Nhạc Việt nên đoạn tuyệt với... nhục cảm?

13:47 | 15/06/2013

618 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng tác về đề tài tình dục trong nền nhạc Việt không bị ngăn cấm, nhưng vẫn nhiều người viết tránh xa đề tài này bởi để có một ca khúc ấn tượng là không hề đơn giản.

Trong bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào, việc đề cập đến vấn đề nhục cảm luôn là sự mạo hiểm. Bởi không khéo léo thì tác phẩm có thể bị phê phán và nhận “án trảm” bất cứ lúc nào. Với âm nhạc còn khó khăn hơn, khi ý tưởng chỉ được thể hiện qua giai điệu và ca từ. Ngay như trong phim ảnh, dù dễ dàng hơn trong chuyển tải ý tưởng nhưng khi đứng trước một tác phẩm tràn ngập nhục tính công chúng vẫn không khỏi chưng hửng bởi ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục thật khó phân định. Vậy nên khi đến với đề tài này, đòi hỏi chủ thể sáng tạo phải có sự khôn khéo, am hiểu sâu sắc về nghệ thuật... và tầm văn hóa nhất định.

Thực tế, âm nhạc Việt không nhiều những tác giả dám viết về vấn đề nhục dục. Hơn nữa, phông văn hóa người Việt khó chấp nhận những ca khúc đề cập đến vấn đề này, nên các tác phẩm rất dễ sa vào phản cảm bởi những ca từ thô tục và trần trụi.

Thằng Mõ đậm những ca từ nhục dục đã khiến Ngọc Đại một thời gian điêu đứng

 

Trường hợp gần đây nhất là của nhạc sỹ Ngọc Đại. Mặc dù, người nhạc sỹ này khăng khăng: Tôi phản cảm ở chỗ nào? Nhưng rõ ràng, với những ca từ như phóng tinh đi, giao hợp đi... Thậm trí là đề cập đến vấn đề tế nhị một cách trực diện như trong bài Cái nường 8x có những câu như: Bẹn ơi, mông ơi, háng ơi, nọn nường ơi... Những ca từ này ngay trong cuộc sống thường nhật cũng chỉ được nhắc đến trong những cuộc hội thoại bông đùa rẻ tiền. Vậy mà đưa vào âm nhạc thì rõ ràng là thô, là tục... và dĩ nhiên là không tạo được thiện cảm.

Hơn nữa, khi cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sỹ cần nắm bắt được thị hiếu của công chúng bởi sản phẩm của nghệ sỹ là để phục vụ công chúng. Đứa con tinh thần của anh mà không được đám đông đón nhận thì anh đã thất bại rồi. Những lấp liếm miệng lưỡi không thể cứu vãn bởi mọi sự đánh giá đã nằm ở tác phẩm.

Bởi thế cho nên, nền nhạc Việt có mấy người dám dấn thân vào đề tài này. Trước Ngọc Đại đã có cố nhạc sỹ Phạm Duy và sau này có Lê Minh Sơn, dám tuyên bố những sáng tác của họ vấn đề nhục cảm được đặt lên hàng đầu.

Phạm Duy được xem là một trong những người tiên phong sáng tác về nhục cảm trong âm nhạc, một thời những tác phẩm của ông cũng nhiều lắm những “tai tiếng”. Những ca khúc được ông sáng tác hoặc đặt lời Việt như: Đêm hôm đó, Nô lệ ái tình, Người tình bên gối, Tình tự ca...

Rất nhiều ca khúc nói về nhục cảm được Phạm Duy đề cập một cách trực diện, không né tránh hay dùng nghệ thuật biểu tượng nào. Tuy nhiên, công chúng vẫn thấy ở ca từ của Phạm Duy có những giai điệu thanh, mượt cần có.

Cố nhạc sỹ Phạm Duy là một trong những người tiên phong sáng tác về đề tài nhục tính

Nói về vấn đề nhục cảm trong âm nhạc, chính cố nhạc sỹ này cũng đã từng chia sẻ: “Trong cuộc đời, nếu không có nhục tính, nếu không có đàn ông hay đàn bà yêu nhau thì làm gì có cuộc đời?”. Nhưng ông cũng khẳng định: “Tôi viết nhạc về đề tài tình yêu, cốt lõi của nó là nhục tính. Tôi là một nghệ sỹ, tôi nói về cử chỉ ái tình nhưng đã đưa nó lên thành nghệ thuật”.

Tất nhiên, ai sáng tác cũng đều hướng đến phục vụ nghệ thuật, mỗi tác phẩm đều có giá trị tuyên ngôn cho nghệ thuật, nhưng thực sự có trở thành một tác phẩm nghệ thuật hay không lại là chuyện khác. Nên Phạm Duy cũng tỉnh táo khi quyết định không phổ biến những ca khúc đậm mùi nhục cảm của mình.

Theo dòng nhạc dân gian đương đại, Lê Minh Sơn cũng là gương mặt cá tính của nền nhạc Việt, và càng chịu mạo hiểm khi dấn thân vào đề tài nhạy cảm này. Lê Minh Sơn không ngại chia sẻ:  Âm nhạc của tôi đầy nhục cảm. Như để chứng minh cho tuyên ngôn này, những ca khúc của Lê Minh Sơn đã có những hình tượng:“Đồng em xanh mơn man. Cửa em xanh mùi nắng”, hay “Vườn em ngập nắng. Cửa em có hai con chim bồ câu hót bên cửa em thơm mùi nắng”. Những ca từ mãnh liệt là thế nhưng không bị cho là quá dung tục, bởi dù nhạy cảm nhưng ca từ được lựa chọn một cách chải chuốt, dễ thẩm thấu.

Bên ngoài những ca từ đó là ca ngợi vẻ đẹp của con người. Chính vị nhạc sỹ khó tính này thừa nhận:"Tôi là thằng rất bậy. Bài nào của tôi, yếu tố tình dục cũng được đặt lên hàng đầu. Nó rất là mãnh liệt". Tuy nhiên, Lê Minh Sơn vẫn khẳng định vấn đề chủ chốt ở đây là: "Viết một cách có văn hóa".

Thế hệ những tên tuổi không có nhiều. Còn thực tế những người viết trẻ thì tình trạng thừa những ca khúc thảm họa, nhàng nhàng nhau ở những tình cảm yêu đương quẩn quanh bế tắc. Đề cập đến vấn đề nhục cảm thì vừa thiếu số lượng vừa thiếu cá tính, thậm trí là không dám đụng đến lãnh địa này.

Vẫn biết, đề tài nhạy cảm trong sáng tác nghệ thuật là một điều cần có. Thậm trí, nếu có những "cái đầu" nghệ thuật thực thụ thì nó còn hứa hẹn cho ra đời những tác phẩm hay. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để đưa tác phẩm vượt lên cái nhục dục tầm thường không nên có ở nghệ thuật? Có một tác phẩm nghe được đã khó, để sống được trong lòng công chúng còn khó hơn nhiều.

Điều này chứng tỏ vì sao đề tài tình dục không bị ngăn cấm nhưng vẫn không có nhiều nhạc sỹ chịu dấn thân. Đến nay, những ca khúc hay, tác động được đến tâm hồn con người không nhiều.

Nghệ thuật phản chiếu cái đẹp và cái đẹp cũng luôn đi cùng với nghệ thuật. Thế nên nếu không có “nghề” thì người sáng tạo chỉ cho ra những sản phẩm lỗi. Với những ca từ trần trụi, chủ ý gây sốc thì lỗi là do người nghệ sỹ. Nếu không có một phông văn hóa và hiểu biết nhất định thì thay vì làm ra nghệ thuật lại chỉ đem đến những sản phẩm "rác" cho âm nhạc.

Nghệ sỹ - những người được tin tưởng để truyền tải thông điệp văn hóa đến với công chúng, cần nhìn nhận rõ tâm thế của mình để sáng tạo nghệ thuật. Mỗi sản phẩm nghệ thuật đều có những ảnh hưởng đến xã hội, nên chăng nếu chỉ là những ca từ thô tục, phản cảm... thì nhạc Việt nên đoạn tuyệt với đề tài nhục cảm?

 

Huy An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.