Ông Phùng Quốc Hiển: Tiền của dân, một đồng cũng phải giám sát

12:15 | 20/09/2018

390 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, chỉ sửa một số điều gây vướng mắc tại Luật Đầu tư công, chứ không sửa toàn diện.

"Nhiều điểm cản trở quá trình đầu tư công không hẳn do luật, mà do Nghị định, Thông tư ban hành hướng dẫn, nhưng làm vấn đề phức tạp hơn", ông Phùng Quốc Hiển - Phó chủ tịch Quốc hội nhận xét tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi ngày 20/9.

Trước đề nghị sửa toàn bộ Luật Đầu tư công sau 3 năm có hiệu lực, ông Hiển nói, cần cân nhắc bởi nhiều nội dung tại dự thảo Luật mang tính chất “nới” hơn là vướng mắc. Ngoài ra, cũng cần xem xét sự thống nhất dự án Luật này với các dự án luật khác có liên quan, Nghị quyết về tài chính công của Quốc hội. “Phân cấp, phân quyền phải đảm bảo tuân thủ các khoản chi phải có dự án, phải có quyết định của cấp có thẩm quyền... đảm bảo nguyên tắc ngân sách được giám sát chặt chẽ chứ không thể buông. Đây là đồng tiền bát gạo của dân, một đồng cũng phải giám sát, không thể buông lỏng được", Phó chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Ông Phùng Quốc Hiển: Tiền của dân, một đồng cũng phải giám sát
Ông Phùng Quốc Hiển - Phó chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Thẩm tra dự thảo luật sửa đổi lần này, thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng nhận xét, các quy định mới chỉ tập trung vào nội dung phân bổ vốn đầu tư công, từ xem xét đề xuất, phê duyệt chủ trương đầu tư đến khi hoàn thành việc giải ngân cấp vốn cho công trình. Dự thảo Luật thiếu các quy định về quyết toán, thiếu yêu cầu về kết quả đầu ra, tiêu chí đánh giá hiệu quả, trách nhiệm bảo đảm hiệu quả đầu tư, đặc biệt trong trường hợp đầu tư không hiệu quả, thất thoát, lãng phí; thiếu chế tài xử lý khi xảy ra vi phạm...

Giao vốn chậm, đổ thừa hết cho Luật là không đúng

Một trong những yêu cầu quan trọng trong lần sửa đổi này là phải cải cách thủ tục hành chính, song đối chiếu dự thảo Luật cho thấy còn nhiều thủ tục chưa được đơn giản hóa, thậm chí một số quy trình, thủ tục còn phức tạp hơn như quy trình xử lý nguồn vốn ODA, quy trình thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm...

Đồng ý quy định nào “cứng nhắc thì rà lại, cái gì thiếu, chưa đồng bộ thì sửa”, nhưng theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, những bất cập nêu trong tờ trình chưa đủ thuyết phúc.

“Cần rà lại cái gì thiếu, chưa đồng bộ thì sửa, còn những khó khăn thực tế không phải do luật mà do công tác điều hành thưc hiện chưa nghiêm thì không sửa”, Chủ tịch Kim Ngân nhấn mạnh.

Bà lấy ví dụ dự án đường cao tốc, sân bay Long Thành đã có chủ trương đầu tư, bố trí vốn song chậm giao vốn 8 tháng.

“Sắp hết năm 2018 rồi dự án đường cao tốc mới mở thầu, tôi e rằng lời hứa của Bộ trưởng Giao thông Vận tải trước cử tri, Quốc hội đến cuối nhiệm kỳ sẽ thông một số đoạn trên tuyến là khó khả thi. Vấn đề ở đây là do giao vốn”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh, việc vốn ít, không đủ cân đối thì không phải do luật.

Lãnh đạo Quốc hội đặt tiếp vấn đề, những quy định hướng dẫn trong Nghị định của Chính phủ về thực hiện Luật Đầu tư công có khiến thủ tục nhiều hơn, gây khó khăn và ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư công... cũng cần xem lại.

“Nói như vậy không có nghĩa phủ nhận việc Luật Đầu tư công còn một số vấn đề bất cập, cần sửa đổi. Nhưng nếu đổ thừa hết do luật thì không đúng, mà do khâu tổ chức thực hiện chưa nghiêm”, bà Ngân nhắc lại.

Sửa Luật Đầu tư công sẽ thu hẹp thẩm quyền Thường vụ Quốc hội?

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải, trong 106 điều luật thì có đến gần 30 điều quy định giao Chính phủ hướng dẫn, trong đó nhiều nội dung quan trọng không thuộc thẩm quyền hướng dẫn.

Các quy định liên quan đến thẩm quyền Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng... đã được Chính phủ chỉnh sửa theo hướng tăng cường phân cấp; thu hẹp các nội dung cần trình Quốc hội quyết định so với Luật hiện hành; không quy định thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. "Điều này là chưa phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết 26 của Quốc hội và một số văn bản liên quan", ông Hải nhận xét.

Góp ý kiến, Phó chủ tịch Đỗ Bá Tỵ đặt câu hỏi về đề xuất bỏ quyền hạn của Thường vụ Quốc hội trong quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, và giao thẩm quyền này cho Chính phủ. “Thời gian qua vướng mắc chỗ nào, vì sao lại xin thay đổi thẩm quyền quyết định như vậy?”, ông Tỵ hỏi.

Tiếp nối ý kiến này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nói, “đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ chỗ này, hay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gây khó khăn, cản trợ cho hoạt động đầu tư hay sao?”.

Giải trình ngay sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, có sự hiểu lầm và dự thảo Luật sửa đổi không có điều nào giảm hay bỏ quyền hạn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo luật sửa đổi chỉ điều chỉnh thẩm quyền giữa Chính phủ và Quốc hội với dự án trọng điểm quốc gia từ 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải thì khẳng định, dự thảo không có chữ nào ghi bỏ thầm quyền nhưng có những quy trình thủ tục được nêu trong luật cũ mà dự thảo luật mới không nêu thì "rõ ràng không còn thẩm quyền".

Về tính thuyết phục đề xuất nâng quy định dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn đầu tư công phải từ 35.000 tỷ đồng trở lên (hiện là 10.000 tỷ đồng), ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, tờ trình của Chính phủ mới chỉ nêu mức này tương đương 0,6% GDP mà chưa đưa ra cơ sở điều chỉnh, đánh giá tác động nên chưa đủ căn cứ.

"Quy định hiện hành về xác định mức vốn của dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được tính toán, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, với khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách và số dự án có tổng mức đầu tư ở mức này là rất ít", ông Hải nói.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện cũng đồng tình, bởi "chi tiền của dân thì phải xin phép cơ quan dân cứ". Mặt khác, nếu chỉ căn cứ vào GDP để nâng tiêu chí dự án phải trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là chưa hợp lý. "Cần căn cứ vào năng lực của cơ quan thẩm định, cho phép và khi số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày càng cao, có đủ năng lực và thời gian thì đáng ra số vốn được quy định phải trình càng giảm", bà Hải lưu ý.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng, nhiều vấn đề tờ trinh nêu cần sửa “chưa đủ độ chín”. Thực tế vướng mắc triển khai Luật Đầu tư công vừa qua có một phần chưa phù hợp của Nghị định, Thông tư, phối hợp chưa tốt giữa Trung ương và địa phương. Do đó, cơ quan thường vụ Quốc hội thống nhất, không sửa toàn bộ luật, chỉ sửa những gì vướng mắc và có đánh giá tác động đầy đủ.

"Sau 5 năm thực hiện luật đánh giá đầy đủ thì mới sửa, nếu sửa giờ thì phá vỡ toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn đề ra", ông chốt lại.

Theo VnExpress.net

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Làm giảm thu ngân sách, tăng chi phí trả nợ vay của Việt Nam
Ngân sách khó khăn, lấy đâu 58 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam?
Thủ tướng: Không ôm đồm, tạo thuận lợi cho địa phương giải ngân vốn đầu tư công
Mỗi người Việt gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm 2018