Những tiếng nói tâm huyết tại Đại hội

07:00 | 26/01/2016

1,235 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Tại Đại hội XII của Đảng, đã có hơn 40 tham luận của các đại biểu đề cấp tới tất cả các lĩnh vực trong xây dựng là phát triển đất nước. Báo Năng lượng Mới xin trích đăng một số ý kiến đó.  
nhung tieng noi tam huyet tai dai hoi

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Phải có một mô hình chủ nghĩa xã hội của riêng Việt Nam

nhung tieng noi tam huyet tai dai hoi

Sự phát triển của đất nước trong điều kiện hiện nay hơn lúc nào hết đòi hỏi phải có một mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) của riêng Việt Nam, vừa phản ánh những giá trị phổ quát của CNXH, vừa phản ánh những đặc điểm đặc thù của Việt Nam được thể hiện bằng những đặc trưng bản chất của xã hội XHCN của Việt Nam, các phương hướng cơ bản để hiện thực hóa đặc trưng, các giải pháp, cách thức tiến hành mang ý nghĩa đột phá…

Phát triển đất nước theo định hướng XHCN phải được phản ánh trong các mục tiêu chiến lược: Mục tiêu chung của công cuộc xây dựng CNXH và mục tiêu đặc thù khi kết thúc thời kỳ quá độ lên CNXH gắn với mục tiêu của từng chặng đường, của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Việc xác định rõ các tiêu chí bằng định tính, định lượng cho CNXH ở Việt Nam cũng đòi hỏi phải phân tích đầy đủ, sâu sắc các mối quan hệ, bối cảnh quốc tế và trong nước, dự báo khoa học các xu thế, triển vọng, những thời cơ, thách thức đang đặt ra…

Thực tiễn của công cuộc đổi mới trong 30 năm đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là bài học về việc nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng thực tế khách quan và những sáng kiến của nhân dân, vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và xây dựng CNXH. Với tinh thần vận dụng sáng tạo đó, nhiều vấn đề lý luận mới, chưa từng có đã được tổng kết từ thực tiễn làm cơ sở cho Đảng, Nhà nước hoạch định và đưa vào áp dụng trong thực tế những chính sách mới, mang lại những hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn như: khoán trong nông nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đảng viên làm kinh tế, kinh tế hàng hóa đa thành phần đến kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập quốc tế, Nhà nước pháp quyền XHCN, v.v...

Sự đúc kết nên 8 đặc trưng, 8 phương hướng và 8 mối quan hệ lớn để xây dựng CNXH ở Việt Nam cũng chính là kết quả của sự sáng tạo lý luận của Đảng ta trong công cuộc đổi mới, bắt đầu từ thực tiễn đổi mới tư duy. Tất cả các vấn đề đó đều là kết quả vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về CNXH, việc tổng kết những bài học kinh nghiệm của công cuộc xây dựng CNXH trên thế giới và thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam.

Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích tối thượng của dân tộc phải được hiện thực hóa bằng thành quả xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ CNXH phải đưa đến cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn thể nhân dân. CNXH luôn lấy phương châm phát triển toàn diện cá nhân làm điều kiện để phát triển cộng đồng. Điều đó đòi hỏi hơn lúc nào hết phải nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân như là những tiền đề và mục tiêu cụ thể để thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Niềm tin của dân đối với Đảng, sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân cũng bắt đầu từ đó.

Việc nắm bắt các xu thế thời đại, lường trước những tác động nhiều chiều từ các xu thế mới vào công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta luôn luôn đòi hỏi một tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH đang đòi hỏi rất cao năng lực, phẩm chất, bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo.

Thực tiễn công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay đang đặt ra hàng loạt vấn đề nóng bỏng cần phải luận giải tường minh bằng lý luận…

…Đảng ta quan niệm: Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển đất nước. Do vậy, coi trọng việc xây dựng môi trường dân chủ đi đôi với nêu cao trách nhiệm chính trị của tổ chức và cá nhân, đồng thời hiện thực hóa nền dân chủ XHCN đòi hỏi rất lớn sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói và làm. Dân chủ XHCN chỉ có thể thực hiện ở Việt Nam, khi mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ phải được nhận thức lại trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm, bài học thực tế, hiện thực hóa bằng thể chế, bằng chính sách và hệ thống pháp luật gắn liền với việc xây dựng một đội ngũ cán bộ công tâm, đủ năng lực và sự đồng thuận của nhân dân.

Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước quản lý nhằm đảm bảo mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân phải được thực thi, được bảo hộ bằng hệ thống pháp luật XHCN. Dân chủ XHCN đòi hỏi phải giải quyết tường minh các mối quan hệ: Quyền công dân với xã hội công dân, quyền công dân với quyền con người… Dân chủ XHCN chỉ có thể thực thi trọn vẹn khi nó được hỗ trợ bởi nền tảng và động lực của văn hóa dân chủ, văn hóa pháp luật ngày càng được hoàn thiện.

Đổi mới chính trị bao hàm trong đó những nội dung đổi mới quan điểm đường lối, chính sách và hệ thống pháp luật, đồng thời với đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị đến đội ngũ cán bộ, công chức và bộ máy công quyền… Để mọi tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị thực thi nguyên tắc mọi quyền lực thuộc về nhân dân thì đồng thời phải thường xuyên hoàn thiện hệ thống pháp luật XHCN ở Việt Nam. Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, coi trọng pháp luật, kỷ cương đang là nhu cầu bức xúc để thực hiện dân chủ hóa ở Việt Nam hiện nay.

V.I.Lênin đã nêu một luận điểm có giá trị bền vững đòi hỏi phải thường xuyên nghiền ngẫm, lĩnh hội để vận dụng sáng tạo vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên CNXH, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến lên chủ CNXH không phải một cách hoàn toàn giống nhau. Mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo XHCN đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”. Lênin cũng đã giải thích: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt nhất của nước ngoài: Chính quyền xôviết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ-rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc. tec. + + = ∑ = chủ nghĩa xã hội3. Nhận định của Lênin từ gần 100 năm trước vẫn còn nguyên giá trị phương pháp luận đối với chúng ta hiện nay trong thời đại toàn cầu hóa…

Công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của chúng ta là chưa có tiền lệ, đồng thời đang đứng trước nhiều thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen. Từ thực tiễn của công cuộc đổi mới 30 năm qua có thể thấy, chỉ có một thái độ kiên quyết, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân lên trên hết, dũng cảm vượt qua những lạc hậu về nhận thức lý luận, những hạn chế, bất cập trong phương pháp tiếp cận lý luận, nhìn thẳng vào sự thật, vào thực tế, không ngừng đổi mới tư duy lý luận, vận dụng sáng tạo học thuyết về CNXH và tiếp thu khôn ngoan những thành tựu khoa học chính trị của nhân loại, Đảng ta mới hoàn thành được trách nhiệm lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công những mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Bùi Quang Vinh: Đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách

nhung tieng noi tam huyet tai dai hoi

Tại hội trường này, cách đây 5 năm, Đại hội XI đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trong đó nêu rõ phải “kiên trì, quyết liệt thực hiện đổi mới, đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế; trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội”. Nghị quyết khẳng định phải lấy việc thực hiện mục tiêu này làm tiêu chuẩn cao nhất đánh giá hiệu quả quá trình đổi mới.

Thực tế 5 năm qua, chúng ta đã tích cực đổi mới về thể chế kinh tế, đạt kết quả nhất định. Nhưng công cuộc đổi mới 5 năm qua chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Nhìn lại thực tế 30 năm qua, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất của công cuộc đổi mới là đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Nhờ đó mà cải thiện cuộc sống, đưa đất nước phát triển.

Tuy vậy, bao năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp gần như không thay đổi. Nền chính trị phù hợp với nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển.

Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách. Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Đại hội toàn quốc. Kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động hiệu quả hơn, thực chất hơn.

Nước ta đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển, thời cơ thuận lợi lớn những thách thức, khó khăn không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là cải cách ở các vấn đề nêu trên. Không thực hiện những cải cách đó, chúng ta không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình là khó tránh khỏi. Tôi tin tưởng rằng, những thế hệ người Việt Nam hiện nay và tương lai có đủ bản lĩnh, ý chí và năng lực để thực hiện thành công công cuộc đổi mới.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng: Chỉ nên bỏ qua chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa

nhung tieng noi tam huyet tai dai hoi

Có một thời gian dài, mãi cho đến nay vẫn còn, trong tư duy của nhiều người cho rằng, tư bản chủ nghĩa (TBCN) và XHCN là hai nửa chính của thế giới, đối lập nhau, cái này phải cơ bản khác cái kia, đã nói đi theo con đường XHCN mà có cái gì giống TBCN là coi chừng chệch hướng, xét lại. Ta theo duy vật biện chứng nhưng lại suy nghĩ theo kiểu duy tâm siêu hình. Đó là tư duy sai lầm, cực đoan, không biện chứng. CNXH sẽ xuất hiện bằng sự phát triển rất cao và bằng quá trình văn hóa hóa và dân chủ hóa của CNTB, đó mới là quy luật khách quan.

Với lý lẽ ấy, có ý kiến lại cho rằng, vậy thì một nước muốn xây dựng CNXH tất yếu phải kinh qua TBCN chứ không thể bỏ qua và cho rằng nước ta bỏ qua là trái quy luật, là sai lầm. Lý lẽ ấy cũng không đứng vững trong mọi trường hợp, bởi vì, người ta có thể đi đến mục tiêu bằng những con đường dài ngắn khác nhau, trong đó có con đường đi tắt đón đầu.

Không thể đến CNXH mà bỏ qua việc phát triển lực lượng sản xuất, cơ sở vật chất và trình độ quản lý tiên tiến như CNTB phát triển, nhưng người ta có thể không phải kinh qua chế độ chính trị  mà quyền lực thuộc về các tập đoàn tài phiệt (đặc trưng của CNTB ở giai đoạn chưa phát triển).

Việc bỏ qua chế độ chính trị TBCN là có thể (và nên) đối với nước ta. Tôi xin nhắc lại là chỉ bỏ qua chế độ chính trị TBCN thôi, còn tất cả kinh nghiệm phát triển của họ thì ta phải học tập một cách nghiêm túc và kế thừa tối đa có thể.

Định hướng XHCN là một phạm trù liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội và chính trị, định hướng ấy quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại thúc đẩy lẫn nhau, không thể tách rời.  Định hướng XHCN thì cứ định hướng còn Kinh tế thị trường thì cứ phải là Kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó. Không vì định hướng XHCN mà Kinh tế thị trường không còn là nó. Chúng ta đã lựa chọn Kinh tế thị trường là đúng rồi. Đó là con đường để phát triển đất nước và tiến dần lên CNXH. Theo tôi, kinh tế thị trường ở các nước TBCN hay XHCN thì nội hàm về cơ bản không khác nhau, mà chỉ có sự khác nhau về trình độ phát triển, và trong đó CNXH phải đạt mức cao hơn CNTB. Muốn hơn thì trước hết phải bằng. Muốn bằng thì phải học tập tối đa kinh nghiệm phát triển của họ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Hà Nội xin có ba đề xuất

…Với vị thế là thủ đô - trái tim của cả nước, có truyền thống ngàn năm văn hiến, thành phố Hà Nội được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tập trung đầu tư về mọi mặt để phát triển thành trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Thành phố Hà Nội đã chủ động nhận thức, thực hiện, vận dụng sáng tạo, từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát huy các tiềm năng thế mạnh, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để từng bước xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn thủ đô.

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới vừa qua, có thể thấy rằng, kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là một mô hình kinh tế hoàn toàn mới, thời gian thực hiện mới chỉ 30 năm. Cho nên, trong quá trình phát triển, mặc dù rất chủ động, tích cực và vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh cụ thể nhưng thành phố Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung gặp không ít trở ngại, khó khăn và cả tồn tại như: Việc nhận thức, đề ra cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện còn nhiều thách thức và rào cản. Xây dựng thể chế, thiết chế quản lý chưa bắt kịp những yêu cầu và đòi hỏi của công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường mới phát triển chậm, manh mún, thiếu đồng bộ, vận hành chưa thông suốt. Nhiều nguồn lực, nhất là tài nguyên, lao động và vốn chưa được quản lý, sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao. Mô hình kinh tế thị trường chưa được cụ thể hóa đầy đủ trong điều kiện đô thị lớn và đặc thù như thủ đô Hà Nội…

…Để phát triển thành công kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc hoàn thiện thể chế là điều kiện tiên quyết, hết sức quan trọng. Để làm được điều này, thành phố Hà Nội đề xuất:

Thứ nhất, rà soát lại mô hình tổng quát phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta cho phù hợp với yêu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước trong thời gian tới. Trong quá trình rà soát, cần xác định những đặc trưng mang tính phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại để tham chiếu, vận dụng trong quản lý, điều hành nền kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, cần xác lập cụ thể hơn vai trò chủ thể của Nhà nước theo hướng Nhà nước đề ra những thể chế kiến tạo sự phát triển, nhất là kiến tạo phát triển thị trường, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển và cạnh tranh bình đẳng, đồng thời đề ra các công cụ điều tiết và kiểm soát thị trường hiệu quả, đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo công bằng xã hội.

Thứ hai, tiến hành rà soát và có lộ trình điều chỉnh, bổ sung các chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn có liên quan về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là về chế độ sở hữu, phân phối và lưu thông hàng hóa, đảm bảo tính đồng bộ, không chồng chéo, phù hợp các quy định của pháp luật.

Thứ ba, bên cạnh việc vận dụng thống nhất, đồng bộ và hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong cả nước, cần tính đến các đặc thù của từng vùng, từng địa phương. Thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu để thực hiện trong thẩm quyền hoặc đề xuất với Trung ương cho phép triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tái cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, thực hiện an sinh xã hội… nhằm dần từng bước thực hiện thành công mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn thủ đô.

NLM ghi

Năng lượng Mới 494