Những tấm lòng cao cả

10:39 | 27/10/2015

1,712 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
​“Lửa Thiện Nhân” của đạo diễn Đặng Hồng Giang vẫn đang kéo khán giả đến rạp hằng ngày, hằng giờ. Trong bộ phim ấy, người xem thấy cái thiện trong bản năng mỗi con người. Và đồng thời, người xem cũng biết đến hàng ngàn trẻ em Việt Nam khiếm khuyết bộ phận

LTS: Bộ phim “Lửa Thiện Nhân” được chọn chiếu khai mạc cho Liên hoan phim (LHP) độc lập New York 2014, đồng thời được chọn làm đại diện cho phim Việt Nam trong chùm Panorama - Điện ảnh thế giới chọn lọc tại LHP Quốc tế Hà Nội năm 2014. Bởi hiện thực trong phim đã mang lại cái đẹp, điều tử tế đến với người xem. Một câu chuyện đầy xúc động kể về những con người liên quan đến cậu bé Thiện Nhân bị thú ăn mất các phần cơ thể của chín năm về trước, những con người như chị Trần Mai Anh mẹ nuôi của bé Thiện Nhân, ông Greig Craft người mà “cậu bé lính chì” gọi là “Daddy” và bác sĩ, giáo sư người Ý - Roberto… Một hành trình tìm kiếm những thứ đã mất cho những đứa trẻ bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục, khơi nguồn niềm tin và tính thiện trong mỗi con người. Ba nhân vật chính trong bộ phim “Lửa Thiện Nhân” đã làm nhiều việc khác với những con người bình thường, đó là họ làm mọi điều tốt đẹp cho cuộc đời này như việc họ đang ăn, ngủ và thở vậy. Cũng trong bộ phim này, nhiều người mới biết, mẹ của Thiện Nhân và những người đồng hành cùng chị trong nhiều năm qua đã cùng nhau tạo ra cuộc sống mới cho hơn 100 bé trai trở lại đời sống bình thường.

PV: Thưa anh Greig Craft, điều gì khiến anh quan tâm đến con người Việt Nam sâu sắc vậy?

Greig Craft: Chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam có ảnh hưởng lớn tới thế hệ chúng tôi. Rất nhiều người Mỹ đã chiến đấu và hy sinh tại Việt Nam, không những thế chiến tranh còn chia cắt đất nước tôi trong nhiều mặt của cuộc sống như xung đột dân sự, bạo động và xung đột nội bộ.

nhung tam long cao ca
Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á

Cha tôi cũng từng phục vụ quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam trong những năm 1954-1968. Vì vậy tôi thấy mình như có một mối liên kết chặt chẽ với nơi này.

Khi tới Việt Nam lần đầu vào năm 1989, tôi thật sự rất ngưỡng mộ những thanh niên Việt Nam, họ rất háo hức được trở thành một phần của cộng đồng thế giới. Chính điều đó đã tác động sâu sắc tới sự chuyển mình của Việt Nam.

Tôi hiện có một người vợ Việt Nam và 2 cô con gái mang dòng máu Mỹ-Việt, các con gái tôi chính là ví dụ điển hình cho thấy chúng ta đều là “con người”, bất kể chúng ta có màu da nào hay thuộc sắc tộc nào.

PV: Làm thiện nguyện ở một đất nước đang phát triển, có rất nhiều vấn đề về trẻ em và phụ nữ đáng thương tâm. Ý muốn nào đã thúc đẩy anh dấn sâu vào hành trình đồng hành với “Thiện Nhân và những người bạn”?

Greig Craft: Tôi không có một chút kiến thức nào về lĩnh vực trẻ em bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục cho tới khi tôi biết về trường hợp của Thiện Nhân.

Hành trình tìm kiếm sự giúp đỡ về y tế cho Thiện Nhân là một hành trình dài - thấm thoát đã gần 10 năm. Trong hành trình đó tôi, Mai Anh và nhiều người khá đã tích lũy được thật nhiều kiến thức. Chúng tôi trở thành những “chuyên gia” tự học, đồng thời chúng tôi cũng xây dựng và phát triển mối quan hệ với các chuyên gia có uy tín trên thế giới trong đoc có Giáo sư Roberto DeCastro. Chúng tôi nhanh chóng quyết định rằng mình cần đem những kiến thức, hiểu biết này để giúp đỡ những trẻ em khác có bệnh tình tương tự như Thiện Nhân.

Chúng tôi thật sự giật mình với con số trẻ em đến với chương trình. Hầu hết các gia đình đều giữ kín bệnh tình của con em mình như một bí mật không thể chia sẻ, họ thấy ngại thậm chí xấu hổ khi tìm kiếm sự giúp đỡ. Và sau khi chia sẻ câu chuyện của mình, chính họ cũng bị sốc khi biết rằng bệnh tình của con em mình có thể cứu chữa được.

PV: Mai Anh cho rằng, mình điên rồ khi quỹ không có một xu, mà anh dám tin việc khám chữa bệnh cho 30 trẻ em 1 lúc. Điều gì khiến anh quyết tâm và tự tin đến vậy?

Greig Craft: Cá nhân tôi luôn cho rằng “đừng bao giờ nói không bao giờ”. Suốt đời mình tôi đã tin tưởng điều đó, và chính triết lý sống này đã giúp tôi gặt hái được nhiều thành công trong kinh doanh, trong việc giúp đỡ cộng đồng cũng như cuộc sống cá nhân.

Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ thật rằng rất nhiều trong số thành công của tôi đến từ “may mắn” và “định mệnh”. Nhưng tôi vẫn mong rằng điều đó sẽ truyền cảm hứng cho những người khác, bất kể bạn giàu hay nghèo, đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của việc suy nghĩ lạc quan… “Không có gì là không thể”.

nhung tam long cao ca
Chị Trần Mai Anh và các con

PV: Sự thiện nguyện không phải là một việc làm đơn giản, có khi nào công việc này khiến anh nản lòng? 

Greig Craft: Có chứ, trong suốt 10 năm qua tôi đã trải qua nhiều khoảng thời chán nản và thất vọng sâu sắc. Nhưng đức tin mạnh mẽ và sự vững tin vào sứ mệnh mình theo đuổi đã giúp tôi vượt qua những khó khăn và thử thách. Và cũng chính sự cam kết của Mai Anh, bác sĩ DeCastro… dành cho chương trình đã khiến tôi cảm thấy rằng nhiệm vụ và trách nhiệm của mình là giúp đỡ hàng trăm gia đình bệnh nhân khó khăn tìm đến với chúng tôi.

Tính đến nay, chúng tôi may mắn đã thực hiện đựơc 141 ca phẫu thuật, tổng chi phí cho các ca phẫu thuật đó ước tính xấp xỉ 10 triệu đô nếu được thực hiện ở các nước phương tây. Trong khi đó khi chúng tôi không mất quá nhiều chi phí để thực hiện được các ca phẫu thuật này tại Việt Nam, đó cũng là một trong những động lực giúp tôi tiếp tục chương trình.

Và cuối cùng, ý nghĩ về những đứa trẻ phải sống cuộc sống không có bộ phận sinh dục với tôi là điều không thể tưởng tượng được. Nỗi xấu hổ và tuyệt vọng thậm chí đã khiến cho nhiều người phải tìm đến cái chết. Tôi không chấp nhận để điều đó xảy ra.

Đừng bao giờ nghĩ mình đang làm phúc

PV: Ai cũng thấy chị rất cưng Thiện Nhân. Có khi nào hai con của chị ganh  tị với tình yêu mẹ dành cho em không, nhất là khi khái niệm “ruột thịt máu mủ” ở tuổi này trẻ con đã biết?

nhung tam long cao ca

Trần Mai Anh: Không có khái niệm ganh tị trong mấy anh em dù là về đồ chơi hay về mẹ. Ngày xưa có lần mấy anh em chí chóe mách mẹ ơi anh sai, mẹ ơi con đúng, mẹ ơi em cấu mặt con… Tôi gọi 3 anh em lại và bảo rằng, trên đời này ai có thể bỏ ai nhưng anh em không bao giờ có thể bỏ nhau được dù là ai đúng ai sai, ai sẽ rất giàu, ai nghèo, ai ngoan ngoãn, ai sai trái… thế nên tốt nhất đã là anh em thì không bao giờ tính hơn thua. Đúng sai trong trường hợp này không có ý nghĩa gì với mẹ cả.

Tình yêu cũng vậy thôi, yêu là yêu, cũng không tồn tại khái niệm yêu hơn hay kém vì suy cho cùng, thước đo của tình yêu là gì chứ, có ai giống ai đâu. Ba anh em nó mỗi đứa mỗi tính nên tình yêu cho đi và tình yêu muốn nhận lại khác nhau hoàn toàn.

Chúng tôi hiểu nhau nên vô tư thể hiện tình cảm khi nào mình muốn thể hiện. Anh Minh “bé” lớn hơn Thiện Nhân 1 tuổi thì thích ôm hôn, thích được nói con yêu mẹ, mẹ yêu con. Mẹ đi công tác là Minh “bé” nhớ cồn cào.

Thiện Nhân thì thích mình là một người đàn ông mạnh mẽ, lạnh lùng trước mọi cám dỗ, hào nhoáng đúng chất “phái mạnh” nên khi nhìn mẹ với anh Minh “bé” yêu nhau là Nhân nháy mắt với mẹ ra vẻ coi ông anh bé bỏng hơn con mẹ nhỉ.

Thiện Nhân thích yêu kiểu kín đáo, chỉ 2 mẹ con mình là hiểu nhau thôi. Khi mẹ đi công tác thì Thiện Nhân thích được mẹ dặn dò con ở nhà canh chừng nhắc nhở anh cho mẹ nhé. Nhân sẽ trông anh Thiên Minh có quên bỏ kính khi ngủ không, nhắc anh khi anh nghe nhạc khuya chưa ngủ. Nhân sẽ nhắc anh Hải Minh yếu thì ngủ trước đi đừng có cố thức chơi, mai gọi dậy đi học lại lười.

Anh Thiên Minh lớn nhất thì từ khi đón Nhân 9 năm trước anh đã đóng vai trò của ông bố và che chở cho ông em và bây giờ anh thích được đưa đón mẹ đi làm vào những buổi anh không phải đến trường. Tình yêu của mẹ dành cho anh, anh cần là sự tin tưởng, dựa vào anh để anh lo lắng, che chở.

PV: Trên con đường đi tìm kiếm, bù đặp sự thiếu hụt cho những đứa trẻ, chị có nghĩ đó là điều tốt, điều tử tế cần làm không?

Trần Mai Anh: Sao mà kịp hay đủ sức nghĩ ǵ chứ, chỉ nghĩ căn giờ thế nào kịp về đón con, tối nay có phải giờ con học võ không, rồi mấy giờ phòng khám đóng cửa để kịp đưa con đi khám mắt… Bao giờ các việc mổ xẻ đều cũng phải xếp vào buổi trưa, sau giờ làm và thứ Bảy, Chủ nhật, ngày nghỉ lễ… Thế nên làm gì có lúc nào định thần mà tự hỏi mình đang làm thế để làm gì. Tiết kiệm cả thời gian nghĩ nữa chứ. Cái gì tôi cũng tiết kiệm, tiết kiệm nỗi đau, tiết kiệm nước mắt, tiết kiệm cả suy tính luôn.

Mà bạn thử nghĩ xem, con mình được bao nhiêu người đồng hành mới ra dáng một chàng trai như thế, làm sao xong việc của mình rồi kệ người khác được.

Mình đã từng buồn, từng lặn lội tìm phương hướng, sao lại kệ các bà mẹ khác đang tuyệt vọng khi nghĩ đến hiện tại cho con mình, chứ còn chưa nói đến họ không dám mơ về tương lai.

Rồi các cơ hội đến cho biết bao em nhỏ khác có hy vọng, ai mà lại đi dập tắt được nổi… Và rồi để không phủ nhận chính mình như thế thì mình phải cố gắng đi mãi mà thôi.

PV: Làm những điều tốt đẹp cho con trẻ, điều ấy quả thật không dễ dàng chút nào?

Trần Mai Anh: Khi mình làm một điều gì thì trước hết đều là làm vì bản thân mình cả thôi. Đừng bao giờ nghĩ là mình đang dang tay làm phúc cho người khác. Tôi tự hỏi sâu thẳm con tim mình, khi mình thấy muốn giúp một ai, cho ai điều gì thì là vì mình ám ảnh, mình u buồn, mình day dứt… vì hoàn cảnh của người ta.

Vậy làm điều gì đi chăng nữa thì xuất phát điểm cũng là vì để mình thoát được cảm giác đó. Sau đó mới là người đối diện. Vậy không nên tính toán đâu nhé, vì bài toán này không như ở sách giáo khoa. Sống ngược lại với điều đó tôi biết mình sẽ rất khổ sở.

PV: Sự mất mát, tan rã trong hôn nhân có khiến chị một lúc nào đó nghĩ: Mình đã sai hay không?

Trần Mai Anh: Cũng lại là nằm trong lĩnh vực cần tiết kiệm rồi. Trong cuộc hành trình mà tôi từng nói khi ngày đầu tiên đón cu Nhân về: “Thiện Nhân con, cha mẹ đã bắt đầu nhưng người làm nên kết thúc sẽ là con đấy…”. Từ một Thiện Nhân giờ đã là hơn 1.000 bé “ Thiện Nhân” khác nữa.

Trong cái hành trình này, kết thúc không nằm ở quyết định của tôi, thế nên dọc con đường đi sẽ không tránh khỏi bản thân mình còn có lúc chùn chân. Nhưng đường còn dài mãi mà, trừ khi có ai chết đi, còn lại sự bắt đầu hay tiếp nối sau mỗi chặng dừng nếu bất cứ ai muốn đều có thể đồng hành.

PV: Để sống tận cùng với điều tử tế, hình như con người ta phải hy sinh rất nhiều. Chị thấy điều đánh đổi đáng chứ?

Trần Mai Anh: Thực sự là tốt nhất hãy không nghĩ đến mình hy sinh gì, tính ra thì ngất mất, lại tiếc không biết chừng và có khi lại ôm u uất, tủi thân mà than khóc. Vì con người mà, ai mà chẳng phải trải qua hỉ nộ ái ố...

Tốt nhất nên làm con lạc đà lầm lụi đi qua sa mạc, bão cát cuồng quay hay nắng đổ lửa là việc của cái sa mạc đấy và là của trời đất. Sa mạc chỉ dành cho lạc đà thôi và cần mẫn đi mà nhìn những tia lấp lánh của cát dưới ánh mặt trời để vui bước tiếp.

PV: Nhưng, bản thân những đứa trẻ con chị, chúng cũng bị mất mát quá nhiều thời gian, mà lẽ ra thời gian đó chị phải dành cho chúng?

Trần Mai Anh: Vâng, đó cũng là điều tôi nghĩ đến. Đó là thời gian của các con tôi, vì việc này tôi đã lấy đi của chúng quá nhiều. Tôi vẫn dạy con mình làm gì cũng phải sửa chữa hậu quả do mình gây ra.

Tôi cho thời gian trôi qua là hậu quả và tôi luôn mang theo Minh “lớn”, Minh “bé” đi chữa bệnh cùng Nhân ở các bệnh viện. Tôi đưa Minh “lớn” theo đoàn bác sĩ mỗi lần sang phẫu thuật để lúc nào cũng có mẹ có con và tôi cũng nghĩ, nếu khi tôi chết đi, anh Thiên Minh sẽ vẫn là vai trò “bố” của Thiện Nhân để che chở, hướng các em đi tiếp con đường mẹ chúng dang dở.

PV: Những đứa trẻ con chị, chúng có ổn không khi thiếu vắng bóng người cha thường xuyên và buộc phải trưởng thành sớm hơn chúng bạn cùng lứa?

Trần Mai Anh: Các “chàng trai” của tôi đều ổn cả, chúng thi thoảng lại thốt lên, con nghĩ mẹ con mình sống cứ thế này là yên ổn rồi, con thấy không cần gì hơn cả.

Tôi cũng tiết kiệm cả sự ủy mị và 4 chúng tôi vừa là mẹ con, vừa là bạn thân một cách tinh quái nữa nên mọi khái niệm đều thật là đơn giản.

Buối tối nào tôi đi chơi sẽ mặc đẹp và hỏi 3 anh em xem mẹ mặc thế đủ đẹp chưa. Hải Minh thì suýt xoa: “Nhìn thế mới là mẹ của con!”. Thiện Nhân thì kiểu đàn ông lạnh lùng: “Con nghĩ là đẹp nhưng hơi trẻ quá với mẹ!”. Anh Thiên Minh dặn mẹ: “Mẹ cứ đi không cần vội về đâu, con sẽ cho 2 em ngủ và học bài, mẹ về gọi vào máy con nhé, con xuống mở cửa cho mẹ, đừng bấm chuông mà ông bà biết mẹ đi về muộn”.

Còn tôi, có lúc nghiêm trọng trêu chúng, mẹ nghĩ chắc mẹ sẽ cần đi kiếm chồng. Bạn biết không, chúng nó hô: “Oh yeh, mẹ cố lên!”. Rồi chúng bàn nhau một cách hài hước xem nên đi chỗ nào thì sẽ kiếm được chồng cho mẹ. Và Thiện Nhân hướng dẫn tôi là mẹ nên đi ra sân tenis! Đấy là 3 năm trước Nhân nói thế, chứ giờ có khi nó trêu mẹ ra tận sân golf phơi nắng.

PV: Giả dụ thôi, nếu “mẹ đi bước nữa” thì mẫu số chung các bé ấy đưa ra thường như thế nào?

Trần Mai Anh: Các anh ấy nói rằng: Tuyệt đối được bẩn nhưng đừng có sạch quá không lại đeo găng tay, mặt nạ chống độc cầm cái gắp dài đi dọn phòng của mẹ con mình. Phải biết đùa vui, hài hước nhưng phải biết im lặng khi mẹ lên cơn nói nhiều. Và một điều quan trọng nhất, rất quan trọng, là phải là nam không thể là nữ được.

Phim “Lửa Thiện Nhân” được trình chiếu tại rạp Ngọc Khánh, địa chỉ 523 đường Kim Mã (phường Ngọc Khánh, quận Ba đình, Hà Nội), bắt đầu từ ngày 15-10 đến 15-11-2015. Từ thứ Hai đến thứ Sáu với các khung giờ: 10 giờ, 12 giờ, 15 giờ, 17 giờ 30, 19 giờ 20 và 21 giờ 20. Riêng thứ Bảy, Chủ nhật sẽ chiếu thêm tăng ca vào các giờ: 9 giờ, 10 giờ 40, 15 giờ 40, 17 giờ 20, 19 giờ 00, 20 giờ 40

Mọi sự đóng góp cho Quỹ Thiện Nhân xin được gửi về:

VPDD Tổ chức Asia Injury Prevention Foundation tại Việt Nam

Số tk: 1100187251

Tên ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội

Chi nhánh Ba Đình

Địa chỉ: 21 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội

Swift code: SHBAVNVX

 

Nhóm phóng viên

Năng lượng Mới 469

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...