Những phụ nữ không có ngày 8/3

16:21 | 08/03/2015

611 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đối với họ - những nữ công nhân chuyên làm đẹp cho phố phường thì 8/3 vẫn là một điều gì đó xa xỉ, khi từng ngày, từng giờ họ vẫn đang miệt mài làm sạch mỗi con đường, góc phố. Với họ, niềm hạnh phúc lớn nhất là một ngày được nghỉ ngơi bên gia đình, một ngày công việc xong sớm để nhanh về với con cái hay đơn thuần chỉ là trời đừng mưa to, đừng nắng gắt để công việc của họ đỡ đi phần nào vất vả.

Ngày nào cũng thế, bất kể mưa hay nắng, chị Hoa - công nhân đội 4 Công ty Môi trường đô thị Hà Nội vẫn luôn miệt mài với công việc làm đẹp cho phố phường của mình. “Công việc của bọn chị không có ngày nghỉ, đêm giao thừa còn ở ngoài đường nữa thì mùng 8/3 cũng không phải là ngoại lệ” - chị Hoa chia sẻ.

Quê tận Nam Định, lên Hà Nội kiếm sống chị gắn bó với nghề cũng được chục năm rồi. Hàng ngày, bắt đầu ca làm việc từ 5h chiều, đẩy xe rác đi khắp các ngõ ngách ở khu Kim Mã để thu gom rác. Công việc trong ngày thường vất vả hơn vào tầm này khi phải đẩy những xe rác nặng trịch đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Thu gom hết rác trong khắp các ngõ ngách lại đẩy xe đi dọc các con phố để quét sạch những đống rác to nhỏ trên vỉa hè, lòng đường.

Vừa đi thu gom rác chị vừa tranh thủ nhặt nhọm những chai lọ lẫn trong đống rác ra riêng, để ngày mai trên đường đi làm lại đem đi bán đồng nát. Nhựa cũng bán được 5.000 đồng/kg, lon bia thì 250 đồng/lon. Với đồng lương công nhân ít ỏi, một tháng tiền lương chưa cầm nóng tay đã hết chị phải tích cực làm thêm bằng cách ấy, tuy chẳng nhiều nhưng cũng thêm thắt được đôi đồng gửi về quê cho con cái ăn học.

Những nữ lao công không có ngày 8/3

Chị Hoa ngồi phân loại chai lọ nhặt được trong những đống rác để đem đi bán.

Mưa mỗi lúc thêm dày, cái lạnh vì thế cũng nhân lên, mặc áo mưa đội nón lụp sụp tôi gặp chị Oanh trên phố Trần Duy Hưng khi đang hì hục đẩy xe rác. Thấy tôi đưa máy lên chụp ảnh chị đã vội nói : “Chỉ là quét rác thôi có gì mà chụp ảnh hả em”, rồi thân mật chia sẻ: “Công việc này vất vả lắm em ạ, mưa thế này chứ to nữa cũng phải đi, 8/3 hay tết nhất thì cũng vẫn thế thôi cũng phải 12-1h đêm mới được về, càng ngày lễ ngày tết thì càng nhiều rác”.

Những nữ lao công không có ngày 8/3

Lặng lẽ đi thu gom rác giữ trời mưa phùn.

Hà Nội càng về khuya càng lạnh, gặp chị Luyện, chị Hà trong bữa ăn khuya cuối ca làm việc cũng đã gần 1h sáng, quần quật với chục chiếc xe rác đầy từ buổi tối cho tới tận nửa đêm giờ các chị mới rảnh tay tranh thủ ngồi ăn cho đỡ đói. Khi được hỏi mùng 8/3 của chị có gì vui không? Các chị bần thần: “Vui gì đâu, lễ tết như thế này thấy tủi thân lắm, người ta thì được ở nhà đi chơi với chồng con còn mình thì cứ lang thang ngoài đường với cái xe rác cao ngập mặt, đêm nay còn đỡ chứ mấy hôm nữa qua 8/3 người ta lại thi nhau vứt hoa bừa bãi đầy đường, chúng tôi lại tha hồ mà quét chứ vui gì 8/3”.  Một tiếng thở dài chất chứa bao nỗi niềm…

Những nữ lao công không có ngày 8/3

Tranh thủ ăn trong khi chờ xe thu rác đến

Sau những giờ lao động quần quật họ lại ngồi tụm lại kể cho nhau nghe những câu chuyện về gia đình, công viêc, về những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Không gian lúc rộ lên những nụ cười giòn tan lúc lại trầm lắng trầm lắng bên tiếng thở dài. Chính họ, các cô, các chị những người đón nhận những thời khắc đầu tiên của ngày 8/3 và cũng chính họ là những người làm công việc “hậu 8/3” vào những buổi đêm ngày hôm sau nhưng lại chưa bao giờ được hưởng một ngày 8/3 đúng nghĩa, bởi công việc, bởi cuộc sống mưu sinh, lo toan còn lắm chật vật khiến họ đâu thể ước cho mình những điều xa xôi như thế.

Phương Thảo (tổng hợp)