Nhiều kiểu trộm cắp điện ở phía Nam

08:00 | 30/07/2015

10,165 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với thủ đoạn ngày càng tinh vi như đảo sơ đồ đấu dây, dùng máy tạo dòng, nam châm cực mạnh để can thiệp gây ảnh hưởng… nạn trộm cắp điện trên địa bàn miền Nam ngày càng phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý, thất thoát điện và đe dọa đến an toàn hệ thống điện.  

Thủ đoạn tinh vi

Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) quản lý địa bàn với 21 tỉnh, thành phố phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau, trừ TP HCM, có khoảng trên 6,3 triệu khách hàng. Theo ông Lâm Hoàng Phước, Trưởng ban Giám sát, kiểm tra mua bán điện, trong năm 2014, các công ty điện lực thành viên của EVN SPC đã kiểm tra phát hiện và lập 986 biên bản vi phạm trộm cắp điện, sản lượng điện năng bồi thường gần 3,5 triệu kWh điện với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng; đã xử lý thu được 912 vụ, với điện năng bồi thường 3 triệu kWh điện, tương ứng số tiền 875 triệu đồng.

Nhiều kiểu trộm cắp điện ở phía Nam
Câu móc điện trực tiếp

Các công ty điện lực thành viên của EVN SPC trong quá trình theo dõi, điều tra đã phát hiện ra nhiều thủ đoạn ăn cắp điện và bị xử lý như khách hàng tác động câu điện trực tiếp trước công tơ, không qua hệ thống đo đếm 245 vụ; can thiệp trực tiếp vào bên trong công tơ làm sai lệch hệ thống đo đếm 532 vụ; dùng thiết bị bên ngoài để đảo sơ đồ đấu dây, dùng máy tạo dòng, dùng nam châm cực mạnh để can thiệp tác động gây ảnh hưởng không đo đủ sản lượng điện năng qua hệ thống đo đếm 209 vụ. Các địa phương được phát hiện vi phạm nhiều nhất là Đồng Nai 260 vụ, Cần Thơ 122 vụ, Cà Mau 102 vụ…

Cụ thể đối với các khách hàng đã bị xử lý, tại Đồng Nai, khách hàng Lê Văn Đồng đã có hành vi trộm cắp điện bằng cách phá chì kiểm định, tác động vào bên trong công tơ làm sai lệch hệ thống đo đếm, sau đó niêm phong chì giả. Khi bị phát hiện, khách hàng này phải bồi thường số tiền 25,8 triệu đồng. Còn khách hàng Lê Trung Tín thì dùng máy tạo dòng tác động công tơ đo đếm, khi nhân viên điện lực ghi số điện năng tiêu thụ thì không đủ sản lượng điện năng. Bắt buộc khách hàng này phải bồi thường số tiền là 23,7 triệu đồng.

Nhiều kiểu trộm cắp điện ở phía Nam
Lấy cắp điện bằng hình thức đổi pha đầu vào công tơ và lấy nguội ngoài để sử dụng

Tại tỉnh Đồng Nai, một số hành vi trộm cắp điện nổi trội như khách hàng Nguyễn Thị Kim Thơ đã khoan lỗ công tơ, gây sai lệch lượng điện năng, phải bồi thường 32,83 triệu đồng. Còn khách hàng Trần Văn Thịnh thì lật nghiêng công tơ làm không đo đủ sản lượng điện năng, phải bồi thường số tiền là 30,66 triệu đồng.

Theo ông Lâm Hoàng Phước, Trưởng ban Giám sát, kiểm tra mua bán điện, EVN SPC, các hành vi trộm cắp điện đều là việc làm tiêu cực, tiềm ẩn trong nhiều hộ sử dụng điện. Đặc biệt, từ khi giá điện tăng, nạn trộm cắp điện diễn ra ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các đơn vị hữu quan chưa chặt chẽ, hình thức xử lý chưa mang tính răn đe, nhiều vụ trộm cắp điện có quy mô lớn nhưng chưa bị xử lý về hình sự... là những nguyên nhân khiến nạn trộm cắp điện ngày càng phức tạp và tinh vi hơn.

Khó phát hiện sai phạm

Cũng theo ông Phước, do địa bàn quản lý rất rộng, nên EVN SPC có quan điểm xem phòng chống là chủ yếu, trước tình hình vi phạm trộm cắp điện diễn ra nhiều và mức độ ngày càng tinh vi, EVN SPC đã và đang thực hiện các biện pháp quản lý nhằm ngăn ngừa phòng chống vi phạm góp phần giảm tối thiểu số vụ vi phạm. Cụ thể tại các công ty điện lực thành viên đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp trong công tác phối hợp kiểm tra, xử lý, tuyên truyền ngăn ngừa trộm cắp điện đến tận người dân, trên phương tiện thông tin đại chúng về các quy định pháp luật liên quan việc xử lý trộm cắp điện... nhằm ngăn chặn các phần tử xấu vì lợi ích riêng lấy tiền, xúi giục người thiếu hiểu biết để thực hiện hành vi trộm cắp điện.

Các công ty điện lực thành viên trên địa bàn cũng ký kết quy chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương như Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tại các điện lực đóng trên địa bàn thành phố, huyện, thị trấn: Dựa trên quy chế cấp công ty điện lực ký kết phối hợp và tuyên truyền.

Ngoài ra, các điện lực đều có bộ phận chuyên trách kiểm tra sử dụng điện, có đào tạo hướng dẫn về biện pháp phát hiện trộm cắp điện và trình tự xử lý theo quy định, cũng như tuyên truyền sử dụng điện đúng quy định và tiết kiệm. EVN SPC đã cấp các thiết bị phục vụ công tác kiểm tra phát hiện vi phạm trộm cắp điện. Đồng thời áp dụng các giải pháp truy cập dữ liệu từ xa để giám sát sử dụng điện.

Tuy nhiên, việc phát hiện nạn trộm cắp điện ngày càng khó khăn hơn, chế tài xử lý còn hạn chế, chẳng hạn như thời gian gần đây các hành vi vi phạm sử dụng nam châm khó phát hiện vì vật chứng vi phạm dễ phi tang và nam châm hiện nay cũng bán tự do trên thị trường. Ngoài ra còn hành vi phá chì kiểm định công tơ để điều chỉnh sai lệch hoặc thay thế bánh nhông truyền sau đó niêm chì lại (chì giả), chì giả giống như chì thật, ban đầu rất khó phát hiện.

Trưởng ban Giám sát, kiểm tra mua bán điện, EVN SPC Lâm Hoàng Phước cho rằng, việc phát hiện nạn trộm điện hiện nay rất khó, nhưng cái khó hơn là chưa có ràng buộc hoặc quy định cụ thể về nhiệm vụ phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, cấp quận, huyện trở xuống với đoàn kiểm tra của các công ty điện lực để thực hiện chứng kiến quá trình kiểm tra xử lý khách hàng trộm cắp điện. Hành vi vi phạm sử dụng điện ngày càng tinh vi; đặc biệt tình trạng sử dụng chì giả và nam châm điện ngày càng gia tăng. Một khó khăn nữa là việc khởi tố các trường hợp trộm cắp điện gặp trở ngại trong khâu giám định tư pháp, định lượng điện năng trộm cắp điện nhằm xác định tính chất và mức độ vi phạm để xử lý hình sự.

Một điểm khó khăn khác là theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì các vụ trộm cắp điện đối với khách hàng từ 20.000 kWh trở lên được chuyển hồ sơ để truy cứu trách hiệm hình sự, nhưng trong quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc. Điển hình như về phương pháp tính bồi thường sản lượng kWh điện lực căn cứ theo Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31-10-2013 quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện. Khi hoàn tất hồ sơ chuyển qua cơ quan công an tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan công an không đồng ý cách tính bồi thường của Thông tư 27 là 1 năm và điều tra lại xác định số ngày trộm cắp điện, cũng như thời gian sử dụng điện của thiết bị. Từ đó dẫn đến số kWh bồi thường thấp hơn theo cách tính của TT 27 và hoàn trả hồ sơ.

Hồ sơ vi phạm hành chính chuyển qua cơ quan có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt, nhưng thời gian xử lý quá lâu, trong khi đó khách hàng trộm cắp điện đồng ý đóng tiền bồi thường và phạt hành chính để cấp điện lại phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Theo quy định đóng tiền phạt hành chính xong điện lực mới được cấp điện, nên ảnh hưởng đến cả khách hàng và công ty điện lực.

Hiển Võ

Năng lượng Mới 443

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps