Nửa đêm ở Paris

09:49 | 30/05/2012

1,307 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chúng ta không nên chìm đắm trong quá khứ mà hãy trân trọng mỗi khoảnh khắc sống ở hiện tại, đó cũng là cách tạo nên hạnh phúc trong cuộc sống này!

Paris cổ kính và tráng lệ là nơi tôi luôn mơ ước được đặt chân đến. Không chỉ tôi mà chắc rằng ai trong chúng ta cũng từng một lần ao ước được đến đây, vì “đi khắp thế giới cũng chẳng có nơi đâu đẹp như thành phố này”. Khi giấc mơ chưa thành hiện thực, tôi tự nuông chiều mơ ước của mình bằng những thước phim, những bộ ảnh về Paris, thành phố mộng mơ. Có thể, tôi dễ dàng tưởng tượng hay hình dung ra ngay được rằng, ở Paris buổi sớm mai khi bình minh vừa lên sẽ thật đẹp; ánh nắng ban mai xuyên qua tán hoa giấy, khẽ đu đưa trong cơn gió nhẹ, đường Khải Hoàn Môn tấp nập người qua lại, những quán café nhỏ xinh bên đường…

Nụ hôn của Gil và Inez

Đến buổi trưa thì ánh nắng vàng ấm sẽ làm Paris cổ kính thêm quyến rũ. Cũng xin nói thêm là màu vàng ấm là tông màu đặc trưng tạo nên vẻ cổ điển và đặc trưng nhất của Pháp. Tiếp theo, về đêm thì Paris càng trở nên mê hoặc dưới những ánh đèn; đó cũng là lúc Paris giao thoa giữa nét cổ kính và hiện đại qua những con đường gạch đá, những ngõ nhỏ vắng vẻ mơ màng trong đêm dưới ánh đèn vàng hiu hắt. Thế nhưng tôi tự hỏi không biết là Paris về khuya sẽ thế nào nhỉ? Nó có giống như Hà Nội hay Sài Gòn về khuya không? Chắc chắn không rồi, và tôi đã tìm được câu trả lời khá bất ngờ từ Woody Allen, ông cho rằng Paris về khuya thì mới thật là kỳ diệu!

Hẳn ai yêu Paris và nhất là mê phim thể loại hài, tình cảm Hollywood thì đều rất rành về Woody Allen. Ông là nhà biên kịch và là đạo diễn nổi tiếng bậc nhất Hollywood về thể loại này. Những tác phẩn nổi tiếng tiêu biểu của ông có thể kể đến như: Annie Hall, Manhattan, Vicky Cristina Barcelona, Match Point… Và ở tác phẩm điện ảnh thứ thứ 41 của đời mình, tác phẩm mang tên “Nửa đêm ở Paris” (Tựa tiếng Anh là: Midnight in Paris) ông đã hữu ý dành tặng nó cho những ai yêu Paris. Những thước phim của ông như đưa chúng ta đến thành phố Paris tráng lệ, nơi được mệnh danh là thành phố của nghệ thuật. Không chỉ dẫn dắt người xem lần lượt đi dạo, chiêm ngưỡng vẻ đẹp khắp Paris hiện tại từ buổi sớm mai đẹp mơ màng đến nửa đêm kỳ diệu.

Đặc biệt nhất ông còn cho chúng ta du hành thời gian trở về thời kỳ hoàng kim của Paris vào những năm 1920. Tại đây, cuộc tương ngộ không bao giờ ngờ tới sẽ diễn ra, nó có thể làm thỏa lòng những người hoài cổ nhất. Đó là sự gặp gỡ với nhà văn Mỹ Earnest Hemingway, nữ nhà văn Gertrude Stein, danh họa Picasso, nhà soạn nhạc Cole Porter, hai vợ chồng Scott và Zelda Fitzgerald… Tất cả đã gặp nhau tại một Paris cổ điển, thi vị.

Mở đầu phim, Woody Allen đã rất tinh tế khi làm hài lòng người yêu Paris bằng một trường đoạn kéo dài 3 phút để lột tả hết vẻ đẹp của Paris hiện tại. Tiếng nhạc cổ điển du dương dẫn dắt mọi người dạo quanh tháp Eiffel huyền thoại ngự bên dòng sông Seine êm đềm, những con đường gạch đá thơ mộng, những con ngõ không một bóng người, ánh hoàng hôn chiều tím và nhất là những cơn mưa bất chợt… Có thể nói 3 phút này đã đủ để những ai từng đến nơi đây cảm thấy bồi hồi, nhung nhớ, và những người yêu Paris như tôi thêm mơ màng và xao xuyến.

Dẫu đã biết quá khứ là chuyện đã qua rồi không bao giờ trở lại, cũng không thể thay đổi gì, song ai trong chúng ta ít nhất cũng đã vài lần hướng đến sự hoài cổ. Hướng đến những ngày tháng tươi đẹp nhất của đời mình từng đi qua hay một thời hoàng kim của một không gian nào đó như Paris trong mưa vào năm 1920 chẳng hạn. Và câu chuyện trong phim cũng bắt đầu từ một anh chàng Gil, người luôn thích sống trong quá khứ hoài cổ. Điều anh luôn ước ao là đi bộ dưới những con phố cổ kính, thích ngắm Paris u ám và ướt át khi trời mưa.

Gil cùng vị hôn thê xinh đẹp Inez đến Paris trong một kỳ nghỉ. Gil không ngờ rằng chuyến đi này đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh. Cuộc sống của anh ở Mỹ, trong những buổi tiệc xa hoa phù phiếm, rượu chè với giới thượng lưu và gia đình giàu có của vợ, nhưng điều khiến anh thích thú và mê đắm nhất lại là vẻ đẹp của Paris lúc vào đêm, khi trời mưa. Anh thích đi dạo dưới mưa, nhìn ngắm những con phố cổ kính và nghĩ về quá khứ tươi đẹp, lộng lẫy. Trong khi đó, hôn thê của anh lại chìm đắm trong sự hiện đại của Paris.

Một hôm, khi đi dạo trên đường phố lúc nửa đêm, Gil bất ngờ được một số người bạn mặc trang phục những năm 1920 mời lên một chiếc xe Peugeot cổ. Chuyến xe này đưa anh trở lại Paris trong cái không khí hoài cổ mà bản thân từng ao ước bấy lâu nay: một Paris cổ điển, tráng lệ và rất đổi yên bình. Họ đưa Gil đến một quán bar, tại đây Gil gặp được nhà soạn nhạc vĩ đại Cole Porter, Josephine Baker, Zelda và Francis Scott Key Fitzgerald. Tất cả đều là những người mà Gil từng ngưỡng mộ, từ tài danh cho đến cuộc sống. Và nhân vật cuối cùng anh gặp được đó là Easnest Hemmingway, người sẽ thay đổi toàn bộ sự nghiệp của anh vì sẽ giới thiệu cuốn tiểu thuyết của Gil đến với một nữ nhà văn nổi tiếng khác, Gertrude Stein.

Paris về đêm thật mê hoặc

Trong không gian Paris cổ kính và tráng lệ ấy, Gil bỏ quên người vợ sắp cưới xinh đẹp, bỏ quên đám cưới sắp diễn ra, quên luôn Paris hiện tại… Gil đã gặp và yêu một cô gái khác, cô cũng cùng tâm trạng hoài cổ giống như Gil. Họ vô tình cùng nhau lạc về thời kỳ này và cùng mê mẫn, chìm đắm trong không gian Paris cổ. Nhưng cuối cùng, họ cũng nhận ra một sự thật khi họ chứng kiến những nhà nghệ thuật vĩ đại thời đó như: Henri de Toulouse-Lautrec, Edgar Degas.. lại yêu mến và muốn sống ở thời kỳ Phục Hưng. Gil thấu hiểu một chân lý rằng hoài cổ cũng là một cách sống nhưng tốt hơn là con người nên chấp nhận thực tại và thay đổi cái thực tế của thời đại mình. Hãy trân trọng mỗi khoành khắc sống ở hiện tại cũng là cách tạo nên hạnh phúc trong cuộc sống này!

Thế là Gil đã quyết định quay về hiện tại dù rằng hiện tại ấy chẳng có gì để níu kéo anh. Anh trở về để là chính mình, để chấp nhận thực tại và thay đổi nó chứ không thể mãi chiềm đắm trong quá khứ… Phim có cái kết đẹp vừa phải, đủ để người xem hài lòng nhưng cũng gợi ra nhiều sự chiêm nghiệm về cuộc sống này.

“Nửa đêm ở Paris” còn là một lát cắt mà bất cứ ai trong chúng ta cũng dễ dàng nhận ra có mình trong đó. Nhất là sự hoài cổ, một phương tiện mà chúng ta hay dùng để cứu rỗi cuộc đời khi gặp những lúc mà niềm sầu, nổi khổ vây kín lấy mình. Nhưng dẫu có say sưa trong quá khứ đến mức nào thì đó chỉ là khỏanh khắc nhất thời, tạm bợ. Nó không thể thay thế cuộc sống hiện tại của chúng ta. Chính vì vậy mà trong Phật giáo, các chư tổ Thiền tông hay căn dặn hàng môn đệ rằng: “Chuyện qua rồi chẳng nhớ, chuyện tương lai chớ đem lòng vọng tưởng” là vậy chăng!

Phim Midnight in Paris đoạt giải “Kịch bản gốc xuất sắc nhất” tại Oscar 2012. Phim do MegaStar phát hành tại Việt Nam, dự kiến là trong tháng 5 này, tuy nhiên theo thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được từ MegaStar thì do bản phim nhập về bị lỗi, không thể trình chiếu. Hiện công ty đang nhập bản mới từ Mỹ về và sẽ ra mắt khán giả trong thời gian sớm nhất trong dịp hè này.

Trúc Lê

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

(PetroTimes) - Nằm sâu 450m dưới lòng đất đảo Olkiluoto (Phần Lan), Onkalo - hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới sắp hoàn thành...