"Được sống và trở về là điều quá may mắn và hạnh phúc"

08:08 | 27/07/2022

85 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là tâm sự của cựu binh Vương Khả Khai khi ông nhắc đến những người đồng đội của mình đã ngã xuống, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Suốt hơn 10 năm, cựu chiến binh Vương Khả Khai (84 tuổi, trú tại thôn Hanh, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã tự nguyện bỏ công sức, kinh phí, không quản ngại khó khăn, trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm và cung cấp thông tin giá trị cho thân nhân và các cơ quan chức năng về các phần mộ liệt sĩ, đồng đội. Qua đó, giúp nhiều gia đình quy tập, cất bốc người thân về quê an táng.

Được trở về là quá may mắn, hạnh phúc

Dù tuổi đã cao, sức yếu, lúc nhớ lúc quên, nhưng khi nhắc đến những năm tháng ở chiến trường, về những người đồng đội đã cùng vào sinh ra tử với mình, ông như trẻ lại, bừng bừng khí thế.

Được sống và trở về là điều quá may mắn và hạnh phúc - 1
Cựu chiến binh Vương Khả Khai trở về sau chiến tranh, bị mất sức hơn 80%.

Ông kể, tháng 2/1960, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn 216, Quân khu 4. Đơn vị của ông sau đó được phân công nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường Lào. Ông cùng đồng đội đã chiến đấu anh dũng trong các trận đánh quan trọng để giải phóng nhiều địa phương của Lào.

Khi đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, tháng 2/1962, ông được xuất ngũ. Đến tháng 4/1965, trong đợt tổng động viên để phục vụ chiến trường miền Nam, ông xung phong nhập ngũ, vào Trung đoàn 31, Quân khu 4, làm nhiệm vụ đào hầm, làm đường, nhà kho... ở nhiều mặt trận từ Hương Khê (Hà Tĩnh) cho đến đất bạn Lào. Gần một năm sau khi hoàn thành đợt huấn luyện đặc biệt, tháng 6/1967, ông và các đồng đội được "đi B dài" (vào chiến trường miền Nam chiến đấu lâu dài - PV).

"Được sống và trở về là điều quá may mắn và hạnh phúc"
Ông cùng người vợ cất giữ cẩn thận các thông tin về những đồng đội của mình.

Từ chiến trường Quảng Trị đến Quảng Nam, Đà Nẵng, ông Khai đã cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công. Trong những trận giao tranh ác liệt đó, ông đã không ít lần bị thương.

Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Khai trở về quê nhà sống cuộc đời bình dị bên gia đình, vợ con. Ông vinh dự được kết nạp Đảng trong chiến trường; được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ vẻ vang...

Đang hào hùng kể về những năm tháng chiến đấu ác liệt, bỗng ông khựng lại, rơm rớm nước mắt khi nhắc đến những người đồng đội đã hy sinh nhưng vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Thương tật đầy mình, mất sức khỏe đến hơn 80%, nhưng với ông được trở về đã là quá may mắn và hạnh phúc.

"Nhiều đồng đội tôi đã hy sinh và nay vẫn chưa tìm được phần mộ. Tôi luôn day dứt vì điều đó", ông Khải chia sẻ.

Đau đáu với những người đồng đội

Xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm của người còn sống đối với những đồng đội đã anh dũng hy sinh mà chưa tìm được mộ, năm 2000, ông Khai trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm, quy tập phần mộ liệt sĩ. Với đồng lương bệnh binh ít ỏi ngày ấy, ông dồn tất cả làm lộ phí đi đường để vào chiến trường xưa tìm đồng đội.

Chuyến đi đầu tiên ông vào Đà Nẵng, Quảng Nam là tìm kiếm phần mộ liệt sĩ Phạm Hùng Tiến (quê huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Tuy nhiên, sau bao năm, khung cảnh nơi đây đã thay đổi rất nhiều, việc tìm kiếm gặp muôn vàn khó khăn. Ông Khai mượn xe đạp của người quen, ngày ngày rong ruổi đến nhiều địa điểm để tìm kiếm, nhưng đều không có kết quả. Không nản lòng, ông tiếp tục liên hệ các cấp, ngành, đồng đội cũ và dò hỏi người dân địa phương nhờ hỗ trợ.

"Được sống và trở về là điều quá may mắn và hạnh phúc"
Cựu chiến binh Vương Khả Khai rưng rưng khi nhắc đến những người đồng đội của mình đã hy sinh nhưng chưa tìm thấy phần mộ.

Sau những lần thất bại, may mắn cũng đã mỉm cười với ông và đoàn tìm kiếm. Phần mộ liệt sĩ Phạm Hùng Tiến được phát hiện tại huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

"Lúc xác định được chính xác vị trí phần mộ của liệt sĩ Tiến, đồng đội tôi chỉ còn lại một nắm xương. Chứng kiến hình ảnh ấy, tôi đã không cầm được nước mắt. Nhưng đó cũng là niềm an ủi lớn lao đối với thân nhân của liệt sĩ. Với tôi thì cuối cùng cũng thực hiện được ước nguyện đầu tiên", ông Khai nghẹn ngào nhớ lại.

Sau lần tìm được phần mộ liệt sĩ Phạm Hùng Tiến, ông Khai tiếp tục nhiều lần đi vào Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, tìm kiếm, quy tập được thêm phần mộ của 5 đồng đội quê ở Hà Tĩnh và Hà Nam. Ngoài ra, ông Khai còn trực tiếp cung cấp nhiều thông tin quý giá về hàng chục phần mộ liệt sĩ, giúp nhiều gia đình tìm kiếm, cất bốc đưa người thân về quê nhà.

Mỗi chuyến đi tìm kiếm mộ liệt sĩ kéo dài 3-5 ngày, có khi đi cả tuần lễ mới trở về quê. Mỗi lần tìm được hay không tìm được mộ liệt sĩ trở về, ông Khai lại lặng lẽ đi xe đạp vượt hàng chục km đến các địa phương trong tỉnh để thông báo cho các gia đình biết, và thu thập thêm thông tin liên quan.

"Đồng đội của tôi hy sinh rất nhiều và nhiều người vẫn còn chưa tìm thấy. Nhưng nhiều năm nay, sức khỏe tôi đã yếu, không đi được nữa, chỉ mong các thế hệ sau này sẽ nối tiếp để tìm lại những người đồng đội của tôi", ông Khai chia sẻ.

Ông Bùi Văn Phương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạch Liên cho biết, ông Vương Khả Khai là một bệnh binh luôn tận tâm đi tìm kiếm, quy tập phần mộ đồng đội đã hy sinh. Hiện nay, mặc dù ông Khai rất mong muốn được tiếp tục công tác tìm kiếm, quy tập phần mộ liệt sĩ, nhưng vì tuổi cao, sức khỏe không cho phép, nên ông nhờ thế hệ sau tiếp nối truyền thống của cha ông, thực hiện công việc này để giúp người thân các liệt sĩ vơi bớt nỗi đau.

Theo Dân trí

Nghe người lính già kể chuyện giải phóng miền NamNghe người lính già kể chuyện giải phóng miền Nam
“Thư viện làng” của vị lính già“Thư viện làng” của vị lính già
Mùa thu Cách mạng trong ký ức "người lính già đầu bạc”Mùa thu Cách mạng trong ký ức "người lính già đầu bạc”