Ông là Triệu Tử Long và Ðông Ki Sốt?

06:45 | 06/08/2014

5,426 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu tôi là họa sĩ, thì tôi sẽ vẽ chân dung ông (biếm họa) thứ nhất là một Triệu Tử Long và thứ hai là Ðông Ki Sốt. Từ khi làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông đúng là một Triệu Tử Long, tả xung hữu đột chiến đấu với ma trận giao thông, vận tải đã hỗn loạn từ nhiều năm nay.

Năng lượng Mới số 345

Ông chiến đấu với nạn ùn tắc giao thông, nạn người tham gia giao thông không chịu đội mũ bảo hiểm.

Ông chiến đấu với những công trình giao thông đang được thực hiện với tiến độ rùa bò, mà lỗi chủ yếu là do các nhà thầu kém năng lực, do lề lối làm việc và tác phong quan liêu của những người có trách nhiệm.

Ông chiến đấu với tình trạng lộn xộn ở các nhà ga hàng không, với tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến máy bay.

Ông chiến đấu với nạn làm đường cẩu thả, lún chỗ nọ, nứt chỗ kia.

Ông chiến đấu với những đoàn xe quá tải, quá khổ chạy tung tăng trên đường, không coi “vương pháp” là cái đinh gì?

Ông chiến đấu với thói vô cảm, cách làm việc quan liêu, quen chỉ tay năm ngón của cán bộ phụ trách nhiều đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải.

Có cảm tưởng rằng, ông đang xông pha giữa chốn ba quân. Không áo giáp, không khiên, không gươm giáo, thứ bảo hộ duy nhất cho cái đầu của ông chỉ là chiếc mũ cối.

Ông là Triệu Tử Long và Ðông Ki Sốt?

Triệu Tử Long ngày xưa thì tung hoành trên lưng ngựa, còn ông thì “tung hoành” bằng máy bay, ôtô, tàu hỏa và cả… đi bộ. Người ta thấy ông sáng ở Hà Nội, chiều lại ở tít một tỉnh phía nam nào đó, rồi ngày hôm sau lại có mặt ở một tỉnh phía bắc. Tới bất cứ công trình nào, dự án nào, ông đều chỉ ra được những điểm yếu cốt tử và đặt ra những yêu cầu, những giải pháp khắc phục ngay.

Người ta có cảm giác rằng, ở ông không có sự khoan nhượng đối với cách làm việc lề mề, cẩu thả và dựa dẫm. Ông làm việc cứ như thể sắp sửa... về quê, nên cái gì làm được đều phải làm ngay, làm khẩn cấp.

Lúc đầu, người ta không hiểu ông khi ông nói rằng: Ông là Bộ trưởng thì phải là Tư lệnh của một ngành và phải có quyền.

Người Việt Nam ta vốn quen “khiêm tốn”. Người mới lên nhậm chức thì bao giờ cũng có những câu kiểu đãi bôi, nào là phát huy, nào là kế thừa, nào là học tập... người đi trước, rồi lại cố tỏ ra “khiêm nhường” là dựa vào trí tuệ tập thể, dựa vào chỗ nọ, chỗ kia, thậm chí làm sao cố ẩn được cái “tôi” của mình đi càng nhiều càng tốt. Vậy nên, khi nghe ông nói ông phải là Tư lệnh thì nhiều người chẳng thích. Nhưng rồi chỉ được ít ngày, ông đã thể hiện được mình là “Tư lệnh” thật bởi ông dám nghĩ, dám làm, quyết đoán đến mức lạnh lùng.

Cũng có những lời ra tiếng vào, cũng có những dư luận, nhưng ông bất chấp tất cả và vẫn phải... nghiến răng để làm. Mới chỉ hơn nửa nhiệm kỳ Bộ trưởng, bàn dân thiên hạ thấy ông đã làm được khối lượng công việc khổng lồ và đã dọn đi được không ít những “đống rác” của ngành giao thông vận tải đã ứ đọng bao nhiêu năm nay. Nhỡn tiền, người dân đã thấy nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giảm rất nhiều.

Một lần, tôi hỉ hả nói với ông rằng: “Ðề nghị Bộ trưởng thưởng cho sáng kiến những cây cầu vượt ở Hà Nội. Nhờ có nó mà tình trạng ùn tắc giao thông ở các điểm nóng đã giảm rất nhiều”. Ông cười buồn: “Tôi có nghĩ ra được đâu. Cái này anh em nghĩ ra và định làm từ lâu rồi. Nhưng rồi lại không làm. Tôi chỉ có mỗi một việc là bắt phải làm và đốc thúc làm thật nhanh”.

Ðúng là ở các công trình trọng điểm, người ta dễ dàng nhận thấy rằng nơi nào có mặt ông là nơi đó sẽ có sự đổi thay, tiến độ thực hiện sẽ tăng lên rất nhiều.

Ông là Triệu Tử Long như vậy đó.

Còn nếu vẽ ông là một Ðông Ki Sốt cầm ngọn giáo đi đánh nhau với cối xay gió thì có lẽ cũng không quá.

Bởi vì ông và các cộng sự đã phải chiến đấu với đủ thứ rào cản vô hình từ cơ chế chính sách, thói quen của người tham gia giao thông, ý thức chấp hành luật giao thông cho đến tình trạng buông lỏng quản lý về giao thông, vận tải đã có từ bao năm nay. Và bây giờ, người ta vẫn đang tìm cách chống lại ông. Chống ra mặt, hoặc tuyên chiến với ông thì không ai dám, bởi những việc ông làm là hợp lòng dân, là đúng chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước. Nhưng vì cái gọi là “lợi ích nhóm”, nơi này, nơi kia vẫn ngấm ngầm dung túng, bật đèn xanh cho các “nhóm lợi ích”. Dễ thấy nhất là chuyện ông tuyên chiến với nạn xe chở quá tải trọng.

Bao năm nay, các loại xe chở quá tải trọng đã phá nát tất cả những con đường mà Chính phủ đã phải bỏ ra hàng núi tiền để làm mới và tu bổ. Các đoàn xe quá trọng  tải này phá đường một cách không thương tiếc, rồi gây ra không biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông và vẫn được người ta bào chữa rằng “góp phần làm giảm giá cước hàng hóa”. Nhưng thử hỏi, trong số tiền “giảm giá cước hàng hóa” ấy, Nhà nước có thu được đồng nào không? Các doanh nghiệp cả Nhà nước và tư nhân chở quá tải gây hỏng đường sá, có ai bỏ tiền ra để sửa đường không? Khi ông tuyên chiến với nạn xe chở quá trọng tải, thì không ít cấp chính quyền và các cơ quan một mặt vẫn hò hét ủng hộ và cam kết thực hiện nghiêm thế nọ, nghiêm thế kia, nhưng bên trong lại ngấm ngầm “đưa đường chỉ lối” cho những đoàn “xe vua” “né” các trạm cân. Rồi người ta lại kêu gào rằng, vì Bộ Giao thông - Vận tải siết chặt tải trọng xe nên giá cước vận tải tăng cao (?!).

Rồi trong chuyện chiến đấu với nạn mũ bảo hiểm rởm vẫn được người tham gia giao thông sử dụng tràn lan, chẳng hiểu tại sao chỉ có ông, chỉ có ngành giao thông vận tải và công an ra tay, còn nhiều ngành, nhiều cấp khác thì phớt lờ. Tại sao không có những biện pháp xử lý thật mạnh những cơ sở sản xuất mũ rởm? Phải làm thế nào đó để cho những người sản xuất mũ rởm thấy rằng, họ sẽ phải khuynh gia bại sản nếu như tiếp tục làm ra những chiếc mũ không đảm bảo chất lượng. Bấy lâu nay, chúng ta hay nói về chuyện phải tăng cường giáo dục, vận động người dân nâng cao ý thức tôn trọng Luật An toàn giao thông. Ðã đến lúc phải bỏ cái mỹ từ “giáo dục” ấy đi rồi, bởi ý thức chấp hành luật pháp của người dân Việt vốn đã rất kém, thêm vào đó là thói quen tùy tiện của nhà nông, rồi tính sĩ diện hão, không coi luật pháp ra gì thì giáo dục xuông phỏng có ích gì.

Nhưng quan trọng hơn nữa là phải chiến đấu với chính đám quan chức nói một đằng làm một nẻo. Lên hội nghị hay tại các diễn đàn thì cứ xoen xoét nói rằng, phải nghiêm thế nọ, nghiêm thế kia; phải thượng tôn pháp luật; rồi phải nghiêm trị các hành vi sai trái… Nhưng bên trong thì chính đám này lại dung túng, ngấm ngầm “đi đêm” với các doanh nghiệp…

Chính vì vậy, tiêu cực ở trên các tuyến giao thông chưa giảm là bởi còn những kẻ chở quá tải, quá khổ và rất nhiều các vi phạm an toàn giao thông khác đã có người “chống lưng”.

Về lý thuyết mà nói, chỉ cần tất cả các cấp, các ngành đồng loạt ra tay thì chắc chắn xe quá tải, quá khổ không tồn tại quá một tuần. Bởi vì xe hàng chục tấn chạy trên đường chứ có phải con ốc bò trong ruộng lúa đâu mà không tìm thấy.

Cho nên, nếu cứ để một mình ngành giao thông chiến đấu với các vi phạm này thì ông Ðinh La Thăng đúng là cũng thành “Ðinh Ki Sốt”!

Như Thổ

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc