Nhạc sĩ Hoàng Lân: Định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho trẻ là rất cần thiết

06:00 | 09/07/2011

1,280 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhìn toàn cảnh thị trường âm nhạc hiện nay thì có lẽ nhạc cho thiếu nhi chỉ là một dấu chấm nhỏ điểm xuyết trong bức tranh sôi động ấy. Ca khúc dành cho các em không có nhiều bài hát mới, đặc biệt thiếu vắng những bài hát hay, có chất lượng. Nhạc sĩ Hoàng Lân (N.S Hoàng Lân) – Trưởng ban Sáng tác thiếu nhi của Hội Âm nhạc Hà Nội đã có một cuộc nói chuyện cởi mở với Năng lượng Mới về thực trạng âm nhạc cho thiếu nhi hiện nay.

PV: Thưa ông, đã vài năm nay không hề thấy vang lên một ca khúc hay dành cho thiếu nhi. Là một trong những nhạc sĩ hàng đầu ghi dấu ấn trong việc sáng tác cho thiếu nhi, xin ông cho biết nhận xét của mình về thực trạng ca khúc thiếu nhi hiện nay?

N.S Hoàng Lân: Cách đây hơn 1 tháng, Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương phối hợp với Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức Hội thảo “Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay – thực trạng và giải pháp”. Có thể nói cuộc hội thảo này như một hồi chuông gióng lên cảnh báo trước tình trạng quá vắng bóng ca khúc dành cho thiếu nhi. Ca khúc cho nhà trường và ca khúc cho thiếu nhi tuy hai mà một, bởi nhà trường sẽ là nơi giáo dục, tuyên truyền những ca khúc cho các em thường xuyên và hiệu quả nhất. Có thể nói trước năm 2000 đã có rất nhiều ca khúc hay dành cho thiếu niên, nhi đồng như: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng” – nhạc sĩ Phong Nhã; “Em là bông hồng nhỏ” – nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; “Bác Hồ, người cho em tất cả” – nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân; “Trái đất này là của chúng mình” – nhạc sĩ Trương Quang Lục… Nhưng từ sau năm 2000, những ca khúc dành cho thiếu nhi có giá trị, chất lượng và để sống cùng năm tháng là rất ít. Hiện nay thiếu những ca khúc chất lượng, có sức lan tỏa sâu rộng. Hay nói ví von bài hát như những đôi cánh, làm sao để có nhiều đôi cánh đẹp, có sải cánh rộng, bay được đi xa, chứ hiện nay cánh bay còn quá yếu. Có những bài được hát tại một vài hội diễn nhưng lại bị lãng quên ngay chỉ sau một thời gian ngắn, hoặc có trường hợp ca khúc không hay, hát một vài lần các em đã tỏ ra không còn hứng thú. Đó cũng là nhận xét chung của những người quan tâm đến lĩnh vực này.

Nhạc sĩ Hoàng Lân

PV: Hiện nay, các em đang trong giai đoạn trưởng thành, không còn hát những bài thiếu nhi, mà thay vào đó là nhạc trẻ. Nhưng thị trường nhạc trẻ đang phát triển rất lộn xộn, chúng ta phải làm gì để cách nghe, cách hát của các em không lệch lạc một chiều?

N.S Hoàng Lân: Sáng tác cho các em ở lứa tuổi này rất khó, bởi các em đã qua độ tuổi hát những bài hát hồn nhiên của thiếu niên, nhi đồng, việc các em tiếp cận, nghe và hát những ca khúc tình yêu của người lớn là điều khó tránh. Và hiện nay ca khúc cho tuổi hồng là thật sự cần thiết bởi thị trường âm nhạc dành cho giới trẻ với chủ đề tình yêu, cuộc sống, yêu đương hờn giận được diễn tả trong các ca khúc với ca từ cộc lốc, nhảm nhí. Đặc biệt, bây giờ gần như không có các bài hát tập thể mới, có tính cộng đồng dành cho các em.

Đời sống xã hội thay đổi, các phương tiện thông tin rất phong phú so với trước đây, lứa “tuổi hồng” thường nghe nhạc trên các website, chỉ cần một cái nhấp chuột là các em có thể thưởng thức đủ các thể loại âm nhạc: rap, dance, pop, nhạc trẻ thị trường…, thậm chí cả nhạc chế. Nhưng nhạc dành cho đúng lứa tuổi gần như không bao giờ được các em lưu tâm.Vì thế, nếu không có sự định hướng, giới trẻ sẽ tiếp nhận một cách xô bồ, không biết hay dở thế nào, tạo ra một hiện tượng nghe tạp, láo nháo.

Làm sao để giáo dục và định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho giới trẻ là một vấn đề, nan giải, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Muốn làm được điều này cần phải có sự vào cuộc chung từ nhiều góc độ, và phải trở thành trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đó là những biện pháp cụ thể ở tầm vĩ mô, từ cấp cao nhất là Nhà nước, các cơ quan quản lý, giáo dục đến nhà trường, gia đình; đặc biệt tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. Định hướng từ trên xuống là rất quan trọng, qua đó các phương tiện truyền thông có định hướng tốt, trên truyền hình, phát thanh đưa gì hay, chuẩn sẽ tạo định hướng tốt cho các em.

PV: Ông có thể kể một vài dẫn chứng cụ thể về gu thẩm mỹ âm nhạc còn non kém của các em?

N.S Hoàng Lân: Tôi nhớ trong một Hội diễn văn nghệ toàn quốc, có em hát bài “Ngẫu nhiên” của Trịnh Công Sơn: “Mệt quá thân ta này. Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi. Mệt quá thân ta này. Nằm xuống với đất muôn đời…”. Tôi cho rằng, các em còn quá trẻ để hát những bài triết lý, suy ngẫm về thân phận con người thế này. Không những thế, bài hát này được chọn đi dự thi Hội diễn văn nghệ toàn quốc. Bài hát này khá hay, dàn dựng trình diễn tốt nhưng hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi. Những bài hát khác như “Bóng cây Kơnia”, “Xa khơi”… cũng là quá sức với các em. Cũng không thể trách được, bởi các ca khúc dành cho “Tuổi hồng” rất ít lại không hay khiến các em rất khó chọn ca khúc phù hợp với lứa tuổi để hát.

PV: Chung quy lại, điều cốt lõi trước mắt hiện nay là cần phải có những tác phẩm hay, theo ông những yếu tố nào tạo nên một tác phẩm đến được với đông đảo công chúng?

N.S Hoàng Lân: Muốn có tác phẩm hay cần có nhiều yếu tố như sáng tác hay, biểu diễn cuốn hút, và sau đó là quảng bá tuyên truyền qua Đài Truyền hình, Đài Phát thanh, các câu lạc bộ thiếu nhi, nhà trường. Nhưng hiện nay không có đội ngũ sáng tác như trước đây, một đội ngũ chuyên tâm, có người dành cả cuộc đời sáng tác ca khúc cho thiếu niên, học sinh, về mái trường. Bây giờ chỉ thấp thoáng, sáng tác vu vơ, thiếu sự đầu tư, tập trung và không có chất lượng tốt.

Đồ rê mí - một chương trình yêu thích của thiếu nhi

Sáng tác cho thiếu nhi tưởng là dễ nhưng lại khó. Nhạc sĩ muốn sáng tác phải hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em, gắn bó với thiếu nhi. Thế hệ các em bây giờ khác trước về tư duy, suy nghĩ, cảm nhận nên không thể sáng tác như trước đây, phải có sự đổi mới. Bên cạnh đó, có một vấn đề là khi đã sáng tác ra ca khúc nhưng đầu ra tiêu thụ khó khăn. Âm nhạc khác với các thể loại khác, như văn thơ thì xin giấy phép rồi đi in ấn, còn âm nhạc là cả một quá trình với nhiều khâu mới đến được với công chúng: sáng tác, sau đó tìm ca sĩ biểu diễn, tốp hát, hòa âm phối khí, thu thanh. Và tất nhiên kinh phí cũng không thể là nhỏ. Mà cứ để mặc nhạc sĩ phải tự thân vận động thì đương nhiên là rất khó.

PV: Vậy là, do không có những chế tài đãi ngộ xứng đáng nên các nhạc sĩ lần lượt bỏ sân chơi này?

N.S Hoàng Lân: Tôi từng sáng tác nhiều bài hát thiếu nhi được đưa vào tuyển tập và nhận… 50 nghìn đồng nhuận bút cho mỗi bài hát được in. Nên việc nhạc sĩ trẻ không mặn mà với việc sáng tác ca khúc nhà trường cũng là điều dễ hiểu, nhất là khi nhạc thị trường viết nhanh mà kinh tế hơn. Bài hát đã ít, việc phổ biến cũng không được quan tâm. Hàng năm, Hội Nhạc sĩ vẫn trao giải cho bài hát thiếu nhi nhưng phổ biến ca khúc thì không có trách nhiệm cụ thể của ai. Trong khi đó, tác giả làm sao phổ biến được. Đài Phát thanh là nơi chuyển tải ca khúc cũng không giúp gì nhiều cho nhạc sĩ. Hơn nữa, hiện nay có tình trạng, nếu tác giả gửi ca khúc dạng bản nhạc đến thì việc phát là điều hy hữu. Nếu muốn nhanh, ngoài chất lượng, tốt nhất tác giả hãy tự bỏ 5 triệu đồng thu đĩa rồi hẵng gửi.

PV: Ông còn điều gì muốn chia sẻ với bạn đọc Năng lượng Mới?

N.S Hoàng Lân: Năm nay, tôi thấy một điều đáng báo động khi tỉ lệ học sinh thi vào các ngành xã hội nhân văn bị áp đảo so với ngành kinh tế. Ngành kinh tế có đến hàng nghìn bộ hồ sơ, trong khi ngành xã hội nhân văn chỉ vỏn vẹn vài chục bộ. Điều này cũng được lý giải một cách dễ hiểu bởi thời buổi kinh tế thị trường, người ta lao vào kinh tế để bươn chải kiếm sống. Thế nhưng, con người vốn luôn tồn tại thế giới vật chất và tinh thần. Cái gì mất cân bằng cũng là điều không tốt và gây hậu quả xấu về lâu dài. Thiên về kinh tế, vật chất, trước mắt tưởng như không có vấn đề gì, nhưng về sâu xa, lâu dài lại là điều đáng báo động. Bởi, xã hội nhân văn sẽ khiến cho con người hiểu giá trị cuộc sống, ngoài cơm áo gạo tiền còn rất nhiều điều đáng trân trọng, từ đó tâm hồn mỗi người cũng được phát triển một cách hài hòa và xã hội cũng sẽ tốt đẹp hơn.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.