Nord Stream 2: Phép thử mối quan hệ của chính quyền Tổng thống Joe Biden với Nga, Đức và Quốc hội Mỹ

13:08 | 25/02/2021

|
(PetroTimes) - Trang tin Foreign Policy mới đây đã có bài phân tích về động thái của chính quyền Mỹ trước những áp lực phải tăng cường trừng phạt dự án Nord Stream 2 từ nhiều phía.
Dự án Nord Stream 2: Tổng thống Đức dấy lên làn sóng phẫn nộ tại Kiev do viện dẫn số nạn nhân Nga tử vong trong Chiến tranh Thế giới IIDự án Nord Stream 2: Tổng thống Đức dấy lên làn sóng phẫn nộ tại Kiev do viện dẫn số nạn nhân Nga tử vong trong Chiến tranh Thế giới II
Dự án Nord Stream-2 thông dòng trong năm 2021Dự án Nord Stream-2 thông dòng trong năm 2021
Nord Stream 2: Phép thử mối quan hệ của chính quyền Tổng thống Joe Biden với Nga, Đức và Quốc hội Mỹ

Bị cắt đứt trong việc hàn gắn quan hệ với Đức và Đảng Cộng hòa trong Quốc hội, chính quyền của Tổng thống Biden đang thể hiện quan điểm mềm mỏng đối với dự án Nord Stream 2 so với những đề xuất cứng rắn của một số nhà lập pháp Mỹ. Đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc phải hành động đối với Nord Stream 2 - đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi của Nga với châu Âu, chính quyền Biden về cơ bản đã từ chối các đề xuất trừng phạt, cho phép dự án được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian này mà không phải tăng cường bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào đối với các công ty liên quan dự án.

Theo Foreign Policy, trong một báo cáo mới trình lên Quốc hội Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định một tàu của Nga, tàu lắp đặt ống Fortuna và công ty sở hữu KVT-Rus đã vi phạm các quy định cấm làm việc trong dự án, mở đường cho các biện pháp trừng phạt tiếp theo. Tuy nhiên, báo cáo này không nêu tên các tàu gắn cờ Nga khác đã được trích dẫn trong các báo cáo truyền thông trước đây đang làm việc tại dự án. Báo cáo cũng không chỉ ra bất kỳ công ty của Đức hoặc EU nào khác tham gia vào việc xây dựng đường ống mà chỉ nêu tên 18 công ty đã rời khỏi dự án hoặc dự định rời đi sau khi bị phía Mỹ đe dọa trừng phạt.

Phản ứng của chính quyền Biden đối với dự án trị giá 11 tỷ USD (sẽ vận chuyển khí đốt của Nga tới Đức và bỏ trung chuyển qua Ukraine) thể hiện một phép thử ban đầu đối với chính quyền mới của Mỹ khi Tổng thống Biden cố gắng cân bằng mối quan hệ với Đức và đứng vững trước sức mạnh địa chính trị của Nga ở châu Âu. Nó cũng đặt ra một thách thức mới cho mối quan hệ của chính quyền Biden với Quốc hội Mỹ về chính sách đối ngoại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, chính quyền Mỹ vẫn đang phản đối dự án. Bộ Ngoại giao Mỹ đang tiếp tục kiểm tra các thực thể liên quan đến hoạt động xây dựng Nord Stream 2 có thể vi phạm, nhấn mạnh rằng, các công ty có nguy cơ bị trừng phạt nếu họ tham gia dự án. Ông Ned Price cũng tái khẳng định, chính quyền mới có cùng quan điểm với chính quyền của cựu Tổng thống D.Trump: Nord Stream 2 là một thỏa thuận tồi cho châu Âu và đi ngược lại với các mục tiêu năng lượng đã công bố của EU.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã hứng chịu phản ứng dữ dội từ một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, những nghị sĩ cáo buộc chính quyền mới đã giúp Nga giành chiến thắng sớm. Hạ nghị sĩ Michael McCaul trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho rằng, báo cáo không đáp ứng được nguyện vọng của lưỡng đảng về việc dừng hoàn toàn dự án Nord Stream 2. Ông lưu ý rằng, tàu Fortuna và công ty KVT-Rus đã bị các cơ quan chức năng khác nhau xử phạt dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Thượng nghị sĩ James Risch cho biết, báo cáo này là một món quà dành cho người Nga và những nỗ lực không ngừng của họ nhằm phá hoại an ninh năng lượng châu Âu, gây bất ổn cho Ukraine và tạo điều kiện cho tham nhũng và ảnh hưởng xấu trên toàn châu Âu. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jeanne Shaheen (đồng minh thân cận của chính quyền Biden) thì cho biết, bà được khuyến khích xem các đề xuất trừng phạt mới, song mong đợi chính quyền Biden sẽ thông báo ngắn gọn về các hành động bổ sung mà Mỹ có thể thực hiện để ngăn chặn mối đe dọa do việc hoàn thành đường ống Nord Stream 2 gây ra. Trước phản ứng của một số nhà lập pháp Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa có bình luận.

Dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 được chính thức công bố lần đầu vào năm 2015, là một trong những dự án năng lượng gây tranh cãi nhất ở châu Âu, xảy ra vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ/phương Tây và Nga sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và can thiệp vào miền đông Ukraine. Chính phủ Đức ủng hộ dự án, khẳng định đây là một dự án thương mại thuần túy. Trong khi đó, một số chính phủ EU khác, bao gồm nhiều nước Đông Âu xem dự án như một công cụ để Nga có được ảnh hưởng không đáng có và đòn bẩy địa chính trị đối với châu u thông qua xuất khẩu năng lượng.

Áp lực đã gia tăng lên chính quyền Biden để đưa ra một lập trường cứng rắn hơn đối với Nord Stream 2 sau vụ đầu độc thủ lĩnh phe đối lập tại Nga Aleksei Navalny mà các báo cáo điều tra cho thấy có liên quan đến các cơ quan an ninh Nga cũng như vụ tấn công mạng SolarWinds của Mỹ. Giới chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng, Tổng thống Biden đang cố gắng cân bằng giữa việc cứng rắn với Nga và hàn gắn quan hệ với EU, đặc biệt là Đức.

Giám đốc điều hành ClearView Energy Kevin Book cho biết, việc chọn xử phạt cùng một thực thể một lần nữa gửi đi tín hiệu khá rõ ràng, Tổng thống Biden có thể đã bị buộc phải hành động về mặt chính trị, nhưng đó là lựa chọn tối thiểu. Một số chuyên gia khác thì cho rằng, đó là dấu hiệu cho thấy chính quyền vẫn đang đánh giá các lựa chọn của mình. Cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu trong chính quyền cựu Tổng thống George W.Bush cho biết, dường như chính quyền Biden đang để cho mình lựa chọn leo thang nhưng không đóng hoàn toàn vấn đề. Động thái này giúp mở ra “cánh cửa” xem Đức có sẵn sàng đưa ra các ý tưởng, đề xuất nghiêm túc nhằm giảm thiểu rủi ro của Nord Stream 2 cho các nước ở Trung và Đông Âu hay không.

Trong tháng 01/2021, các nhà lập pháp tại Nghị viện châu u đã bỏ phiếu áp đảo cho nghị quyết kêu gọi dừng dự án, mặc dù Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định sự ủng hộ của mình đối với dự án là không thay đổi bất chấp cuộc tấn công nhằm vào Navalny. Cao ủy châu Âu phụ trách đối ngoại và các vấn đề an ninh Josep Borrell thì coi các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn dự án như một hành động xâm phạm chủ quyền châu Âu.

Ở chiều đối lập, các bộ trưởng ngoại giao của Ba Lan và Ukraine cho rằng, dự án Nord Stream 2 được thiết kế để phá hoại an ninh năng lượng của châu u. Nhà điều hành North Stream 2 AG đã nhiều lần khẳng định, đây là dự án thương mại thuần túy nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu. EU cần nguồn cung khí đốt mới đáng tin cậy, giá cả phải chăng và bền vững.

Một số chuyên gia dự đoán rằng, quan điểm của Chính phủ Đức về dự án này có thể thay đổi sau cuộc bầu cử liên bang sắp tới vào tháng 9. Các thành viên của Đảng Xanh tại Đức có thể giành được thêm ghế quốc hội trong cuộc bầu cử, đã phản đối dự án vì lý do môi trường và áp lực phản đối từ các quốc gia EU khác.

Dự án đã hoàn thành hơn 90%. Chính quyền D.Trump với sự ủng hộ của quốc hội đã ký một đạo luật trừng phạt nhằm vào các công ty liên quan dự án, gây trì hoãn việc xây dựng đường ống từ cuối năm 2019. Dự án có thể được hoàn thành trong vòng 6 tháng đến 1 năm nếu không có sự trì hoãn hoặc trừng phạt. Một số chuyên gia nhận định, cuối cùng thì các biện pháp trừng phạt cũng không đủ để ngăn cản dự án. Khả năng ngăn chặn việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở một số quốc gia mà không sử dụng sự can thiệp của quân đội là khá hạn chế.

Viễn Đông