Nữ chủ nhân "kho vàng đỏ" của Afghanistan thách thức Taliban

14:05 | 28/09/2021

79 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Shafiqeh Attai, chủ doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất nhụy hoa nghệ tây được ví như "vàng đỏ" của Afghanistan, tuyên bố sẽ đấu tranh cho phụ nữ dưới chính quyền Taliban.
Taliban cấm nữ giới học trung họcTaliban cấm nữ giới học trung học
Nữ chủ nhân kho vàng đỏ của Afghanistan thách thức Taliban - 1
Một phụ nữ Afghanistan thu hoạch hoa nghệ tây (Ảnh: AFP).

Kể từ khi giành quyền kiểm soát Afghanistan từ giữa tháng 8, Taliban đưa ra ngày càng nhiều chính sách hạn chế quyền lợi của phụ nữ ở Afghanistan, hạn chế họ tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị. Nhiều phụ nữ, trong đó có cả các nữ doanh nhân, đã phải tìm cách náu mình hoặc chạy khỏi đất nước.

Họ lo sợ một chế độ hà khắc với phụ nữ của chính quyền Taliban như giai đoạn 1996-2001 khi phụ nữ bị cấm đến trường, cấm đến công sở và chỉ được phép ra khỏi nhà khi có nam giới đi cùng.

Tuy nhiên, Shafiqeh Attai, chủ một doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất nhụy hoa nghệ tây ở Afghanistan, lựa chọn ở lại và tuyên bố sẽ đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt của hơn 1.000 lao động đang làm việc tại nhà máy của mình.

"Chúng tôi sẽ nói lên tiếng nói đấu tranh. Dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng sẽ không ngồi nhà bởi vì chúng tôi đã và đang làm việc chăm chỉ", bà Attai nói.

"Vàng đỏ" của Afghanistan

Công ty của bà Attai chuyên chế biến, đóng gói và xuất khẩu nhụy hoa nghệ tây - loại gia vị đắt đỏ nhất thế giới. Công ty nằm ở huyện Pashton Zarghon, tỉnh Herat, giáp biên giới Iran. Doanh nghiệp hiện sử dụng hơn 1.000 lao động nữ chuyên thu hái nhụy hoa nghệ tây trên cánh đồng rộng khoảng 25 hecta. Bà Attai cũng lập ra một hợp tác xã do phụ nữ sở hữu và vận hành để sản xuất nhụy hoa nghệ tây từ cánh đồng rộng 55 hecta khác.

Nữ chủ nhân kho vàng đỏ của Afghanistan thách thức Taliban - 2
Các nữ công nhân tách nhụy hoa nghệ tây ở Afghanistan (Ảnh: AFP).

Tỉnh Herat sản xuất phần lớn nhụy hoa nghệ tây ở Afghanistan. Nhụy hoa nghệ tây được xem là loại gia vị đắt đỏ nhất thế giới với giá lên tới hơn 5.000 USD/kg. Mỗi năm, công ty của Attai sản xuất được khoảng 200-500 kg nhụy hoa nghệ tây.
Từ nhiều thế kỷ qua, nhụy hoa nghệ tây được sử dụng khắp thế giới trong nấu ăn, chế xuất nước hoa, thuốc, trà và thậm chí dùng làm thuốc. Vì giá thành cao, nên nhiều người ví nhụy hoa nghệ tây như "vàng đỏ".

Hoa nghệ tây phù hợp với thời tiết khô nóng và được thu hoạch vào tháng 10, tháng 11 hàng năm. Lao động thu hái nhụy hoa nghệ tây chủ yếu là phụ nữ ở độ tuổi 50-60. Công việc thu hái thường bắt đầu vào bình mình cho đến khi cây héo rũ vào cuối ngày. Việc tách nhụy hoa nghệ tây đòi hỏi sự tỉ mỉ và cần mẫn.

"Chúng tôi sẽ không im lặng"

Bà Attai cho biết, sở dĩ bà thuê lao động nữ vì muốn họ trở thành trụ cột của gia đình, giúp họ có thể tự lực tài chính để cho con cái học hành và trang trải cuộc sống.

"Tôi đã nỗ lực để lập ra doanh nghiệp của mình. Chúng tôi không muốn ngồi im một chỗ và bị lãng quên. Kể cả nếu họ phớt lờ chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ không im lặng", nữ doanh nhân 40 tuổi nói khi ngầm thách thức việc Taliban đang gạt phụ nữ khỏi các hoạt động kinh tế, xã hội.

Nữ chủ nhân kho vàng đỏ của Afghanistan thách thức Taliban - 3
Shafiqeh Attai, chủ một doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất nhụy hoa nghệ tây ở Afghanistan (Ảnh: AFP).

Điều bà Attai quan tâm không chỉ là tương lai doanh nghiệp của mình mà còn là cuộc sống của phụ nữ khắp Afghanistan - những người đang phải đối mặt với tương lai bất định dưới chế độ của Taliban.

"Hiện giờ chính phủ của Tiểu vương quốc Hồi giáo đang ở đây, chúng tôi vô cùng lo ngại rằng họ sẽ ngăn cản công việc của chúng tôi. Họ không cho nữ giới trở lại trường học, không cho phụ nữ nắm bất cứ vai trò nào trong chính quyền. Tôi lo ngại không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai… Tôi lo rằng 20 năm nỗ lực của những phụ nữ này (lao động nữ trong doanh nghiệp) sẽ uổng phí", bà Attai nói.

Trong vòng 20 năm qua kể từ chính quyền Taliban lật đổ năm 2001, nhiều phụ nữ ở Afghanistan đã trở thành lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt ở các thành phố như Herat. Tuy vậy, những tháng gần đây, trước đà tiến công của Taliban, nhiều nữ doanh nhân ở Herat đã tìm cách chạy ra khỏi đất nước.

Người đứng đầu Phòng thương mại Herat Younes Qazizadeh nói với AFP rằng, ông hy vọng chính quyền Taliban sẽ đưa ra tuyên bố chính thức cho phép phụ nữ quay trở lại và có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bà Attai cho biết, bà quyết định ở lại quê nhà với hy vọng doanh nghiệp của bà có thể tồn tại bất chấp mối đe dọa từ Taliban. "Chúng tôi là doanh nghiệp vận hành hoàn toàn bởi phụ nữ, không hề có một nam giới nào, chúng tôi đủ dũng khí để ngăn chặn điều đó (sự cản trở của Taliban)", nữ doanh nhân 40 tuổi nói.

Theo Dân trí