Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO: Được và mất?

14:10 | 23/05/2022

1,126 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đoạn tuyệt với chủ trương không liên kết về quân sự, Phần Lan và Thụy Điển tuần qua đã chính thức quyết định xin gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì những lo ngại từ cuộc chiến tại Ukraine. Bước ngoặt này của hai nước khiến Nga coi là mối đe dọa và hứa sẽ có biện pháp trả đũa.

Với 188 phiếu ủng hộ và chỉ tám phiếu chống, quốc hội Phần Lan đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập NATO. Ngay cả phe cực tả, về lý thuyết là chống, đã bị chia rẽ trong vấn đề này. Có một dấu hiệu cho thấy đây là một bước ngoặt lịch sử, các cuộc tranh luận trước khi thông qua một ngày đã kéo dài hơn 14 tiếng. Cuộc chiến ở Ukraine đã được đề cập đến. Sự nhất trí gần như toàn bộ này phản ánh quan điểm của công luận Phần Lan, với 76% người dân muốn chấm dứt tình trạng phi liên kết. Việc này cũng phản ánh các hoạt động ngoại giao dồn dập của Tổng thống Sauli Niinisto. Ông hiện đang có chuyến công du hai ngày ở Thụy Điển, quốc gia láng giềng cũng muốn gia nhập NATO sớm nhất có thể. Phát biểu khi ở thăm Thụy Điển, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto ca ngợi những giá trị của một “vùng Bắc Âu có trách nhiệm, ổn định và vững mạnh”.

Từ khi quyết định cùng nhau gia nhập NATO, Thụy Điển và Phần Lan muốn thể hiện sự đoàn kết không lay chuyển giữa hai nước, cũng như ngay trong nội bộ quốc gia. Còn tại Thụy Điển, tỉ lệ tán đồng việc nước này gia nhập NATO không cao bằng. Dó đó, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã chọn cách thể hiện sự đoàn kết này bằng cách khác, đó là tổ chức một cuộc họp báo chung với người đứng đầu phe đối lập. Đây là sự kiện chưa từng có từ những năm 1990.

Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO: Được và mất?
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và các đại sứ Thụy Điển và Phần Lan tại NATO trong lễ nộp đơn gia nhập NATO tại Bruxelles, Bỉ, ngày 18/5

Hiện nay, Thụy Điển và Phần Lan đã có mối liên hệ với NATO qua hiệp định Đối tác vì Hòa bình (PPP), một chương trình hợp tác song phương giữa NATO và các đối tác khu vực châu Âu – Đại Tây Dương. Việc gia nhập NATO của hai nước sẽ càng củng cố thêm quan hệ đối tác đó. Hai nước vùng Baltic này nhận thấy chỉ có NATO là có đủ khả mang lại cho họ sự bảo hiểm chiến lược. Nếu như đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan được chấp thuận, hai nước này sẽ được đặt dưới sự bảo vệ của điều 5 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Tức là khi một nước thành viên của NATO bị xâm lược thì toàn khối coi như cũng bị xâm lược. Một thỏa thuận như vậy tạo cho họ có thêm sự bảo vệ an ninh so với hiệp định Đối tác vì Hòa bình. Đổi lại hai nước cũng phải sẵn sàng tham chiến bên cạnh NATO, nếu một thành viên của khối bị tấn công. Hai nước cũng sẽ phải đồng ý có nỗ lực về vấn đề vũ khí và đồng bộ hóa các chuẩn mực kỹ thuật, tác chiến để có năng lực phục vụ liên kết với các thành viên của NATO. Cụ thể, quân đội Phần Lan và Thụy Điển sẽ phải điều chỉnh toàn bộ khí tài, phương thức tác chiến, các quy định theo chuẩn của NATO. Thụy Điển và Phần Lan cũng sẽ phải đặt một số đơn vị quân đội quốc gia của mình dưới sự chỉ huy của nước ngoài, giống như trường hợp của Pháp chẳng hạn. Một số quân nhân Pháp vẫn đang phục vụ dưới sự chỉ huy của Mỹ, Séc hay Đan Mạch. Điều này sẽ làm thay đổi cách thức tác chiến hay mua sắm thiết bị khí tài của các lực lượng quân đội hai nước. Hai nước sẽ bắt buộc phải dành ngân sách quốc phòng hàng năm là 2% GDP. Ngoài ra Thụy Điển và Phần Lan sẽ phải tham gia vào tất cả các cuộc họp thượng đỉnh, các hội nghị bộ trưởng và mọi cuộc họp liên quan đến điều phối quân sự.

Hai nước sẽ phải tổ chức lại quân đội khi hội nhập với quân đội của NATO. Trước hết cần phải chuyển đổi sang tiếng Anh các chỉ dẫn trong toàn bộ hệ thống kỹ thuật, tác chiến và trao đổi để NATO có thể đặt tên hiệu cho một số lĩnh vực tổ chức quân sự của các nước này. Công việc mang tính hành chính này rất lớn. Cũng cần phải dự trù tiến hành rất nhiều các cuộc tập trận chung. Các nước sẽ phải gửi sĩ quan hay hạ sĩ quan của mình đi học tại các cơ sở đào tạo sĩ quan của NATO, phần lớn các cơ sở này nằm ở châu Âu. Nhưng trong việc này, quân đội Thụy Điển và Phần Lan đã tham dự chủ yếu trong khôn khổ của hiệp định PPP. Hai nước là thành viên của hiệp định từ năm 1994, vẫn đều đặn tham gia tất cả các cuộc tập trận hải và không quân của NATO trên biển Baltic. Cuối cùng hai nước vùng Baltic này sẽ phải chấp nhận một bất lợi là gia nhập khối nhưng không được hưởng những thuận lợi chính, tức là được trợ giúp.

Năm 1812, Thụy Điển đã lựa chọn không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào trong thời bình và bất kỳ cuộc xung đột nào trong thời chiến. Vùng đất Pomeranie thuộc Thụy Điển đã bị Napoléon xâm chiếm trong cùng năm đó. Về phía Phần Lan, nước này đã chọn con đường trung lập để tránh phải chịu sự áp lực từ Liên Xô. Giữ trung lập giúp cho Thụy Điển trở thành một quốc gia cực kỳ phồn thịnh, không phải chịu hậu quả của bất kỳ cuộc xung đột lớn nào trên thế giới. Phần Lan thì đã giữ được để không bị Liên Xô tấn công.

Quyết định gia nhập NATO chẳng khác nào phá vỡ sự cân bằng trên. Đây chính là những khía cạnh gây tranh luận. Quyết định này được nhìn nhận ở Phần Lan và Thụy Điển như là viển vông và có thể gây khiêu khích Nga. Nga đã có phản ứng với những nước này vì thông báo xin gia nhập NATO. Nhưng việc gia nhập này theo hướng chiến lược phân cực châu Âu của Mỹ. Từ giờ người ta sẽ ủng hộ hay chống Nga hoặc ủng hộ hay chống NATO. Điều này làm cực đoan hóa lập trường chiến lược hiện nay ở châu Âu và giúp cho sự trở lại châu Âu của NATO và Mỹ.

Ở một khía cạnh khác, việc hội nhập NATO của hai nước cũng là một thách thức cho liên minh quân sự này. Một khi kết nạp Phần Lan, đường biên giới của NATO với Nga sẽ dài thêm gấp đôi, từ 1215 km lên 2555 km trong tương lai. Nhưng hai ứng viên xin gia nhập NATO cũng có những thế mạnh về quân sự. Đó là họ có ngân sách quốc phòng khá cao, được trang bị vũ khí khí tài hiện đại và là những nước có vị trí chiến lược trong vùng biển Baltic. Việc gia nhập NATO của hai nước phát triển ở bắc Âu này không hề là gánh nặng mà còn là sự chi viện cho liên minh này. Như trường hợp của Phần Lan, dù đất nước có 5,5 triệu dân, chỉ có 12 nghìn quân nhân chuyên nghiệp, nhưng lại có tới 870 nghìn quân dự bị và có thể huy động ngay lập tức 280 nghìn quân. Phần Lan có lực lượng hải và không quân hiện đại, chủ yếu trang bị vũ khí Mỹ. Phần Lan dành 1,9% GDP cho ngân sách quốc phòng hàng năm, khoảng 5,1 tỷ euro. Tháng Tư vừa qua, Helsinki thông báo tăng thêm 2,2 tỷ trong 4 năm tới. Về phần Thụy Điển, năm 2021, chi tiêu quân sự của nước này lên tới 6,6 tỷ euro, tức chiếm 1,26% GDP. Tháng trước, chính phủ Thụy Điển dự kiến tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP, tuy chưa cho biết vào khi nào.

Các chuyên gia quân sự đều nhận định với việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, NATO sẽ hiện diện quân sự trên biển, trên không và trên bộ ở khắp vùng Baltic, điều này sẽ đặt ra vấn đề chiến lược lớn cho nước Nga. Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, sẽ không làm thay đổi đáng kể cân bằng quân sự trong NATO, nhưng sẽ góp phần làm thay đổi bàn cờ địa chính trị Châu Âu. Chuyên gia Andrew A. Michta, thuộc Trung nghiên cứu an ninh châu Âu cho biết: “Chiến tranh Ukraine sẽ tổ chức lại việc phân chia quyền lực ở châu Âu. Trọng tâm sẽ dịch chuyển từ phía tây sang trung tâm của lục địa. Một Ukraine tự do, phồn thịnh, nối với Ba Lan, Rumania, Phần Lan và các quốc gia vùng Baltic sẽ tạo ra trong không gian giữa Baltic và Biển Đen một sự ảnh hưởng kinh tế và chính trị chưa từng có. Cấu hình mới này sẽ làm thay đổi căn bản tương quan lực lượng tổng thể tại châu Âu”. Nếu việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển hoàn tất, NATO có thể tạo được con đê chắn ở châu Âu. Chiến lược này của Mỹ nhằm ngăn chặn sự mở rộng vùng ảnh hưởng Xô Viết. Điều này sẽ buộc Nga phải coi biên giới với Phần Lan và không phận Baltic như là một đường biên giới mới với NATO. Vì thế, Nga sẽ phải gia tăng nỗ lực quân sự thêm.

Ngay sau thông báo của Stockholm và Helsinki, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định phản đối hai nước Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Thái độ của Ankara được giới phân tích mổ xẻ khá kỹ lưỡng. Đối với Tổng thống Erdogan, “Thụy Điển là ổ chứa những tổ chức khủng bố”. Từ những năm 1980, Thụy Điển đã tiếp nhận rất nhiều người tị nạn chính trị, trong đó có một phần lớn bị Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ là thành viên của Đảng Lao Động Kurdistan (PKK), bị Ankara liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Đây vẫn là vấn đề gây hiềm khích giữa hai nước. Nhìn từ quan điểm của phe dân tộc chủ nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ, nếu như PKK vẫn tồn tại được đến nay, bất chấp cuộc chiến kéo dài hơn 40 năm với những phương tiện lớn được huy động, thì đó là do đảng này có những “hậu cứ” bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, Ankara có quyền không chấp nhận để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vì liên minh quân sự này hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận. Chính quyền Ankara dường như muốn tận dụng cơ hội hiếm hoi này để đòi “Phần Lan và Thụy Điển chấm dứt ủng hộ các tổ chức khủng bố”, dẫn độ 33 cá nhân bị Ankara coi là khủng bố. Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu khẳng định đó không phải là điều kiện đổi chác mà là vì an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mục tiêu thứ hai của Ankara là muốn tìm lại ảnh hưởng trong NATO và tránh bị gạt ra bên lề do quan hệ giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên phức tạp trong những năm gần đây. Chính quyền của Tổng thống Erdogan luôn có những quyết định đi ngược với lợi ích chung của khối: mua hệ thống phòng thủ tên lửa S400 của Nga, tấn công lực lượng PKK tại Syria, ủng hộ Azerbaidjan trong cuộc xung đột với Armenia ở vùng thượng Karabakh. Chỉ riêng việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S400 của Nga khiến Ankara bị các nước châu Âu trừng phạt; Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình sản xuất chiến đấu cơ tàng hình F-35. Do đó, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là điều kiện thứ ba được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra để NATO muốn kết nạp hai nước Bắc Âu.

Cuối cùng, việc Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định “sẽ không nhân nhượng” trong việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO, còn được nhiều nhà phân tích cho là thông điệp gián tiếp gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đối với Moscow, biên giới của NATO kéo sát đến sườn tây của Nga là mối “đe dọa trực tiếp” và là “sự bội hứa” của các nước phương Tây. Từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Ankara muốn duy trì mối quan hệ hữu hảo với cả Nga và Ukraine vì kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc chặt chẽ vào cả hai nước này. Thực vậy, theo chuyên gia địa-chính trị Olivier Kempf, được trang France 24 trích dẫn, “Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chia sẻ biển Đen và có chung lợi ích ở Syria. Tổng thống Erdogan ủng hộ Ukraine nhưng thận trọng để không đi quá xa. Nhờ lợi thế đó, Ankara đã đứng ra tổ chức nhiều cuộc họp của Nga và Ukraine để tìm giải pháp cho cuộc chiến”.

Câu hỏi đặt ra là Ankara giữ được những tính toán này đến khi nào? Chuyên gia Olivier Kempf cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị sức ép chính trị rất lớn để nước này không thể cản trở việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển. Liệu NATO có thuyết phục hai nước ứng viên Thụy Điển và Phần Lan nhân nhượng một số yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Vì theo phát biểu của Tổng thư ký Jens Stoltenberg, NATO “sẽ tìm ra được một tiếng nói chung, một tiến trình về cách thúc đẩy hồ sơ gia nhập” của hai nước Bắc Âu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang cố gắng làm Ankara thay đổi thái độ. Ông Blinken vào hôm 18-5 đã trao đổi với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ. Hai vị ngoại trưởng đã có cuộc gặp gỡ ở New York và Thổ Nhĩ Kỳ mô tả đây là một cuộc gặp vô cùng tích cực. Cũng trong ngày 18-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp Thủ tướng Thụy Điển và Tổng thống Phần Lan tại Washington. Nguyên thủ Mỹ hứa thảo luận sớm nhất có thể với quốc hội và các đồng minh của Mỹ để nhanh chóng đưa Thụy Điển và Phần Lan vào “liên minh phòng thủ vững mạnh nhất trong lịch sử”, từ trong nguyên văn. Tuy nhiên, quá trình gia nhập có thể cũng phải mất vài tháng. Các hồ sơ ứng cử này còn phải được quốc hội của từng nước trong số 30 nước thành viên NATO thông qua.

Phản ứng trước tình hình trên, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh việc hai nước Bắc Âu trở thành thành viên NATO “không phải mối đe dọa trực tiếp đối với Nga… nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tới những vùng lãnh thổ này chắc chắn sẽ kích động phản ứng của Moscow”. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo phương Tây rằng Moscow sẽ không “đơn giản ngồi im” với việc NATO mở rộng gần biên giới của mình. Ông Ryabkov nhận định, những động thái của Phần Lan và Thụy Điển để gia nhập NATO sẽ dẫn đến những phản ứng của Nga nhưng hiện còn quá sớm để nói về các biện pháp, trong đó có việc tổ chức lại các vũ khí hạt nhân gần hai quốc gia này. Sự mở rộng của NATO về phía đông là một mối đe dọa lớn với Nga và sự gia tăng các thành viên mới trong liên minh này, nếu điều đó xảy ra, sẽ đối mặt với những phản ứng đáp trả tương xứng từ Moscow, ông Ryabkov cho hay. Quan chức Nga nhận định, quyết định về các biện pháp đáp trả này "rõ ràng sẽ không dựa trên cảm xúc mà là qua những phân tích kỹ lưỡng về tất cả nhân tố ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực". Nga cho biết nước này nhận thấy Phần Lan và Thụy Điển không có bất kỳ lý do nào để gia nhập NATO bởi Moscow không có lập trường thù địch với những quốc gia này.

"Lằn ranh đỏ" và bước ngoặt nguy hiểm trong cuộc xung đột Nga - Ukraine
NATO và EU không muốn “ôm lấy” Ukraine?NATO và EU không muốn “ôm lấy” Ukraine?
EU thừa nhận sai lầm khi từng hứa kết nạp Ukraine vào NATOEU thừa nhận sai lầm khi từng hứa kết nạp Ukraine vào NATO

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc