Nông dân Mỹ và kinh tế Trung Quốc
Cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc do Tổng thống Trump mở màn từ tháng 3/2018. Trên Twitter, Tổng thống Mỹ viết: “Khi một quốc gia là Hoa Kỳ mất hàng tỉ đôla với mỗi đối tác, thì chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ thành công”.
Tiếp theo đó là các đòn vừa dụ vừa dọa, là cuộc khẩu chiến leo thang giữa Washington và Bắc Kinh: Nhà Trắng đòi phạt 60 tỉ USD nhắm vào hàng Trung Quốc nhập sang Hoa Kỳ, Trung Quốc dọa lại phạt hàng Mỹ 50 tỉ USD... Tổng thống Trump trả giá đòi Trung Quốc giảm 200 tỉ USD thâm hụt mậu dịch của Mỹ so với bạn hàng Trung Quốc.
![]() |
Trung Quốc là khách hàng lớn nhất mua đậu nành của các nhà nông Mỹ |
Gần 3 tháng sau, tại Washington ngày 19/5/2018, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo Hoa Kỳ và Trung Quốc “đình chỉ chiến tranh thương mại” sau nhiều thiện chí của Bắc Kinh: Trung Quốc cam kết sẽ mua nhiều hàng của Mỹ hơn (nhưng không nói rõ là bao nhiêu), cải tổ hệ thống thuế quan, để hàng Mỹ dễ thâm nhập vào thị trường châu Á rộng lớn này hơn.
Nhưng đến ngày 4/6/2018, ngày đàm phán thương mại cuối cùng giữa Mỹ với Trung Quốc đã kết thúc trong thất bại tại Bắc Kinh. Thời gian đình chiến kết thúc và đến ngày 15/6, Tổng thống Donald Trump chính thức công bố quyết định đánh thuế hải quan 25% trên 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Cụ thể, kể từ ngày 6/7/2018, trên 800 sản phẩm Trung Quốc có trị giá 34 tỉ USD sẽ bị Hoa Kỳ áp thuế và đợt hai đánh vào 280 mặt hàng khác, nhưng chưa rõ thời hạn. Mỹ chủ yếu nhắm vào các sản phẩm công nghệ, tránh những mặt hàng phổ biến như điện thoại di động, tivi. Mục tiêu là làm giảm số thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc, năm ngoái lên tới 375 tỉ USD.
Khi chính thức hóa các sắc thuế mới áp đặt, ông Trump còn cảnh báo: “Nếu Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp trả đũa, như áp thuế mới lên hàng hóa, dịch vụ hoặc nông sản của Mỹ, chính quyền của tôi sẽ đáp ứng ngay bằng cách áp đặt các sắc thuế mới khác và lần này đánh lên lượng hàng có tổng giá trị 100 tỉ USD”.
Tuy nhiên, lời đe dọa trên của ông Trump không khiến Trung Quốc lùi bước. Ngay trong ngày 15/6, Trung Quốc thông báo đánh thuế 25% lên hàng Mỹ có trị giá cũng 34 tỉ USD, cũng từ ngày 6/7 tới, gồm nông sản, xe hơi và hải sản. Có 659 mặt hàng được nhắm đến và Bắc Kinh nhấn vào những chỗ dễ tổn thương nhất của Mỹ. Nạn nhân đầu tiên là thịt bò và đậu nành - Trung Quốc là khách hàng lớn nhất mua đậu nành của các nhà nông Mỹ. Sự trả đũa này nhắm vào thành phần trung tâm của giới cử tri của Tổng thống Trump, nhất là ở các tiểu bang nông nghiệp như Iowa, Illinois, Minnesota. Bên cạnh đó, một thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc còn nói Bắc Kinh cũng sẽ hủy bỏ thỏa thuận thu hẹp thặng dư thương mại nhiều tỉ USD của mình với Mỹ bằng việc mua thêm nông sản, khí thiên nhiên và các sản phẩm khác của Mỹ.
Nhưng ông Trump cũng không vừa. Ngày 18-6, Tổng thống Mỹ đã chỉ đạo cho đại diện thương mại Mỹ chuẩn bị lập danh sách hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD sẽ bị đánh thuế 10%. Sau thông báo của ông Trump, Trung Quốc đã đe dọa áp dụng biện pháp trả đũa tương xứng. Trong một thông báo ngày 19/6 với lời lẽ cứng rắn, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, nếu phía Mỹ trở nên vô lý và công bố danh sách (hàng bị áp thuế), Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp toàn diện về cả khối lượng lẫn chất lượng để phản ứng mạnh mẽ.
Trước những động thái đáp trả nhau ngày càng dữ dội từ cả hai bên, giới quan sát càng lúc càng lo ngại một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thực sự bùng lên. Việc Trung Quốc nhắm vào các mặt hàng thực phẩm và các nông sản khác để tăng thuế là đánh mạnh những người ủng hộ ông Trump ở vùng nông thôn. Chẳng vậy mà ngay sau thông báo của Bắc Kinh, các nông gia Mỹ đã tỏ ra vừa thất vọng, vừa phẫn nộ: thu nhập của họ từ năm 2013 đến nay đã bị giảm sút khoảng 50% và nay lại phải giơ đầu chịu báng. Ngoài ra, các đòn trả đũa bắt nguồn từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận người lao động Mỹ từ ngành nông nghiệp đến công nghiệp. Thomas Donahue, Chủ tịch Hiệp hội giới chủ thuộc Phòng Thương mại Mỹ không vòng vo khi cho rằng, những quyết định của Tổng thống Trump trong chính sách thương mại sẽ cướp đi việc làm của “hàng trăm nghìn người dân Mỹ”.
Theo IMF, việc tăng thuế hải quan và hàng rào phi thuế quan của Mỹ có thể làm rối loạn thị trường, làm gián đoạn các dây chuyền sản xuất, làm giảm năng suất và đầu tư toàn cầu. |
Hãng AFP cho biết, biểu thuế mới của Mỹ có nguy cơ làm suy giảm sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc kinh tế thế giới xuất hiện tại thời điểm chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực của ngăn chặn sự gia tăng nợ công của Trung Quốc. Mark Williams, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, cho biết: “Tranh chấp thương mại đang trở nên tồi tệ hơn khi những nghi ngờ về triển vọng kinh tế của Trung Quốc ngày càng rõ nét”.
Tháng 5/2018, sản xuất công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng ở Trung Quốc đều giảm do chính quyền Bắc Kinh đang thắt chặt tín dụng. Đây là những dấu hiệu đáng ngại khi Trung Quốc phấn đấu giảm sự phụ thuộc nguồn thu xuất khẩu so với trước đây. Theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong tháng 4/2018, người khổng lồ châu Á sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế giảm còn 6,6% vào năm 2018 và 6,4% vào năm 2019, một sự suy giảm đáng kể so với năm 2017 (+ 6,9%).
Theo Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng Kinh tế và Thông tin Quốc tế (CEPII), nếu áp dụng tới nơi tới chốn các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc thì thiệt hại cho mỗi bên lên tới 25 tỉ USD.
Ngoài hai nước bị tác động, cuộc đọ sức Mỹ - Trung cũng đang khiến bầu không khí trên thế giới trở nên u ám. Ngân hàng Trung ương châu Âu giảm dự báo tăng trưởng trong khu vực đồng euro. Loạt khẩu chiến giữa Washington và Bắc Kinh đã làm cho các chỉ số của thị trường châu Á sụt giảm mạnh hôm 19/6. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 3,7%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hongkong giảm 2,7%. Các chỉ số của Tokya, Seoul, Manila và Đài Bắc đồng loạt mất hơn 1%.
D.H
-
Tin tức kinh tế ngày 26/2: Cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 3,19 tỷ USD
-
Xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024: Tăng trưởng tích cực, lập nhiều kỷ lục mới
-
Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 23,28 tỷ USD
-
[Infographic] Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2024
-
Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư hơn 15 tỷ USD
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025