Phân bón giả: Thiệt hại nhân đôi

07:00 | 01/10/2013

1,262 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lợi nhuận thu hút, dễ làm trong khi cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo, chế tài xử lý vi phạm quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe… là những cơ hội, kẽ hở để bọn tội phạm sản xuất phân bón giả hoành hành, gây hỗn loạn thị trường phân bón, làm nhiều nông dân điêu đứng. Các cơ quan chức năng cần làm gì để ngăn ngừa tình trạng này?

Tràn ngập phân bón

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài như việc kinh doanh phân bón kém chất lượng được sản xuất từ Trung Quốc. Riêng trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra hơn 5.300 vụ vi phạm, xử lý 1.390 vụ với tổng số tiền thu phạt hơn 17,2 tỉ đồng, tịch thu 917 tấn phân bón các loại. Tuy nhiên, chính Cục Quản lý thị trường cũng phải thừa nhận, kết quả nêu trên là rất khiêm tốn, chưa phản ánh đúng thực tế vi phạm rất phức tạp như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, việc kiểm soát phân bón giả còn gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa trong khi lực lượng quản lý thị trường còn làm nhiều việc khác chứ không chỉ có quản lý phân bón.

Nhận định về tình hình vi phạm pháp luật trong sản xuất kinh doanh phân bón, Bộ Công an cho rằng, thời gian qua nổi lên việc xâm phạm nhãn hàng hóa và giả về chất lượng với hai nguồn chính là nhập khẩu từ nước ngoài và sản xuất trong nước.

Theo Bộ Công an, lượng phân bón giả, kém chất lượng được tiêu thụ chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa như miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Những nơi này người nông dân có trình độ dân trí thấp, tiêu thụ nhiều và có ý thức mua phân bón với giá thành rẻ để giảm chi phí sản xuất nên đây là những địa bàn đối tượng sản xuất chọn làm nơi tiêu thụ.

Lợi dụng lòng tin của nông dân, trình độ hiểu biết còn hạn chế, một số doanh nghiệp phân bón đã quảng bá hội nghị đầu bờ với bà con nông dân, khẳng định phân bón mình sản xuất ra có chất lượng và uy tín nhưng khi nông dân mua về sử dụng thì cây trồng kém phát triển, thậm chí bị chết như trường hợp Công ty Habico ở xã Trường Đồng, huyện Hòa Thành (Tây Ninh); Công ty TNHH Việt Thái Bình Dương; Công ty TNHH Phân bón Vì Dân ở Hóc Môn (TP HCM)… Bên cạnh đó, các đối tượng triệt để lợi dụng kẽ hở trong quản lý phân bón của Nhà nước như các nghị định trong quản lý phân bón thiếu chặt chẽ dể hoạt động phạm pháp. Ngoài ra, chế tài xử lý vi phạm quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Chất lượng phân bón chưa quy định cụ thể, rõ ràng về hàm lượng dinh dưỡng của các chất chính cho từng loại phân…

Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh Nông nghiệp Nông thôn, do nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước rất lớn nên các đối tượng vẫn tiếp tục sản xuất, buôn bán phân bón giả, nhất là các loại phân NPK, phân trung lượng, phân kali… Thủ đoạn phổ biến là dùng nguyên liệu sản xuất từ đất sét, xỉ than, bột đá, những vật liệu không nằm trong thành phần phân bón, không có tác dụng. Thậm chí bọn chúng còn trộn cả chất gây hại cho đất và cây trồng, để phối trộn thành phân NPK, đóng vào bao bì của nhà sản xuất có thương hiệu hoặc nhái nhãn mác của nhà sản xuất mà người tiêu dùng ưa chuộng.

“Để đối phó với cơ quan chức năng, bọn tội phạm dùng thủ đoạn tinh vi như chia nhỏ, chia lẻ, sản xuất bí mật, khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, đăng ký tên nhiều loại phân. Chính vì vậy, khi các loại phân “dỏm” bị người nông dân không tin dùng hoặc cơ quan chức năng đang trong giai đoạn thu thập tài liệu, chứng cứ thì doanh nghiệp bỏ thay bằng loại khác, mang tên khác, có khi mỗi vụ sản xuất một loại, thành phần ghi trên bao bì mập mờ, tên địa chỉ ghi trên bao bì là địa chỉ văn phòng nên rất khó khăn trong việc truy tìm cơ sở sản xuất khi phát hiện sản phẩm giả ngoài thị trường”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế phân trần.

Về phía Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) thì phản ánh, tình trạng nhiều nông dân bỏ ruộng, cấy chay, không cắt gốc rạ vụ trước để thu tái sinh vụ sau, thu nhập sản xuất nông nghiệp thấp, lợi nhuận chưa đạt đến 30%. Hệ lụy do phân bón giả, kém chất lượng khiến nông dân bị thiệt hại kép: tiền mất và thất bát. Tình trạng phân bón giả gây chết cây trồng, gây ô nhiễm môi trường đã kéo dài từ tháng này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác.

Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký FAV bức xúc cho biết, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón nhái nhãn mác hiện có tới 6 mô hình hoạt động khá phức tạp. Đó là: Phân bón nhái nhãn mác làm ở một số công ty, tổ hợp nhỏ lẽ nơi vùng sâu vùng xa, nơi hẻo lánh với hơn 100 cơ sở tổ hợp nhỏ và trên 30 công ty bán ra trên 40 tỉnh thành; phân bón urê nước kém chất lượng kém chất lượng; phân bón nhái nhãn mác nhập khẩu; phân bón sản xuất một nơi, xuất hóa đơn một nẻo; phân bón kém “dỏm” được quảng bá cho nông dân trong các hội thảo nhỏ ở quán cà phê; phân bón “dỏm” thông qua hợp đồng tín chấp giới thiệu của Hội Nông dân.

Quyết liệt ngăn chặn

Trước thực trạng nêu trên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã đề nghị cần có một chỉ thị đánh giá đúng mức tình hình chỉ đạo của các bộ, ngành, các tỉnh thành quyết liệt đồng loạt thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm ngặt vi phạm tình hình thị trường phân bón hiện nay. Hơn nữa, các bộ, ngành, các tỉnh thành, đặc biệt là các ngành công an, quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp cần phối hợp mở chiến dịch tấn công ở những điểm nóng, truy quét quyết liệt những cơ sở, những đại lý sản xuất pha trộn, kinh doanh phân bón bất hợp pháp, phân bón giả, kém chất lượng…

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế đã kiến nghị cần triển khai hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các cơ quan về chống sản xuất kinh doanh phân bón giả đã được ký kết giữa Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) với Hiệp hội Phân bón, Cục Hóa chất, Cục Trồng trọt, Cục Quản lý thị trường. Bên cạnh đó, cần phải đưa công tác quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón vào danh mục có điều kiện.

Hơn nữa, phải tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực phân bón giữa các lực lượng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh phân bón. Tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con nông dân nhận biết được những loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng và tác hại nó, cách phân biệt thật giả về phân bón…

Theo bà Nguyễn Kim Liên, Phó cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), trong Dự thảo Nghị định về Quản lý phân bón đã trình Chính phủ thì kinh doanh phân bón sẽ là ngành có điều kiện. Về điều kiện sản xuất phân bón, tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón chỉ được đi vào hoạt động sản xuất phân bón sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất phân bón.

Tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện về sản xuất phân bón thì mới được cấp giấy phép sản xuất phân bón. Với quy định này, các tổ chức sản xuất phân bón sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực hệ thống quản lý chất lượng phân bón, đồng thời sẽ loại bỏ được những tổ chức yếu kém, không đủ điều kiện, hạn chế được tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường.

Hơn nữa, phân bón sẽ là sản phẩm nhóm 2, quản lý chất lượng theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Qua những quy định, điều kiện mới này thì tính răn đe sẽ cao hơn. Để việc lập lại trật tự trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón đạt hiệu quả, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ sớm trình Chính phủ thông qua “Đề án chống buôn lậu và sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng” nhằm tiến tới ổn định thị trường phân bón.

Thế Vinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc