Những người thừa kế kín tiếng (Kỳ 1): "Kiềng ba chân" ở LVMH

11:00 | 10/08/2021

212 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
3 cái tên được giới truyền thông nhắc tới nhiều nhất cho "ứng cử viên" kế nhiệm tại tập đoàn đình đám LVMH là Delphine, Antoine và Alexandre Arnault.
Những người thừa kế kín tiếng (Kỳ 1):
Tỷ phú người Pháp Bernard Arnault, người sở hữu tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH

Tỷ phú người Pháp Bernard Arnault, người sở hữu tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH có 5 người con và hầu như mỗi người đều đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong tập đoàn. Con gái lớn Delphine (46 tuổi) đang giữ chức phó chủ tịch điều hành hãng Louis Vuitton. Con trai thứ hai Antoine (44 tuổi) là CEO hãng Berluti, chủ tịch hãng Loro Piana và người đứng đầu mảng truyền thông tại LVMH.

Con trai thứ ba là Alexandre Arnault (29 tuổi) giữ vị trí CEO hãng vali hàng hiệu Rimowa và phó chủ tịch điều hành Tiffany - thương hiệu vừa được bổ sung vào đế chế LVMH sau vụ sáp nhập đình đám trị giá 16,2 tỷ USD hồi cuối năm 2020.

Con trai thứ tư Frederic (26 tuổi) được bổ nhiệm làm CEO hãng Tag Heuer vào năm ngoái và chỉ có con gái út Jean (23 tuổi) chưa gia nhập tập đoàn vì đang học đại học.

Tuy nhiên, 3 cái tên được giới truyền thông nhắc tới nhiều nhất cho "ứng cử viên" kế nhiệm tại tập đoàn đình đám này là Delphine và Antoine và Alexandre Arnault.

Những người thừa kế kín tiếng (Kỳ 1):
Con gái lớn Delphine (46 tuổi) đang giữ chức phó chủ tịch điều hành hãng Louis Vuitton

Delphine Arnault

Delphine Arnault, con gái duy nhất của Bernard Arnault. Cô từng là Phó giám đốc của nhà thiết kế Christian Dior Couture, Giám đốc Louis Vuitton và Phó chủ tịch điều hành. Trong vai trò đó, cô "giám sát tất cả các sản phẩm tại Louis Vuitton – đồ may sẵn, túi xách, giày, phụ kiện, khăn quàng cổ,… - cho nữ và nam giới, trên phương diện kinh doanh", cô chia sẻ vào năm 2016.

Delphine được nhận xét là "khá điềm tĩnh", và chăm chỉ trong quản lý. Toledo nói với tờ Wall Street Journal cách đây vài năm: "Đôi khi tôi phải đẩy cô ấy ra khỏi văn phòng. Tôi đi nghỉ vào đầu tháng 8 năm 2012, và cô ấy vẫn ở Paris. Hai ngày trước khi sinh con gái, cô ấy vẫn gửi email cho tôi. Tôi nói: Delphine, dừng lại đi!"

Delphine Arnault đã quản lý nhiều khoản đầu tư mới đây của LVMH, bao gồm các khoản đầu tư liên quan đến thời trang của LVMH, từ công ty đồ trang sức Repossi đến thương hiệu giày dép của Nicholas Kirkwood, thương hiệu thiết kế Ý Marco de Vincenzo, và nhãn hiệu Loewe.

Delphine cho biết thêm: "Chúng tôi đã nói về cách chúng tôi phải hỗ trợ nhau, ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Cuộc sống của mỗi chúng tôi sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp mà cha tôi tạo ra. Nhiều công ty đã lụi bại vì những người thừa kế không thể hòa thuận".

Nicola Ko, một nhà phân tích thương hiệu cao cấp tại Ledbury Research, cho biết việc Delphine kế vị cha mình là rất hợp lý, thay vì để Bernard bổ nhiệm một bên thứ ba. "Nếu không để Delphine thừa kế thì thật là ngu ngốc. Tôi cảm giác một đế chế gia tộc mạnh mẽ là vô cùng quan trọng đối với các thương hiệu cao cấp".

Theo W, nữ doanh nhân tài năng này không hoàn toàn giống cha cô: "Được nuôi dạy theo khuôn mẫu là cha cô, nhưng Delphine Arnault đã mang đến những tia sáng mới mẻ cho ngành công nghiệp thời trang. Từ ý tưởng thiết kế, qua nhiều bước cho đến sản phẩm sẵn sàng để bán."

Tuy nhiên, một sự thay đổi chiến lược của LVMH đang được tiến hành, và điều đó liên quan mật thiết đến Delphine Arnault. Như Vanessa Friedman của New York Times đã viết vào cuối năm 2015, LVMH đang thay đổi "từ một cỗ máy thống trị toàn cầu" trở thành một gã "khổng lồ" thân thiện hơn, một cách tiếp cận đã được định hình bởi Delphine, cũng như em trai của cô ấy, Antoine Arnault. Không quá khó để LVMH thân thiện hơn. Louis Vuitton dưới sự lãnh đạo của cha họ - Bernard Arnault - người giữ vai trò chủ tịch của LVMH, đã từng được báo chí mô tả là " tàn nhẫn" và là "con sói trong lĩnh vực trang phục cashmere".

Cô trả lời WWD trong một bài báo, có tựa đề là Delphine Arnault Rising: xét về sở thích của cô về thời trang, cô nói rằng cô có niềm đam mê với thời trang trên khía cạnh kinh doanh. Do đó, niềm tin của cô là "thành công nằm trong sự kết hợp của cả tài năng về thời trang với những hiểu biết trong kinh doanh. Sự kỳ diệu là hài hòa được hai yếu tố đó. Điều quan trọng là phải nhìn thấy cả hai khía cạnh, kinh doanh và sáng tạo".

Với một nền tảng giáo dục hoàn hảo và cơ hội làm việc trên bất kỳ lĩnh vực nào, tại sao cô vẫn chọn thời trang? - "Thật khó để từ chối thời trang." cô nói với 032c. "Tôi mười tuổi khi cha tôi mua Dior. Thời trang là một phần của cuộc đời tôi." - "Sưu tập thời trang giống như viết nhật ký. Sở thích của bạn thay đổi theo thời gian. Tôi luôn cố gắng không bán lại bất cứ thứ gì trong tủ của mình, bởi vì đó là một phần trong hành trình của tôi".

Những người thừa kế kín tiếng (Kỳ 1):
Antoine Arnault thể hiện năng lực lãnh đạo từ rất sớm. Ảnh: Yahoo, Reuters UK.

Antoine Arnault

Antoine Arnault đang giữ cương vị chủ tịch Loro Piana, giám đốc điều hành Berluti, đồng thời đứng đầu mảng truyền thông và hình ảnh của LVMH.

Antoine Arnault sinh năm 1977 tại Roubaix, Pháp. Ông là con của Bernard Arnault và người vợ đầu tiên Anne Dewavrin. Sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh Insead, con trai tỷ phú Pháp muốn tự tìm hướng đi riêng. Năm 23 tuổi, ông thành lập công ty đầu tiên - Domainoo - chuyên đăng ký và bảo vệ tên miền Internet.

Năm 2005, Antoine bắt đầu sự nghiệp ở bộ phận quảng cáo của Louis Vuitton. Đến năm 2007, ông được bổ nhiệm làm giám đốc truyền thông. Vai trò này giúp ông khởi động các chiến dịch "giá trị cốt lõi" cùng những tên tuổi quốc tế như Muhammad Ali, Angelina Jolie, Bono…

Năm 2008, Antoine Arnault được đề cử vào "Ủy ban Biên tập độc lập" tờ nhật báo lớn nước Pháp Echos. Sang năm 2009, ông có tên trong danh sách "Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu Honourees".

Năm 2011, nam doanh nhân cho ra mắt "Special Days". Chương trình nhằm truyền đạt chuyên môn, kỹ thuật tay nghề của LVMH. Nam doanh nhân tiếp tục lặp lại dự án này vào năm 2013, đồng thời tăng gấp đôi số lượng hội thảo, nâng tổng số lên 42 và mở cửa để công chúng tham dự. Mục đích nhằm chứng minh bí quyết, kỹ thuật sản xuất hàng xa xỉ được truyền lại từ những người thợ thủ công lành nghề cho thế hệ tài năng tiếp theo.

Từ năm 2011, Antoine Arnault đảm nhận vị trí giám đốc điều hành tại Berluti. Ông được giao nhiệm vụ cải tiến hãng giày da sang trọng thành nhãn hiệu thời trang nam cao cấp toàn cầu. Con trai tỷ phú Bernard Arnault mời nhà thiết kế Alessandro Sartori, đồng thời đầu tư khoảng 117 triệu USD nhằm mở rộng quy mô thương hiệu.

Dưới sự dẫn dắt bởi người đàn ông tài ba này, trong 3 năm, doanh số của Berluti từ khoảng 45 triệu USD tăng lên khoảng 130 triệu USD một năm.

Những người thừa kế kín tiếng (Kỳ 1):
Antoine Arnault và chị gái Delphine giúp đỡ cha phát triển tập đoàn ngày càng lớn mạnh. Ảnh: Business Insider.

Antoine được bổ nhiệm làm chủ tịch Loro Piana vào năm 2013. Việc này diễn ra sau khi công ty cha ông nắm quyền kiểm soát, mua lại 80% cổ phần của nhà bán lẻ cashmere sang trọng.

Tháng 6/2018, Antoine Arnault trở thành người đứng đầu mảng truyền thông và hình ảnh của LVMH. Ông chịu trách nhiệm quản lý mối quan hệ giữa tập đoàn với giới truyền thông và công chúng.

Mô tả về bản thân và chị gái Delphine, ông nói một cách đơn giản: "Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ. Chúng tôi được nuôi dạy bằng các giá trị thực tế để nhận thức tầm quan trọng của công việc và sự tôn trọng với mọi người".

Antoine Arnault hiện góp mặt trong ban giám đốc, trở thành thành viên hội đồng quản trị công ty cùng cha và chị gái Delphine.

Alexandre Arnault

Những người thừa kế kín tiếng (Kỳ 1):
Alexandre Arnault là con trai thứ ba của tỷ phú Bernard Arnault - người sở hữu tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH.

Dù có ít kinh nghiệm hơn hai anh chị Delphine và Antoine, Alexandre Arnault - con trai thứ ba của tỷ phú Bernard Arnault mới là người được truyền thông suy đoán là người kế vị LVMH tiềm năng nhất.

Lớn lên trong gia đình LVMH, Alexandre được tiếp cận với những người nổi tiếng và những ông trùm kinh doanh từ sớm.

Chàng trai 29 tuổi có mối quan hệ thân mật với những người nổi tiếng hàng đầu thế giới như David Beckham, Rihanna, Bella Hadid, Jay-Z,... Anh cũng quen biết với nhiều tỷ phú giới công nghệ như Jeff Bezos, Warren Buffett hay Evan Spiegel,...

"Alexandre rất giỏi xây dựng lòng tin bởi anh ấy giao tiếp với mọi người dựa trên sự trung thực. Tôi nghĩ rằng điều này rất có giá trị trong giới kinh doanh", tỷ phú công nghệ người Pháp Xavier Niel Spiegel nói về Alexandre.

Trong giới siêu giàu, một tình bạn được duy trì tốt có thể đem đến những thương vụ kinh doanh béo bở và ngược lại. Bằng chứng là nhờ mối quan hệ với Jay-Z, Alexandre đã môi giới giúp LVMH mua lại một nửa cổ phần thương hiệu rượu thuộc về rapper người Mỹ.

Năm 2016, Alexandre thuyết phục cha mình mua lại hãng vali Rimowa với giá 717 triệu USD. Ngay lập tức, anh gia nhập hội đồng quản trị thương hiệu với tư cách đồng CEO ở tuổi 24. Ở thời điểm đó, anh chỉ có 2 năm kinh nghiệm làm việc tại công ty tư vấn McKinsey và công ty đầu tư KKR.

Tuy nhiên rất nhanh sau đó, dưới sự lãnh đạo của Alexandre, giá trị Rimowa tăng trung bình 20%. Hãng tung ra loạt sản phẩm kính râm, ba lô mới và đồng thời mở thêm cửa hàng tại những thành phố đắt đỏ như New York, Berlin,...

Không dừng lại ở đó, nhờ cuộc đàm phán giữa Alexandre và Virgil Abloh - người sáng lập của hãng thời trang Off-White, hai hãng hợp tác ra mắt Off-White x Rimowa. Những chiếc vali nằm trong bộ sưu tập này có giá đến 1.200 USD tuy nhiên nhanh chóng bán hết chỉ trong vòng 1 tuần sau khi ra mắt hồi năm 2018.

Sau thành công ban đầu tại Rimowa, Alexandre được cha tin tưởng giao quyền tại Tiffany. Đây là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của LVMH, đồng thời cũng là thương vụ sáp nhập lớn nhất từng được thực hiện trong ngành hàng xa xỉ.

Ngoài ra, LVMH đang có kế hoạch dành toàn bộ nguồn lực quảng bá cho Tiffany trong thời gian tới, theo giám đốc tài chính tập đoàn Jean-Jacques Guiony. Điều này cho thấy Tiffany hiện đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đế chế vô vàn những thương hiệu xa xỉ mà LVMH sở hữu.

Nhà phân tích hàng hiệu Erwan Rambourg nhận định việc bổ nhiệm Alexandre làm phó chủ tịch điều hành Tiffany là dấu hiệu cho thấy Bernard Arnault coi trọng người con trai thứ ba như thế nào.

Tiffany có thể xem như một bài kiểm tra khó nhằn cho Alexandre. Trước khi được LVMH mua lại, hãng trang sức Mỹ đang lâm vào khủng hoảng khi có đến 45% doanh thu đến từ dòng trang sức giá trung bình, chỉ dưới 530 USD.

Hãng cũng không thu hút được nhóm khách hàng trẻ - vốn là những người sẵn sàng chi tiêu nhiều nhất cho hàng hiệu. Điều này đe dọa nghiêm trọng tới danh tiếng hãng trang sức xa xỉ lớn nhất thế giới.

Chỉ sau 6 tháng nhậm chức, Alexandre đã mang đến một làn gió mới cho Tiffany bằng phương thức truyền thông táo bạo nhưng mới mẻ và hiệu quả. Vị phó chủ tịch 29 tuổi chỉ đạo Tiffany hủy hợp đồng quảng cáo in hàng ngày trên tờ The New York Times sau hơn 30 năm để dồn tiền cho quảng cáo kỹ thuật số.

Tiếp đến, Tiffany gây tiếng vang lớn tại Lễ trao giải Quả cầu vàng hồi tháng 3 năm nay sau khi hợp tác cùng hai sao lớn Hollywood là Gal Gadot, Anya Taylor-Joy.

Không dừng lại ở đó, dưới sự dẫn dắt của Alexandre, hãng bổ nhiệm thành viên nhóm nhạc nổi tiếng BLACKPINK Rosé làm đại sứ toàn cầu - động thái giúp Tiffany tiếp cận gần hơn với thị trường châu Á sau một thời gian dài tụt hậu so với đối thủ Cartier.

Theo DDDN

Người thừa kế tập đoàn Samsung bị kết án 30 tháng tùNgười thừa kế tập đoàn Samsung bị kết án 30 tháng tù
Những người thừa kế tỷ USD trẻ nhất thế giớiNhững người thừa kế tỷ USD trẻ nhất thế giới
Người thừa kế đời thứ tư của LG phải trả hơn 630 triệu USD thuếNgười thừa kế đời thứ tư của LG phải trả hơn 630 triệu USD thuế