PAPI 2019: Không tỉnh thành nào đạt điểm PAPI tuyệt đối

19:00 | 28/04/2020

360 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019 vừa công bố, không có tỉnh, thành nào đạt mức điểm cao nhất cho cả 8 chỉ số thành phần được đánh giá.
papi 2019 khong tinh thanh nao dat diem papi tuyet doiHà Nội chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh chỉ số PAPI
papi 2019 khong tinh thanh nao dat diem papi tuyet doiBáo cáo PAPI 2018: Quan ngại lớn nhất là tham nhũng, chất lượng giáo dục
papi 2019 khong tinh thanh nao dat diem papi tuyet doiCông bố chỉ số PAPI 2017: Người dân đánh giá tham nhũng thuyên giảm

Hà Nội trong nhóm thấp điểm nhất

Theo đánh giá của PAPI, trong số 63 tỉnh thành, Bến Tre, Đồng Tháp và Quảng Ninh là 3 tỉnh đạt mức điểm tổng hợp cao nhất trên bảng Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019, đều có mức điểm trên 46,6 điểm.

Bến Tre tiếp tục có điểm cao nhất là 46,74 điểm, với 7 chỉ số thành phần có điểm ở mức cao nhất, trừ chỉ số chính phủ điện tử có điểm trong nhóm thấp. Nhưng mức điểm này thấp hơn điểm của chính Bến Tre tại PAPI 2018. Năm ngoái, Bên Tre đạt 47,5 điểm. Như vậy, khoảng cách với điểm tối đa (80 điểm) trong PAPI 2019 lại doãng ra.

papi 2019 khong tinh thanh nao dat diem papi tuyet doi
Hà Nội nằm trong nhóm địa phương điểm PAPI thấp nhất

Cũng trong nhóm có điểm trung bình tốt nhất, có 16 tỉnh, thành phố, có dải điểm từ 44,80 đến 46,74 điểm.

Nhóm có điểm số trung bình cao cũng gồm 16 tỉnh, dải điểm từ 43,72 đến 44,72 điểm. TP HCM nằm trong nhóm này với 43,79 điểm, tăng hơn mức điểm 42,40 của năm 2018 nhờ tăng điểm ở 4 chỉ số.

Nhóm điểm số trung bình thấp có 15 tỉnh, dải điểm từ 42,38 đến 43,70. Thái Bình có điểm cao nhất trong nhóm này.

Trong 16 tỉnh còn lại nằm trong nhóm có điểm số thấp nhất, có Hà Nội với mức điểm 42,53 điểm, Hải Phòng 41,54 điểm, Hưng Yên 41,25 điểm.

Hà Nội chỉ có 2 chỉ số là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và quản trị điện tử đạt được mức điểm trung bình cao; chỉ số cung cấp dịch vụ công đạt điểm trung bình thấp. Các chỉ số còn lại đều rơi vào nhóm điểm thấp, gồm công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công và quản trị môi trường.

Thấp nhất trong bảng xếp hạng điểm tổng hợp là Bình Định với 40,84 điểm.

Kiểm soát tham nhũng khu vực công được cải thiện lớn nhất

Đánh giá về những vấn đề người dân lo ngại như đói nghèo, mất việc làm và đánh giá của người dân về những ưu tiên cải cách gần đây trong kiểm soát tham nhũng, bà Cailtin Wiesen, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, trong PAPI 2019, cải thiện lớn nhất được ghi nhận ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (có tác động lớn nhất đến mức độ hài lòng của người dân) và nâng cao công khai, minh bạch trong ra quyết định.

Kết quả này phù hợp với những nỗ lực cải cách thu hút sự quan tâm lớn của công luận với mũi nhọn là chiến dịch phòng chống tham nhũng liên quan tới một số lãnh đạo chủ chốt.

Báo cáo PAPI 2019 cho thấy tác động rõ nét của chiến dịch phòng chống tham nhũng lên cảm nhận của người dân về tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Lĩnh vực này cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2019 ở cấp quốc gia và cấp xã phường - với tỷ lệ người dân cho biết tham nhũng giảm ở 2 cấp này tăng 5% so với năm 2018.

papi 2019 khong tinh thanh nao dat diem papi tuyet doi
Kiểm soát tham nhũng khu vực công được cải thiện đáng kể

Theo nhóm chuyên gia UNDP, nội dung kiểm soát tham nhũng có tiến bộ rất nhiều kể từ năm 2017. Nguyên nhân dẫn đến sự cải thiện này, trước hết do độ nhận hối lộ ở cấp địa phương đã giảm, cho thấy có tiến bộ về mức độ kiểm soát tham nhũng ở địa phương. Thứ hai, có thể do hiệu ứng lan tỏa của chiến dịch phòng chống tham nhũng trên cả nước trong vài năm lại đây, với một số đại án tham nhũng đã khiến một số quan chức cao chức phải vào tù vì hành vi tham nhũng. Nhìn vào thay đổi giữa năm 2018 và 2019 cho thấy kết quả đánh giá cải thiện về kiểm soát tham nhũng ở cấp quốc gia thể hiện chiến dịch phòng chống tham nhũng đã có tác động đến cảm nhận của người dân, còn đánh giá ở cấp địa phương cho thấy có sự thay đổi thực tế về mức độ tham nhũng ở cấp địa phương.

Tuy chỉ số kiểm soát tham nhũng đã cải thiện, song các chuyên gia lưu ý vẫn còn tỷ lệ đáng kể (20-45%) người dân cảm nhận tham nhũng còn phổ biến trong một số dịch vụ công. Điều này cho thấy cần tăng cường nỗ lực kiểm soát tham nhũng trong những năm tới.

Mặc dù có rất nhiều nỗ lực để cải thiện, song thủ tục hành chính (TTHC) công lại là chỉ số duy nhất không có sự tiến bộ đáng kể. Chính phủ đã rất cố gắng mở rộng nền tảng Chính phủ điện tử để cho phép người dân tiếp cận và hoàn thành hồ sơ trực tuyến, nhưng không có tiến bộ đáng kể trong TTHC. Lý do trước tiên là về mức độ tiếp cận Internet của người dân, mặc dù tăng đáng kể số người kết nối Internet ở nhà (từ 30% năm 2016 lên 60% vào 2019), song tỷ lệ người dân thực hiện TTHC trên nền tảng điện tử rất thấp (năm 2016 chỉ 6% người làm TTHC cấp giấy chứng nhận trên mạng và năm 2019 vẫn không cải thiện nhiều), dù tỷ lệ lên mạng để làm những việc khác đạt cao. Không có khác biệt đáng kể về mức độ hài lòng của người dân làm TTHC trực tuyến so với làm TTHC bằng phương thức truyền thống.

Những điều này cho thấy, để cải thiện điểm số TTHC công, cần nỗ lực rất nhiều nhằm mở rộng việc đưa TTHC công lên mạng, cải thiện chất lượng các TTHC công trực tuyến giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ này hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia UNDP, việc Chính phủ ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia vào tháng 12/2019 được đánh giá là đánh dấu một bước quan trọng trong định hướng đúng đắn này. Trong thời gian dịch Covid-19, quan tâm của các nhà lãnh đạo và người dân đối với việc sử dụng cổng thông tin trực tuyến đã tăng lên đáng kể. Sẽ rất thú vị để đón xem sự thay đổi điểm số của lĩnh vực quản trị điện tử trong thời gian tới.

Đói nghèo vẫn là quan ngại lớn

Trong 5 năm qua, đói nghèo luôn là mối quan ngại lớn nhất của người dân Việt Nam và năm 2019 cũng không là ngoại lệ đối với gần một phần tư người tham gia khảo sát PAPI.

Lao động và việc làm tiếp tục nằm trong nhóm 4 vấn đề người dân quan ngại nhất từ năm 2015, bất chấp nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tạo ra nhiều việc làm mới.

Những quan ngại này có khả năng gia tăng trong những tháng tới khi có nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

papi 2019 khong tinh thanh nao dat diem papi tuyet doi
Đói nghèo, mất việc làm vẫn là những vấn đề lo ngại nhất của người dân

Kết quả PAPI cho thấy công dân không có bảo hiểm xã hội nhìn nhận đói nghèo là vấn đề cấp bách. Sự thiếu hụt chắc chắn về nguồn lực dự phòng trong tương lai dường như khiến người dân lo lắng hơn. Gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa có tiền lệ ước tính 2,6 tỷ USD được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dự kiến hỗ trợ khoảng trên 10% dân số sẽ giúp giải quyết một số vấn đề này.

Vấn đề môi trường tiếp tục đứng thứ ba trong các mối quan ngại của người dân trong năm 2019. Điều này hàm ý môi trường đã trở thành vấn đề nóng đối với người dân Việt Nam. Kết quả này nhấn mạnh tầm quan trọng của ưu tiên phản ứng chính sách đối với vấn đề chất lượng không khí và nguồn nước giảm sút. Ở hầu hết các tỉnh thành, người dân tham gia khảo sát phản ánh chất lượng không khí giữ nguyên hoặc giảm đi.

Đánh giá chung về PAPI, TS Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI của UNDP 9 năm qua khẳng định: “Như vậy, chính quyền mất khá nhiều thời gian để tạo thêm sự hài lòng của người dân nhưng chưa có được cải thiện vượt bậc như mong muốn. Các địa phương đều có kế hoạch để tăng chỉ số PAPI, song từ khi có chỉ thị, kế hoạch tới khi có kết quả ban đầu là một hành trình rất khó khăn; nhiều địa phương có nghị lực chính trị nhưng triển khai ở cấp dưới chưa mạnh mẽ, trong đó Hà Nội rất cố gắng nhưng năm qua vẫn nằm ở nhóm thấp nhất, chênh lệch nhiều so với Đà Nẵng, TP HCM. Chắc chắn trong năm 2020, quản trị và hành chính công của Việt Nam vẫn gặp rất nhiều thách thức; hy vọng người dân, chính quyền địa phương và T.Ư sẽ nỗ lực nhiều hơn để vượt qua, tạo thêm niềm tin cho người dân. Trong đó, tác động của môi trường sẽ là một mục cơ bản cùng với chính quyền điện tử, để PAPI ngày càng thiết thực với người dân”.

Nguyễn Hưng