Doanh nghiệp cần nâng mức độ quan tâm hơn đối với phòng vệ thương mại

09:47 | 16/10/2023

105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phòng vệ thương mại là nội dung cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa để có thể tận dụng hiệu quả các ưu đãi cắt giảm thuế từ các FATA.

Tính đến nay đã có 234 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đến tháng 6/2023 có 18 mặt hàng xuất khẩu đang nằm trong danh sách cảnh báo có nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại. Đây là hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam tham gia ký kết và đang thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ.

Doanh nghiệp cần nâng mức độ quan tâm hơn đối với phòng vệ thương mại
Việc quan tâm và chú trọng đến phòng vệ thương mại sẽ giúp các doanh nghiệp, ngành hàng tránh được các rủi ro trong hoạt động xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Mặc dù công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam thực hiện muộn hơn so với nhiều quốc gia khác, song đã có bước tiến rất lớn trong việc thực thi lĩnh vực này. Theo đó, trong 234 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nhiều vụ việc thu được kết quả tích cực, doanh nghiệp của ta không bị áp thuế hoặc bị áp thuế ở mức thấp, tạo lợi thế xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đối với các hoạt động giải quyết tranh chấp về phòng vệ thương mại tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), 4/5 vụ việc đã đem lại kết quả tích cực cho Việt Nam.

Cùng với sự chủ động, tích cực của cơ quan nhà nước, có thể nói, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển đáng khích lệ về phòng vệ thương mại. Đối với ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, sau các va vấp và hết sức khó khăn khi theo đuổi các vụ kiện về chống bán phá giá, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã “trưởng thành” và nhận thức rõ hơn về biện pháp phòng vệ thương mại.

Từ góc độ cơ quan quản lý thực thi phòng vệ thương mại, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cũng cho rằng, thông thường sự quan tâm doanh nghiệp với biện pháp phòng vệ thương mại không nhiều như các vấn đề khác. Tuy nhiên, khi hàng hóa của doanh nghiệp, ngành hàng là đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm và có phản ứng.

Theo ghi nhận của Cục Phòng vệ thương mại cho thấy, hiện phản ứng của doanh nghiệp khác so với thời điểm trước. Trước đây, khi doanh nghiệp là đối tượng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không có phản ứng hoặc e ngại trong việc phản ứng, ứng phó hay cung cấp thông tin để bảo vệ cho quyền lợi của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng chủ động phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để được hỗ trợ, tư vấn quy trình, thủ tục tham gia tích cực hơn, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, đồng thời không còn thụ động mà chủ động để xử lý vụ việc phòng vệ thương mại theo hướng ít ảnh hưởng cho doanh nghiệp.

Ông Chu Thắng Trung cho hay, các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng tương đối phổ biến, tuy nhiên nếu như so sánh với quốc gia khác thì Việt Nam chưa phải là đối tượng hàng đầu của các biện pháp phòng vệ thương mại mà các nước tiến hành điều tra. Tuy nhiên, do phòng vệ thương mại hiện là xu thế tất yếu trong phát triển thương mại quốc tế, vì thế nguy cơ bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số ngành hàng, thị trường sẽ tiếp tục có xu hướng gia tăng.

Cho nên, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục chủ động và tích cực tham gia vào các FTA, phòng vệ thương mại là nội dung cần được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm hơn nữa để có thể tận dụng hiệu quả các ưu đãi cắt giảm thuế từ các hiệp định nhưng vẫn tránh bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. "Điều này giúp doanh nghiệp khi chưa gặp phải nguy cơ rủi ro về các vụ kiện có thể nắm được điều cơ bản để chủ động và biết phải làm gì"- ông Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, cần tăng cường quản trị doanh nghiệp, quản trị kế toán rõ ràng, minh bạch, khoa học. Bởi yếu tố quan trọng của điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là cơ quan điều tra nước ngoài sẽ rà soát và kiểm tra sổ sách kế toán tài chính của doanh nghiệp để xác định có hay không những hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: Bán phá giá, nhận trợ cấp..., từ đó làm căn cứ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, cần thường xuyên trao đổi, hợp tác, phối hợp với nhau và với Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước để khi các vụ việc thực tế xảy ra thì doanh nghiệp có sự hỗ trợ tốt nhất.

Với chức năng và nhiệm vụ hiện nay, theo ông Chu Thắng Trung, Cục Phòng vệ thương mại đang nỗ lực hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, ngành hàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, Cục Phòng vệ thương mại đã thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Qua đó, góp phần hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan có thể chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó trong trường hợp vụ việc xảy ra.

Theo Báo Công Thương

Cảnh báo 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại

Cảnh báo 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.