Nuôi ước mơ trở thành nhà báo trên đôi nạng gỗ

07:08 | 09/07/2014

1,019 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguyễn Văn Thắng (SN 1996, Chương Mỹ, Hà Tây) là một thí sinh đặc biệt của Hội đồng thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Mặc dù khuyết tật bẩm sinh, nhiều năm đi học đều có cây nạng gỗ đồng hành nhưng em vẫn nuôi ước mơ bước chân vào giảng đường đại học.

Chỉ muốn cho con đôi chân bình thường

Tiếp chuyện với chúng tôi, cô Đàm Thị Tuyết – mẹ Thắng, gương mặt có phần gầy gò, xương xẩu mỗi lần nhắc lại chuyện về cậu con trai là nước mắt lại chực trào.

Cô kể lại: “Hồi sinh Thắng, cô mắc đợt ốm đúng vào khoảng thời gian thai được 2 tháng tuổi. Phụ nữ trẻ ở nông thôn không có điều kiện, chửa lần đầu nên có phần vô tình, gia đình khó khăn nên cũng không đi kiểm tra hay siêu âm... Mà cô cũng chưa thấy có trường hợp nào như thế nên đâm ra chủ quan, chỉ biết ốm thì phải uống thuốc.

Cô Đàm Thị Tuyết - mẹ Thắng

Lúc sinh Thắng ra, một bên chân của em phát triển không bình thường. Nó nhỏ hơn chân còn lại và quặp vào bên trong rồi dần dần teo lại. Nhìn con như vậy, cô buồn lắm, cô khóc suốt một tháng trời và cảm thấy vô cùng mặc cảm! Thế nhưng kể cả biết trước, cô chú cũng không đành lòng bỏ con”.

Sau đó, gia đình đã cho em chạy chữa khắp nơi. Ban đầu nằm viện Nhi 10 ngày, nhờ đến các bác sĩ nước ngoài trên trường Việt Hung, trường khuyết tật Hà Tây... Cứ ai mách đi đâu là cô và gia đình lại đưa con đến đó nhưng tất cả bác sĩ đều cho rằng Thắng bị dị tật bẩm sinh, không thể chữa trị được.

Nói đến đây, cô Tuyết xúc động: “Cô có cảm giác mắc tội với em. Người ta đẻ con thì lành lặn, còn cô đẻ con thiếu hụt một chân thế này, con người ta mạnh khỏe, đầy đủ, con mình không được lành lặn, không được đầy đủ. Mỗi lần nói chuyện với con, cô thường xin lỗi em. Thế nhưng em lại động viên cô chú, đây là trời bắt tội em, chứ không bố mẹ nào muốn con phải thiếu thốn”.

Sinh ra đã khiếm khuyết trên thân thể nên sức khỏe của Thắng cũng không mạnh mẽ như những bạn bè cùng tuổi. Từ 8 tháng đến 1 tuổi, Thắng ốm đau suốt, cũng không đi lại bình thường, chỉ biết di chuyển bằng cách lăn lê trên đất. Những công việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh thân thể, em cũng phải dựa hoàn toàn vào người khác. Đến 5 tuổi, Thắng mới bắt đầu nhảy lò cò để di chuyển. Lớp 6, ông ngoại đóng cho cái nạng nhỏ nhỏ để Thắng dần làm quen. Sau đó có nhà hảo tâm cũng tặng em một cái xe lăn để em tiện di chuyển. Tuy nhiên, Thắng chủ yếu sử dụng cây gậy gỗ để đi học vì không muốn làm phiền đến mọi người.

Nguyễn Văn Thắng - thí sinh tham dự kỳ thi đại học vào HV BC&TT

Cô Tuyết nhớ lại, năm lớp 2, trường Thắng có tổ chức đi tham quan, Thắng rất hào hứng muốn đi bởi thân thể em khiếm khuyết, gia đình cũng không có điều kiện nên không được đi xa. Nhưng cô giáo chủ nhiệm lớp em lại từ chối không đưa em đi cùng và gợi ý gia đình để em ở nhà để không gây ảnh hưởng đến các bạn. Mỗi lần nhắc lại kỷ niệm này, cô Tuyết lại ứa nước mắt vì con mình bị đối xử thiếu công bằng, thiệt thòi hơn so với những bạn bè đồng trang lứa.

Cô Tuyết tâm sự, ước mơ của cô chẳng có gì cao sang, chỉ mong kiếm được đủ tiền lắp chân giả cho con, để con có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng gia đình cô chỉ làm nghề nông, bố Thắng có nghề chạy xe ôm để tiện việc đưa đón con đi học, mẹ thì chỉ làm nông với 1 mẫu ruộng nên việc bỏ ra 200-300 triệu để lắp chân giả cho con là việc quá sức. Cô kể: “Nhiều hôm bố bận chở khách không đón con kịp, Thắng phải chờ  đến 2-3 tiếng đồng hồ mới thấy bố đến. Em sợ bị bố mẹ bỏ rơi nên khóc suốt, lúc ấy cô càng thương con, càng mong có tiền lắp cho con đôi chân để đi lại như bạn bè”.

Mong muốn đi theo nghề báo

Nguyễn Văn Thắng gây ấn tượng cho người đối diện là một nam sinh dáng người nhỏ bé, đi lại đều phải nhờ sự hỗ trợ của cây nạng gỗ nhưng khuôn mặt hiền lành, khôi ngô lại luôn hiện lên một sự lạc quan và ý chí mạnh mẽ.

Mặc dù thân thể bất tiện nhưng sức học của Thắng luôn đạt mức khá, giỏi và rất chăm chỉ. Mẹ Thắng kể lại, ngày thi vào lớp 10, cô chỉ động viên em cố gắng thi vào được trường công lập, đỡ đần cho cha mẹ. Đến khi công bố kết quả, điểm thi của Thắng cao thứ nhì và thừa đến 10 điểm so với điểm chuẩn của trường THPT Xuân Mai (Hà Nội). Đến trước ngày thi, Thắng cũng thức đến 2-3 giờ sáng để ôn tập, không bao giờ để bố mẹ nhắc nhở chuyện tự học.

Năm nay, Thắng đăng ký dự thi vào khoa Báo chí đa phương tiện – một khoa giáo dục đào tạo mới mẻ của trường HV BC&TT. Thắng chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của em là được đi học. Cả xã hội người ta đi học, em bị thế này nhưng em không muốn ở nhà. Trong các khối học thì em thích học khối C, một phần vì phù hợp với khả năng của em nên em chọn thi vào trường Báo chí.”

Do khuyết tật bẩm sinh nên Thắng di chuyển trên cây nạng gỗ

Quyết định đăng ký dự thi vào trường HV BC&TT, Thắng tâm sự: “Em đưa ra quyết định thi khối C từ năm lớp 12 nên không có nhiều thời gian để tìm hiểu các trường. Em có cảm tình với nghề báo từ lâu. Hồi đó trong lớp em có một bạn cũng đăng ký dự thi trường này nên em cũng không ngần ngại mà đăng ký, vì nghĩ đơn giản rằng hai đứa cùng quê đi thi còn hỗ trợ nhau. Nhưng tiếc là bây giờ hình như bạn ấy bỏ thi rồi thì phải.

Tuy có cảm tình và thích trở thành nhà báo nhưng thành thật mà nói khi chọn thi vào đây em cũng chưa hình dung ra con đường sau này sẽ phải bước tiếp như thế nào, cách làm nghề ra sao, nhất là với hoàn cảnh bản thân hiện tại. Tuy nhiên em nghĩ cứ phải đỗ được vào trường đã. Học xong 4 năm, lúc đó được học kiến thức chuyên môn và thầy cô định hướng rồi, em sẽ có quyết định cụ thể và rõ ràng hơn.”

Trước quyết tâm và nỗ lực của con trai, cô Tuyết cũng chia sẻ: “Cô cũng hết lòng mong em đỗ đạt vào trường để sau này có công ăn việc làm. Rồi ở nhà có nghèo đi nữa thì 2 bố mẹ cũng cố gắng làm lụng, kể cả phải vay nợ cũng mong cho con được học hành đến nơi đến chốn, để cuộc sống của con khá hơn của bố mẹ”.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.