có thể thấy, với lĩnh vực dược liệu, việc hình thành chuỗi giá trị là rất quan trọng. Theo đó, đây không chỉ giới hạn ở việc nuôi trồng hay thu hái dược liệu mà còn bao gồm rất nhiều vấn đề cần quan tâm như xây dựng cơ chế hợp tác, gắn bó giữa nông dân, nhà khoa học, chính quyền và doanh nghiệp trong chuyển giao giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái và thu mua, sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu. Bên cạnh đó, việc hình thành chuỗi giá trị cũng cần hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững như xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường...

Để làm được điều đó, yêu cầu đặt ra là việc phát triển dược liệu phải dựa trên các quy hoạch khoa học, các cơ chế chính sách ưu đãi về phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu, chuyển giao công nghệ...

Kinh nghiệm của một số quốc gia, khu vực trong phát triển dược liệu

Tại Trung Quốc

Trung Quốc có hơn 6.000 loài cây thuốc, trong đó 100 loài có quy mô hàng hóa để phát triển công nghiệp dược và có thế mạnh xuất khẩu. Theo Quy hoạch phát triển dược liệu, Trung Quốc có 6 vùng trồng và khai thác dược liệu. Nước này cũng đã tiến hành nhiều nghiên cứu đồng bộ về dược liệu, thuốc thảo mộc và có nhiều thành tựu lớn. Hiện nay, đã có rất nhiều khu trồng cây thuốc theo mô hình thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu (GACP) của WHO, như ở Bạch Vân Sơn, Khu công nghệ cao Ninh Hạ trồng nhiều loài cây thuốc như: bản lam căn, xuyên tâm liên, tây hoàng thảo, đảng sâm, củ mài gừng, cam thảo,... với diện tích hàng trăm nghìn héc-ta.

Trung Quốc cũng đưa ra những đường lối cơ bản trong sản xuất và kiểm soát chất lượng dược liệu, áp dụng cho toàn bộ quá trình sản xuất dược liệu, gồm thảo dược và các bộ phận động vật dùng làm thuốc; khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng các biện pháp quản lý theo tiêu chuẩn và giám sát chất lượng, bảo tồn tài nguyên dược liệu thiên nhiên và môi trường sinh thái, tuân theo nguyên lý “tối ưu hóa công suất bền vững” để bảo đảm sử dụng bền vững tài nguyên.

Phát triển dược liệu: Từ truy xuất nguồn gốc đến hình thành chuỗi giá trị
Trung Quốc thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động trồng trọt, thu hoạch, sơ chế dược liệu. Ảnh: THX

Theo đó, các điều kiện môi trường của những địa điểm sản xuất dược liệu phải theo đúng các tiêu chuẩn quốc gia. Áp dụng hệ thống kiểm tra và kiểm soát bệnh đối với nguyên liệu nhân giống trong các quá trình sản xuất, lưu trữ và vận chuyển để bảo đảm chất lượng và ngăn ngừa sự lây lan bệnh cũng như ngăn chặn nguyên liệu nhân giống kém tiêu chuẩn...

Ngoài ra, Trung Quốc cũng thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động trồng trọt và chăn nuôi; thu hoạch và sơ chế; đóng gói, vận chuyển và lưu trữ. Trong đó, việc đóng gói phải được thực hiện theo các quy trình thao tác chuẩn và lưu hồ sơ về gói lô hàng, bao gồm tên sản phẩm, đặc tính, xuất xứ, số lô, trọng lượng, số chỉ định đóng gói và ngày đóng gói. Tên sản phẩm, đặc điểm, xuất xứ, số lô, ngày đóng gói và nhà sản xuất cũng được in trên mỗi bao bì dược liệu... Sau quá trình kiểm tra, dược liệu kém tiêu chuẩn sẽ không được phân phối và bán. Tất cả hồ sơ gốc, kế hoạch sản xuất và hồ sơ thực hiện kế hoạch, hợp đồng và thỏa ước bằng văn bản phải lập hồ sơ và lưu trữ ít nhất 5 năm.

Tại Liên minh châu Âu (EU)

Từ năm 1998, Hiệp hội người trồng thảo dược Âu châu (EUROPAM) đã phát hành tài liệu về thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Năm 2022, tài liệu này được Nhóm Công tác chuyên về sản phẩm có nguồn gốc thảo dược (HPPWP) thuộc Cơ quan Thẩm định dược phẩm (EMEA) thông qua.

Truy xuất nguồn gốc là yếu tố chính của Hướng dẫn GACP-WHO. Theo GACP, cần có tài liệu khoa học và chính xác về hoạt động của người trồng cây thuốc cũng như người thu hái để truy nguyên nguyên liệu cây thuốc về nguồn gốc của nó. Việc truy xuất nguồn gốc chỉ có thể thực hiện được thông qua tài liệu.

Mục tiêu chính của hướng dẫn này là bảo đảm sự an toàn cho người tiêu dùng bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng thích hợp cho cây thuốc/thảo dược. Trong đó, cây thuốc/thảo dược được sản xuất một cách vệ sinh; được xử lý cẩn thận để không bị ảnh hưởng bất lợi trong khi thu hái, trồng trọt, chế biến và tồn trữ...

Cũng theo quy định của EU, tất cả quy trình và quá trình có thể ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm dược liệu phải được lập hồ sơ. Điều đó bao gồm các trường hợp bất thường như điều kiện thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh trong thời kỳ tăng trưởng; địa điểm trồng trọt; sản phẩm bảo vệ thực vật đã dùng mùa trước; loại, số lượng và ngày thu hoạch cũng như hóa chất và các chất khác đã dùng trong khi sản xuất như phân bón, thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ và chất xúc tiến tăng trưởng; vị trí địa lý của khu vực thu hái và thời gian thu hoạch... Các kết quả kiểm soát phải được lưu trữ tối thiểu 10 năm.

III. PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU Ở VIỆT NAM - NHIỀU TIỀM NĂNG

Phát triển dược liệu: Từ truy xuất nguồn gốc đến hình thành chuỗi giá trị
Phát triển cây thuốc giúp nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói, giảm nghèo. Ảnh minh họa

Nguồn tài nguyên phong phú, có giá trị

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng, trong đó có trên 5.000 loài cây thuốc. Nhiều loài cây dược liệu quý, hiếm vừa có công dụng chữa bệnh, vừa có giá trị kinh tế cao, như: sâm Ngọc Linh, sâm vũ diệp (tam thất hoang), bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ, lan kim tuyến,... được phân bố rộng khắp trên cả nước, tập trung nhiều nhất ở các quần thể rừng tự nhiên vùng núi cao. Việt Nam cũng được ghi nhận là 1 trong 15 nước có tiềm năng lớn về nguồn dược liệu.

Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc Việt Nam có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng và sử dụng các loài cây, con để làm thuốc, với gần 1.300 bài thuốc dân gian chữa bệnh. Nhiều bài thuốc trong số đó đã được sử dụng để phục vụ cho việc nghiên cứu sàng lọc, nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm, đáp ứng nhu cầu công tác phòng, chữa bệnh. Đây thực sự là tiềm năng quan trọng, nếu biết khai thác sẽ có khả năng thay thế nguồn dược liệu nhập khẩu, thuốc nhập khẩu, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, đổi mới cơ cấu nông nghiệp, đóng góp tích cực cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Những kết quả tích cực

Khai thác hiệu quả

Theo kết quả điều tra giai đoạn 2013-2015, nước ta có khoảng 80 loài/nhóm loài cây dược liệu được nuôi trồng, có tiềm năng khai thác với trữ lượng ước tính khoảng 18.000 tấn/năm. Trong đó, nhiều loài có tiềm năng khai thác lớn.

Để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhiều địa phương đã xây dựng mô hình trồng một số loài cây thuốc để tạo nguồn nguyên liệu tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa như: vùng trồng cây quế tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Lạng Sơn (tổng diện tích 151.000ha); vùng trồng cây hồi tại tỉnh Lạng Sơn (diện tích 41.000ha); vùng trồng cây thảo quả tại tỉnh Lào Cai, Hà Giang (diện tích 28.000ha); vùng trồng cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum (tổng diện tích trên 7.000ha); các vùng trồng cây nghệ, sả, gừng tại các tỉnh Tây Nguyên và các vùng nguyên liệu cho công nghiệp dược tại một số tỉnh vùng đồng bằng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp dược, y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

Ngoài việc cung cấp cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhiều nhóm hàng dược liệu cũng đã được xuất khẩu, mang lại giá trị cao. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2012-2016, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu khoảng 1.000-5.000 tấn dược liệu, với kim ngạch khoảng 15-20 triệu USD/năm sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Nga. Riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm dược liệu gia vị (như quế, hồi) đạt giá trị cao nhất với khoảng 200-300 triệu USD/năm.

Những kết quả này có đóng góp không nhỏ cho nguồn thu của nhiều địa phương; góp phần nâng cao thu nhập của hộ gia đình nhận đất, nhận rừng, nhất là rừng tự nhiên. Đối với các địa phương vùng đồng bằng, việc phát triển trồng cây dược liệu cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả tại các khu vực canh tác không thuận lợi, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển dược liệu: Từ truy xuất nguồn gốc đến hình thành chuỗi giá trị
Việt Nam cần gia tăng sản xuất sản phẩm dược liệu chế biến sâu cho xuất khẩu. Ảnh minh họa

Bảo tồn và phát triển nguồn gene cây dược liệu

Bên cạnh việc khai thác hiệu quả tiềm năng dược liệu, Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới bảo tồn nguồn gene và giống cây thuốc trong cả nước, trải dài ở các vùng sinh thái. Song song với hoạt động điều tra cơ bản, nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, vườn quốc gia,... tập trung nghiên cứu bảo tồn những cây thuốc hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng, cây thuốc có giá trị. Một số loài cây thuốc quý theo kinh nghiệm của các dân tộc được bảo tồn trên trang trại thông qua việc hình thành các mô hình vườn cây thuốc, gắn liền với các dự án liên quan đến bảo tồn tri thức bản địa. Trong số các loài đang được bảo tồn và lưu giữ có nhiều loài quý hiếm thuộc diện có nguy cơ bị tuyệt chủng, loài đặc hữu; loài có giá trị kinh tế; loài có nguồn gốc từ nước ngoài đã thích nghi và có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất dược liệu ở Việt Nam. Các nguồn gene này thiết thực phục vụ công tác nghiên cứu chọn tạo giống và công tác nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu về thuốc, dược liệu của ngành và cho cộng đồng.

Phát triển giống và các giải pháp kỹ thuật

Để tạo ra các công nghệ có thể ứng dụng trong thực tiễn phát triển dược liệu, những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị nghiên cứu của ngành dược thực hiện nhiều dự án/chương trình về đánh giá, chọn tạo, khảo nghiệm giống dược liệu có năng suất cao, chất lượng tốt; nghiên cứu sản xuất cây giống sạch bệnh. Tập trung nghiên cứu tuyển chọn giống nhiều loài cây dược liệu để đánh giá và phát triển vùng trồng ở các địa phương. Ban hành quy trình nhân giống, trồng và sơ chế dược liệu cho hàng chục loài cây dược liệu khác nhau để áp dụng vào sản xuất.

Phát triển dược liệu: Từ truy xuất nguồn gốc đến hình thành chuỗi giá trị
Mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và hoàn thiện quy trình trồng dược liệu theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP theo khuyến cáo của WHO cũng được chú trọng. Việc thẩm định quy trình trồng và sơ chế dược liệu; nghiên cứu các phương pháp sơ chế, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sơ chế và bảo quản dược liệu,... được đẩy mạnh.

Tính đến tháng 4/2023, Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã cấp 67 giấy chứng nhận dược liệu đạt GACP cho 30 doanh nghiệp, với tổng diện tích 41.746ha cho 40 loài (chủ yếu gây trồng trên đất nông nghiệp). Trong đó, diện tích cây dược liệu tại tỉnh Lào Cai được chứng nhận GACP nhiều nhất với 15 giấy chứng nhận, tổng diện tích 35.161ha, chiếm 84,2%.

IV. MỘT SỐ KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

Phát triển dược liệu: Từ truy xuất nguồn gốc đến hình thành chuỗi giá trị
Kỹ thuật viên Công ty TNHH Nấm sinh học Việt Nam (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo trong tủ cấy vô trùng. Ảnh: T.H

Khai thác thiếu kiểm soát

Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều loại cây thuốc đã bị khai thác thiếu kiểm soát, thậm chí bị khai thác cạn kiệt để xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Nạn “chảy máu tài nguyên” cây thuốc vẫn còn nhức nhối ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang và các tỉnh Tây Nguyên.

Theo kết quả điều tra và đánh giá của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), hiện tại nhiều loài cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao trước đây có trữ lượng lớn, cho khai thác, nay đã bị giảm sút nghiêm trọng về số lượng cũng như trữ lượng, cụ thể các loài, như: tam thất hoang, thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến, hà thủ ô đỏ, vàng đắng, hoàng liên, ngũ gia bì gai, ba kích, cốt toái bổ, đảng sâm, hoàng tinh... Đã có 123 loài thuộc 53 họ được đưa vào Danh lục đỏ, Sách đỏ Việt Nam; trong đó có tới 55 loài được phân hạng ở mức bị đe dọa tuyệt chủng. Giai đoạn trước những năm 90 của thế kỷ XX, nhiều cây thuốc được di thực thành công, trồng đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng trong nước, nay đã phải nhập khẩu, như: đương quy, bạch truật, xuyên khung, ngưu tất, huyền sâm...

Cung chưa đủ cầu

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển, nhưng đến nay diện tích, năng suất và sản lượng cây dược liệu sản xuất trong nước còn rất hạn chế; chưa xác định vùng trọng điểm, ưu tiên phát triển cây dược liệu trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng địa phương, nên việc phát triển còn mất cân đối, chưa thu hút được các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào trồng, chế biến, tiêu thụ dược liệu cũng như đầu tư hạ tầng.

Đến nay, việc nuôi trồng nhiều loài dược liệu chủ yếu do nông dân ở vùng sâu, vùng xa thực hiện, kết cấu hạ tầng còn thiếu, quỹ đất manh mún, khó hình thành vùng sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm cho người sản xuất.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp và địa phương vẫn đang phát triển các vùng sản xuất dược liệu mang tính tự phát, phong trào, cục bộ, chưa theo quy hoạch tổng thể. Do đó, sản lượng và chất lượng dược liệu không ổn định (vùng sinh thái không phù hợp, sản lượng dược liệu bấp bênh chạy theo dự án), ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, chất lượng sản phẩm không ổn định, chưa có vùng sản xuất cây thuốc chuyên canh, không bảo đảm đủ số lượng để đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất quy mô công nghiệp. Sản lượng chủ yếu phục vụ nhu cầu nguyên liệu sản xuất nội tại của chính các đơn vị đăng ký sản xuất thuốc.

Phát triển dược liệu: Từ truy xuất nguồn gốc đến hình thành chuỗi giá trị
Gian trưng bày chế phẩm nấm đông trùng hạ thảo tại điểm giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản của huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Hiện nay, nhu cầu sử dụng dược liệu làm thuốc trong nước ước tính từ 60.000 - 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng nuôi trồng và khai thác dược liệu mới đáp ứng được khoảng 20 - 30%; lượng còn lại chủ yếu được nhập khẩu.

Quản lý chất lượng - vẫn còn nhiều lo ngại

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, một trong những vấn đề đáng quan tâm trong phát triển dược liệu là vấn đề chất lượng. Do sản xuất manh mún nên nhiều cơ sở sử dụng giống không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, có sự nhầm giống, lẫn giống, thoái hóa giống ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng dược liệu.

Một số vùng dược liệu còn canh tác theo kỹ thuật truyền thống, không có quy trình quản lý, kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến độ an toàn và chất lượng dược liệu như kiểm soát rủi ro kim loại nặng, vi sinh vật có hại, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón không hợp lý. Ở nhiều vùng sản xuất, công tác quản lý sau thu hoạch chủ yếu dừng ở việc làm khô theo hình thức phơi nắng hoặc sử dụng lò sấy than trực tiếp nên chất lượng dược liệu không ổn định và đáp ứng tiêu chuẩn dược liệu sạch. Công nghệ tiên tiến trong sơ chế, chế biến dược liệu hầu như chưa được khai thác và triển khai trong quy mô sản xuất.

Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc - yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng và độ an toàn, khẳng định thương hiệu của dược liệu - chưa được nhiều cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu quan tâm.

Những khó khăn từ cơ chế, chính sách

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, theo đánh giá chung là do hiện nay các cơ chế, chính sách về phát triển dược liệu vẫn chưa đồng bộ và đầy đủ. Theo đó, Quyết định số 1976/QĐ-TTg, ngày 30/11/2013, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã hết hiệu lực, nên công tác triển khai phát triển dược liệu gặp nhiều khó khăn. Việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vưc bảo tồn, nuôi trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản và sản xuất thành phần từ dược liệu còn thiếu các chính sách đồng bộ, phù hợp. Dù một số địa phương đã có các cơ chế khuyến khích thông qua những dự án phát triển nông thôn, miền núi và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhưng các sản phẩm vẫn phần nhiều mang tính tự cung, tự cấp tại địa phương.

Ngoài ra, Nhà nước cũng chưa có cơ chế và giải pháp tổng thể bảo đảm đầu ra cho phát triển các sản phẩm tầm vóc quốc gia có nguồn gốc từ dược liệu trong nước, cũng như quyền lợi của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhân lực cho công tác quản lý khai thác, phát triển dược chưa có từ Trung ương đến địa phương (chưa có cán bộ chuyên trách, phụ trách). Nhân lực được đào tạo về khoa học cây dược liệu phục vụ cho công tác nuôi trồng, thu hái, chế biến dược liệu còn rất hạn chế và thiếu.

Việc ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong thu hái, sơ chế, bảo quản và chế biến sau thu hoạch dược liệu, sản xuất thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu mới được chú trọng đổi mới kể từ khi Luật Dược số 105/2016/QH13 ban hành và có hiệu lực từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất giống cây thuốc, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống cây thuốc, kỹ thuật nuôi trồng, bảo tồn và phát triển nguồn gene cây thuốc, tiêu chuẩn hóa, sản xuất thành phẩm vẫn chưa được quan tâm đầu tư đủ mạnh (giống cây thuốc không chuẩn, thoái hóa; năng suất dược liệu trồng trong nước còn thấp; công nghệ sản xuất lạc hậu...). Chưa đủ thông tin, thiếu hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế giới thiệu, quảng bá dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu Việt Nam... Vì vậy, dược liệu Việt Nam chưa phát huy được triệt để lợi thế riêng có, chưa khai thác hiệu quả chuỗi giá trị và bị lép vế trước nhiều “đối thủ” trên thế giới.

V. KHAI THÁC HIỆU QUẢ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Phát triển dược liệu: Từ truy xuất nguồn gốc đến hình thành chuỗi giá trị
Thu hoạch dây thìa canh trên vùng nguyên liệu của Hợp tác xã nông dược Tĩnh Sáng Dường tại xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Để phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu, giải pháp cụ thể

Chương trình đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là xây dựng được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên; xây dựng được 2-5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 1-2 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP; tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020. Đến năm 2030, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 30% so với năm 2020; phát triển được 10-15 dược liệu di thực đáp ứng nhu cầu trong nước; phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10-15 giống cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Chương trình cũng đưa ra nhiều giải pháp, bao gồm:

Về thể chế, pháp luật

Ưu đãi về thuế, tín dụng, chính sách sử dụng đất (giá thuê đất, thời hạn thuê đất) đối với các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư nuôi trồng, chế biến, chiết xuất dược liệu, phát triển thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Áp dụng các ưu đãi đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động: đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt là nguyên liệu làm thuốc nguồn gốc sinh học, nguyên liệu làm thuốc sử dụng nguồn dược liệu có giá trị kinh tế cao trong nước. Đầu tư xây dựng và triển khai Trung tâm thử nghiệm tương đương sinh học, thử nghiệm lâm sàng, Trung tâm nghiên cứu thuốc công nghệ cao, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, Trung tâm nghiên cứu nguồn gene và giống dược liệu quốc gia.

Về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh

Đầu tư phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu của Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tăng đầu tư cho chương trình bảo tồn, phát triển nguồn gene cây thuốc quý, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến cho đánh giá chất lượng nguồn gene và chọn tạo giống cây thuốc.

Về khoa học - công nghệ, nhân lực và đào tạo

Nghiên cứu chọn tạo giống, quy trình công nghệ trồng cho năng suất, chất lượng cao từ nguồn gene cây thuốc quý, đặc hữu và lợi thế ở Việt Nam và nhập nội nguồn gene và giống cây dược liệu tiên tiến.

Về kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu

Xây dựng cơ chế hợp tác, gắn bó giữa nông dân, nhà khoa học, chính quyền và doanh nghiệp trong chuyển giao giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái và thu mua đối với dược liệu trong nước.

Áp dụng và quản lý mã số, mã vạch các thuốc, dược liệu lưu hành trên thị trường để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý chất lượng.

Bảo tồn các nguồn gene dược liệu đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu quốc gia; khai thác bền vững, hạn chế xuất khẩu các dược liệu quý hiếm, nguy cấp.

Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, xuất nhập khẩu dược liệu trái phép qua biên giới đặc biệt là dược liệu, nguồn gene cây thuốc đặc hữu, quý hiếm trong nước.

Phát triển cây dược liệu đến năm 2030

Căn cứ Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản pháp luật có liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “Phát triển cây dược liệu đến năm 2030” để trình Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Bộ đề xuất các mục tiêu như duy trì diện tích cây dược liệu hiện có khoảng 350.000ha, thực hiện các biện pháp tăng năng suất và chất lượng; chuyển đổi một số diện tích cây dược liệu dưới tán rừng có hiệu quả kinh tế thấp sang gây trồng, phát triển các loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao, theo hướng sản xuất bền vững.

Bên cạnh đó, phát triển, mở rộng diện tích gây trồng, phát triển cây dược liệu, ưu tiên những loài quý hiếm, có giá trị tinh tế cao khoảng 65.000ha tại các tỉnh, vùng có điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, điều kiện canh tác phù hợp với cây dược liệu nhằm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp dược. Hình thành 2-5 vùng nguyên liệu trọng điểm về cây dược liệu, ưu tiên tại các vùng: trung du và miền núi phía Bắc (bao gồm vùng Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ), Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm thu hút các dự án phát triển công nghiệp dược để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tham gia phát triển cây dược liệu thông qua các chuỗi giá trị dược liệu gắn với bảo vệ và phát triển rừng, tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2020.

Theo Đề án này, các hoạt động nuôi trồng và thu hái dược liệu trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo nguyên tắc GACP - WHO và thực hành sản xuất, chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GMP - WHO nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng đến khai thác, chế biến, truy xuất nguồn gốc xuất xứ; sàn giao dịch thương mại điện tử về dược liệu và các sản phẩm chế biến sâu.

Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm gắn với sản xuất theo chuỗi, tạo giá trị gia tăng của sản phẩm, phát triển kinh tế cho người dân. Phát triển các hình thức hợp tác, hợp tác xã trong trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu. Phát triển các mô hình doanh nghiệp thu hút người dân sống gần rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hái dược liệu để chia sẻ lợi ích; mô hình liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp - người dân trong gây trồng, tiêu thụ dược liệu gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình.

Đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến các sản phẩm tinh chế, phù hợp yêu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Xây dựng và phát triển thương hiệu dược liệu Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước là nhiệm vụ xúc tiến thương mại dài hạn...

Tiến Thắng - Công Minh - Thành Nam - Khôi Nguyên/

Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản