Pháp “bốc thuốc” chữa Áo vàng

13:55 | 22/01/2019

257 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong hai đợt tập hợp gần đây nhất, phong trào Áo vàng ở Pháp mặc dù huy động đông hơn nhưng những hành động bạo lực đã giảm hẳn do chính phủ Pháp đang khởi động chương trình gỡ ngòi nổ của phong trào này mang tên “thảo luận toàn quốc”.  

Ngày 19/1, những người Áo vàng lại xuống đường tại nhiều nơi ở Pháp. Đây là lần thứ 10, những người Áo vàng xuống đường vào thứ Bảy. 84.000 đã tham gia vào cuộc xuống đường lần thứ 10 này. Riêng tại Paris, khoảng 8.000 Áo vàng biểu tình có hàng rào trật tự và tình nguyện viên cứu thương đi kèm trên đại lộ Champs-Elysées trong không khí được Bộ trưởng Nội Vụ mô tả là “ôn hòa, không có đụng độ nghiêm trọng”. Theo Bộ trưởng Christophe Castaner, “thứ nhất là do tinh thần trách nhiệm của người biểu tình mạnh hơn tâm lý đọ sức, và thứ hai là nhờ bố trí một lực lượng an ninh hùng hậu, trên 80.000 người trên toàn quốc, đúng chỗ và cơ động nhanh”. Trên toàn nước Pháp, ngoại trừ một vài trường hợp ném đá và bị đáp trả bằng lựu đạn cay, không có một vụ cướp phá cửa hàng nào được ghi nhận như trước.

phap boc thuoc chua ao vang
Một tòa thị chính địa phương mở cửa lấy ý kiến của những người Áo vàng

Sự giảm bạo lực của phong trào Áo vàng lần này được lý giải một phần bởi lý do phong trào phản kháng này đang tiến hành “thanh lọc hàng ngũ”. Nhưng có lẽ nguyên nhân lớn hơn là chiến dịch “toàn quốc thảo luận” của Tổng thống Emmanuel Macron bắt đầu phát huy tác dụng.

Trong “Thư gửi người Pháp” được công bố ngày 13/1, Tổng thống Emmanuel Macron chìa bàn tay hòa giải và đề nghị các cử tri hãy cùng nhau “xây dựng các giải pháp từ sự phẫn nộ”. Ông Emmanuel Macron cũng kêu gọi mọi người tham gia đông đảo vào cuộc thảo luận về “những vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với tương lai đất nước”, mà theo ông sẽ “không có đề tài cấm kỵ”. Tổng thống Pháp liệt kê 35 câu hỏi xoay quanh 4 chủ đề khá đa dạng: thuế khóa, tổ chức bộ máy hành chánh trung ương địa phương, dân chủ trực tiếp với trưng cầu dân ý, chuyển đổi sang kinh tế xanh… Đây là một số đòi hỏi cốt lõi của phong trào Áo vàng từ tháng 11/2018 đến nay. Theo tổng thống Pháp, những đề xuất của người dân không những có thể mang lại các giải pháp cho phép cải thiện cuộc sống hàng ngày, mà còn hướng đến việc “thiết lập nên một khế ước xã hội mới”, “định hướng cho các hành động của Chính phủ, của Quốc hội, và kể cả vị trí của nước Pháp tại châu Âu và trên trường quốc tế”. Ý tưởng về cuộc thảo luận toàn quốc đã được Tổng thống Pháp thông báo cách nay hơn một tháng, vào lúc khủng hoảng Áo vàng đang ở cao trào.

“Tôi muốn chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận thực sự, và như vậy đây không phải là một cuộc thảo luận mà chúng ta biết trước được các kết quả. Đây là một cuộc thảo luận mà tôi hy vọng tất cả chúng ta đều tham gia, trước hết là tôi, bởi tôi tin rằng chúng ta đang sống trong một thời điểm lịch sử đối với đất nước”, ông Macron nói.

Ý thức rõ về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Đoàn kết dân tộc sẽ không thể trở lại trong một sớm một chiều. Cần phải có rất nhiều nỗ lực, tinh thần khiêm nhường và lòng kiên nhẫn”.

Ngày 15/1, cuộc thảo luận toàn quốc để tìm giải pháp cho các bất đồng sâu sắc trong xã hội Pháp đã chính thức khai mạc tại một làng nhỏ vùng Normandie. Đích thân Tổng thống Macron tham gia hai cuộc trao đổi, mỗi lần kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ, với tổng cộng 1200 thị trưởng, xã trưởng thuộc mọi đảng phái. Ông Macron trả lời tất cả các câu hỏi, nguyện vọng của từng người và chinh phục được cảm tình của các nhà đại diện dân cử địa phương, theo nhận định của chính những người tham dự. Vấn đề còn lại là phải thuyết phục được phe Áo vàng. Theo chương trình, chủ nhân Điện Elysée còn 11 cuộc hẹn tương tự, từ nay đến ngày 15/3/2019. Ở các địa phương, cũng đã có hằng trăm cuộc trao đổi, đề đạt nguyện vọng và giải pháp do các đại biểu dân cử tổ chức. Nhưng một số người tham gia cuộc đối thoại đã cảnh báo tổng thống Pháp rằng những lời nói suông sẽ không đủ để chấm dứt được cuộc khủng hoảng Áo vàng.

Các nỗ lực xoa dịu lòng dân của hành pháp đã mang lại những kết quả đầu tiên. Theo viện thăm dò ý kiến IFOP, trong số 1.928 người được hỏi, 27% tuyên bố hài lòng về tổng thống. Tỷ lệ này tuy thấp, nhưng nếu so với kết quả hồi tháng trước, uy tín của ông Emmanuel Macron thêm được 4 điểm.

Một tín hiệu khác về khả năng giải quyết phong trào Áo vàng của Pháp được thể hiện qua mức thu hút đầu tư nước ngoài. Kết quả điều tra công bố ngày 20/1 của công ty nghiên cứu trị trường Kantar theo yêu cầu của Business France. Nghiên cứu dựa trên việc phỏng vấn 500 nhà đầu tư nước ngoài tại 5 quốc gia châu Âu (gồm Đức, Pháp, Anh, Thụy Điển và Ailen). Theo đó, Pháp tiếp tục là quốc gia hấp dẫn thứ hai châu Âu, sau Đức. Theo ông Marc Lhermitte, một chuyên gia về đầu tư quốc tế (người điều phối từ nhiều năm nay một mạng lưới đo lường sức hấp dẫn đầu tư tại 25 quốc gia), các nhà đầu tư đặc biệt chú ý đến các cải cách sắp diễn ra tại Pháp. Vấn đề chủ yếu đối với họ là nhận diện được chính xác xem cuộc khủng hoảng Áo vàng hiện nay - gắn liền với những thay đổi lớn tại Pháp – có thể đảo ngược hay không các cải cách của chính phủ Pháp từ 18 tháng nay, nhằm cải thiện “mức linh hoạt và khả năng cạnh tranh” của nền kinh tế.

Nhưng giới đầu tư vẫn lo ngại về khả năng “lật ngược tình thế” của Tổng thống Macron bởi ông nhất định không xem xét lại quyết định bỏ thuế đánh vào người có tài sản lớn gọi tắt là ISF và tăng tỷ lệ đánh thuế an sinh xã hội-CGS.

Thuế ISF là phần đóng góp của người giàu thì được bỏ còn CGS, ai cũng phải đóng, kể cả người về hưu, thì duy trì. Chính điểm lấn cấn này mà ông Emmanuel Macron bị chỉ trích là tổng thống của người giàu. Để biện minh, tổng thống Pháp nhắc lại là ông được bầu với một chương trình hành động cải cách quốc gia và do vậy “phải trung thành” với lời hứa lúc tranh cử. Đây là đường ranh đỏ biểu lộ thái độ cứng rắn.

Tuyên bố sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của người dân, tất cả người dân, vì ông không một lần nhắc đến phe Áo vàng, Tổng thống Macron cho biết chính ông sẽ “tổng kết” hai tháng thảo luận và công bố kết luận một tháng, sau khi chiến dịch tham khảo ý kiến kết thúc, tức vào khoảng giữa tháng 4/2019, bốn tuần trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Nhận định về tiến trình phát triển của phong trào Áo vàng tại Pháp hiện nay các chuyên gia cho rằng chính phủ Macron tỏ ra biết lắng nghe. Bởi vì các cuộc biểu tình đầu tiên làm chính phủ bất ngờ nhưng với thời gian, người ta nhận thức đây là một cuộc khủng hoảng xã hội, chính phủ không thể làm ngơ. Do vậy vấn đề tổ chức cho người dân đóng góp ý kiến mới đặt ra. Từ đó, chính phủ tìm cách giải quyết. Đối thoại là bước đầu tiên để mọi người đóng góp ý kiến để sau này không ai có thể nói là tôi không được lắng nghe. Chính phủ cũng tạo điều kiện cho người dân ở làng xã cũng có tiếng nói. Đây gọi là “dân chủ tham gia trực tiếp”. Một trong những người thân cận ở điện Elysée nhìn nhận sự thật: từ nay, ông Macron bắt buộc phải bỏ lối lãnh đạo đơn độc. Một phương pháp hành động đã được phác họa từ năm 2017, nay sẽ được áp dụng. Phương pháp đó có tên là “phương pháp thợ sửa xe”: Anh giao tôi chiếc xe hư, tôi sửa chữa xong, tôi giao lại cho anh. Canh tân nước Pháp cũng như sửa chiếc xe bị hỏng: Chính phủ sẽ phục hưng đất nước rồi sẽ trao lại cho dân trong hai năm tới.

phap boc thuoc chua ao vangChiến tranh mạng: Pháp chuyển từ phòng thủ sang tấn công
phap boc thuoc chua ao vangBất hòa giữa Pháp và Italia ngày càng lớn
phap boc thuoc chua ao vang“Ước muốn trả thù” của phong trào Áo vàng tại Pháp
phap boc thuoc chua ao vangPháp nêu điều kiện rút quân khỏi Syria
phap boc thuoc chua ao vangChính phủ Pháp chơi lá bài trật tự an ninh với phong trào Áo vàng

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc