Những trận không chiến nổi tiếng của Không quân Việt Nam và Mỹ (Kỳ 3)

06:45 | 02/05/2016

4,804 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những trận không chiến ngày 10/5/1972 chứng minh sự lớn mạnh của Không quân Việt Nam, khi trong các trận không chiến đã có hiệp đồng tác chiến giữa các loại MiG với nhau và giữa MiG với tên lửa, hỏa lực Phòng không.
nhung tran khong chien noi tieng cua khong quan viet nam va my ky 3 Những trận không chiến nổi tiếng của Không quân Việt Nam và Mỹ (Kỳ 2)

Một vài nhận xét về chiến thuật của Không quân Mỹ và Việt Nam trong các trận không chiến ngày 10/5/1972

1. Những trận không chiến ngày 10/5/1972 chứng minh sự lớn mạnh của Không quân Việt Nam, khi trong các trận không chiến đã có hiệp đồng tác chiến giữa các loại MiG với nhau và giữa MiG với tên lửa, hỏa lực Phòng không. Ngày 10/5/1972 được ghi nhận là ngày có tần suất cất cánh cao nhất của MiG (22 tốp với 64 lượt MiG xuất kích), trong đó có 6 tốp gặp đối phương và tiến hành không chiến với các máy bay Mỹ. Các phi công MiG-21 và MiG-19 bắn rơi 6 máy bay F-4. Trong khi đó, các phi công MiG-17 gặp khó khăn, không bắn rơi được chiếc máy bay Mỹ nào, mà bị tổn thất lớn.

2. Đây là trận thứ hai mà MiG-19 đụng độ với không quân Mỹ, với đội hình lớn (2 biên đội, 8 chiếc). Sau những trận đầu ra quân đầu năm 1972, các phi công MiG-19 trẻ tuổi đã rút ra nhiều kinh nghiệm, tiến hành chuẩn bị công phu cho trận ngày 10/5. Các phi công MiG-19 đã phát huy được tính năng ưu việt của MiG-19 khi cơ động mặt bằng ở độ cao 3.000m trở xuống, kể cả cắt bán kính và tăng tốc độ cũng nhanh hơn F-4. Tuy nhiên khi chiến đấu có sử dụng tăng lực ở độ cao thấp, lượng tiêu hao nhiên liệu rất lớn, nên đa số các máy bay MiG-19 tiêu hao dầu rất nhanh, khi về hạ cánh chỉ còn rất ít dầu.

nhung tran khong chien noi tieng cua khong quan viet nam va my ky 3
Các phi công MiG-21 trao đổi kinh nghiệm chiến đấu

Trong trận không chiến với các máy bay MiG-19 mới xuất hiện, phía Không quân Mỹ sử dụng chiến thuật bay từng đôi chờ sẵn trên đỉnh hai đầu sân bay, khi phát hiện MiG lập tức lao vào bắn đối đầu để uy hiếp buộc MiG-19 phải tác tốp, không có yểm hộ, lúc đó các đôi F-4 đang chờ sẵn trên cao sẽ lao vào công kích với số lượng tên lửa lớn. Các biên đội MiG-19 đã áp dụng chiến thuật đánh chặn tại khu vực, tạo thế buộc đối phương phải vòng trong khu vực để sử dụng hiệu quả 3 khẩu pháo. Trong trận này 2 phi công Phúc và Tưởng đã bắn rơi 2 chiếc F-4 bằng đạn pháo ở cự ly sở trường.

3. Những thay đổi về vũ khí và chiến thuật của Không quân Mỹ

Trận ngày 10/5/1972 là trận đầu tiên các biên đội của Hải quân và Không quân Mỹ tham gia Chiến dịch Linebacker I. Giai đoạn này, các phi công của Hải quân Mỹ rất muốn kiểm nghiệm kết quả của chương trình Top Gun. Ngoài ra về máy bay và vũ khí, trận không chiến ngày 10/5/1972 cũng chứng kiến sự xuất hiện của các máy bay F-4 mới được cải tiến, với các tính năng khí động học tốt hơn (do lắp thêm cánh tà trước). Đặc biệt là vũ khí đã được trang bị loại tên lửa mới, một số máy bay có lắp thêm súng Cannon 20mm để không chiến cự ly gần với MiG.

Thay đổi lớn nhất về vũ khí của Không quân Mỹ chính là những cải tiến, nâng cấp các thiết bị tác chiến điện tử. Trận ngày 10/5/1972, một số máy bay F-4 làm nhiệm vụ áp chế MiG đã được trang bị thiết bị điện tử thuộc hệ thống AXP-80 Combat Tree, có khả năng xâm phạm vào hệ thống liên lạc trên không và hệ thống phân biệt địch ta SRO-2 và SRZO-2 của MiG, đồng thời hệ thống nhiễu được rải ra với cường độ mạnh hơn, gây khó khăn cho hệ thống ra đa phát hiện và thiết bị vô tuyến điện chỉ huy của Không quân Việt Nam.

Ngoài ra về chiến thuật, các máy bay tấn công của Không quân và Hải quân Mỹ cũng rút ra nhiều kinh nghiệm từ các trận không chiến của những năm trước đó, bố trí số lượng lớn tiêm kích trong đội hình tấn công. Khi gặp MiG, các máy bay tiêm kích làm nhiệm vụ yểm trợ sẽ thực hiện thủ đoạn tách lốp cả theo hướng và theo độ cao. Ngoài các máy bay yểm trợ bay theo đội hình tấn công, một số lượng lớn máy bay tiêm kích sẽ bay chờ tại một số khu vực, đặc biệt là các đầu sân bay để đón đánh MiG khi cất cánh cũng như khi thoát ly về hạ cánh, khi dầu đã cạn.

nhung tran khong chien noi tieng cua khong quan viet nam va my ky 3
Các phi công - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân tham gia chiến đấu giai đoạn 1964 - 1973

4. Ngày 10/5/1972 là ghi nhận nhiều kỷ lục nhất trong không chiến ở Việt Nam: ngày có nhiều trận không chiến nhất và kéo dài nhất; kỷ lục về số lần xuất kích của hai phía lớn nhất; ngày mà theo thống kê cả hai bên rơi nhiều máy bay nhất; phía Không quân Mỹ triển khai tấn công đồng loạt nhiều mục tiêu nhất; phía Không quân Việt Nam lần đầu tiên sử dụng cả bốn Trung đoàn hiệp đồng chiến đấu, xuất kích với số lượt nhiều nhất.

Về số lượng máy bay tham chiến, trong trận ngày 10/5/1972, Không quân và Hải quân Mỹ đã huy động hàng trăm máy bay gồm 22 loại máy bay (tiêm kích, cường kích, tác chiến điện tử, trực thăng, trinh sát, tiếp dầu trên không) tham gia ngày không chiến dài nhất và quy mô nhất trong chiến tranh Việt Nam. Phía Mỹ thống kê được 414 lần/chiếc xuất kích, trong đó oanh kích miền Bắc Việt Nam là 338 lượt (88lần/chiếc của Không quân, 250 lần chiếc của Hải quân) bao gồm cả các phi đội cất cánh từ 4 tàu sân bay của Mỹ ngoài khơi Việt Nam. Riêng Không đoàn Tiêm kích chiến thuật số 8 đã xuất kích 40 chiếc (10 biên đội) do Đại tá Carl Miller và Đại tá Richard Horne - Không đoàn trưởng và Phó không đoàn trưởng dẫn đầu tốp F-4 bay vào đánh phá cầu Long Biên; Đây cũng là ngày có cuộc tìm cứu phi công Mỹ với thời gian dài nhất (23 ngày mới tìm Đại úy, phi công Roger C. Locher); và cũng là ngày có nhiều phi công tham chiến sau này trở thành phi công Ace nhất (2 phi công Việt Nam, 2 phi công Mỹ).

Về phía Việt Nam, theo thống kê có 64 lượt chiếc xuất kích, gồm 3 loại máy bay tiêm kích của bốn Trung đoàn Không quân tiêm kích (38 lần/chiếc MiG-17; 8 lần/chiếc MiG-19; 18 lần/chiếc MiG-21), trong đó có 46 lần/chiếc trực tiếp tham chiến.

Một số khác biệt trong đánh giá kết quả trận không chiến ngày 10/5/1972

1. Các tài liệu, ghi chép của các đơn vị Không quân Việt Nam ghi nhận, trong các trận không chiến ngày 10/5/1972, các biên đội MiG của bốn Trung đoàn đã bắn rơi 6 chiếc máy bay F-4 của Không quân và Hải quân Mỹ. Trong khi đó cũng công nhận có 6 chiếc MiG bị rơi (2 chiếc MiG-21, 3 chiếc MiG-17, 1 chiếc MiG-19), 5 phi công hy sinh (riêng phi công MiG-19 Lê Văn Tưởng hy sinh khi hạ cánh).

2. Trong khi đó, theo một số tác giả Mỹ ngày 10/5/1972, các phi công Mỹ bắn rơi 11 chiếc MiG (7 chiếc-17 và 4 chiếc MiG-21). Bản thân phía Mỹ thừa nhận ngày 10/5 mất 10 chiếc máy bay (7 chiếc F-4, 1 chiếc A-6A, 1 chiếc RA-5C và 1 chiếc RF-4C), nhưng chỉ công nhận có 4 chiếc bị rơi, số còn lại chỉ bị thương.

nhung tran khong chien noi tieng cua khong quan viet nam va my ky 3
Hai cựu phi công Việt - Mỹ trong buổi gặp mặt ngày 13/4/2016

Khi tra cứu các tài liệu lưu trữ của Việt Nam và phỏng vấn các phi công Việt Nam trực tiếp tham chiến ngày hôm đó, thì trên thực tế chỉ có 4 chiếc MiG-17 đụng độ với Không quân Mỹ (phía Việt Nam còn có 34 lần/chiếc MiG-17 khác cất cánh nhưng không đụng độ với Không quân Mỹ và tất cả đều trở về hạ cánh an toàn), phía Việt Nam ghi nhận 3 chiếc MiG-17 bị bắn rơi, 1 chiếc về hạ cánh an toàn (phi công Trung bay số 2). Như vậy, có thể suy luận rằng, 4 chiếc còn lại trong số lượng 7 chiếc MiG-17 phía Mỹ ghi nhận bắn rơi là không có cơ sở. Các phi công Mỹ báo cáo bắn rơi 4 chiếc MiG-21, trong khi ngày hôm đó 6 chiếc MiG-21 cất cánh thì 4 chiếc hạ cánh an toàn (chỉ có 2 phi công Ngãi và Khảo bị bắn rơi như thống kê của Việt Nam).

3. Ngược lại, trong khi phía Mỹ không thống kê chiếc MiG-19 nào bị bắn rơi, thì bản thân Trung đoàn Không quân 925 đã thừa nhận 1 chiếc MiG-19 (phi công Lê Văn Oánh) bị bắn rơi và một chiếc khác gặp tai nạn khi hạ cánh (phi công Tưởng hy sinh).

4. Tình tiết Đại úy, phi công Randy Cunningham và viên sĩ quan dẫn đường Trung úy William Driscoll báo cáo bắn rơi 3 chiếc MiG-17 trong trận không chiến ngày 10/5/1972 (do vậy trở thành các phi công Ace đầu tiên của Hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam) cho đến bây giờ vẫn là một câu hỏi lớn! Trong ngày 10/5/1972 có 38 lần/chiếc MiG-17 cất cánh, nhưng chỉ có một biên đội 4 chiếc gồm Thọ, Trung, Hạng, Kiếm là gặp và không chiến với các máy bay của Hải quân Mỹ, các biên đội còn lại có cất cánh nhưng không đụng độ với Hải quân Mỹ và đều trở về hạ cánh an toàn.

Biên đội MiG-17 đụng độ với các máy bay của Hải quân Mỹ, có 3 chiếc bị bắn rơi, nhưng khả năng cả 3 chiếc đều do một mình Cunningham bắn rơi ở nhiều vị trí và thời điểm khác nhau là rất khó diễn ra, vì tại thời điểm đó, phía Mỹ có 12 chiếc F-4 tham chiến và 2 phi công là Đại úy Matthew J. Connelly và Đại úy Thomas J J.Blonski thuộc Phi đoàn VF-96, tàu USS Constellation (mật danh Showtime 106) đã nhận bắn rơi 2 chiếc MiG-17, chỉ còn 1 chiếc có thể do Đại úy Randy Cunningham bắn hạ mà thôi! Đây là chưa kể hai tổ bay F-4B khác gồm Đại úy Kenneth L. Cannon và Đại úy Roy A. Morris, Phi đoàn VF-51 (mật danh liên lạc Screaming Eagle 111) và Đại úy Steven S. Shoemaker, cùng Đại úy Keith V. Crenshaw, Phi đoàn VF-96 (mật danh Showtime 111) cũng tuyên bố mỗi tổ bay bắn rơi 1 chiếc MiG-17.

Nếu việc Đại úy R. Cunningham trong trận ngày 10/5/1972 không bắn rơi đủ 3 chiếc MiG-17 như đã báo cáo, thì việc Cunningham được ghi nhận bắn rơi 5 chiếc (trước đó đã công bố bắn rơi 2 chiếc MiG) để trở thành phi công Ace đầu tiên của Hải quân là một câu hỏi (đó là chưa kể trong hai trận trước đó mà Cunningham ghi nhận “lập công” thì trận ngày 19/1/1972, phía Không quân Việt Nam không ghi nhận bất cứ tổn thất nào, còn trận ngày 8/5/1972 Cunningham được ghi nhận bắn rơi 1 chiếc MiG-17, nhưng thực ra ngày 8/5/1972, 3 biên đội MiG-17 của Việt Nam xuất kích đều hạ cánh an toàn, đầy đủ, không có bất kỳ chiếc MiG-17 nào bị bắn hạ trong ngày 8/5/1972).

5. Việc Đại úy Cunningham đã đụng độ và bắn rơi Đại tá huyền thoại “Nguyễn Tom” của Không quân Việt Nam trong trận ngày 10/5/1972 là không có thực. Trong lịch sử của mình, Không quân nhân dân Việt Nam không có ai là Đại tá Nguyễn Tom, và cũng không có ai bắn rơi 13 chiếc máy bay Mỹ, chiếc MiG-17 đi lẻ mà Cunningham gặp và tiến hành không chiến ngày 10/5/1972 là chiếc MiG của Thiếu úy trẻ tuổi Trà Văn Kiếm, người lúc đó mới chỉ có hơn 200 giờ bay và mới xuất kích trận đầu. Khi được hỏi tại sao biết chiếc MiG-17 bị bắn rơi chính là Đại tá Tom, Cunningham trả lời rằng, chính hệ thống thông tin – truyền thông xác định, và họ tin rằng, đó chính là Tom.

Thực ra tại thời điểm diễn ra không chiến, người phi công không thể biết viên phi công trong buồng lái của đối phương là ai. Trên thực tế, trong đội ngũ phi công Aces của Việt Nam không có ai là Đại tá Nguyễn Tom, người bắn rơi đến 13 máy bay Mỹ! Có lẽ đó chính là nhân vật huyền thoại, tượng trưng cho sức mạnh, tài năng của phi công Việt Nam, nỗi ác mộng của các phi công Mỹ khi tham chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam. (Giống như nỗi ác mộng, mà quân Mỹ nói về nữ phát thanh viên Hà Nội Hannah-madam của Đài Tiếng nói Việt Nam).

Một số thông tin về các phi công tham gia trận không chiến và các sĩ quan dẫn đường ngày 10/5/1972

1. Đại tá, phi công MiG-21 Lê Thanh Đạo sinh năm 1944 tại Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Anh là học viên đoàn học MiG-21 số 3 tại Liên Xô, tốt nghiệp về nước năm 1968. Lê Thanh Đạo trực chiến lần đầu tiên vào ngày 9/6/1968. Trong chiến tranh Việt Nam, anh xuất kích 82 lần, bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tháng 1/1973. Sau trận không chiến ngày 15/10/1972, Lê Thanh Đạo nhảy dù và được bà con dân tộc Dao cứu sống. Sau thời gian dài điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Lê Thanh Đạo lại trở về Trung đoàn bay hồi phục trên MiG-21.

Sau chiến tranh, phi công Lê Thanh Đạo chuyển sang công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và được bầu vào chức Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam, rồi sau đó được bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, rồi Phó ban Dân vận Trung ương. Đại tá, phi công Lê Thanh Đạo về hưu năm 2006, hiện nay đang sống tại Hà Nội.

2. Sĩ quan dẫn đường Đỗ Cát Lâm sinh năm 1943 tại xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định, nhập ngũ năm 1961 tại Trường Không quân Việt Nam, năm 1963 được chọn đi học dẫn đường Sở chỉ huy tại Trường Hàng không Nam Uyển, Bắc Kinh, Trung Quốc. Đỗ Cát Lâm dẫn đường trận không chiến đầu tiên là ngày 29/9/1966, phi công Nguyễn Văn Biên bắn rơi 1 chiếc máy bay không người lái. Trong chiến tranh Việt Nam, Đỗ Cát Lâm tham gia dẫn khoảng 30 trận, tạo điều kiện cho các phi công MiG bắn rơi 27 máy bay Mỹ các loai. Sau chiến tranh, Đỗ Cát Lâm tốt nghiệp khoa dẫn đường Học viện Chỉ huy - Tham mưu mang tên nhà du hành vũ trụ Gagarin, Liên Xô. Năm 1981 ông được bổ nhiệm là Phó Tham mưu trưởng - Trưởng ban dẫn đường Sư đoàn 370, sau đó là Sư đoàn 372.

Đỗ Cát Lâm chuyển ngành sang Hàng không dân dụng năm 1990 và được bổ nhiệm là Giám đốc Trung tâm Quản lý bay miền Trung, ông nghỉ hưu năm 2004, hiện sống tại thành phố Đà Nẵng.

3. Đại úy Roger Clinton Locher, sinh ngày 13/9/1946, tại Sabetha, bang Kansas, Mỹ. Locher gia nhập lực lượng Không quân năm 1969, sau khi tốt nghiệp Trường đào tạo phi công - hoa tiêu trên máy bay F-4 Phantom tại căn cứ Davis Monthan ở Arizona, Locher được điều đến Phi đoàn 555, Không đoàn 432 TFW. Tổ bay của Thiếu tá Lodge và Đại úy Locher trước đó đã tuyên bố bắn rơi 3 chiếc MiG.

Trong trận ngày 10/5/1972, chiếc F-4 do Thiếu tá Lodge và Đại úy Locher điều khiển dẫn đầu biên đội  làm nhiệm vụ chế áp MiG (Oyster). Mặc dù đã được hệ thống cảnh báo trên không Disco trên máy bay EC-121 bay trên đất Lào cảnh báo, nhưng chiếc F-4 vẫn bị MiG-19 bắn rơi. Viên Thiếu tá, phi công Lodge bị chết, còn Đại úy Locher nhảy dù xuống khu rừng quanh sân bay Yên Bái và lẩn trốn trong rừng, Locher đi lang thang trong rừng, ăn lá cây, củ rừng và uống nước suối suốt 23 ngày, lập kỷ lục được cứu thoát sau thời gian dài nhất cho đến khi được lực lượng giải cứu của Không quân Mỹ (SAR) cứu thoát.

Đại úy Locher đã thực hiện phi vụ thứ 407 trong chiến tranh, và cùng Thiếu tá Lodge báo cáo bắn rơi 3 chiếc MiG. Không hiểu Đại úy Locher có phải dòng dõi “hoàng tộc” hay có vai trò gì quan trọng mà sau khi chiếc F-4 của Locher bị rơi, đích thân Tướng John Vogt tư lệnh Tập đoàn Không quân số 7, ra lệnh ngừng toàn bộ các kế hoạch tác chiến đã chuẩn bị để đánh phá Hà Nội, và tập trung mọi lực lượng có trong tay bao gồm 150 máy bay (có 119 chiếc trực tiếp tham gia) cho chiến dịch “giải cứu Đại úy Locher”. Buổi trưa ngày 2/6/1972, các máy bay trực thăng HH-53 đã tìm được Đại úy Locher ở gần sân bay Yên Bái, được chở về sân bay Udorn. Tại đây, đích thân Tướng J. Vogt bay bằng T-39 từ Sài Gòn sang để đón Đại úy Locher.

(Còn tiếp)

P.V

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps