Nói thẳng vụ 8B Lê Trực: Tại sao không phạt cho tồn tại?

10:30 | 07/08/2018

57,688 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu đủ căn cứ pháp lý sao Hà Nội không áp dụng biện pháp xử lý phạt cho tồn tại đối với những vi phạm tòa nhà 8B Lê Trực.
noi thang vu 8b le truc tai sao khong phat cho ton tai
Tòa nhà 8B Lê Trực.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc – đơn vị đã thực hiện phá dỡ phần công trình vi phạm tại toà nhà 8B Lê Trực (giai đoạn 1) – vừa có văn bản đánh giá kỹ thuật về thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 do Công ty TNHH tư vấn Đại học Xây dựng – đơn vị thiết kế toà nhà và được mời lập thiết kế lập phương án phá dỡ giai đoạn 2 – lập trên cơ sở thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 từ tầng 18 đến hết tầng 17 của toà nhà. Cụ thể:

Theo đó, trên cơ sở thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 của Công ty TNHH tư vấn Đại học Xây dựng, đặc biệt là những ý kiến của các Giáo sư, Tiến sỹ, kỹ sư kỹ thuật xác định, tại nóc tầng 18 toà nhà 8B Lê Trực theo thiết kế có dầm treo cao 1,8m vượt nhịp 17m để treo 2 cột công trình ở mặt đường Trần Phú. Việc phá dỡ dầm, sàn, cột, vách từ tầng 18 tới cao độ + 55,20m bằng cao độ sàn tầng 17 sẽ ảnh hưởng đến hệ kết cấu treo do không còn điểm treo (vì đã phá mất dầm treo trên nóc tầng 18) và muốn phá dỡ thì phải gia cố kết cấu trước khi phá dỡ.

Cụ thể là phải bổ xung 2 cột gia cường chống hàng cột ngoài trục D, từ tầng 3 xuyên qua tầng hầm xuống móng. Vì vậy cần kiểm định khả năng an toàn chịu lực của 2 cột phía bên trên các cột được gia cường (từ tầng 3 tới tầng 17) do các cột thay đổi trạng thái chịu lực.

Theo Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc, về lý thuyết, để phá dỡ được từ tầng 18 đến hết tầng 17 phải gia cố 2 cột từ tầng 3 xuyên qua tầng hầm xuống móng. Và để gia cố được 2 cột này thì phải đưa máy móc thiết bị vào, bao gồm máy khoan bê tông, máy khoan cọc nhồi cỡ lớn. Tuy nhiên, công trình đã xây xong phần thô và đang hoàn thiện nên không có chỗ đỗ máy để thực hiện. Do vậy không thể gia cố được 2 cột dầm đảm bảo kỹ thuật và an toàn.

Như vậy có thể thấy việc phá dỡ phần vi phạm giai đoạn 2 toà nhà 8B Lê Trực là bất khả thi. Và theo tìm hiểu của Petrotimes.vn thì đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc xử lý vi phạm tại toà nhà 8B Lê Trực kéo dài gần 3 năm. Nhưng đáng ngại hơn, sự chậm trễ trong việc xứ lý sai phạm tại toà nhà 8B Lê Trực không chỉ gây bất bình trong dư luận xã hội mà còn đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín lãnh đạo TP Hà Nội.

Xuất phát từ thực tế trên, đã có quan điểm cho rằng Hà Nội nên cân nhắc, xem xét xử lý phần vi phạm thuộc giai đoạn 2 của toà nhà 8B Lê Trực theo hình thức phạt cho tồn tại theo quy định tại khoản 9, Điều 13, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP về một số quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng sai phép, không phép.

Quan điểm này xuất phát từ quy định tại khoản 9, Điều 13, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì: Hành vi xây dựng sai phép mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Trong khi đó, tại thời điểm khởi công, công trình nhà 8B Lê Trực đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 5/12/2008; Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chấp thuận Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và Phương án thiết kế kiến trúc với các chỉ tiêu quy hoạch tại Văn bản số 499/QHKT-P3 ngày 16/03/2009; Sở Xây dựng Hà Nội có Kết quả thẩm định Thiết kế cơ sở công trình thuộc Dự án với quy mô công trình có 4 tầng hầm, chiều cao công trình 69,1m và 20 tầng nổi (bao gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái) tại Văn bản số 2154/SXD-TĐ ngày 07/04/2009.

Thứ nữa, năm 2010, dự trên Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận Quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 và Phương án thiết kế kiến trúc; đồng thời thi công theo Thiết kế cơ sở đã được Sở xây dựng thẩm định với chiều cao công trình là 69,1m và 20 tầng nổi (kèm theo Văn bản số 2154/SXD-TĐ ngày 07/04/2009 của Sở Xây dựng Hà Nội), chủ đầu tư đã tiến hành thi công cọc khoan nhồi thí nghiệm và đại trà công trình, tường vây, 4 tầng hầm (theo quy mô kết cấu 20 tầng, tổng chiều cao công trình là 69,1m) tại số 8B phố Lê Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Lô đất có ký hiệu L30 của Công ty cổ phần May Lê Trực được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 là Quy hoạch duy nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cho đến nay vẫn đang còn hiệu lực pháp luật thi hành.

Thanh Ngọc

noi thang vu 8b le truc tai sao khong phat cho ton tai Không thể “trăm dâu đổ đầu” doanh nghiệp
noi thang vu 8b le truc tai sao khong phat cho ton tai Vụ 8B Lê Trực: Quy hoạch chi tiết 1/500 đã bị bỏ quên!
noi thang vu 8b le truc tai sao khong phat cho ton tai Vụ nhà 8B Lê Trực: Cần sự minh bạch và trách nhiệm!
noi thang vu 8b le truc tai sao khong phat cho ton tai Dự án 8B Lê Trực không sai nếu chiếu theo quy hoạch 1/500!