Những người “bắt bệnh” ông trời

19:51 | 05/11/2017

2,826 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đằng sau bản tin thời tiết cung cấp đến người dân mỗi ngày là vô vàn những khó khăn, cơ cực của những người làm khí tượng, thủy văn. Trong đó có 5 chàng trai đo thủy văn nơi thâm sơn cùng cốc bốn bề là sông núi, không điện, không nước, hay hai mẹ con làm khí tượng trên đỉnh đồi Chợ Rã (Bắc Kạn)...

Đo nắng, đong mưa nơi thâm sơn cùng cốc

Từ Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), phải mất hơn một giờ đồng hồ di chuyển bằng xuồng trên sông Năng, chúng tôi mới đặt chân đến Trạm Thủy văn Đầu Đẳng. Mặc dù trời nắng to, nhưng nhìn từ xa, trạm thủy văn như ẩn khuất trong màn sương bảng lảng. Ngôi nhà nhỏ được thiết kế theo kiến trúc giống như nhà sàn, bên dưới là các cọc chống bằng bê tông, phía trên là căn nhà nhỏ với 3 phòng chính.

Thuyền cập đầu trạm, phải khá khó khăn chúng tôi mới đặt chân lên “đất liền” vì không có lối lên. Thấy có khách, Trạm trưởng Nguyễn Huy Hoàng cùng các cán bộ tại trạm phấn khởi chạy ra đón, ai cũng nở nụ cười tươi rói. Nhìn cơ ngơi kiên cố cùng sự hồ hởi, lạc quan trên nét mặt từng người, ít ai có thể biết được họ đã và đang phải chống chọi với vô vàn khó khăn để làm tròn công việc.

Mặc dù có vị trí, vai trò rất quan trọng, không chỉ giám sát lượng nước của hồ Ba Bể mà còn phục vụ cho Nhà máy Thủy điện Na Hang - Tuyên Quang, thế nhưng ở đây hoàn toàn không có điện lưới quốc gia, không có hệ thống nước sạch mà phải sử dụng nước mưa. Trạm trưởng Trạm Thủy văn Đầu Đẳng Nguyễn Huy Hoàng cho biết, mỗi tháng trạm được cấp 20 lít xăng, lượng xăng này chỉ để phục vụ công tác chuyên môn. Khi nào bơm nước thì dùng bình ắc-quy để kích điện; chỉ những khi cần mở máy tính kiểm tra công văn, giấy tờ, phát bản tin thì mới dùng máy phát điện.

“Mọi thứ đều hết sức tiết kiệm, mỗi lần chỉ bật 10-15 phút, mỗi lần phát điện thì anh em phải tranh thủ sạc điện thoại, đèn pin... Điều kiện sinh hoạt của cán bộ rất khó khăn, mùa hè thì không có quạt, mùa lũ không thể dự trữ được thức ăn, còn việc xem tivi, thời sự hay nghe đài cũng rất hãn hữu”, Trạm trưởng Huy Hoàng tâm sự.

nhung nguoi bat benh ong troi
Hai mẹ con chị Tính trên Trạm khí tượng Chợ Rã

Cả trạm có 5 nhân viên, trong đó 4 người là thanh niên trẻ, chưa vợ. Nếu thời tiết bình thường thì mỗi ngày trực 4 ca: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ, còn những ngày lũ phải đo mực nước mỗi tiếng 1 lần và một người trực điện báo 24/24 giờ. Nhân lực mỏng nên mỗi khi lũ về, tất cả nhân viên của trạm đều phải căng sức để làm rất vất vả.

Quan trắc viên Nông Quốc Tuấn, dân tộc Tày cho biết: Những ngày lũ là những ngày vất vả nhất, ngoài việc trực ca thường xuyên, thì quan trắc thủy văn cũng gặp vô vàn khó khăn trên thực địa. Muốn đo được mực nước thì bắt buộc các cán bộ phải giữ thuyền vào dây cáp rồi kéo ra giữa sông trong cả những ngày lũ dữ.

Công việc vất vả, cực nhọc, đời sống của anh em cán bộ cũng đang gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Địa hình hiểm trở, việc đi lại khó khăn nên cứ 5 ngày, các cán bộ mới đi thuyền độc mộc lên chợ phiên mua đồ hoặc gửi nhờ bà con mua giúp. Đến mùa lũ không thể di chuyển được, anh em lại động viên nhau bằng rau rừng, mì tôm, đồ hộp…

Để phục vụ cuộc sống, những quan trắc viên tại đây cũng đồng thời trở thành những người nông dân, cuốc đất, trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà để cải thiện cuộc sống. Cứ chiều đến, xong công việc quan trắc, trong ngôi nhà của họ, mỗi người lại đảm nhiệm một việc, người nhóm bếp thổi cơm, người ra vườn hái rau, cho gà ăn. Khói bếp lan tỏa trong ánh chiều tà cùng tiếng gà mẹ cục tác, tiếng gà con chiêm chiếp, thi thoảng có tiếng chó sủa vang...

Vì ở nơi khó khăn và chiếm vị trí quan trọng nên trạm được xây kiên cố với 2 tòa nhà theo mô hình nhà chống lũ để mùa lũ nước dâng lên mấp mé sàn nhà thì họ vẫn đảm bảo thực hiện công việc. Nhìn cơ ngơi kiên cố là vậy nhưng vì lúc xây dựng chưa tính toán kỹ nên giữa hai nhà không có lối thông, ngày bình thường không sao nhưng mùa lũ thì “chịu chết”, muốn qua lại giữa hai nhà lại phải chèo thuyền. Bất tiện là vậy nhưng không có điều kiện để xây dựng, anh em tại trạm thủy văn lại tự làm cây cầu khỉ bằng tre nứa để nối giữa hai nhà, tiện đi lại mùa lũ. Qua vài đợt mưa, cây cầu khỉ ở độ cao gần chục mét trở nên ọp ẹp, thế nhưng các cán bộ nơi đây vẫn phải chọn cách đi trên chiếc cầu ấy mỗi khi mùa mưa lũ về.

Hai mẹ con trên Trạm khí tượng Chợ Rã

Rời Trạm thủy văn Đầu Đẳng, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với Trạm khí tượng Chợ Rã, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), đây là trạm khí tượng khá đặc biệt - chỉ có hai nhân viên đều là nữ và là hai mẹ con người dân tộc Tày.

“Có những hôm bão to, thuyền bị mắc gỗ chìm phải chặt dây cáp hoặc chặt “cá sắt” (dụng cụ thả ngầm để đo mực nước) để cứu thuyền rồi quay trở lại bờ lấy dụng cụ đo lại từ đầu. Dù có sự cố thì cũng phải đảm bảo một giờ truyền tin một lần”, quan trắc viên Nông Quốc Tuấn cho biết.

Phải đi bộ một đoạn khá xa, leo lưng chừng ngọn đồi mới thấy được gian nhà cấp 4 cũ kỹ, tềnh toàng nằm trên ngọn đồi khuất nẻo tại thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), là nơi chị Nguyễn Thị Tính đã gắn bó với nghề khí tượng hơn 25 năm nay.Tự nhận mình không có “khiếu” trong giao tiếp và cũng xúc động quá khi có người quan tâm đến công việc thầm lặng của mình, chị Tính cười nói: “Mình không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu nữa”, rồi quay sang đồng nghiệp, cũng là con gái chị tỏ ý “cấp cứu”. Cô gái nhỏ Ma Thị Minh Hảo nhanh nhẹn chỉ những máy móc trong phòng, giới thiệu về tính năng của từng chiếc máy. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được cùng tham gia một ca “ốp” (đo khí tượng) của mẹ con chị, chị vui vẻ nhận lời.

Nơi đặt các thiết bị quan trắc khí tượng nằm ngay trên đỉnh đồi, từ nhà lên trạm phải đi qua những bậc thang đất, dốc cao gần như thẳng đứng. Chúng tôi liên tục nhắc nhau phải cẩn thận bước từng bước nếu không rất dễ sảy chân. Ấy vậy mà đều đặn cứ 4 lần trong một ngày: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ chị Tính và con gái thay ca nhau lên trạm quan trắc, lấy dữ liệu để truyền về trung tâm. Nhiệm vụ chính của mẹ con chị là quan trắc mây, gió, nhiệt độ, độ ẩm để báo về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc và Bắc Kạn.

nhung nguoi bat benh ong troi
Các nhân viên trạm khí tượng Đầu Đẳng đang đo mực nước trên sông

25 năm gắn bó với nghiệp quan trắc, chị Tính không nhớ hết được những khó khăn, bao nhiêu lần đối mặt với nguy hiểm hay những giọt nước mắt sợ hãi, lo lắng trước sự khủng khiếp của thiên nhiên. Đối với chị, khó khăn là chuyện “như cơm bữa”. Chỉ cách đây vài tuần, trong ca “ốp” ban đêm, gặp đúng hôm trời mưa bão, đường trơn nên chị trượt chân ngã, lăn lông lốc từ đỉnh đồi xuống dưới chân đồi. Chị kể: “Hôm đó đo xong rồi, đang trên đường xuống thì bị ngã nhưng đến giờ phải truyền dữ liệu nên vẫn phải làm ngay, chuyển tin xong mới thấy mình đang rét run, quần áo rách lúc nào không biết, tay chân thì xước xát, rớm máu. Cũng may “mình đồng da sắt” nên chỉ bị chấn thương nhẹ, không có gì nguy hiểm”. Thế nhưng đồng nghiệp, cũng là con gái đứng cạnh đã nhanh nhảu “tố cáo”, dù không phải nằm viện nhưng đến giờ chị vẫn bị đau ê ẩm khắp người, hằng ngày vẫn phải dùng dầu xoa bóp.

Chứng kiến công việc của mẹ vất vả, nguy hiểm là vậy, nhưng cô gái Ma Thị Minh Hảo vẫn quyết định “nối gót” và trở thành đồng nghiệp của mẹ. Cô gái dân tộc Tày chia sẻ, chính vì được theo chân mẹ “đếm gió, đo mưa” từ nhỏ mà cô đã có niềm yêu thích nghề khí tượng. Hảo kể, ngày bé đi theo mẹ, thấy mẹ và các cô chú làm việc thì nhiều thắc mắc lắm, mọi người giải thích những việc đo gió, đo mây, đo mưa... khiến cô thấy công việc này rất thú vị. Khi lớn lên, đi học, hiểu được nguyên lý và các hiện tượng thì niềm thích thú ban đầu dần trở thành sự đam mê nghề nghiệp.

Khi Hảo ra trường cũng là lúc Trạm khí tượng Chợ Rã thiếu nhân lực, em được nhận về làm nhân viên hợp đồng, làm “đồng nghiệp” của mẹ. Dù chỉ mới thực sự trở thành nhân viên khí tượng được một thời gian ngắn, nhưng Hảo cũng đã có những kỷ niệm “để đời” với nghề. Cô kể, những hôm bão, thời tiết bất thường thì phải quan trắc 30 phút đến 1 tiếng 1 lần, cứ liên tục như vậy nên có hôm phải nhịn ăn, nhịn uống, thậm chí... nhịn cả chuyện vệ sinh. Nhưng sợ nhất là những đêm mưa bão và có dông sét, đã mấy lần đối diện với thời tiết nguy hiểm đó nhưng lần nào Hảo cũng thấy sợ. “Đêm mưa bão cách đây chưa lâu, lúc đó chỉ có mình em trực tại trạm. Cột gió cách mặt đất 12m nên rất hút sét. Hôm ấy, sét đánh vào cột gió rồi theo đường truyền về phòng làm việc, một số máy móc bị hỏng, điện thoại bàn cũng bị cháy, em phải lấy điện thoại di động gọi về trung tâm chuyển số liệu, vừa gọi cũng vừa nơm nớp lo bị sét đánh”, Hảo chia sẻ.

Chứng kiến mẹ làm nghề từ bé, Hảo cũng hoàn toàn hiểu những khó khăn khi phụ nữ theo nghề khí tượng. Đặc thù công việc luôn yêu cầu túc trực, chuyển thông tin liên tục nên việc cân bằng cuộc sống gia đình cũng khá vất vả. “Mẹ em đã phải cố gắng sắp xếp thời gian để cân bằng cuộc sống, có khi sau ca đêm phải về từ 5 giờ sáng nấu ăn cho cả nhà rồi lại tất bật lên trạm cho kịp giờ ốp lúc 7 giờ sáng. Thế nhưng đam mê vẫn là đam mê. Vất vả nhưng em vẫn thích làm nghề khí tượng”, Hảo chia sẻ.

Còn nhiều trăn trở

Công việc đòi hỏi trực, quan trắc liên tục và đều đặn trong khi nhân lực mỏng nên ở không ít nơi, các nhân viên quan trắc khí tượng, thủy văn hầu như không có ngày nghỉ.

Nằm giữa thành phố Thái Nguyên, căn nhà cũ kỹ, mang màu xám với lối kiến trúc từ những năm 80 dường như nổi bật giữa những căn nhà cao tầng mới xây dựng. Đó là Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, nơi làm việc của 5 dự báo viên khí tượng và thủy văn. Hiện nay, với 5 người chia thành 2 chuyên môn vừa khí tượng, vừa thủy văn. Mỗi ngày có 3 ca trực, mỗi ca trực cần có ít nhất một dự báo viên khí tượng và một dự báo viên thủy văn. "Như vậy, mỗi ngày cần có ít nhất 6 người trực thông tin dự báo, các nhân viên không có ngày nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ. Thế nhưng thông tin của chúng tôi vẫn mang tính cá nhân vì không có người để thảo luận theo đúng Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai là các bản tin trước khi phát hành đều phải qua khâu thảo luận", Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên Trần Quốc Hưng cho biết.

nhung nguoi bat benh ong troi

Tương tự, Trạm Thủy văn Đầu Đẳng hay Trạm Khí tượng Chợ Rã (Bắc Kạn) kể trên cũng rất khó khăn, khi mỗi cán bộ, nhân viên ngày nào cũng phải luân phiên nhau quan trắc, bất kể thứ Bảy, Chủ nhật hay ngày nghỉ lễ. Thế nên, những nhân viên khí tượng, thủy văn thường đùa nhau, đây là nghề không có ngày nghỉ. Kể cả ngày lễ, tết, khi mọi người quây quần bên gia đình, đi chúc tết thì những quan trắc viên này vẫn phải leo đồi lên đài khí tượng hay ra sông để đo mực nước, phục vụ công tác dự báo.

Thiếu nhân lực, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, công việc đòi hỏi kinh nghiệm và độ chính xác cao, thế nhưng những người đứng đầu các trạm cũng... đau đầu vì sợ sai luật. Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên Trần Quốc Hưng băn khoăn: “Nếu theo quy định của Bộ luật Lao động thì mỗi năm người lao động không được làm thêm quá 200 giờ. Tuy nhiên, quy định này không thể thực hiện được, nhất là đối với những người làm công tác khí tượng thủy văn ở vùng sâu, vùng xa lại thưa người”.

Để làm ra một bản tin dự báo thời tiết là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và công sức của những cán bộ quan trắc. Thế nhưng cũng có những khi bệnh ông trời khó bắt mà vì điều kiện khó khăn nên công tác dự báo vẫn có những sai số.

Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải cho biết, hệ thống trạm quan trắc hiện rất thưa, một trạm khí tượng chỉ có thể quan trắc được những gì xảy ra xung quanh bầu trời bán kính 10-20km trong khi ở nhiều nơi, các trạm này cách nhau từ 50-100km. Do đó, nhiều hiện tượng thời tiết xảy ra giữa 2 trạm quan trắc không quan sát, theo dõi được nên không thể dự báo chính xác.

Đơn cử như tỉnh Thái Nguyên có 9 huyện, thành thị, địa hình bị chia cắt mạnh, có cả đồng bằng, trung du và miền núi, với 2 con sông chính và hàng trăm hồ đập nhưng cũng chỉ có 2 trạm khí tượng và 2 trạm thủy văn. Đặc biệt, trên sông Công có hồ Núi Cốc (diện tích lưu vực 535km2, dung tích hồ 176 triệu m3 nước) chưa có trạm thủy văn nên rất khó khăn cho công tác cảnh báo dự báo lũ cho hồ.

Hay như tại Bắc Kạn, khoảng cách từ trạm khí tượng chợ Rã đến trạm gần nhất là ở thành phố Bắc Kạn cũng là 50km, còn đối với những vùng sâu, xa hơn thì khoảng cách còn xa hơn. Cùng với đó, đa phần máy móc làm việc tại các trạm hiện nay còn khó khăn, hệ thống máy tính, máy in, fax đa phần cũ kỹ, lạc hậu.

Diễn biến thời tiết hôm nay, ngày mai, trong tuần và thậm chí cả tháng ra sao là một trong những nhu cầu thường nhật của từng người trong xã hội hiện nay. Và người “giải quyết” nhu cầu ấy chính là những người làm nghề khí tượng thủy văn, chuyên dự báo về sự “đỏng đảnh” khó lường của trời đất - những người chúng ta vẫn gọi đùa là “Gia Cát Dự”. Thế nhưng, họ có một điểm chung, đó là dù công việc âm thầm, vất vả, gian nan đến đâu thì vẫn luôn nở nụ cười rất đỗi lạc quan và quan trọng là tình yêu nghề không hề bị lay động, đó là điều đáng quý nhất, đáng trân trọng nhất.

Nhà nước đã có quan tâm đặc biệt vùng sâu xa, tăng phụ cấp nghề dự báo viên, quan trắc viên ở vùng núi cũng có ưu tiên nhất định. Đối với vùng sâu xa, nhà trạm xuống cấp, xập xệ thì một số nơi đã được đầu tư xây mới. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn rất khó khăn.

Chính phủ ban hành Quyết định số 90 về Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia, trong đó tăng trạm khí tượng, đo mưa, phấn đấu đến năm 2030 là 10-15km một trạm. Bên cạnh đó, tăng cường các yếu tố tự động, tăng cường công nghệ dự báo hiện đại hơn cũng như mua siêu máy tính để xử lý thông tin dữ liệu, đồng hóa dữ liệu.

Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải cho biết, tương lai sẽ thành lập trạm tự động đo các yếu tố cơ bản mưa, độ ẩm, gió... kết hợp radar thời tiết, vệ tinh thì sẽ giảm bớt quan trắc viên, tập trung nhân lực và nguồn lực cho chất lượng dự báo, cảnh báo.

Tuy nhiên, giữa đòi hỏi và năng lực có khoảng cách. Hồng Kông mất 20 năm để hiện đại hóa hệ thống dự báo khí tượng. Mỹ cần 20 tỉ USD để làm mới lại hệ thống radar thời tiết nên cần có thời gian cũng như từng bước để có thể hoàn thiện.

An Yên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps