Những trận không chiến nổi tiếng của Không quân Việt Nam và Mỹ (Kỳ 2)

07:30 | 30/04/2016

6,356 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tối ngày 10/5/1972, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp nghe Tư lệnh Không quân Đào Đình Luyện báo cáo về trận không chiến ác liệt và dài nhất trong ngày 10/5/1972.
Những trận không chiến nổi tiếng của Không quân Việt Nam và Mỹ (Kỳ 1)

Trận không chiến giữa 8 chiếc MIG-19 và các máy bay F-4D trên trời Yên Bái

Gần như cùng lúc với biên đội MiG-21 bay nhiệm vụ nghi binh cất cánh, Sở chỉ huy Trung đoàn 925 (chủ trì là Phó Trung đoàn trưởng Hồ Văn Quỳ, trực dẫn đường là Lưu Văn Cộng, Triệu Sỹ Việt) đã quyết định cho biên đội trực ban cất cánh. Lúc 9 giờ 44 phút, 4 chiếc MiG-19 ở đầu nam sân bay Yên Bái gồm các phi công Tâm, Sơn, Phúc và Oánh cất cánh, bay chờ trên đỉnh sân bay. 20 phút sau, bốn chiếc MiG-19 ở đầu bắc sân bay Yên Bái gồm các phi công Bổng, Hà, Cương và Tưởng cất cánh, cũng bay chờ trên đỉnh sân bay Yên Bái chuẩn bị đánh tốp cường kích của Không quân Mỹ.

nhung tran khong chien noi tieng cua khong quan viet nam va my ky 2
Ngày 10/5/1972 ghi nhận kỷ lục về số lần xuất kích của các máy bay Mỹ.

Sau khi rời đất, biên đội vòng trên đỉnh sân ba vòng, đến vòng thứ ba thì phát hiện mục tiêu bay từ phía Tây Nam lên. Đây là đội hình gồm 32 chiếc F-4 của Không đoàn tiêm kích chiến thuật số 432 của Mỹ với đường bay theo hướng sẽ đánh phá cầu Long Biên, ga xe lửa Yên Viên. Chiếc F-4 do Thiếu tá Robert Alfred Lodge và Đại úy Roger C. Locher điều khiển làm đội trưởng, dẫn đầu biên đội bay nhiệm vụ chế áp MiG. Chắc lúc này đài ra đa “Red Crown” của Hải quân đã cảnh báo cho biên đội F-4 về sự xuất hiện của MiG.

Có thể lúc này biên đội F-4 đang tìm kiếm sự xuất hiện của 2 chiếc MiG-21 bay nghi binh (Huy - Khảo) trên độ cao 5.000m, thì bị 4 chiếc MiG-19 lao vào tấn công. Biên đội F-4 quay lại đối đầu với đội hình MiG-19, sau khi liên tục phóng tên lửa AIM-7 về phía biên đội MiG, các máy bay F-4 tách thành 2 tốp bay vượt qua các máy bay MiG. Thiếu tá Lodge (Oyster 01) quyết định vòng gắt lại, bám theo chiếc MiG số 1 và thông báo cho chiếc F-4 số 3 do Đại úy S. Ritchie và Đại úy DeBellevue điều khiển biết. Khi cách chiếc MiG-19 khoảng 8km, Lodge tăng tốc bám theo và phóng liên tiếp 2 quả tên lửa Sparrow vào MiG số 1.

Khi phát hiện đội hình máy bay Mỹ, biên đội MiG-19 lao về phía mục tiêu, do cự ly quá gần, góc vào lớn, nên số 1 Tâm bắn 45 viên đạn nhưng không trúng mục tiêu. Khia phát hiện dầu còn ít, anh quyết định quay về hạ cánh. Lúc này hai chiếc F-4 đang mải bám theo chiếc MiG-21 số 1 bay nhiệm vụ nghi binh trên độ cao 6.000m, nên không phát hiện hai chiếc MiG-19 (số 3 và số 4) đang lao đến với tốc độ rất lớn, thậm chí xông lên ngang với chiếc F-4 mà viên phi công vẫn không biết. Hai chiếc F-4 vẫn đang cố bám theo chiếc MiG-21 bay phía trước thì MiG-19 số 3 Nguyễn Văn Phúc bám sát được 2 chiếc F-4D, và nổ 2 loạt đạn pháo vào chiếc F-4D số 1 của Thiếu tá Lodge.

Tuy đã được chiếc F-4 số 2 cảnh báo, nhưng Lodge không kịp cơ động tránh đạn, chiếc F-4D số 1 trúng đạn, chững lại rồi đổ vào xoáy ốc, chiếc MiG-19 số 3 lao vào bồi tiếp loạt đạn thứ ba, chiếc F-4D gãy đôi và bốc cháy. Phi công trên chiếc F-4D bị bắn rơi này gồm thiếu tá Robert A. Lodge, chủ nhiệm về vũ khí chiến thuật (chủ nhiệm xạ kích) của Không đoàn 432 TFW, đây là viên phi công đầy triển vọng trở thành phi công Ace đầu tiên (vì trước đó đã tuyên bố bắn rơi 3 chiếc MiG),  và phi công ngồi buồng sau là đại úy Roger C. Locher. Thiếu tá Lodge được coi là chết trận, riêng đại úy C. Locher nhảy dù và lang thang trong rừng 23 ngày trước khi được cứu thoát. Locher trở thành phi công Mỹ có thời gian sau khi bị bắn rơi đến khi được giải cứu dài nhất, với một chiến dịch giải cứu cũng dài nhất.

Số 3 Nguyễn Văn Phúc về hạ cánh lúc 10 giờ 19 phút tại sân bay Yên Bái.

Số 4 Oánh, trong khi yểm hộ cho số 3 đã phát hiện một tốp phía sau, anh quyết định quay lại phản kích, bắn gần hết cơ số đạn nhưng không trúng mục tiêu. Cùng lúc đó 2 chiếc F-4 phía sau đã phóng tên lửa trúng máy bay của anh. Oánh nhảy dù nhưng bị tuột mất dù, rơi tự do ở chân núi Là, Tuyên Quang và hy sinh.

Trận đánh kéo dài 20 phút, các máy bay MiG-19 đã gần cạn dầu nhưng máy bay Mỹ tiếp tục vào. Lúc này Sở chỉ huy lệnh cho biên đội số 2 từ đầu bắc sân bay cất cánh yểm trợ cho biên đội số 1 về hạ cánh. Số 1 và số 3 biên đội 1 lúc quay về hạ cánh phải quay lại phản kích, nhưng sau khi máy bay Mỹ bỏ chạy đã hạ cánh an toàn. Số 2 khi về hạ cánh thì hết dầu, động cơ chết máy, từ độ cao 1.600m, anh lao xuống hạ cánh, tiếp đất 2/3 đường băng, máy bay lao ra ngoài, nhưng phi công an toàn.

Biên đội thứ 2 cất cánh từ đầu bắc lúc 10 giờ 2 phút, gồm các phi công Hoàng Cao Bổng số 1, Phạm Cao Hà số 2, Nguyễn Văn Cương số 3, Lê Văn Tưởng số 4 cũng đã gặp tốp máy bay F-4 của Không quân Mỹ. Đó là biên đội F-4E làm nhiệm vụ yểm hộ tốp cường kích ném bom laser (mật danh là Cleveland). Bốn chiếc MiG-19 tiếp cận đối phương với góc gần như 90 độ. Cả biên đội vòng gắt để cắt vào sau đội hình F-4.

Riêng số 4, do bay phía sau có cự ly đủ xa hơn, đã vòng cắt một cách đáng kinh ngạc và bám được phía sau chiếc F-4E số 4, anh nhanh chóng đặt điểm ngắm và bắn ra hai loạt đạn, trúng ngay cánh bên phải của chiếc F-4E. Chiếc F-4E rơi xuống phía Tây Nam sân bay. Tổ bay chiếc F-4E này gồm Đại úy Jeffrey Lyndon Harris và Đại úy Dennis Edward Wilkinson không nhảy dù được và đều coi đã chết. (Các thành viên trong biên đội và nhân chứng dưới đất đều nhìn thấy chiếc MiG-19 số 4 bắn cháy 1 chiếc F-4).

Trong lúc số 4 Tưởng bám theo công kích chiếc F-4E số 4 thì các F-4 khác vẫn bám theo phía sau anh. Khi gần hết dầu, anh quay về hạ cánh, từ trên độ cao 1.400m, động cơ chết máy, anh lao xuống hạ cánh, nhưng khi tiếp đất cao, xử lý chưa tốt máy bay xông ra ngoài, vượt qua đê sông Hồng, phi công Lê Văn Tưởng đã hi sinh. Số 1 Bổng và số 2 Hà quần nhau với F-4 nhưng không có điều kiện nổ súng. Số 3 Cương bắn hết 201 viên nhưng không trúng mục tiêu.

Trận đánh của biên đội MiG-19 thứ 2 đã kéo dài 18 phút, Sở chỉ huy lệnh cho biên đội thoát ly về hạ cánh. Số 1 và số 3 hạ cánh tốt, số 2 khi hạ cánh nghe Sở chỉ huy thông báo có F-4 phía sau đã quay lại phản kích, sau đó hạ cánh an toàn lúc 10 giờ 47 phút.

Mặt trận hướng Đông, chiều ngày 10/5/1972

Từ 12 giờ 15 phút chiều ngày 10/5/1972, Hải quân Mỹ huy động lực lượng lớn máy bay với khoảng 66 lần/chiếc, bao gồm cả F-4B, A-6, A-7 tổ chức các đợt tấn công (Alpha Strike) vào các mục tiêu khu vực Hải Phòng, Hải Dương, đặc biệt là các cây cầu Lai Vu và Phú Lương trên trục Đường số 5. Các máy bay của Hải quân Mỹ bay vào với các thiết bị gây nhiễu mới chế áp các trạm ra đa mặt đất của phía Việt Nam, khiến hệ thống chỉ huy mặt đất trợ giúp phi công MiG rất khó khăn, đồng thời giai đoạn này hệ thống APX-80 Combat Tree vẫn có khả năng xâm nhập vào hệ thống liên lạc trên không và hệ thống phân biệt địch-ta của MiG, đã thông báo cho các phi công F-4 về sự xuất hiện của MiG trên không.

Bộ Tư lệnh không quân giao cho Trung đoàn 923 sử dụng MiG-17 cất cánh từ sân bay Kép, hiện đồng theo độ cao với MiG-21 của Trung đoàn 927 để đánh chặn tốp cường kích của Hải quân Mỹ bay vào từ hướng Đông. Chủ trì kíp trực tại Sở chỉ huy Trung đoàn 923 là Phó Trung đoàn trưởng Lâm Văn Lích, trực ban dẫn đường Phạm Từ Tịnh và Đặng Văn Hảo A.

nhung tran khong chien noi tieng cua khong quan viet nam va my ky 2
Các phi công - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân tham gia chiến đấu giai đoạn 1964 - 1973

Trong kế hoạch hiệp đồng với MiG-21 của Trung đoàn 927, biên đội 4 chiếc MiG-17 bao gồm Nguyễn Văn Thọ - máy bay 2036, Tạ Đông Trung - máy bay 2056, Đỗ Hạng - máy bay 2069, Trà Văn Kiếm - máy bay 2012 được lệnh cất cánh lúc 12 giờ 56 phút từ sân bay Kép. Sau khi rời đất, vòng trái theo hướng 160 độ, giữ độ cao 500m bay về khu vực Bắc Giang. Sở chỉ huy liên tục thông báo tin về đối phương, và nhắc chỉ công tác trên độ cao thấp (để phối hợp với biên đội MiG-12). Khi bay gần đến Phả Lại, cự ly 20km, chú ý cảnh giới.

Lúc 12 giờ 58 phút, khi biên đội bay qua Phả Lại, và đang tăng lực kéo lên 1.000m thì số 1 Thọ phát hiện 4 máy bay Mỹ ở hướng Đông Nam đang bay vào. Anh lệnh biên đội vứt thùng dầu phụ, tăng tốc độ lên 850-900km/h, độ cao 1.500m. Số 1 nhìn rõ 4 chiếc A-7 tách thành 2 tốp đang kéo cao sau khi cắt bom. Anh quyết định  cắt vào bám chiếc A-7 số 3, nhưng do tốc độ của chiếc A-7 lớn, anh quyết định chuyển sang bám theo chiếc số 4.

Khi viên phi công chiếc A-7 số 4 vừa kịp cải bằng, số 1 nhanh chóng bao vòng quang điểm sáng về trước 30mm giác, góc vào 20-25 độ, anh bóp cò, thấy đạn pháo trùm lên đầu chiếc A-7, chiêc A-7 lật ngửa, chúi xuống. Số 1 nhanh chóng vòng phải, thì phát hiện 8 chiếc F-4 đang bay từ phía biển vào, anh quyết định xông thẳng vào đội hình F-4, nhưng 8 chiếc F-4 này không hiểu sao không tham chiến mà quay thẳng ra biển.

Anh quay lại quan sát thấy 4 chiếc F-4 khác nhau đang bám sau tốp 2 chiếc MiG-17 của Hạng và Kiếm và phóng tên lửa, anh hô to: “Cơ động!” nhưng chỉ có số 4 cơ động kịp, số 3 không kịp cơ động, chiếc MiG-17 số 3 trúng tên lửa, phi công Hạng nhảy dù, dù mở tốt, nhưng ngay sau đó F-4 lao đến dùng súng 20mm vào dù của Hạng. Phi công Đỗ Hạng hy sinh tại Toại An, Đông Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương. Sau này có một số tài liệu phía Mỹ cho rằng, do máy bay F-4 của Mỹ không có súng 20mm nên không thể bắn vào dù của Hạng, nhưng thực tế từ tháng 5-1967, một số máy bay F-4 đã được trang bị súng MK61 Vulcan 20mm để không chiến cự ly gần với MiG.

Số 2 Tạ Đông Trung, khi yểm hộ số 1, thấy số 1 chuyển sang bám chiếc số 4, anh đã quyết định vọt lên bám chiếc số 3 của tốp A-7. Chiếc A-7 số 3 hạ thấp độ cao chạy thẳng ra biển. Trung cố bám theo vừa đuổi vừa bắn, đến bờ biển thì anh quyết định quay lai, bay dọc theo sông Thái Bình về Kép hạ cánh lúc 13 giờ 23 phút.

Sau khi số 3 Đỗ Hạng hy sinh, số 1 Thọ đã quay lại yểm trợ cho số 4 Trà Văn Kiếm. Hai chiếc MiG-17 quần nhau với các máy bay F-4. Số 1 Thọ bám theo một chiếc, do cự ly với góc đón 66 ly giác, bóp cò, đạn rơi phía trước, anh tiếp tục bám theo nổ súng hai loạt nữa, nhưng hết đạn. Ngay lúc đó, anh nhận thấy máy bay rung mạnh, không điều khiển được, anh quyết định  nhảy dù ở độ cao 1.000m, đề phòng F-4 bắn dù, xuống đến 500m anh mới bật dù. Khi bay lơ lửng trên dù anh vẫn thấy Kiếm đang quần nhau với F-4. Thọ tiếp đất ở Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương.

Trong khi đó, phi công trẻ số 4 Trà Văn Kiếm, tiếp tục quần nhau với các máy bay tiêm kích của Hải quân Mỹ. Do số lượng máy bay Mỹ rất nhiều, một  mình Kiếm quần nhau, anh liên tục tránh tên lửa do máy bay Mỹ phóng ra. Số 4 Kiếm mất liên lạc, sau này tổ cấp cứu đi tìm, đến hiện trường, thấy máy bay của Kiếm rơi ở Tây Nam Thanh Hà, phi công Trà Văn Kiếm bị trúng tên lửa của máy bay Mỹ, anh không nhảy dù được, đã anh dũng hy sinh.

Một số tác giả Mỹ mô tả trận không chiến chiều ngày 10/5/1972 giữa Hải quân Mỹ và các máy bay MiG-17, MiG-19 rất ác liệt. (Nhưng thực ra tại thời điểm đó, tại khu chiến chỉ có 4 chiếc MiG-17 đụng độ với máy bay của Hải quân Mỹ). Theo thống kê của một số tác giả Mỹ, chiếc F-4J làm nhiệm vụ tiêm kích, hộ tống đã bắn rơi 1 chiếc MiG-17, 1 chiếc F-4J khác làm nhiệm vụ chế áp MiG (mật danh Showtime 100) do Đại úy Randal H. Cunningham và Trung úy William P. Driscoll thuộc Phi đoàn VF-96 tàu USS Constellation điều khiển đã tuyên bố bắn rơi 3 chiếc MiG-17. Ngoài ra chiếc F-4J mật danh Showtime 106 do Đại úy Matthew J. Connelly và Đại úy Thomas J.J. Blonski thuộc Phi đoàn VF-96, tàu USS Constellation điều khiển cũng tuyên bố bắn rơi 2 chiếc MiG-17.

Chiếc F-4J của Đại úy Cunningham sau khi thoát ly, đang trên đường rút về thì gặp 1 chiếc MiG-17 bay lẻ ở hướng đối đầu (đây có thể là Thiếu úy, phi công Trà Văn Kiếm), Cunningham áp sát chiếc MiG-17, định nổ súng uy hiếp thì MiG-17 đã nổ súng trước. Chiếc F-4 bị bất ngờ vội kéo lên thẳng đứng, hy vọng MiG-17 sẽ không theo kịp. Nhưng Trà Văn Kiếm tỏ ra có kỹ thuật không chiến rất điêu luyện, anh đã bám sát và cơ động trên mặt thẳng đứng cùng với chiếc F-4. Có những thời điểm, hai máy bay và hai buồng lái gần như áp sát nhau, cả 2 phi công nhìn rõ khuôn mặt của đối phương.

Hai chiếc quần nhau trên mặt phẳng đứng, phi công MiG-17 (Trà Văn Kiếm) nhiều lần bám được phía sau và nổ súng rất mãnh liệt. Viên Đại úy Cunningham áp dụng kỹ thuật “Feather Duster” kéo lên thẳng đứng rồi đột ngột thả giảm tốc, khiến máy bay MiG xông lên trước, lập tức chiếc F-4 bám theo phóng ra quả tên lửa AIM-9G, MiG-17 bị thương nhẹ, nhưng do thất tốc đã lao xuống đất. (Đã có một thời gian, truyền thông Mỹ tuyên truyền rằng đây chính là chiếc MiG Đại tá Nguyễn Tom (phi công huyền thoại bắn rơi đến 13 máy bay Mỹ). Nhưng thực tế, đây lại là Thiếu úy, phi công trẻ Trà Văn Kiếm. Dù lần đầu xuất kích gặp đối phương nhưng anh cũng có thể thực hiện các động tác cơ động tài chính khiến Cunningham tưởng rằng mình đang đối đầu với Đại tá Nguyễn Tom!). Sau khi không chiến với các máy bay MiG-17, trên đường trở về tàu sân bay, chiếc F-4J của Cunningham đã bị tên lửa SAM bắn rơi, 2 phi công nhảy dù và được cứu thoát.

Tại phía Đông Bắc, theo tình hình báo từ 12 giờ 40 phút đến 13 giờ 40 phút sẽ có đợt hoạt động lớn của Hải quân Mỹ đánh vào khu vực cầu Lai Vu và Phú Lương trên Đường số 5. Bộ Tư lệnh Không quân giao cho Trung đoàn 927 tổ chức hiệp đồng chiến đấu với MiG-17 đánh tốp cường kích tấn công hai cây cầu này.

Chủ trì kíp trực tại Sở chỉ huy Trung đoàn là Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị, các trực ban dẫn đường là Vũ Đức Bình, Nguyễn Văn Được, trực ban ra đa hiện sóng là Lê Thiết Hùng, Trung đoàn 927 phân công biên đội MiG-21 gồm Lê Thanh Đạo và Vũ Văn Hợp sẵn sàng cất cánh, đánh cường kích và tiêm kích đối phương trên tầng cao, phối hợp với biên đội MiG-17 đánh ở tầng thấp, bảo vệ cầu Lai Vu và cầu Phú Lương.

Lúc 12 giờ 47 phút, mạng ra đa phát hiện một tốp 24 chiếc máy bay đang bay vào từ phía Đông Thanh Hóa. Trước đó, lúc 9 giờ 53 phút sáng, Trung đoàn 927 đã cho biên đội Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư, Nguyễn Văn Nghĩa và Hạ Vĩnh Thành cất cánh từ Nội Bài lên Đại Từ để bảo vệ sân bay, nhưng không gặp đối phương đã quay về hạ cánh.

nhung tran khong chien noi tieng cua khong quan viet nam va my ky 2
Các cựu phi công Mỹ đang xem lại bản đồ tường thuật một trận đánh

Lúc 12 giờ 56 phút, Sở chỉ huy Không quân cho 4 chiếc MiG-17 cất cánh, bay về khu vực cầu Lai Vu. Lúc 12 giờ 57 phút, biên đội MiG-21 Đạo – Hợp cất cánh, bay hướng 360 độ, độ cao 2.000m, rồi vòng phải hướng 180 độ. Khi biên đội MiG-21 đang bay hướng 200 độ, nghe thông báo địch bên trái 30 độ cự ly 30km, đối đầu, Đạo số 1 lập tức thả thùng dầu phụ, tăng cường quan sát. Ngay sau đó cả 2 phi công MiG đều phát hiện mục tiêu đang bay đối đầu ở độ cao 5.000m. Biên đội đã nghiên cứu và nắm vững thủ đoạn chiến thuật mới của F-4, đó là thủ đoạn 2 chiếc tách ra, một dưới thấp, một trên cao, bay đan chéo, buộc biên đội MiG cũng phải tách ra, F-4 sẽ lợi dụng ưu thế độ cao và tốc độ để quay lại bám theo chiếc MiG lúc này đã không còn sự yểm trợ của đồng đội.

Nắm vững thủ đoạn của đối phương, số 1 Đạo vẫn quyết định chớp thời cơ bám theo chiếc số 1, lệnh cho số 2 Hợp đánh chiếc số 2. Số 2 Hợp ép độ nghiêng cắt và bám theo chiếc F-4 số 2. Khi cự ly đến 1.800m, tốc độ là 1.200km/h, âm lượng đầu tên lửa nghe tốt, anh ấn nút phóng quả R-3S, quan sát thấy quả tên lửa hơi lệch về phía bên phải, anh quyết định tiếp tục ổn định vòng ngắm để phóng nốt quả thứ hai, nhưng ngay lúc đó, anh thấy chiếc F-4 đã bốc cháy. Hợp hô to: “Cháy rồi!” và thoát ly bên trái, về hạ cánh ở sân bay Kép lúc 13 giờ 18 phút.

Số 1 Lê Thanh Đạo khi nghe thấy số 2 hô: “Cháy rồi!” anh lập tức quan sát, thấy chiếc F-4 bị số 2 bắn trúng đang bốc cháy. Anh tiếp tục tăng tốc độ đuổi theo chiếc F-4 số 1. Ở độ cao 5.000m, anh bám sát mục tiêu, khi chiếc F-4 vừa kịp cải bằng độ nghiêng, anh nhanh chóng ổn định điểm ngắm và ấn nút phóng quả tên lửa thứ nhất ở độ cao 5.000m, tốc độ 1.100-1.200km/h, cự ly 1.800m. Cũng như Hợp, khi thấy quả tên lửa thứ nhất của mình hơi lệch phải, anh quyết định tiếp tục ổn định điểm ngắm để bắn quả thứ hai, nhưng ngay sau lúc đó anh đã thấy chiếc F-4 số 1 bốc cháy. Phi công Lê Thanh Đạo báo cáo: “Cháy rồi!” và nhanh chóng hạ thấp độ cao về hạ cánh ở sân bay Kép lúc 13 giờ 18 phút.

Chiếc F-4J bị Lê Thanh Đạo bắn rơi do Trung tá Harry Lee Blackburn và Trung úy Stephen Anthony Rudlof thuộc Phi đoàn VF-92, tàu USS Constellation điều khiển, cả 2 phi công bị bắt (sau đó Trung tá Blackburn đã chết). Khi biên đội Đạo - Hợp thoát ly, biên đội 2 chiếc MiG-21 Dũng - Liêm cất cánh yểm trợ. Đến 16 giờ 49 phút, Sở chỉ huy Trung đoàn 927 lệnh biên đội MiG-21 Nguyễn Đức Soát - Ngô Duy Thư cất cánh từ Nội Bài vào khu chờ Ân Thi, nhưng không gặp mục tiêu đã quay về Nội Bài hạ cánh.

Như vậy, ngày 10/5/1972, những trận không chiến ác liệt đã kết thúc với kết quả phía Không quân Việt Nam bắn hạ 6 máy bay Mỹ (MiG-21 bắn rơi 4 chiếc, MiG-19 bắn rơi 2 chiếc), 3 phi công Mỹ bị chết. Trong khi đó, phía Không quân Việt Nam có 6 chiếc MiG bị rơi, bao gồm 2 chiếc MiG-21 (Ngãi, Khảo), 3 chiếc MiG-17 (Thọ, Hạng, Kiếm) và 1 chiếc MiG-19 (Oánh), 5 phi công hy sinh.

Tối ngày 10/5/1972, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp nghe Tư lệnh Không quân Đào Đình Luyện báo cáo về trận không chiến ác liệt và dài nhất trong ngày 10/5/1972. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi tinh thần dũng cảm và chiến đấu mưu trí của các phi công MiG và chỉ đạo: “Bộ đội Không quân cần tiếp tục chủ động tấn công, bí mật bất ngờ, đánh chắc thắng và phê phán tư tưởng: “một đổi một” mới nảy sinh là không đúng đắn, cần loại trừ ngay.

Như vậy kết thúc một ngày mà các tài liệu Mỹ gọi là “một ngày trong cuộc chiến kéo dài”, ngày 10/5/1972 cuộc chiến tranh trên không ở miền Bắc Việt Nam (One day in long war - 10 May, 1972, Air War, North Vietnam - tác giả Jeffrey Ethell và Afred Price). Ngoài ra, tháng 12/2007, kênh Truyền hình TV History Channel kênh chuyên về đề tài Lịch sử đã chiếu một loạt phim về các trận không chiến ngày 10/5/1972, với tiêu đề Ngày đẫm máu (The Bloodiest Day).

(Còn tiếp)

P.V