Nhớ những "Ngôi sao màu lửa"

15:00 | 30/04/2013

1,714 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có lần, anh ra sân bay đi công tác. Dù đã bỏ hết các vật dụng kim loại ra khỏi người, máy kiểm tra an ninh vẫn phát tín hiệu tít tít khiến nhân viên sân bay kinh ngạc nhìn anh. Phải đến khi người trợ lý đi cùng anh nói với cô nhân viên trẻ: “Chú ấy là thiếu tướng, Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, trong người còn 83 mảnh đạn”. Cô nhân viên tròn mắt, vội vàng xin lỗi... Vị tướng ấy, gần đây có cuộc trò chuyện với chúng tôi nhân dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 30/4/1975. Ngày mà 38 năm trước, anh đã lái chiếc xe tăng 817 cùng đồng đội thần tốc lao vào trung tâm Sài Gòn...

“Vui giải phóng, nhưng đâu còn đồng đội”

PV: 38 năm trước, anh cùng đại đội xe tăng của mình đang trên đường thần tốc. Ngày 29/4/1975 ấy chắc còn in sâu trong ký ức của anh?

Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên: Những ngày ấy tưởng như vừa mới hôm qua thôi. “Thần tốc” đến mức ở nhiều đơn vị, anh em dùng sơn và dùng cả… kem đánh răng để kẻ cho được khẩu hiệu “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng” lên thành xe tăng. Tôi đang ở Đại đội 9 do anh Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy thì bất ngờ nhận lệnh chuyển sang Đại đội 1, thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 273, đảm nhiệm mũi thọc sâu, thực hiện chủ trương cực kỳ táo bạo: “Dùng xe tăng địch đánh địch”.

Lúc này, 273 đảm nhiệm mũi tiến công quan trọng: Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy. Đêm 28/4, chúng tôi tập kết ở Củ Chi. Sáng 29/4, tôi bất ngờ được cử lái chiếc xe đầu tiên xuất kích hướng Tây Bắc, dẫn đầu đại đội gồm 8 xe. Thật vui sướng vì phải được tin tưởng lắm cấp trên mới giao cho mình nhiệm vụ ấy. Đặc trưng của chiến đấu xe tăng trong thành phố là vai trò của xe đi đầu, đi cuối rất nặng nề, cũng là hai vị trí nguy hiểm nhất nên thường phải chọn kíp xe giỏi nhất, gan dạ nhất.

Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên

PV: Sau cuộc chiến đấu của ngày 29 và 30/4/1975, các anh đã ăn mừng chiến thắng ra sao?

Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên: Ngày toàn thắng, niềm vui vỡ òa của cả dân tộc. Nhưng riêng tôi không được chứng kiến điều đó, đại đội tôi càng không được “ăn mừng”. Địch chống cự quyết liệt. Khi xe tôi qua Cầu Bông thì đã nhìn thấy địch bắn cháy mấy xe của ta nằm dưới ruộng. Trưa 29/4, chúng tôi tới thị trấn Hóc Môn, tôi dừng xe để bổ sung đạn mới biết trên xe lúc này không còn gì cả, từ thùng dầu phụ tới súng 12,7mm đều bị địch bắn bay hết. Chập tối 29/4 thì chúng tôi tới gần ngã tư Bảy Hiền, được lệnh dừng lại củng cố lực lượng.

Sáng hôm sau, mờ sáng, đại đội lại lên đường và tôi vẫn lái chiếc xe dẫn đầu, lao tới mục tiêu trước mắt là đánh chiếm ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả. Đến gần ngã tư, đạn địch xối xả. Chúng đốt một chiếc cháy ngùn ngụt cản đường. Quán triệt phương châm: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, tôi quan sát nhanh, nhìn thấy hai bức tường ven đường liền bẻ lái cho xe lao tới, mở đường cho đại đội vượt qua. Đi tiếp được một đoạn thì bỗng “rầm”, tôi tối tăm mặt mũi, ngất đi. Xe của tôi đã trúng đạn ĐKZ của địch.

Phải đến ba ngày sau, tôi tỉnh lại thì mới biết mình đang nằm trong bệnh xá tiền phương ở thị trấn Hóc Môn.

PV: Những ngày tiếp đó hẳn rất vui sướng vì anh được gặp lại đồng đội?

Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên: Không! Suốt mấy ngày liền không ai đến thăm tôi cả. Tôi buồn lắm. Lo lắng, bồn chồn không hiểu điều gì xảy ra. Mãi đến gần một tuần sau mới có duy nhất một người cùng đơn vị là anh Bùi Văn Ngọ đến thăm tôi. Nhìn thấy anh, tôi mừng quá, vội vàng hỏi ngay: “Anh Ngọ ơi, sao giờ anh mới tới? Sao không ai vào thăm em hả anh?”. Thấy anh im lặng, quay mặt đi, tôi giật tay thì anh mới nghẹn ngào nói: “Anh em hy sinh hết rồi em ơi! Còn ai nữa đâu mà thăm…”.

Cả đại đội tôi có 8 xe thì 5 xe bị bắn cháy trong buổi sáng 30/4 ấy. Đại đội trưởng, chính trị viên, trung đội trưởng, những người cốt cán nhất của đơn vị đều hy sinh! Chiếc xe tôi lái, khi tôi bị thương, được anh em khiêng ra, chiến sĩ khác vào thay, xe chạy tiếp được vài chục mét thì tiếp tục trúng đạn địch. Cả xe hy sinh không còn một ai. Tôi là người duy nhất còn sống sót trong 5 anh em thuộc kíp xe 817. Ác liệt thế, mất mát thế mà cách đây mấy năm, có kẻ lại còn đưa ra luận điểm rằng, có thể giải phóng Sài Gòn mà không cần nổ súng. Thật là hồ đồ, xúc phạm những người nằm xuống. Ai đó muốn nói, muốn tin như thế, hãy tới gặp tôi, hãy nghe câu chuyện đại đội tôi đây… (Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên nghẹn lời, ôm mặt khóc nức nở).

Khi ra viện với giấy chứng thương 83 mảnh đạn nằm rải rác trong người. Những ngày đầu trở về đơn vị, anh rơi vào tình trạng trầm cảm nặng bởi nỗi đau mất mát quá lớn, quá nửa đại đội hy sinh. Đến nỗi, khi bình xét công trạng, chính trị viên, đại đội trưởng, trung đội trưởng đều không còn, anh em cũng chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến thành tích của mình nữa.

Năm nào cũng vậy, ngày 30-4, anh thường thắp hương và ngồi lặng lẽ nhớ về anh em trong đại đội đã hy sinh, nhớ về những ngôi sao màu lửa trên tháp pháo đẫm sương đêm như nước mắt nhớ những chủ nhân đã ngã xuống. Bài thơ “Đại đội tôi” anh viết, có đoạn: “Theo chiến dịch liên miên, đến khi kết thúc/ Nhìn lại phía sau vắng một nửa “ngôi nhà”/ Vui giải phóng, nhưng đâu còn đồng đội/ Ngôi sao buồn trên tháp pháo đẫm lệ sương…”.

Để người lính hôm nay bớt đổ máu

PV: Cũng vào dịp kỷ niệm 30/4/2010, anh được giao trọng trách mới: Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Anh đã tập trung cho công việc gì nhiều nhất?

Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên: Khi được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm cương vị Tư lệnh Binh chủng, tôi đã suy nghĩ rất nhiều đến 6 chữ vàng truyền thống: “Đã ra quân là đánh thắng”. Chỉ 6 chữ thôi, nhưng để phát huy được điều đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Vì vậy, yêu cầu đặt lên hàng đầu lúc này vẫn là phải làm sao nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của Binh chủng!

PV: Để thực hiện được điều này thì đâu là những điểm nhấn, thưa anh?

Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên: Trong tổ chức, xây dựng lực lượng và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hiện nay phải linh hoạt, đổi mới, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và điều kiện tác chiến mới. Việc xác lập mô hình chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu là một ví dụ. Theo sách vở và theo mô hình của nước ngoài thì khi có báo động, quy định 3 phút, 5 phút… người lính xe tăng phải gói ghém tư trang, nổ máy lên đường, theo tôi cũng cần nhưng chưa… đủ! Nếu có chiến tranh xảy ra, chúng ta phải có chỉ đạo chiến lược, có dự báo, chúng ta sẽ cơ động xe tăng vào vị trí tác chiến một cách chủ động, đàng hoàng thì mới có thể chiến thắng chứ không thể chờ địch đến rồi mới cuống cuồng lên đường.

Ví dụ, khi địch nổ súng ở Đà Nẵng thì trước đó xe tăng của tôi đã cơ động đến vị trí cần tác chiến từ khi chúng còn ngoài xa. Xe tăng của chúng tôi sẽ rời doanh trại một cách bình tĩnh, chủ động chứ không bị động. Cao hơn nữa là cùng với cơ động, ta phải “cài thế chiến lược”. Thực tế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta cũng từng có rất nhiều sáng tạo.

Ví dụ như trong trận Làng Vây nổi tiếng, việc ta cho xe tăng bơi dọc sông Sê Pôn cơ động lên tham gia tiến công là táo bạo, chưa từng có trong lý luận. Việc đưa xe tăng vào chiếm lĩnh khu vực tập kết chiến đấu rất gần địch (khoảng 6km theo đường chim bay) nếu so với lý luận cho phép cách địch 30km. Nhưng chúng ta đã táo bạo và chúng ta đã chiến thắng.

PV: Xin cảm ơn anh!

Nguyên Minh (thực hiện)