Nhóm 1% người giàu nhất “xả” CO2 gấp đôi 50% dân số thế giới

14:52 | 22/09/2020

160 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nghiên cứu mới của Oxfam cho thấy 1% số người giàu nhất thế giới gây ra mức ô nhiễm khí thải carbon lớn hơn gấp đôi so với một nửa số dân nghèo nhất thế giới, tương đương 3,1 tỷ người.
nhom-1-nguoi-giau-nhat-the-gioi-xa-co2-gap-doi-50-nguoi-ngheo-nhat
Vòi phun nước trên đường phố ở Baghdad, Iraq, nơi nhiệt độ lên tới 51 độ C vào tháng 7/2020. Ảnh: Ahmad Al-Rubaye/AFP

Nghiên cứu được Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển) thực hiện theo yêu cầu của Oxfam chỉ ra từ năm 1990 đến năm 2015, lượng khí thải carbon dioxide đã tăng 60%, và các quốc gia giàu có phải chịu trách nhiệm về việc làm cạn kiệt gần 1/3 ngân sách ứng phó với khí thải carbon của thế giới.

Chỉ 63 triệu người giàu nhất thế giới, tương đương 1%, đã chiếm 9% ngân sách carbon kể từ năm 1990. Điều này càng cho thấy tình trạng “bất bình đẳng carbon” ngày càng gia tăng, đồng thời làm chậm tốc độ giảm nghèo.

Oxfam cũng nói rằng ngân sách ứng phó khí thải carbon đang thu hẹp nhanh chóng của thế giới nên được sử dụng để cải thiện cho nhóm người nghèo nhất, đồng thời cảnh báo rằng việc tiêu thụ quá mức tràn lan và thói quen vận chuyển carbon cao của giới giàu đang làm cạn kiệt “ngân sách carbon” của thế giới.

Thời gian qua, mặc dù lượng phát thải carbon toàn cầu đã giảm mạnh do đại dịch Covid-19, nhiệt độ trung bình của thế giới vẫn đang trên đà ấm lên vài độ trong thế kỷ này, đe dọa các quốc gia nghèo và đang phát triển với hàng loạt thảm họa thiên nhiên.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 yêu cầu các quốc gia phải hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp hóa. Một số phân tích đã cảnh báo rằng nếu nền kinh tế toàn cầu ưu tiên tăng trưởng xanh, cùng với việc giảm ô nhiễm do dịch Covid-19, quá trình biến đổi khí hậu sẽ chậm lại đáng kể.

Tuy nhiên, lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, chỉ cần nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1 độ C như hiện tại cũng khiến cháy rừng càng thêm nghiêm trọng hơn và tần suất hạn hán, siêu bão xảy ra thường xuyên hơn trước.

Hoàng Mai