NSƯT Chí Trung: “Lỗi không hẳn từ phía khán giả”

07:00 | 10/11/2012

831 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Không thể trách khán giả quay lưng lại với nghệ thuật mà hãy tự đặt câu hỏi tại sao họ lại hành xử như vậy? Phải chăng, chính sân khấu quay lưng lại với họ bằng những vở diễn vô thưởng, vô phạt” - nghệ sỹ Chí Trung bày tỏ.

Đặt hy vọng vào “Lời thề thứ 9”

- Được biết anh đang gấp giúp dựng lại vở “Lời thề thứ 9”- một vở kịch đã rất xuất sắc của Lưu Quang Vũ. Anh có thể chia sẻ đôi chút về vở kịch này?

- Đúng vậy. Hiện tại, diễn viên của đoàn kịch 2 nhà hát Tuổi trẻ đang dựng lại vở “Lời thề thứ 9” của nhà viết kịch vĩ đại Lưu Quang Vũ. Không cần nói thêm về những tác phẩm của anh Vũ vì tự thân nó đã đủ sáng rồi. Tuy nhiên, không phải kịch bản nào cũng phù hợp bởi đã hơn hai chục năm rồi. Nhưng ở “Lời thề thứ 9” thì tôi vẫn thấy nó mang hơi thở đương đại, mang câu chuyện của ngày hôm nay, sau 24 năm vẫn còn nguyên giá trị.

Chí Trung cho rằng "Lời thề thứ 9” mang hơi thở đương đại

Thực chất “Lời thề thứ 9” được nhà viết kịch Lưu Quang Vũ viết theo đơn đặt hàng của quân đội. Khởi điểm kịch bản được đạo diễn Xuân Huyền dựng cho Đoàn kịch Quân đội. Sau này, vì nhận thấy được đây là một kịch bản đầy tính nhân văn, triết lý nói đến mối quan hệ dân – quân, cũng như chất chứa trong nó cái tình của người chiến sỹ. Đặc biệt, vở kịch là cái nhìn trực diện, phê phán những thói hư, tật xấu của một bộ phận quan chức đương thời. Chính cảm quan của người lính mách bảo, để anh Đức Trung và cô Thùy Chi khi đó là lãnh đạo nhà hát Tuổi trẻ thuyết phục đạo diễn Xuân Huyền dựng bản diễn thứ 2 cho đoàn chúng tôi. Và như một cái duyên, tôi được giao vào vai Đôn “sứt”_ một trong những người lính bồng bột bỏ đơn vị, bỏ biên giới, xách súng tìm về hỏi tội những kẻ đang cướp đất của người thân đồng đội mình.

- Nhưng tại sao anh lại lựa chọn thời điểm này?

- Vì chúng ta vẫn còn quá nhiều bức xúc, những vấn nạn của một xã hội rối ren và tôi nghĩ rằng thông điệp của “Lời thề thứ 9” vẫn phù hợp với hơi hướng thời đại. Sau ngần ấy năm, nhưng tôi nghĩ giá trị mà “Lời thề thứ 9”  mang lại sẽ vẫn còn chân giá trị, thậm chí tính thời sự của vở diễn có lẽ còn gần chúng ta hơn bao giờ hết.

Đọc lại kịch bản, tôi thấy vừa xúc động, vừa buồn. Xúc động vì những gì nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã viết. Buồn vì so với thời chúng tôi dựng Lời thề thứ 9, những người tốt vẫn thường xuyên… ngơ ngác như thế, trong khi kẻ xấu có vẻ mạnh lên rất nhanh. Hơn nữa, nó hợp với đời sống ngày hôm nay là bởi nó sẽ như tiếng chuông báo động sự vô cảm giữa người với người, vốn vẫn còn rất nhiều nan giải. Vì thế mà, tôi đặt hy vọng và quyết tâm dựng lại vở kịch này, mong rằng nó sẽ chuyển tải được thông điệp đến cho khán giả hôm nay một cách khẩn thiết và trọn vẹn.

- Thành công của “Lời thề thứ 9” 24 năm trước là không thể phủ nhận. Nhưng sau từng ấy năm, khi mà đối tượng tiếp nhận có quá nhiều thứ để xem. Anh có thấy mình mạo hiểm?

-  Đúng là không thể so sánh khán giả của hôm nay với khán giả của hơn hai mươi năm về trước. Nên chúng tôi đã có những thay đổi nho nhỏ và chỉnh lại một số chi tiết cho hợp với nhịp sống hôm nay, đẩy tiết tấu nhanh hơn và cách thổi hồn vào nhân vật cũng sẽ khác hơn. Nhưng vẫn phải xin nhắc lại rằng, bám theo nguyên mẫu bởi bản diễn của NSND Xuân Huyền đã rất hoàn hảo.

Trong vở dựng lại lần này, ngoài NSND Lê Khanh trong vai người mẹ là nguyên trạng còn lại toàn bộ là dàn diễn viên mới. Tôi hy vọng, với cách truyền đạt của mình, các em sẽ vẫn chuyển tải tốt được thông điệp của “Lời thề thứ 9”. Còn tôi không cho đây là một sự mạo hiểm, bởi chúng ta không nên dễ dãi làm những vở kịch chỉ mang tính chất “giải ngân” mà cái quan trọng ở đây vẫn phải là sau mỗi vở kịch chúng ta đạt được điều gì. Vì thế nên, đây rõ ràng là sự nỗ lực của anh em nghệ sỹ trong đoàn 2, nhà hát Tuổi trẻ.

-Với riêng cá nhân anh, vai Đôn “sứt” của hơn hai mươi năm về trước sẽ như thế nào? Kỷ niệm của anh về những lần đưa “Lời thề thứ 9” đi dọc dài đất nước?

- Đôn “sứt” là một trong ba anh lính bồng bột bỏ biên giới, bỏ đơn vị xách súng tìm về hỏi tội những kẻ đang cướp đất của người thân đồng đội mình. Tính cách của anh chàng này khá bốc đồng với những sung động trẻ con, nông nổi nhưng cũng rất dí dỏm, hợp với khẩu hình và tính cách của Chí Trung. Phải nói rằng, đây là vai diễn mà mình cảm thấy tâm đắc và nó cũng góp phần mang lại danh hiệu NSUT cho mình.

Còn nhớ những năm 1989, khi đưa “Lời thề thứ 9” đi trình diện, quả thực có những kỷ niệm khó có thể quên. Chúng tôi đã rong ruổi đưa nó đến với bà con ở dọc dài đất nước. Thời đó, đoàn kịch Quân đội và nhà hát Tuổi trẻ cùng kết hợp. Nếu như Đoàn kịch Quân đội chủ yếu biểu diễn ở vùng cao phục vụ các chiến sỹ từ Tây Bắc xuống Tây Nguyên thì Nhà hát Tuổi trẻ lại cầm quân đến các miền duyên hải từ Hải Phòng đến Nha Trang rồi mũi Cà Mau, Rạch Gía... Điều làm chúng tôi nhớ nhất là đến đâu cũng nhận được sự hưởng ứng của bà con. Có nơi phải diễn một ngày 3-4 xuất mà vẫn không đủ phục vụ. Tiêu biểu như lần đi diễn ở Nha Trang, chúng tôi diễn đúng vào hôm bão về, vậy mà công chúng vẫn đến xem rất đông. Khi đang diễn thì tấm tôn trong nhà hát bị gió cuốn bay, nhưng khán giả bên dưới vẫn ngồi theo dõi vở kịch cho đến phút cuối cùng mặc gió mưa táp vào. Khán giả trung thành nhất với “Lời thề thứ 9” phải kể đến đầu tiên là những cựu chiến binh. Họ rất thích vì đây là vở kịch hay nói về người lính, tình quân với dân. Thế nên, cứ đợi cho diễn xong là họ lại lên ôm diễn viên chúng tôi nước mắt vòng quanh, thật xúc động.

Cái hay của “Lời thề thứ 9” không phải chỉ bó hẹp trong chủ đề quân- dân mà lấy nó để bộc lộ hết những u, cục nổi cộm trong xã hội, quan hệ giữa người với người cũng như sự vô cảm trong xã hội đương thời mà bây giờ hiện trạng vẫn còn nhức nhối. Tôi nghĩ chỉ bấy nhiêu thôi đã là thành công của “Lời thề thứ 9” rồi.

Không muốn dựng những vở “Vô thưởng, vô phạt”

- Theo anh thì lý do gì mà giới trẻ lại quay lưng với nghệ thuật dân tộc nói chung rồi đến cả kịch đương đại cũng không còn cuốn hút?

- Tôi không nghĩ lỗi hoàn toàn ở tại khán giả. Xin không bàn đến các lĩnh vực khác, chỉ riêng trong sân khấu kịch tôi nghĩ rằng tại sao không đặt câu hỏi ngược lại. Nhiều khi cứ tự áp đặt hoặc biện minh rằng tại khán giả nhưng có khi sân khấu lại tự quay lưng với khán giả bằng những vở diễn nhàng nhàng, thiếu hơi thở cuộc sống và chẳng đem lại thông điệp gì đấy chứ. 

Tôi đặc biệt không thích những vở diễn “vô thưởng, vô phạt”. Khán giả họ tinh lắm, chả dại gì họ lại bỏ thời gian, túi tiền vào những sản phẩm chả đem lại được gì cho họ. Thế nên, khoan hãy đổ tại khán giả mà những người làm nghệ thuật hãy tự nhìn nhận lại mình trước.

Chí Trung đặc biệt không thích những vở diễn “vô thưởng, vô phạt”

- Vậy riêng anh, với vai trò cầm quân, anh đã phải thích ứng như thế nào để đón được khán giả đến với sân khấu của mình?

- Nói thật thực trạng một nền nghệ thuật chân chính, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới đều không “bán” được. Chính vì thế chúng ta phải tự làm mới mình và có phương pháp hoạt động. Ngay đối với Đoàn kịch 2 của chúng tôi, thì vẫn phải chọn phương án lấy ngắn nuôi dài. Bên cạnh đó chúng tôi cũng phải tìm hiểu nhu cầu của khán giả. Riêng ở Việt Nam thì nhu cầu giải trí cao nên chúng tôi kết hợp một cách hài hòa giữa chính kịch và hài kịch, để làm sao không quá cứng nhắc trong chính kịch, mà hài kịch thì vẫn đưa đến thông điệp một cách sâu sắc.

- Nếu xét trên phương diện này thì anh đang chạy theo hài kịch nhiều hơn?

Đó là chúng tôi đang phục vụ thị hiếu của khán giả, họ đang có nhu cầu giải trí nhiều hơn. Bây giờ các bạn nói rằng : “Chí Trung ơi, chúng tôi chán hài kịch lắm rồi”, lập tức chúng tôi sẽ lại cải biến sao cho phù hợp. Tất nhiên, tiếng cười của chúng tôi đem lại không phải là “cù” cho người ta cười, mà là tiếng cười thâm thúy. Nghệ thuật không thể đi theo lối mòn mà phải luôn luôn tìm tòi và đi liền với thị hiếu của công chúng. Kéo được họ đến với sân khấu, để sân khấu luôn được đỏ đèn, đó mới là thành công.

- Đối tượng khán giả mà Chí Trung hướng đến là ai?

- Tôi vẫn tâm đắc mãi câu nói của nghệ sĩ Thành Lộc đại loại rằng “nghệ sĩ nên coi khán giả là một bầu sữa”, có nghĩa không ai khác mà chính khán giả là người sẽ nuôi nghệ sỹ. Dường như các nghệ sỹ ngoài Bắc quên đi mất điều này. Tôi thấy ở trong Nam các nghệ sĩ họ rất năng động, họ thay đổi liên tục để phù hợp với thị hiếu của quần chúng và phục vụ quần chúng. Chí Trung đã học được nhiều ở điều này.

Chí Trung chủ động hướng đến đông đảo khán giả chứ không định hướng cố định vào một tầng lớp nào. Hiện tại, sân khấu kịch đã có những khán giả trung thành là tầng lớp trung lưu có điều kiện và tầng lớp bình dân có điều kiện. Tuy nhiên, thiếu hẳn tầng lớp thanh thiếu nhi, mà chính họ mới là nguồn lớn nhất, là thế hệ khán giả của tương lai.

Anh rất tâm đắc với câu nói của nghệ sĩ Thành Lộc “nghệ sĩ nên coi khán giả là một bầu sữa"

Trăn trở về điều này nhiều và Chí Trung cũng có dự định riêng. Về lớp thiếu nhi thì hiện tại ở nhà hát Tuổi trẻ có tổ chức chương trình “Thiên đường tuổi thơ” cho các bé diễn ra vào buổi sáng chủ nhật hàng tuần. Ở chương trình này, chúng tôi sẽ diễn cho các cháu xem những vở kịch ngắn, bên cạnh đó các cháu sẽ được giao lưu với nghệ sỹ và tập làm diễn viên. Dự án này chúng tôi đã tổ chức được 4 tháng và kết quả thu được rất khả quan. Xuất phát từ tình yêu đối với nghệ thuật ngay từ nhỏ nên tôi hy vọng sẽ cải thiện được phần nào hiện tượng quay lưng lại với sân khấu của người trẻ.

Còn về tầng lớp học sinh, sinh viên thì sắp tới Chí Trung và các diễn viên kịch trẻ sẽ đem sân khấu đến “tận chân” phục vụ các bạn. Đó là chương trình nằm trong kế hoạch đưa sân khấu kịch đến với các giảng đường mà chúng tôi sẽ thực hiện tới đây.

- Và anh còn có tham vọng xâm nhập thị trường sân khấu phía Nam?

Tại sao lại không? Nói thực là tôi đủ tự tin để làm việc đó. Vẫn biết là phía Nam sân khấu kịch phát triển rất mạnh. Nhưng chúng tôi vẫn có lượng khán giả của riêng mình. Đó là những khán giả cần hương vị bắc, cách nhả chữ của người bắc và tiếng nói bắc.

Vâng, xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

                                                                            Huyền Anh (thực hiện)