Bảo vệ quyền tác giả

Nhiều tác giả vẫn thờ ơ

07:00 | 11/07/2018

431 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc xâm hại quyền tác giả đã và đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, với nhiều hình thức tinh vi. Mặc dù đã có nhiều biện pháp mạnh tay, song công tác bảo vệ quyền tác giả vẫn còn quá nhiều bất cập.  

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã thụ lý, cấp 3.253 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, tăng 251 giấy chứng nhận so với cùng kỳ năm ngoái; cung cấp bản sao 18 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan cho các đơn vị, tổ chức theo yêu cầu trong xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; ghi nhận hoạt động của 5 tổ chức tư vấn, dịch vụ về quyền tác giả, quyền liên quan…

nhieu tac gia van tho o
Các tiết mục xiếc có được đăng ký bản quyền hay không? (Ảnh: Nghệ sĩ Quốc Cơ - Quốc Nghiệp biểu diễn)

Đặc biệt, Cục Bản quyền tác giả đã tiếp nhận, thụ lý 6 vụ việc khiếu nại, tố cáo vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan, đã giải quyết dứt điểm 5 vụ, 1 vụ đang trong quá trình giải quyết.

Bên cạnh đó, Cục Bản quyền tác giả cũng đã tiến hành rà soát hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và có ý kiến về dự thảo Điều lệ, biểu mức, thu và phân chia tiền nhuận bút, tiền thù lao, quyền lợi vật chất, thông tin quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức nhân sự lãnh đạo của trung tâm; có ý kiến đối với đề xuất của Hội Điện ảnh Việt Nam về đề nghị công nhận Ban vận động thành lập Hội Bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam…

Ngày 23-2-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ. Ngay sau khi Nghị định được ban hành, Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định tại Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và TP Hồ Chí Minh. Qua các hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, nghị định có chiều sâu trong thực thi quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với hệ thống các tổ chức đại diện tập thể. Có 6 điều trong nghị định có tác động mạnh về thực thi quản lý Nhà nước của Bộ VH-TT&DL đối với hệ thống các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc bảo hộ quyền tác giả vẫn cũng đang lộ ra những bất cập. Đơn cử, năm 2016, việc bức tranh của họa sĩ Lê Việt Hồng đăng trên Báo Văn nghệ Cà Mau giống bức tranh có tên “Tuyết mai” của danh họa Dương Bích Liên như “sao y bản chính”. Hay tháng 8-2017, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng đã bức xúc phản ánh bức ký họa “Khỏa thân 5” do ông vẽ năm 2012 đã bị họa sĩ Đàm Văn Thọ “chuyển thể” thành một tác phẩm khắc gỗ… Hay mới đây, câu chuyện “lùm xùm” của ngành xiếc cũng đang đặt ra dấu hỏi về việc các tiết mục xiếc có được đăng ký bản quyền tác giả hay không?

Bên cạnh đó, kể cả khi phát hiện ra các trường hợp vi phạm bản quyền, việc xử lý cũng không hề đơn giản, đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ thuật. Việc phân biệt tranh thật, tranh giả thế giới nhiều khi còn lao đao, trong khi tại Việt Nam, đến thời điểm này cũng chưa có “địa chỉ” thẩm định thường xuyên nào đủ tin cậy và uy tín. Mới đây, câu chuyện về tác phẩm của họa sĩ Đặng Tiến bị rao bán giá rẻ công khai trên mạng vào tháng 3-2018 lại khiến cho giới mỹ thuật và dư luận thêm một lần dậy sóng. Trước đó, vào năm 2016, họa sĩ Thành Chương đã tố cáo họa sĩ Tạ Tỵ vi phạm bản quyền, sao chép tác phẩm. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, họa sĩ Thành Chương chưa nhận được quyết định cuối cùng.

Chính vì vậy, một hệ thống pháp luật được hoàn thiện cùng với việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong bảo vệ quyền tác giả, xử lý nghiêm các vi phạm quyền tác giả, tuyên truyền nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong xã hội đã và đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Vương Thanh