Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng: Phát triển văn hóa, vai trò của học giả rất quan trọng

11:22 | 15/03/2015

2,915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cúng sao giải hạn thuộc tín ngưỡng dân gian của Đạo giáo nhưng đang diễn ra rầm rộ trong các chùa chiền, cùng với đó là nhiều hoạt động văn hóa từng bị phê phán từ các triều đại phong kiến trước thì đến nay được phục hồi và cổ súy rầm rộ, đang tiến dần đến ngưỡng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… Nhiều người đang nhầm lẫn hay cố ý nhầm lẫn trong chủ trương giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, là nỗi đau đáu của nhiều học giả. Phóng viên Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa (NNCVH) Huỳnh Ngọc Trảng xung quanh thực trạng văn hóa nước nhà hiện nay.

Năng lượng Mới số 404

Hướng đến giá trị thiêng liêng

PV: Ông có thể giải thích vì sao hiện tượng lễ cúng sao giải hạn đang diễn ra rầm rộ trong các nhà chùa hiện nay?

NNCVH Huỳnh Ngọc Trảng: Từ ngàn xưa trong nhà Phật đã có lễ cầu an cho người sống và cầu siêu cho người đã khuất. Tuy nhiên, hiện nay trong các nhà chùa, nhất là vào dịp Rằm tháng Giêng thì lễ cúng sao giải hạn diễn ra rất nhiều nhưng tín ngưỡng của Đạo giáo này không nằm trong giáo lý nhà Phật. Ba năm trở lại đây, vào tháng Giêng, nhiều nhà chùa ở TP HCM tiến hành cúng Phật Dược sư (còn gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, với đầy đủ tín - nguyện - hạnh và niệm đến nhất tâm, người niệm sẽ được phước báo vô lượng, tiêu trừ tất cả bệnh khổ, thân tâm an lạc…) phù hợp với nhà Phật, có lẽ nhằm thay thế dần tục cúng sao hội  trong nhà chùa.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng

Còn cúng sao là một hình thức tín ngưỡng dân gian, năm nào ai bị hạn ngôi sao nào thì cúng giải. Khi người ta có hạn nào đó thì có lễ cúng sao cá nhân từng gia đình. Ngày đó - tháng đó - năm đó bị mắc sao nào cúng sao đó. Sau này có lễ cúng sao tập thể ở đình miếu, sau đó thâm nhập vào nhà chùa. Bây giờ cúng sao chủ yếu cầu an cho bản thân. Ai muốn thì cúng. Bây giờ người ta cầu cúng đủ thứ, các cơ sở tín ngưỡng tổ chức thành dịch vụ quy mô và tất nhiên là có thu tiền.

PV: Nhà chùa bây giờ đều có lịch cúng bài bản, kèm lời “quảng cáo” để chúng sinh sắp xếp thời gian đến cúng kiếng, nghe có lời PR để kinh doanh một mặt hàng. Ông nghĩ thế nào về việc này?

NNCVH Huỳnh Ngọc Trảng: Trên thực tế nhà chùa nào cũng có đăng ký cầu an, cầu siêu. Phật tử đến đăng ký rồi đóng tiền cho nhà chùa. Đứng trên mặt tôn giáo tín ngưỡng thì không thể nói được vì đây là niềm tin của tín đồ Phật tử, tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác, cách làm của nhà chùa mang tính chất kinh doanh có quy mô. Nhưng ba năm trở lại đây cũng không phê phán được khi đây là niềm tin tôn giáo tín ngưỡng của bá tánh vì họ cúng Phật Dược sư chứ không phải cúng sao giải hạn của Đạo giáo. Trên thực tế có chùa cúng và có chùa không cúng. Và như tôi biết thì có những ngôi chùa phê phán chuyện đốt vàng mã trong chùa.

PV: Có thực tế rằng, chùa chiền ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam có khá nhiều khác biệt. Và tại sao chùa ở miền Bắc cúng và đốt vàng mã rất nhiều, khác với các ngôi chùa trong Nam, thưa ông?

NNCVH Huỳnh Ngọc Trảng: Do đặc điểm lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng để lại, chùa ở miền Bắc có đặc điểm là tiền Phật - hậu thánh (thờ mẫu Thoải, mẫu Thượng Ngàn…), dung nạp tín ngưỡng dân gian vào nhà chùa. Ở trong Nam một số chùa có thờ Quan Công và thờ Bà/nữ thần nhưng vị trí không quan trọng. Tuy nhiên, chùa ngoài Bắc, người dân đến cúng Phật và thờ Thánh, có cả lên đồng trong một số chùa. Do đó, tín ngưỡng dân gian lấn át. Trong khi Đức Phật là đấng giác ngộ và không ban phước, giáng họa cho ai cả mà chỉ cho ta con đường tự giác ngộ bản thân mà thôi. Chứ không phải đấng chí tôn như Trời trong tín ngưỡng. Và Thánh thì ban phước, giáng họa mà người dân chủ yếu cầu ban phước, điều may… nên chúng ta thấy vì sao không gian, không khí người dân đi chùa chiền ở miền Bắc khác ở miền Trung và miền Nam. Nhưng chính hoạt động cầu cúng, cầu an, cầu phước, cầu lộc, cúng sao của tín ngưỡng dân gian ấy đã đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhà chùa. Và đây là nguồn thu quan trọng cho nhà chùa tồn tại. Hai vấn đề có mối quan hệ hữu cơ với nhau.

Còn nếu nhà Phật chỉ tu theo chánh tín để chúng sanh tự giác ngộ thì không dễ và không nhiều. Thực tế, người dân đến nhà chùa cầu xin nhiều hơn là để mưu cầu giác ngộ. Tuy nhiên, trong chùa Phật, đều có thờ Quan Âm Bồ Tát và Địa Tạng. Đức Quan Âm - độ sinh có chức năng cứu khổ cứu nạn, có công năng phù hộ cho người sống tránh khổ nạn. Một bên là Địa Tạng là độ tử, để Phật tử cầu siêu cho ân nhân, người thân của mình được siêu thoát. Thực sự Phật giáo chỉ có giác ngộ bản thân, còn giờ cúng kiếng nhiều thứ như thế được nhà chùa gọi là “Dĩ huyễn độ chơn”, dùng huyễn hoặc để độ chúng sanh, đưa chúng sanh vào con đường chánh pháp nhưng sự thật thì rất khó thực hiện. Cuối cùng, phần “huyễn” hiện ra rõ rệt, còn chơn pháp - chánh pháp thì mờ mịt quá. Nói lý thuyết thì đúng nhưng để thực hành thì rất khó vì khi “Dĩ huyễn” thì lắm khi chúng sanh đã đắm chìm trong huyễn hoặc rồi.

PV: Nghĩa là từ xưa đến giờ, Phật giáo đã dùng phương tiện “Dĩ huyễn độ chơn” để độ chúng sanh nhưng có bao giờ chúng sanh tin vào niềm huyễn hoặc nhiều như bây giờ không thưa ông?

NNCVH Huỳnh Ngọc Trảng: “Dĩ huyễn độ chơn” tồn tại từ xưa đến giờ, tuy nhiên ngày nay cái phần huyễn hoặc trở thành niềm tin của chúng sinh có lẽ do xã hội bị khủng hoảng niềm tin nhiều quá. Khi người ta gõ vào cánh cửa cuộc đời để mưu cầu điều cần thiết một cách chân chính mà không được thì phải gõ vào những cánh cửa khác. Chính cái bất công đó làm những người chân chính nhất cũng mất niềm tin vào xã hội. Ngay bản thân một số quan chức cùng vợ con đi cầu cúng rất nhiều, đó cũng chính là biểu hiện sự khủng hoảng về niềm tin.

Người dân đi chùa vào dịp Rằm tháng Giêng (âm lịch)

PV: Sau thời kỳ đổi mới, chúng ta chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc? Ông thấy rằng chủ trương này giữa lý thuyết và thực tiễn đã phù hợp?

NNCVH Huỳnh Ngọc Trảng: Muốn phân tích vấn đề này, phải nhìn nhận vào hai việc. Thứ nhất, sau năm 1975, cổ súy xây dựng một lối sống mới, nếp văn hóa mới, nền văn hóa mới. Xuất phát từ chủ nghĩa hư vô về truyền thống, cho rằng cái gì thuộc về truyền thống ấy là lạc hậu, là sản phẩm của phong kiến, đế quốc… sau này chủ trương quay về giá trị truyền thống; nhưng khổ là trở về truyền thống một cách vồ vập, không chọn lọc khiến chúng ta đi từ tình trạng bất cập đến thái quá. Những hủ tục lạc hậu, hình thức mê tín dị đoan, cúng kiếng đủ thứ… nương vào danh nghĩa bản sắc văn hóa, truyền thống văn hóa trỗi dậy như âm binh.

PV: Thưa ông, có cảm giác rằng, hiện nay mọi người đi chùa chiền, đình, miếu hướng đến giá trị linh thiêng là chính?

NNCVH Huỳnh Ngọc Trảng: Đúng là ở xứ mình, trong xã hội ngày nay người ta hướng đến giá trị linh thiêng chứ không phải giá trị thiêng liêng. Trong khi nhu cầu tâm linh là nhu cầu hướng thượng, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ, hướng đến giá trị thiêng liêng, làm cho con người thoát khỏi thân phận bầy ong, con kiến… Trong xã hội ngày xưa thì giá trị linh thiêng là chủ đạo, quy luật vũ trụ chi phối khi con người chủ yếu làm nông nghiệp, lệ thuộc vào sự chuyển vần của tứ thời bát tiết, tự nhiên chi phối con người và con người sống như là mô phỏng ý đồ của vũ trụ nên con người dựa và tin vào giá trị linh thiêng… Còn xã hội đương đại thì quy luật xã hội chi phối, chúng ta hướng đến giá trị thiêng liêng. Đó là sự khác biệt rõ rệt cần phải lưu ý.

Vai trò của chuyên gia rất quan trọng

PV: Như vậy, lúc này vai trò của học giả, những nhà nghiên cứu rất quan trọng, phải tư vấn cho nhà làm chính sách biết sàng lọc những truyền thống nào cần giữ và bản sắc nào không cần phục hưng chứ thưa ông?

NNCVH Huỳnh Ngọc Trảng: Đúng vậy, nhưng tiếc là có nhiều người trong học giới lại đi cổ súy những bản sắc đã quá lạc hậu không nên tồn tại trong xã hội này. Như hiện tượng đồng bóng trong đạo Mẫu từ đầu thế kỷ XX đã bị phê phán là mê tín dị đoan. Chính nhà thơ Trần Tế Xương đã viết: “Chị em thỏ thẻ đêm thanh vắng/Không sướng gì hơn lúc thượng đồng”. Tức từ thời Trần Tế Xương đã phê phán rồi. Trước đó các nhà nước phong kiến đều bài trừ, từ thời Lý Thường Kiệt đã phê phán dữ dội rồi, đến triều Nguyễn, Gia Long lên ngôi cũng luôn bài trừ đồng bóng. Đây là tín ngưỡng thuộc sa man giáo có từ thời cổ đại, cầu những thế lực thần linh nhập đồng nhập cốt. Đến thời thực dân Pháp cai trị nước ta cũng bài trừ, thời kỳ này, trong các dòng văn học phê phán đã phê phán hiện tượng này rất gay gắt. Nhóm Tự lực văn đoàn đã làm cuộc cách mạng văn hóa lớn, phê phán chuyện đồng bóng, tàn nhang nước thải... Nhưng đến giai đoạn đổi mới, với chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì đồng bóng từ lễ hội Phủ Dầy… được phục hưng một cách dữ dội. Riêng thủ đô Hà Nội có trên 1.000 cơ sở lên đồng.

Đi chùa cầu an, cầu tài, cầu lộc là nhu cầu của nhiều người dân

Họ nhân danh văn hóa truyền thống mà có biết bao nhiêu hội thảo về hầu đồng được tổ chức, Lễ hội Phủ Dầy được phục dựng thành di tích. Cái sai này là thay vì nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu để chọn lọc mà kế thừa lại tự mình trở thành tín đồ của truyền thống. Dù rằng, giá trị truyền thống có cái tốt nhưng có những cái cản trở sự phát triển và nếu chúng ta làm tín đồ của truyền thống thì coi như thất bại rồi. Nếu nhìn dưới con mắt nhà văn hóa, phải biết cái gì tiến bộ - cái gì lạc hậu; cái gì nguy hiểm - cái gì lợi ích để chọn lọc.

PV: Hiện nay đang có hai xu hướng, một là bảo tồn nguyên bản những giá trị văn hóa truyền thống, hai là giao lưu tiếp biến văn hóa một cách có chọn lọc phù hợp quy luật phát triển của xã hội? Còn quan điểm của ông?

NNCVH Huỳnh Ngọc Trảng: Chúng ta phải biết rằng, văn hóa có hai đặc điểm cơ bản, một là học tập được và hai là luôn thay đổi chứ văn hóa không di truyền như sinh học, bất biến. Ở nước ta, theo nghiên cứu địa lý lịch sử, từ phía Bắc Đèo Ngang trở ra thì bị Hán hóa, từ Nam Đèo Ngang trở vào thì bị Ấn hóa. Hai vùng đất chịu hai dấu ấn của hai nền văn hóa lớn. Ngay từ thời cổ đại, truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ cho thấy, Lạc Long Quân thờ tô tem rắn kết hôn với Âu Cơ thờ tô tem chim. Hai bộ lạc thờ hai con vật, biểu tượng văn hóa khác nhau, họ liên minh bộ tộc để tồn tại. Kể từ đó, văn hóa Việt Nam đã là giao lưu văn hóa rồi. Do đó, quy luật vận động của văn hóa Việt Nam được hình thành theo không gian từ miền núi xuống đồng bằng và theo thời gian là từ Bắc vào Nam. Mỗi tọa độ địa lý - lịch sử thì văn hóa Việt Nam tổng hợp giữa cái mới và cái cũ, tích hợp giữa nội sinh và ngoại sinh. Các quốc gia trên thế giới đều thế chứ không riêng gì Việt Nam. Không có một cục bản sắc vẫn giữ nguyên vẹn từ xưa đến nay.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thiên Thanh (thực hiện)

Hãy lên tiếng!

Nhà nghiên cứu, nhà phê bình Nguyễn Quân: Cần đẩy mạnh ba kênh luật lệ - tuyên giáo - tâm linh

Trước tình hình thói giả dối, tham lam, hung hãn, vô cảm… lên ngôi, mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, coi thường pháp luật thì các phát biểu dạy dỗ của dăm “trí giả văn hóa” trên tivi, báo, đài, mạng cùng vô số các hội thảo khoa học được tổ chức cũng không giải quyết được vấn đề gì. Vài “học giả” ham phản biện không thể đưa ra chìa khóa giải quyết các vấn đề ngập lụt toàn xã hội. Như vậy giáo dục từ phổ thông lên đại học và giáo dục lại lớp trí thức trung lưu và nhà giàu mới là việc lâu dài phải làm ngay. Bộ Giáo dục & Đào tạo, Công đoàn, các hội Doanh nhân, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… phải dấy lên phong trào bài trừ hủ tục, mê tín dị doan, tẩy chay các hoạt động buôn thần bán thánh ở các trường học, các địa phương, di tích, cơ quan, doanh nghiệp… của mình. Chúng ta từng rất thành công trong việc này thậm chí còn quá tả sao giờ đây lại không cân bằng lại tình trạng quá hữu này?

Cụ thể với người dân và “tệ nạn lễ hội” ta có Ban Tuyên giáo và văn - thể - du, có các tôn giáo với tăng đoàn hùng hậu, các ban trụ trì nơi thờ tự, lễ hội, di tích… cớ sao không dân vận được, không ngăn chặn được? Cần đẩy mạnh ba kênh luật lệ - tuyên giáo - tâm linh. Thí dụ việc chém “Ông Ỉn” nếu trưng cầu ý  dân, vận động chi bộ, chi đoàn, hội phụ nữ, phụ lão, cựu chiến binh… của làng, bàn thảo với toàn dân làng đó nên bỏ đi chắc  50% sẽ đồng ý ngay, ta sẽ thuyết phục tiếp vài năm nữa. Chính quyền không thể cấm nhưng có thể quy định nếu năm nay cứ  chém thì chỉ trong nội bộ không quảng bá ra ngoài làng, không phát tán hình ảnh trên truyền thông và trên mạng. Nếu lễ phát ấn không có các “quan đầu tỉnh” chủ trì, không bán ấn, doanh nghiệp không ăn theo các dịch vụ buôn thần bán thánh, công an có nghiệp vụ quản lý đám đông tốt thì tình hình sẽ cải thiện. Nếu các cấp Đảng, chính quyền và đoàn thể ở Nam Định và đền Trần tổ chức tuyên truyền rồi trưng cầu dân ý, ban tổ chức thông báo giải thích rõ ràng ý nghĩa và gửi ấn qua mạng tặng cho ai thích cướp… thì sao? Công an ngăn gài tiền lẻ vào tượng Phật thì không được nhưng nếu giáo hội đứng ra kêu gọi, tăng ni canh cấm, giải thích tại chỗ thì vài lần tình hình sẽ khác. Tóm lại, học giới, trí thức, trung lưu, nhà giàu phải tự giáo dục lại mình. Ba kênh chính quyền - tuyên giáo - tôn giáo tâm linh cùng  đồng lòng bỏ hành chính hóa và bỏ kinh doanh hóa lễ hội chắc chắn dân lành/nghèo sẽ theo!

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh Lợi: Tiếng nói của nhà nghiên cứu văn hóa còn bị xem nhẹ

Văn hóa góp phần vào việc phát triển xã hội, do vậy vai trò của giới nghiên cứu văn hóa rất quan trọng trong việc nhận diện hiện trạng văn hóa cũng như dự báo các xu hướng của văn hóa, chỉ ra các quy luật phát triển của nó. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, các nhà nghiên cứu văn hóa lý giải, đánh giá chúng theo nhãn quan của nhà khoa học, từ đó đưa ra những phương cách quản lý xã hội tốt nhất trong lĩnh vực này.

Thực tế ở nước ta, tiếng nói của các nhà nghiên cứu văn hóa còn bị xem nhẹ, ít được chú trọng, đôi lúc rơi vào “thinh không”. Các hiện tượng văn hóa thường được nhìn nhận theo nhiều góc độ xã hội khác nhau. Nhà quản lý văn hóa thì tỏ ra lúng túng trước nhiều bài toán chưa có lời giải đáp. Như trước sự phát triển tràn lan, biến tướng, tiêu cực, phản cảm trong lễ hội… đã có những luồng ý kiến trái chiều từ phía nhà quản lý và nhà nghiên cứu: “Vai trò quản lý của Nhà nước trong lễ hội” hay “trả lễ hội về cho người dân tự tổ chức, quản lý”...

Trong tình hình đó thì vai trò của nhà nghiên cứu văn hóa càng cần thiết hơn lúc nào hết, phải chỉ ra được bản chất của những hiện tượng văn hóa đó, như nguồn gốc, ý nghĩa, giá trị, những nét đẹp của lễ hội truyền thống và những yếu tố lạc hậu, lỗi thời cần phải loại bỏ trong một xã hội hiện đại. Những nghiên cứu của họ sẽ giúp cho các nhà quản lý thể hiện tốt vai trò của mình, giúp người dân ứng xử phù hợp với văn hóa. Một xã hội phát triển lành mạnh không thể thiếu được vai trò của trí thức và đóng góp của họ cần được xã hội trân trọng.

Thiên Thanh (ghi)