Nhạc sĩ Hoàng Long và những giai điệu khát vọng

08:43 | 09/11/2011

2,257 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chọn một hình ảnh đắt giá: lửa những người đi tìm lửa, cùng âm hưởng hào hùng, khỏe khoắn, ngợi ca mà rất mực chân thành, đó có lẽ là những lý do để "Hành khúc những người đi tìm lửa" được đánh giá là một trong những bài hát về ngành Dầu khí được nhiều người yêu thích nhất.

Sau 3 năm đồng hành cùng ngành Dầu khí, có mặt ở khắp các hội diễn, hội thi của ngành, "Hành khúc những người đi tìm lửa” đã gắn bó như hơi thở với những con người ăn sóng ngủ gió. Thật khó tin, nhạc sĩ Hoàng Long đã viết nhạc phẩm này khi chưa một lần ra thăm giàn khoan, chưa thực sự trở thành người nhà của ngành Dầu khí. Bài hát đã trở thành "bà mối” cho nhân duyên giữa nhạc sĩ và Petrovietnam.

PV: Có vẻ như anh rất có duyên với ngành Dầu khí, khi bài hát đầu tiên của anh mới ra đời đã được người dầu khí hưởng ứng nhiệt liệt và giờ đây dường như nó đã trở thành bài ca của người dầu khí?

Nhạc sĩ Hoàng Long: Bài hát “Hành khúc những người đi tìm lửa” là tôi được chính anh Đinh La Thăng đặt hàng. Anh Thăng lúc đó muốn có một bài hát biểu diễn trong ngày ra mắt Tập đoàn. Thật ra, lúc đó tôi chưa biết gì nhiều về dầu khí, đúng nghĩa là người ngoại đạo. Thời gian lại gấp. Anh Thăng đã đưa cho tôi tập tài liệu nghiên cứu. Tôi đọc ngấu nghiến, đắm chìm trong những câu chuyện sống động về những con người sống trên biển cả, bao quanh là nước và gió. Tôi nghĩ họ xứng đáng được tôn vinh. Bởi không phải ai cũng đủ nghị lực để sống một đời trên những giàn khoan như vậy cả. Cần rất nhiều đam mê. Cần tâm huyết. Và tôi đã viết “Hành khúc những đi tìm lửa” chỉ trong một đêm và hát thử cho mọi người nghe thì được chấp nhận. Sau đấy, thật may mắn là bài hát được nhiều người biết đến, các hội diễn của ngành khắp trong Bắc ngoài Nam đều biểu diễn.

Nhạc sĩ Hoàng Long

PV: Cá nhân mình, anh giải thích như thế nào về sự thành công của bài hát đầu tay về ngành Dầu khí này?

Nhạc sĩ Hoàng Long: Như tôi nói ở trên, là sự đồng cảm và hơn thế, tôi cho rằng bản thân những người làm nghề này đã là nguồn cảm hứng dạt dào và đầy hơi thở cuộc sống rồi. Một công việc đặc thù, một môi trường sống đặc thù, nên dễ tạo nên xúc cảm cho người sáng tác. Bên cạnh đó, phải ghi nhận sự quan tâm của lãnh đạo ngành. Nếu không có sự quan tâm sâu sát đến thế của lãnh đạo ngành đối với người lao động, có lẽ khó có thể tạo nên một đời sống tinh thần phong phú giàu xúc cảm đến thế. Sau đó tôi về công tác và sáng tác thêm một loạt những bài hát mới như: “Khúc ca thanh niên Dầu khí”, “PVC – ngọn lửa niềm tin”, “Xuân về Điện lực Dầu khí”, “Khúc ca công đoàn Dầu khí Việt Nam”, và hầu như hội thi, phong trào nào tôi cũng có bài. Trước đây, là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, giờ sang viết phong trào, cập nhật công việc lao động của người dầu khí, nhưng tôi nhận thấy, ở đây cũng có đất để viết, có đất để nuôi xúc cảm vốn là thứ sống còn của người sáng tác.

PV: Nổi tiếng là người có nhiều bài hát nhất về ngành Dầu khí, anh đã đi đến đâu, có những trải nghiệm thế nào để tạo nên những ca khúc với đầy đủ tinh thần của người dầu khí ở nhiều lĩnh vực khác nhau như vậy?

Nhạc sĩ Hoàng Long: Viết cho đoàn thanh niên thì phải thổi bùng lên ngọn lửa còn công nhân thì khác, chỉ viết về sự tận tụy trong công việc, âm nhạc của thanh niên nó sôi sục, mạnh mẽ, âm nhạc của công nhân thì có chút sâu lắng miên man.

Trước khi đặt bút viết ca khúc, tôi đều cố gắng đi đến tận từng các đơn vị, cùng ăn cùng sống với người lao động để tạo nguồn cảm xúc, mỗi nơi một khác, một đặc thù. Thật ra, nếu ở nhà đọc báo tìm hiểu tài liệu cũng đủ vốn, nhưng tôi không muốn viết nên những nốt nhạc khô cằn cảm xúc, nghe là biết bài đặt hàng, mà muốn nhuộm từng hơi thở cuộc sống lên mỗi phách nhịp, nếu đi đến tận nơi, cảm xúc sẽ khác, đứng giữa đất trời gió lộng, cảm xúc sẽ khác.

PV: Thực tế, sáng tác cho ngành không phải dễ, để có bài hát hay lại càng khó hơn. Kinh nghiệm nuôi dưỡng cảm xúc của anh là gì?

Nhạc sĩ Hoàng Long: Tôi nghĩ là có sự quan tâm của lãnh đạo ngành, yêu mến trân trọng những giá trị tinh thần. Điều đó tạo đà cho cảm xúc của người làm công tác văn hóa văn nghệ thăng hoa. Biết quý trọng giá trị tác phẩm, thì dễ ra được tác phẩm có chất lượng, chứ chỉ cần có bài để hát lên thì không được. Quá trình viết thì phải viết một tác phẩm chất lượng chứ không chỉ viết cho có. Đơn vị lớn như dầu khí cần những nhạc sĩ chuyên nghiệp, dân trí cao, đòi hỏi thưởng thức văn hóa cũng cao, tinh thần dầu khí cao.

PV: Vậy anh nhận xét như thế nào về văn hóa Dầu khí? Làm thế nào để thúc đẩy nhấn mạnh yếu tố văn hóa trong ngành Dầu khí?

Nhạc sĩ Hoàng Long: Tôi cho rằng, văn hóa có tính phong trào thường được hiểu theo chiều rộng nhưng vấn đề chiều sâu cũng cần phải được chú trọng ở một đơn vị lớn như Petrovietnam. Tức là phải đảm bảo về mặt chất lượng. Văn hóa Dầu khí phát triển đồng bộ là nhờ được quan tâm đúng mức, phong trào văn hóa văn nghệ được hưởng ứng, tạo sự phấn khích cho người lao động. Công tác đoàn thể đối với một đơn vị nếu được tổ chức đồng bộ, người lao động sẽ rất phấn khởi, đời sống tinh thần được quan tâm thì người lao động càng gắn bó. Người dầu khí là người lao động có chất lượng. Công tác đoàn thể ở đơn vị từ bé đến lớn rất quan trọng. Phong trào không được chăm sóc thì người lao động làm sao yên tâm cống hiến. Họ được hát, được chia sẻ cuộc sống của mình trên sân khấu, được thể hiện bản thân trên sân khấu, đây là điều nên duy trì, ủng hộ để tạo nên một cơ thể khỏe mạnh, tạo nên sự hăng say lao động.

PV: Theo anh, phải làm gì để có những bài ngành ca được đón nhận như một sản phẩm độc lập?

Nhạc sĩ Hoàng Long: Viết phải có người hát, người hát thì phải có phong trào mới hát, nhạc sĩ có ca khúc được nhiều người thể hiện cũng là môït phần thưởng cao quý. Trong các đơn vị để có những màu cờ sắc áo riêng, bản sắc riêng, cần phải quan tâm đến từng tiểu tiết một.

Nhưng trước hết, những sáng tác đó phải phản ánh chân thực cuộc sống, lao động và tinh thần say mê sáng tạo, phát huy khoa học kỹ thuật của những người đi tìm lửa đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của ngành, của đất nước…

PV: Xin cảm ơn anh!

Thái Linh (thực hiện)