Những nữ tướng kiếm về hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp Việt

14:31 | 17/10/2023

123 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Họ là nhà sáng lập cũng như lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lừng lẫy trên thương trường như Vinamilk, Tập đoàn BRG, Tập đoàn Sovico, PNJ.
Những nữ tướng kiếm về hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp Việt

Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên

Nhắc đến Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán: VNM), nhiều người sẽ nghĩ đến nữ doanh nhân Mai Kiều Liên. Vinamilk được thành lập sau khi đất nước thống nhất với tên ban đầu là Công ty Sữa - Cà Phê Miền Nam, thuộc Tổng cục Công nghiệp Thực phẩm miền Nam.

Những nữ tướng kiếm về hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp Việt - 1
Bà Mai Kiều Liên gắn bó hơn 30 năm với Vinamilk (Ảnh: Vinamilk).

Báo cáo thường niên năm 2022 của Vinamilk cho biết bà Liên sinh năm 1953. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bà Liên được cử sang Liên Xô học khoa chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, Đại học Công nghệ chế biến thịt và sữa Moscow.

Sau khi về nước, từ năm 1976 đến năm 1983, bà được phân công làm việc nhiều vị trí khác nhau và trở thành Phó giám đốc kỹ thuật - nhà máy sữa Thống Nhất vào năm 1982 (1 trong 3 nhà máy được Vinamilk tiếp quản).

Giai đoạn 1984-1992, bà Liên đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Vinamilk, phụ trách lĩnh vực kinh tế. Từ năm 1992 đến nay, bà Liên đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc doanh nghiệp. Bà cũng từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Vinamilk từ tháng 11/2003 đến năm 2015 và sau đó vẫn tiếp tục là thành viên HĐQT cho đến nay.

Hơn 30 năm gắn liền với Vinamilk, bà Mai Kiều Liên nhận được Huân chương Độc lập hạng Ba do Nhà nước trao tặng vào năm 2022. Bà còn là một trong số 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Vietnam bình chọn năm 2017, 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes Asia bình chọn 4 năm liên tiếp 2012-2015.

Báo cáo quản trị nửa đầu năm của Vinamilk cho biết, bà Liên hiện sở hữu 6,4 triệu cổ phiếu VNM, tương đương khoảng 481 tỷ đồng tại ngày 16/10.

Bà Liên còn là Chủ tịch hoặc thành viên HĐQT của một số công ty như Công ty TNHH MTV Bò Sữa Việt Nam, Công ty TNHH Bò Sữa Thống Nhất Thanh Hóa, Driftwood Dairy Holding Corporation, Miraka Holdings Limited, Lao - Jagro Developmetn Xiengkhouang, Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam - CTCP, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, Del Monte - Vinamilk Dairy Philippines.

Nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của Vinamilk đạt 29.113,2 tỷ đồng tăng nhẹ 1%, lợi nhuận sau thuế là 4.135,4 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Chủ tịch tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga

Bà Nguyễn Thị Nga được xem là một trong những nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Hiện bà là Phó chủ tịch thường trực Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam và Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nữ Việt Nam.

Bản cáo bạch năm 2020 của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - mã chứng khoán: SSB) cho biết bà Nga sinh năm 1955. Bà vốn là cử nhân kinh tế - Đại học Kinh tế quốc dân.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1991, bà Nga kinh doanh tự do, đến năm 1993 thì thành lập doanh nghiệp (tiền thân của Tập đoàn BRG) về kinh doanh xuất nhập khẩu. Hiện tại, doanh nghiệp này tập trung vào bất động sản (khách sạn) và bán lẻ.

Những nữ tướng kiếm về hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp Việt - 2
Bà Nguyễn Thị Nga là nhà sáng lập Tập đoàn BRG (Ảnh: BRG).

Tên tuổi của Bà Nga còn gắn liền với lịch sử phát triển của một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Từ năm 1998 đến năm 2001, bà Nga là Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng TMCP Châu Á - Thái Bình Dương. Sau đó bà chuyển sang làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thuơng Việt Nam đến năm 2007.

Từ năm 2008 đến năm 2018 bà Nga làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Từ năm 2018, bà Nga rút về vị trí Phó chủ tịch của ngân hàng này để giữ nguyên vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của các doanh nghiệp khác.

Báo cáo quản trị nửa đầu năm 2023 của SeABank cho biết, Bà Nga còn liên quan đến một loạt công ty như Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Phú Mỹ, Tập đoàn BRG (Chủ tịch HĐQT), Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ Hà Nội (Phó Chủ tịch HĐQT), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc).

Nữ doanh nhân còn là Thành viên HĐQT Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán: VEA).

Tính tại ngày 16/10, vị nữ tỷ phú này sở hữu khối tài sản khoảng 5.513 tỷ đồng từ việc đại diện sở hữu của cổ phiếu SSB, TSJ, VEA. Nửa đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của SeABank đạt 3.303,6 tỷ đồng, gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.607,3 tỷ đồng, giảm 28,6%.

Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung

Hình ảnh của nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung gắn liền với lịch sử thăng trầm của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ - mã chứng khoán: PNJ). Bản cáo bạch năm 2012 của doanh nghiệp cho biết, bà Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1957 tại tỉnh Quảng Ngãi.

Đầu thập niên 80, sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế thương nghiệp, Đại học kinh tế TPHCM, bà Cao Thị Ngọc Dung bắt đầu làm việc tại Công ty Thương Nghiệp Tổng hợp Phú Nhuận. Chỉ sau thời gian ngắn, bà được thăng cấp lên Phó phòng giai đoạn năm 1984-1985.

Năm 1985, bà được chuyển công tác sang Công ty nông sản và thực phẩm Phú Nhuận với chức vụ Trưởng phòng kế hoạch. Đến năm 1988, bà Cao Thị Ngọc Dung chính thức gia nhập Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận với chức vị Giám đốc. Doanh nghiệp được xem là có quy mô nhỏ vốn điều lệ chỉ 7,4 cây vàng trong thời điểm đó.

Năm 1995, bà Cao Thị Ngọc Dung đã đưa PNJ đi đầu công nghệ khi mời chuyên gia Hội đồng vàng thế giới về hướng dẫn công nghệ mới. Đến năm 2006, bà muốn nâng cấp thương hiệu thành trang sức cao cấp, bà Dung đã mời Richard Moore - Giám đốc sáng tạo của Công ty Richard Moore Associate cùng hợp tác.

Những nữ tướng kiếm về hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp Việt - 3
Bà Cao Thị Ngọc Dung dẫn dắt PNJ từ thập niên 80 đến nay (Ảnh: PNJ).

Bà Dung giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ từ năm 2004 đến năm 2018. Từ tháng 4 năm 2018 đến nay bà đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT. Vị trí Tổng giám đốc được giao cho ông Lê Trí Thông.

Báo cáo quản trị nửa đầu năm của PNJ cho biết, bà Dung còn là Chủ tịch HĐQT hoặc Thành viên HĐQT của Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh trang sức PNJ, Công ty cổ phần Sài Gòn Food.

Bà còn là thành viên cố vấn, thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Nghị lực sống - Doanh nghiệp xã hội và Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD). Vị nữ doanh nhân còn là sáng lập viên của Quỹ Niềm tin vàng.

Bà Dung đảm nhận vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam - VAWE từ năm 2014 đến nay, và là Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân TPHCM - HAWEE từ năm 2015 đến nay.

Vị nữ doanh nhân ghi dấu ấn với việc áp dụng công nghệ vào một doanh nghiệp vốn có đặc thù là ngành sản xuất truyền thống. Từ doanh nghiệp nhỏ, PNJ vươn lên thành công ty lớn nhất trong ngành bán lẻ trang sức.

Nửa đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận 16.625,8 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.086,2 tỷ đồng, tương đương con số nửa đầu năm ngoái.

Chủ tịch tập đoàn Sovico Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ doanh nhân trẻ thành công tại Việt Nam hiện nay.

Báo cáo thường niên của Công ty cổ phần hàng không Viejet (Vietjet Air - mã chứng khoán: VJC) cho biết bà Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội.

Bà tốt nghiệp tiến sĩ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Moskva, cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động trường Kinh tế Quốc dân Moskva, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Nghiên cứu Hệ thống Liên bang Nga.

Trong một lần chia sẻ trên truyền thông, bà Thảo cho biết bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh từ khi đi du học tại Nga. Công việc kinh doanh thuận lợi nên đến năm 21 tuổi bà Thảo đã có 1 triệu USD tại thời điểm thập niên 90.

Sau khi về nước, bà Thảo sáng lập nên Công ty cổ phần Sovico (Tập đoàn Sovico) hoạt động trong các lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng; Hàng không; Bất động sản; Năng lượng; Quản lý tài sản và Đầu tư.

Những nữ tướng kiếm về hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp Việt - 4
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán hiện nay (Ảnh: Forbes).

Bà Thảo là một trong những thành viên sáng lập của Vietjet Air, được bầu làm Phó Chủ tịch từ năm 2007 và hiện là Tổng giám đốc của hãng bay này. Bà Thảo cũng tham gia vào Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank - mã chứng khoán: HDB) từ năm 2008 và hiện là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng. Trước khi tham gia HDBank bà là thành viên sáng lập của một số NHTM ở Việt Nam.

Báo cáo quản trị của Vietjet Air nửa đầu năm 2023 cho biết, bà Phương Thảo còn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH GalaxyOne, Phó chủ tịch thường trực HĐTV Công ty Tài chính TNHH HD SAISON, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Theo xếp hạng mới nhất của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tài sản ước tính 2,2 tỷ USD, đứng thứ 1.368 trong danh sách tỷ phú thế giới.

Tính đến ngày 16/10, tổng tài sản của nữ tỷ phú này sở hữu vào khoảng 21.703 tỷ đồng nhờ việc sở hữu cổ phiếu HDB, VJC. Hiện bà là nữ tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán.

Nửa đầu năm, Vietjet Air ghi nhận 29.503,1 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 85% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 136,5 tỷ đồng, giảm 5,8% so với cùng kỳ.

Theo Dân trí

Khu vực FDI chiếm 73% tổng trị giá xuất khẩu của cả nướcKhu vực FDI chiếm 73% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước
Doanh nghiệp cần nâng mức độ quan tâm hơn đối với phòng vệ thương mạiDoanh nghiệp cần nâng mức độ quan tâm hơn đối với phòng vệ thương mại
2.500 doanh nghiệp toàn cầu sẽ tham dự FPT Techday 20232.500 doanh nghiệp toàn cầu sẽ tham dự FPT Techday 2023